Đại tướng Văn Tiến Dũng - vị Tư lệnh chiến dịch
Theo quyết định của Bộ Chính trị, ngày 5/2, Anh Văn Tiến Dũng lên đường vào Tây Nguyên, đại diện cho Bộ thống soái tối cao trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch.
Khi Anh Dũng vào đến mặt trận, các đồng chí tại chỗ đã bố trí Sư đoàn 10 từ trước quanh Đức Lập nhằm tiêu diệt địch và giải phóng đường số 14, mở thông hành lang chiến lược vào Nam Bộ. Điều động quân trở lại vừa mất thời gian vừa khó giữ bí mật, cho nên Anh Dũng quyết định cứ đánh Đức Lập trước rồi đánh tiếp Buôn Ma Thuột ngày hôm sau; giải phóng xong Đức Lập rồi, Sư đoàn 10 nhanh chóng chuyển thành dự bị chiến dịch, chốt ở đông bắc Buôn Ma Thuột sẵn sàng tiêu diệt địch phản kích.
Anh Dũng thực hiện lời dặn của Anh Ba "suy nghĩ nhiều ắt có cách đánh đúng". Anh có những quy định rất nghiêm về giữ bí mật, luôn nhắc cấp dưới kiểm tra việc chấp hành, tăng cường hoạt động nghi binh dắt dẫn địch đi từ sai lầm này đến sai lầm khác: tập trung đối phó phía bắc Tây Nguyên, sơ hở phía Buôn Ma Thuột.
Ngày 25/3, Bộ Chính trị điện cho Anh Dũng: "Đã quyết định tập trung 3 sư đoàn chủ lực và binh khí kỹ thuật lấy ở đường số 7 và đường số 21 về địa bàn Buôn Ma Thuột, nhanh chóng chấn chỉnh, sẵn sàng cơ động chuẩn bị đánh, giải phóng Sài Gòn; nhanh chóng gấp rút triển khai mọi công tác để trong vòng một tháng có thể thực hiện được phương án nói trên". Anh Dũng điện báo cáo Bộ Chính trị: "Để bộ đội không bỏ lỡ thời cơ, nên cho truy kích địch, nhằm tiêu diệt và làm tan rã quân địch nhiều nhất; tiêu diệt nốt quân địch ở Quân khu 2 sẽ tạo điều kiện cho bước hoạt động sắp tới của ta, bước có tính chất quyết định đối với chiến tranh là giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Chúng tôi đã tính toán kỹ thời gian hoàn thành nhiệm vụ phát triển, thời gian cơ động bộ đội, vận chuyển hậu cần, chuẩn bị chiến trường, và thời tiết mùa khô còn lại, để Sư đoàn 320 giải phóng Phú Yên, Sư đoàn 10 đánh chiếm xong Cam Ranh mà vẫn không trở ngại cho việc thực hiện đúng thời hạn nhiệm vụ hành quân vào Nam Bộ".
Anh Văn đã bàn với Anh Sáu Thọ và xin ý kiến Anh Ba. Anh Dũng điện cho Anh Văn: "Đêm qua tôi không ngủ được... nay nhận điện của anh tôi mừng quá, thật tâm đầu ý hợp của lãnh đạo và người ở chiến trường".
Cuối tháng 3/1975, đồng chí Lê Đức Thọ từ miền bắc vào miền nam cùng các đồng chí Phạm Hùng, Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ Chính trị, trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Sau giải phóng Tây Nguyên, Anh Dũng bắt đầu suy nghĩ cách đánh vào Sài Gòn như thế nào cho nhanh, chắc thắng mà thành phố ít bị tàn phá nhất, mấy triệu đồng bào được giải phóng mà ít bị thiệt hại về tính mạng và tài sản. Ngày 31/3, điện hỏa tốc của Anh Ba chỉ thị: "Cần tranh thủ thời gian hành động khẩn trương. Vì vậy Anh Tuấn (Văn Tiến Dũng) nên vào Nam Bộ sớm, gặp Anh Bảy Cường (Phạm Hùng) họp ngay. Anh Sáu (Lê Đức Thọ) vào luôn trong đó để họp". Anh Dũng lên đường vào Nam Bộ trưa 2/4. Ngày 7/4, Anh Dũng họp với Trung ương Cục và Quân ủy Miền. Anh Sáu Thọ cũng vừa vào đến nơi, phổ biến quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định: Anh Dũng làm Tư lệnh; anh Phạm Hùng, Chính ủy; Anh Thọ, cố vấn. Ngày 14/4/1975, Anh Ba ký tên bức điện: "Đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh".
Chiến dịch Hồ Chí Minh, địch không còn bất ngờ về địa điểm, về thời gian. Ta tạo bất ngờ bằng lực lượng áp đảo, bằng cách đánh rất táo bạo. Ta cắt đường số 1, cắt đường 15 sông Lòng Tàu, cắt kênh chở gạo đường số 4 huyết mạch từ Sài Gòn chạy về đồng bằng sông Cửu Long, cô lập Sài Gòn cả đường bộ, đường thủy, đường không. Thảo luận và quyết định kế hoạch đánh Sài Gòn là quá trình lao động trí óc căng thẳng của Bộ chỉ huy chiến dịch, vì thời gian còn quá ít, tình hình chuyển động nhanh quá, Bộ chỉ huy chiến dịch đã đi tới nhất trí về cách đánh của chiến dịch lịch sử: "Dùng một bộ phận lực lượng thích hợp, trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch lại không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài; đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng của ta nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các sư đoàn đột kích cơ giới hóa mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào năm mục tiêu đã được chọn lựa trong nội thành: Bộ Tổng tham mưu ngụy, Dinh Độc Lập, biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất. Các lực lượng đặc công, các đội biệt động, các lực lượng an ninh vũ trang và tự vệ thành phố, các lực lượng chính trị của quần chúng ở Sài Gòn - Gia Định sẽ đánh chiếm trước các cầu qua sông, làm bàn đạp cho bộ đội chủ lực tiến quân, dẫn đường cho các đơn vị, trừ gian và phát động quần chúng nổi dậy". Bộ chỉ huy chiến dịch cũng xây dựng một kế hoạch nổi dậy của quần chúng để phối hợp chặt chẽ với tiến công quân sự.
Lực lượng chủ lực tiến công hình thành năm cánh, mỗi cánh tương đương một quân đoàn, do những tướng lĩnh có tài chỉ huy. Cánh quân phía Đông gồm hai quân đoàn do Anh Lê Trọng Tấn chỉ huy. Cánh quân phía tây-nam Sài Gòn, tức là Đoàn 232 do Anh Lê Đức Anh chỉ huy.
Hai ngày đêm đầu của chiến dịch (27 và 28/4/1975) các cánh quân ta thực hiện đúng kế hoạch, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích vào nội thành trên toàn mặt trận vào sáng ngày 29 tháng tư. Pháo tầm xa đặt ở Nhơn Trạch bắn hơn 300 viên xuống sân bay Tân Sơn Nhất làm rung chuyển cả đường phố Sài Gòn; các binh đoàn thọc sâu chiếm 5 mục tiêu quy định. Cuộc di tản của Mỹ bằng máy bay lên thẳng trên sân thượng các nhà cao tầng rất hỗn loạn. Ma-tin, đại sứ Mỹ rời sứ quán ra biển đông, đánh dấu thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ sau 30 năm can thiệp xâm lược; tổng thống ngụy đầu hàng vô điều kiện. Nhân dân thành phố nổi dậy sau khi tiến công quân sự đi bước trước: nhân dân góp phần làm tan rã một số lớn binh sĩ địch, lùng bắt nhiều tên lẩn trốn, giữ gìn trật tự an ninh ngoài đường phố, bảo vệ các nhà máy. Quân khu 8, Quân khu 9 đồng loạt tiến công và nổi dậy, đánh đổ hoàn toàn ngụy quyền từ cấp tỉnh đến xã, giải phóng đồng bằng Nam Bộ và các đảo một cách thần tốc.
Nội dung: Thiếu tướng Võ Quang Hồ
Bài đã đăng trên Báo Nhân Dân ngày 30/04/2005
Trình bày: NGỌC BÍCH
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN