Lần đầu tiên, Festival "100 năm dừa sáp Trà Vinh" gắn với lễ Vu lan Thắng hội tại huyện Cầu Kè đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Sự kiện đã giới thiệu, quảng bá đặc sản dừa sáp Trà Vinh, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Dừa sáp Trà Vinh vươn xa
Sản phẩm “Dừa sáp sợi - Vicosap” của Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè được Trung ương công nhận đạt hạng OCOP 5 sao; được Hiệp hội dừa Việt Nam công nhận là cây dừa Việt Nam cùng với giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Dừa sáp Trà Vinh sẽ góp phần phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng dừa của tỉnh Trà Vinh.
Festival "100 năm dừa sáp Trà Vinh" diễn ra từ ngày 25/8 đến 31/8/2024 tại huyện Cầu Kè, thu hút sự tham gia của hơn 350 đại biểu và hàng chục nghìn du khách từ khắp nơi.
Lễ khai mạc được tổ chức hoành tráng tại quảng trường huyện Cầu Kè với hoạt động sân khấu hóa tái hiện và tôn vinh vai trò của nông dân, doanh nghiệp gắn bó với cây dừa sáp cùng với khát vọng vươn xa góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Hình ảnh dừa sáp là biểu tượng của sự thịnh vượng và phát triển kinh tế của huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Festival "100 năm dừa sáp Trà Vinh"
Các hoạt động văn hóa, thương mại và du lịch tại Festival "100 năm dừa sáp Trà Vinh" gắn với lễ Vu lan Thắng hội đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân và du khách.
Với chủ đề "Hương vị miền đất phúc", lễ khai mạc Festival "100 năm dừa sáp Trà Vinh" thật sự ấn tượng, phản ánh được sự chuẩn bị công phu. Chương trình nghệ thuật đặc sắc được trình diễn tại lễ hội giúp cho khán giả hiểu rõ quá trình hình thành, phát triển và giá trị kinh tế của đặc sản dừa sáp Trà Vinh.
"Dừa sáp không chỉ là món quà thiên nhiên mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận", đại diện đội thi Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè, đơn vị đoạt giải nhất hội thi, chia sẻ như vậy.
Từ ngày 25/8 đến ngày 31/8, khu vực Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Cầu Kè càng trở nên nhộn nhịp khi hàng chục nghìn người đến đây tham quan, thưởng thức các món ăn ngon được chế biến từ trái dừa sáp, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm của huyện Cầu Kè.
Hội chợ thương mại gắn với lễ Vu lan Thắng hội đã thu hút 200 gian hàng của các doanh nghiệp đến từ tỉnh: Quảng Nam, Tây Ninh, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Trà Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh tham gia.
Trong đó, 150 gian hàng của 70 doanh nghiệp lĩnh vực sản phẩm thương mại; 50 gian hàng sản phẩm từ dừa sáp Trà Vinh, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngành hàng trưng bày chủ yếu gồm: hàng hóa nông sản, thủy sản, trái cây, quần áo, giày dép thời trang, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, phụ kiện, thức ăn, đồ uống và dịch vụ khác. Đặc biệt, những gian hàng trưng bày sản phẩm dừa sáp Trà Vinh và các món ăn chế biến từ dừa sáp thu hút rất nhiều khách tham quan và mua sắm.
Dừa sáp Trà Vinh - 100 năm hình thành và phát triển
Điểm nhấn của Festival lần này là hội thảo "Dừa sáp Trà Vinh - 100 năm hình thành và phát triển", các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận về tiềm năng phát triển của cây dừa sáp, không chỉ ở Trà Vinh mà còn ở các tỉnh lân cận. Hội thảo không chỉ giúp chia sẻ kiến thức mà còn đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất dừa sáp.
Tọa đàm "Du lịch Cầu Kè - Tiềm năng ven sông Hậu" do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh tổ chức đã mang lại nhiều thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp du lịch và các nhà quản lý. Qua các buổi thảo luận và khảo sát thực địa, những tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tại huyện Cầu Kè đã được gợi mở, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Hằng năm, cứ vào tháng 7 âm lịch, các hoạt động của lễ Vu lan Thắng hội diễn ra sôi nổi tại các điểm tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng người Hoa tại huyện Cầu Kè.
Theo ông Thạch Bồi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, ngày 27/8/2024, nhân dân huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh vô cùng hân hoan, phấn khởi khi tỉnh công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận lễ Vu lan Thắng hội là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của người dân Trà Vinh.
Lễ Vu lan Thắng hội là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Vu lan Thắng hội với các hoạt động tín ngưỡng thờ ông Bổn, vị thần bảo hộ của cộng đồng người Hoa tại Vạn Niên Phong Cung ở khóm 1, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè. Các nghi lễ thờ, cúng ông Bổn được thực hiện trang nghiêm thể hiện lòng thành kính của người dân đối với vị thần linh thiêng, đồng thời cầu mong sự bình an, may mắn và thịnh vượng cho cộng đồng.
Theo nhà nghiên cứu Trần Phong Quang, tác giả cuốn sách "Vu lan Thắng hội và hoạt động Shaman giáo ở chùa ông Bổn Cầu Kè", qua lễ hội này, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được giữ gìn và truyền lại cho các thế hệ mai sau, góp phần tạo nên một kho báu di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá cho vùng đất, con người Trà Vinh.
Festival "100 năm dừa sáp Trà Vinh" gắn với lễ Vu lan Thắng hội không chỉ giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia mà còn có tác động to lớn đến phát triển kinh tế cho tỉnh Trà Vinh. Doanh thu trong tuần lễ đạt hơn 41 tỷ đồng. Sự kiện này thu hút hơn 43.540 lượt khách tham quan tạo điều kiện thúc đẩy giao thương, kết nối cung cầu và quảng bá thương hiệu dừa sáp Trà Vinh trên toàn quốc và thế giới.
Sự kiện Festival "100 năm dừa sáp Trà Vinh" và lễ Vu lan Thắng hội năm 2024 tại huyện Cầu Kè đã gợi mở, giúp nông dân, doanh nghiệp đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp, hướng đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm dừa sáp Trà Vinh.