
Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn
Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, Biệt động Sài Gòn-Gia Định là lực lượng vũ trang đặc biệt tinh nhuệ, hoạt động chiến đấu giữa lòng thành phố Sài Gòn khi đó, ngay giữa trung tâm đầu não của địch. Ra đời từ nhân dân, bám dân, hòa mình vào đời sống người dân để xây dựng lực lượng, những chiến sĩ Biệt động quả cảm, mưu trí đã lập nên nhiều chiến công vang dội, làm lung lay ý chí của địch và góp phần không nhỏ trong sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
50 năm sau khi đất nước hoà bình, xây dựng và phát triển, giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, một số cơ sở hoạt động bí mật năm xưa của lực lượng Biệt động được phục dựng, nhiều tư liệu, hiện vật quý được sưu tầm và trưng bày, trở thành "địa chỉ đỏ" hấp dẫn du khách. Đó là quán cà-phê Đỗ Phủ-cơm tấm Đại Hàn – nơi từng là trạm giao nhận tài liệu mật; hầm vũ khí phục vụ cuộc Tổng tiến công ngay dưới nhà dân; quán phở Bình từng là Sở chỉ huy tiền phương phân khu 6 Đặc khu Sài Gòn-Gia Định, hay Bảo tàng Biệt động Sài Gòn với nhiều hình ảnh, tư liệu giá trị,…
Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn không chỉ là chuyến tham quan tìm hiểu về lịch sử, mà hơn thế, đó là hành trình về nguồn để biết ơn thế hệ cha anh, ngưỡng mộ lòng quả cảm, sự thông minh, mưu trí và đặc biệt là tinh thần sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc của các chiến sĩ Biệt động năm xưa.
Có một quán phở với không gian giản dị, lọt thỏm giữa chốn phố thị tấp nập, ngày ngày vẫn thu hút rất nhiều thực khách. Nơi đây từng là căn cứ quan trọng của một đơn vị Biệt động Sài Gòn, là nơi phát lệnh cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968.
Trải qua bao biến cố và thăng trầm lịch sử, quán phở Bình (số 7, Lý Chính Thắng, Quận 3) vẫn trụ ở Thành phố Hồ Chí Minh như một chứng nhân thầm lặng của lịch sử, là minh chứng cho tinh thần cách mạng gan vàng dạ sắt, và luôn mở cửa đón chào những ai muốn tới tìm hiểu về hoạt động của chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa.
"Đại bản doanh" Biệt động F100
Sở dĩ gọi quán phở là “đại bản doanh” vì đây từng là căn cứ của đơn vị F100 - một đơn vị thuộc Biệt động Sài Gòn, là nơi phát lệnh cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, cũng là Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6, Ðặc khu Sài Gòn-Gia Ðịnh.
Chủ quán phở Bình trước kia là ông Ngô Toại (tức Ngô Duy Ái). Ông Toại, bà Trần Thị My (vợ ông Toại), Ngô Thị Hiếu (con gái ông Toại), Ngô Kim Bạch (con rể ông Toại) đều tham gia hoạt động cách mạng.
Hiện nay, bất cứ thực khách nào khi đến với quán phở Bình, chỉ cần ngỏ ý muốn nghe kể câu chuyện về các hoạt động liên quan Biệt động Sài Gòn đã từng diễn ra tại căn nhà này, ông Ngô Văn Lập - con trai ông Ngô Toại lập tức có mặt và chia sẻ câu chuyện năm xưa.
...
Khi ấy, ông Lập vẫn còn là cậu bé 12-13 tuổi, được giao nhiệm vụ làm giao liên và canh gác cho các chú các anh...
Trong trí nhớ của ông Lập, quán nằm ở ngay trung tâm khu dân cư, rộng rãi thoáng mát, khách tới ăn tương đối đông đúc, nên đơn vị Biệt động ngụy trang làm cơ sở liên lạc, tiếp nhận tài liệu. Ba chiến sĩ trong đội Biệt động cũng được bố trí trong vai người giúp việc tại quán phở để nhận ám hiệu đưa đón cán bộ và giao nhận tài liệu. Từ năm 1967, đã có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đến trú tại quán phở Bình, nhiều cuộc hội họp cũng đã diễn ra tại đây.
“Có lẽ, nơi đây được chọn là "đại bản doanh" vì căn nhà nằm ở vị trí thuận lợi, khách ăn phở qua lại đông đúc, chung quanh lại là nơi cư trú của người Philippines, Mỹ và cả sĩ quan Mỹ, nên thông thường công an, mật vụ, cảnh sát Sài Gòn khi ấy chủ quan và bỏ qua không kiểm soát chặt", ông Lập chia sẻ.
Cũng chính bởi vị trí và điều kiện thuận lợi này của căn nhà, Sở chỉ huy tiền phương - Phân khu 6 (Đặc khu Sài Gòn-Gia Định) đã quyết định dùng quán phở Bình làm trụ sở tập kết các chiến sĩ, cán bộ để truyền đạt mệnh lệnh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Có lúc trong gian phòng này chứa gần 100 chiến sĩ Biệt động. Họ nằm, ngồi la liệt dưới sàn nhà để chờ lệnh tấn công.
Ông Ngô Văn Lập
Đó là thời điểm cuối tháng 1/1968, đơn vị F100 nhận được lệnh sẽ thực hiện cuộc tấn công trong 3 ngày tới. Ông Bạch (anh rể ông Lập) và bố ông lấy lý do đón Tết đã đóng cửa quán phở để thực hiện nhiệm vụ dự trữ thực phẩm, thuốc men và đón các chiến sĩ Biệt động tới trú ngụ. Trong vòng 3 ngày, hơn 100 Biệt động Sài Gòn đã tập kết đến đây.
Chỉ tay xuống sàn nhà với những ô gạch vuông hai màu trắng đỏ đan xen, ông Lập như đang mường tượng lại quang cảnh của gần 60 năm về trước: "Có lúc trong gian phòng này chứa gần 100 chiến sĩ Biệt động. Họ nằm, ngồi la liệt dưới sàn nhà để chờ lệnh tấn công".
Gian phòng này có lúc chứa gần 100 chiến sĩ Biệt động.
Gian phòng này có lúc chứa gần 100 chiến sĩ Biệt động.
Ông chia sẻ thêm: "Lúc đó, ai cũng vô cùng căng thẳng. Cô tưởng tượng xem, cả trăm chiến sĩ đang ăn ở trong 1 căn nhà. Nếu lỡ mà bị phát hiện thì chỉ có chết", ông rùng mình, cái cảm giác ớn lạnh sau gáy của cậu thanh niên thực hiện nhiệm vụ cảnh giới tầng 1 thuở nào, thoáng chốc dội lại.
Và rồi, hai phát pháo sáng được bắn trên nóc căn nhà chính là hiệu lệnh cho đợt tấn công. Các chiến sĩ Biệt động đã giáng một đòn choáng váng vào Đại sứ quán Mỹ và đầu não của chính quyền Sài Gòn sau đó.
Nơi thấm máu bao đồng đội của cha
Choáng váng vì đòn đánh này, quân đội Mỹ cùng chính quyền miền nam Việt Nam tìm cách trả đũa. Truy vết hai phát pháo sáng trên nóc căn nhà, binh lính Việt Nam Cộng hòa đã ập vào quán phở và bắt giữ 13 người, trong đó có vợ chồng ông Toại, vợ chồng ông Bạch...
Mỗi khi ngước mắt nhìn lên bức di ảnh của cha, của chị, của các chiến sĩ Biệt động khi xưa đang được treo trang trọng trên tường, ký ức đau thương về những đòn thù dã man của địch tại chính ngôi nhà này lại ập về trước mắt ông Lập. Đôi mắt vốn đã nhăn nheo bởi tuổi tác, hằn sâu những căm phẫn, sợ hãi thuở nào bỗng trở nên hoen đỏ.
Ông kể, khoảng 8 giờ sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, sau khi đồng chí Chính ủy phân khu 6 (PK6) Võ Văn Thạnh đọc mệnh lệnh rút quân, 2 cán bộ thường trực của Sở chỉ huy tiền phương được lệnh lên sân thượng bắn pháo sáng làm hiệu lệnh. 7 cán bộ giao liên được lệnh ở lại để dẫn đường cho anh em sau khi hoàn thành nhiệm vụ tấn công vào các mục tiêu và quay về.
Chẳng ngờ chỉ vài phút sau, lính Việt Nam Cộng hòa đã vây kín đường Yên Đỗ và ập vào quán phở bằng nhiều lối khác nhau. Qua máy bộ đàm của bọn biệt kích, ông Lập nghe có lệnh nói rất to: “Ai có tên trong Sổ gia đình thì bắt lên Tổng nha. Ai không có thì bắn tại chỗ”.
Chúng tràn lên các tầng, bắt mọi người nằm úp mặt xuống sàn nhà, rồi chia nhau lục soát khắp ngõ ngách.
Ông Lập nhớ lại: “Coi như hôm đó chú Sự, chú Xích (hai chiến sĩ bắn pháo sáng ra hiệu lệnh - PV) bị chúng bắn tại chỗ, còn lại có tổng 13 người bị chúng bắt, trong đó có cha tôi, anh Bạch,…”. Nói tới đây, một lần nữa, ông chỉ tay lên những tấm ảnh trên tường và đọc vanh vách tên từng người bị bắt, bị giết hại ngày hôm đó,... rồi ông dừng lại rất lâu để nhìn họ như thể nỗi đau đến giờ vẫn chẳng thể nguôi ngoai.
Nhớ lại giây phút đồng đội của cha bị giết hại, người thân bị giải đi, ông Lập bất giác đưa bàn tay nhăn nheo lên xoa mặt, ánh mắt trong phút chốc cũng trở nên bất định. Sau một cái hít hơi thật sâu, ông khẽ lắc đầu, thở dài rồi bộc bạch: "Ám ảnh cả đời! Cây súng chúng giết đồng đội của cha, giờ lại dí lên đầu tôi,... May còn nhỏ, tôi không bị bắt. Nhưng khoảnh khắc đó không bao giờ quên được...".
Ám ảnh cả đời. Cây súng chúng giết đồng đội của cha, giờ dí lên đầu tôi,... Tôi không thể nào quên khoảnh khắc đó...
Ông Ngô Văn Lập
Để truy cùng bắt tận, chúng cắt cử một tốp lính ở lại đón bắt cán bộ chiến sĩ của ta từ các trận địa quay trở về. Chúng đóng cửa quán phở, án binh bất động bên trong, rồi bắt ông Lập ra mở cửa bất kỳ khi nào có người đến và lập tức "tặng" cho họ một trận mưa đòn. Theo trí nhớ của ông Lập, hàng chục chiến sĩ khác đã bị bắt và đánh đập dã man như vậy ngay tại quán phở Bình. Vợ và con gái ông Toại cùng một số người làm chờ tin chồng lâu quá liền sang quán Phở Bình và cũng lần lượt bị chúng bắt.
"Chúng bắt tôi quỳ ở góc tường, không cho đi đâu hay làm gì. Kể cả đi vệ sinh cũng cho người giám sát tôi. Khi có người đến, chúng bắt tôi ra mở cửa như thể căn nhà vẫn an toàn, và chỉ chờ đồng đội của cha tôi vào là chúng thi nhau đánh họ. Nhìn các chú các cô bị đánh đập dã man, máu chảy khắp người, xuống cả sàn nhà, mà đau xót vô cùng, nhưng tôi không dám và cũng chẳng thể làm gì khác", ông kể lại trong sự bất lực.
"Nhìn các chú các cô bị đánh đập dã man, máu chảy khắp người, xuống cả sàn nhà, mà đau xót vô cùng".
Ông Ngô Văn Lập

Đau xót vì nhìn lần lượt từng cô chú bị chúng tóm gọn, có lần, cậu thanh niên Ngô Văn Lập lấy hết can đảm, nháy mắt ra ám hiệu để họ kịp chạy thoát nhưng thất bại. Sự liều lĩnh đó phải trả giá bằng trận đòn nhừ tử. Nhưng Lập chưa thôi nung nấu ý định phải cứu bằng được những cô, chú khác.
Tối hôm đó, Lập xin đi tắm giặt rồi bước ra lan can tầng 2 phơi bộ đồ ướt. Khi bị địch quát đi vào, Lập nhanh trí ném bộ đồ lên lan can và một chiếc vướng vào cán treo cờ. "Chúng đâu biết bộ đồ phơi là ám hiệu “báo động” để các chú, các anh thấy mà đi luôn, không ghé vào quán. Quả nhiên, từ đấy trở đi không có ai bị bắt nữa", ông Lập kể, ánh mắt lóe lên niềm vui như chàng thanh niên thuở nào lập được chiến tích.
|
|
Ông Lập vẫn giữ những trang báo nói về sự kiện bố ông bị kết án năm xưa. |
Sau một thời gian, chúng không bắt được thêm ai nữa thì rút quân. Quán phở từ đó cũng bị niêm phong. Thời điểm đó, do gia đình có tiền lo lót cho cảnh sát, nên ông Toại thoát được án tử hình và chỉ bị lưu đày khổ sai 20 năm. Ông Ngô Toại bị đày ra Côn Đảo đến năm 1973, sau Hiệp định Paris mới được trả tự do.




Nơi thưởng thức bát phở mang hương vị của hòa bình
"Quán có tên là phở Bình có lẽ vì cha mẹ tôi luôn mong mỏi đến ngày hòa bình", ông Lập lý giải như vậy khi được hỏi về nguồn gốc cái tên của quán phở.
Hòa bình lập lại, cả nhà ông Toại trở lại căn nhà cũ, tiếp tục công việc bán phở gia truyền.
Năm 1994, khi ông Ngô Toại mất đi, quán phở Bình được giao lại cho ông Lập cùng hai người con dâu buôn bán. Còn ông Bạch “cai quản” ngôi nhà ở số 150 Võ Thị Sáu (quận 3), cũng là một tiệm phở “cơ sở” của lực lượng Biệt động F100 năm xưa. Đến năm 1988, dù quán phở Bình đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng căn nhà số 7 Lý Chính Thắng vẫn là một quán phở bình thường.
Quán phở Bình ngày nay.
Quán phở Bình ngày nay.
Nằm trên con phố luôn tấp nập người qua lại, quán phở Bình không gây chú ý bởi phong cách trang trí mới lại, hay sang trọng, mà bởi tấm biển có một không hai ngay trên mặt tiền. Tấm biển được làm bằng xi-măng, với hai màu đỏ-vàng chủ đạo, ngoài tên quán là Phở Bình, biển gắn hình ngôi sao 5 cánh cùng lời chú thích: "Nơi đây, nhà số 7 Lý Chính Thắng (Yên Đổ cũ), từ năm 1963 đã trở thành địa điểm liên lạc và nuôi dấu cán bộ Biệt động Thành F100. Vào 20 giờ ngày mồng một Tết Mậu Thân 1968, tại lầu 2 nhà này, Bộ Tư lệnh tiền phương đã đọc mệnh lệnh Tổng tiến công và nổi dậy ở Thành phố".
Tấm biển đặc biệt cùng mùi thơm ngọt ngậy của bát phở nóng hổi chính là lời mời gọi không thể cưỡng lại với bất kỳ du khách nào ngang bước qua nơi này.
Hiện nay, mỗi năm nhiều đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế, các Hội cựu chiến binh, các đoàn thanh niên,... đều đến đây tham quan và tìm hiểu về truyền thống cách mạng, cũng như những công lao mà thế hệ cha ông đã hy sinh và đánh đổi để có được hòa bình.
Quán phở không chỉ đơn thuần là kế sinh nhai, mà còn là một mảnh ghép không thể thiếu khi ông Lập nhắc tới lịch sử đầy tự hào của gia đình mình.
Đối với ông Lập, quán phở không chỉ đơn thuần là kế sinh nhai, mà còn là một mảnh ghép không thể thiếu khi ông nhắc tới lịch sử đầy tự hào của gia đình mình, của những chiến sĩ Biệt động năm xưa. Bởi vậy, quyết định mưu sinh tại một địa chỉ lịch sử, nơi thấm máu bao đồng đội của cha đã can trường ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc, điều đầu tiên ông luôn tự hào giới thiệu tới khách tham quan, đó là: “Ở tầng trệt này ngày xưa là quán phở Bình nổi tiếng của cha tôi. Chúng tôi gần như vẫn giữ nguyên hiện trạng và cũng theo nghề buôn bán mưu sinh".
Với mong muốn nơi lưu giữ những bức ảnh, trang báo, những kỷ vật đánh dấu một thời sục sôi, gian khổ của những huyền thoại mang tên "Biệt động Sài Gòn", dù không gian sinh hoạt của gia đình đang ngày một chật chội, nhiều khu vực trong nhà đã phải cải tạo để đáp ứng nhu cầu thực tại, nhưng gia đình ông vẫn quyết dành hẳn tầng 2 làm khu trưng bày.
Tại đó, khách tham quan có thể xem hình ảnh của các lãnh đạo Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6, các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn và kính cẩn thắp cho họ nén tâm hương. Toàn bộ tủ, bàn ghế, bàn thờ tại đây đều là những hiện vật mà các chiến sĩ sử dụng năm xưa, được trưng bày để du khách hiểu thêm về sự ác liệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn cũng như những hy sinh, mất mát của các chiến sĩ Biệt động.
Nhiều trường học đã chọn nơi đây là địa điểm kết nạp Đảng cho học sinh, sinh viên như một cách để nhắc nhở và khẳng định truyền thống cách mạng của dân tộc.
Nhiều trường học đã chọn nơi đây là địa điểm kết nạp Đảng cho học sinh, sinh viên như một cách để nhắc nhở và khẳng định truyền thống cách mạng của dân tộc.
Ông Lập cho biết, gia đình ông đã đề nghị được đổi sang sinh sống tại căn nhà số 9 bên cạnh, để dành toàn bộ nhà số 7 cho mục đích bảo tồn di tích và được Chính quyền chấp thuận.
Mong rằng quán phở Bình vẫn có thể ở lại địa chỉ số 7 như một phần của di tích, của lịch sử. Để những thực khách tới đây có cơ hội được nghe, được cảm câu chuyện rất thật về tinh thần cách mạng "gan vàng dạ sắt" một thời khói lửa và sau đó, được tận hưởng bát phở nóng hổi mang hương vị của thời bình.
Ngày xuất bản: 4/2025
Tổ chức thực hiện: Hồng Minh - Hồng Vân
Thực hiện: Nhóm phóng viên
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: Thành Đạt
