

Đại tá Phạm Hùng Quyết.
Đại tá Phạm Hùng Quyết.
Bài học về tổ chức hành quân, cơ động của đại đoàn 304 trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ
--------
Đại tá Phạm Hùng Quyết

Trước những thay đổi trong cục diện chiến tranh ở Đông Dương và trên cơ sở đánh giá đúng tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, tháng 9/1953, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng, trong Đông Xuân 1953-1954, Bộ Tổng Tư lệnh sử dụng các đơn vị chủ lực phối hợp mở ba cuộc tiến công lớn nhằm tiêu diệt quân địch còn chiếm đóng Lai Châu, giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc, phối hợp cùng Quân đội Pathét Lào giải phóng Phôngxalỳ.
Trong các cuộc tiến công đó, Đại đoàn 304 được giao nhiệm vụ trên hai hướng: Hướng thứ nhất, Trung đoàn 66 cơ động toàn bộ lực lượng từ Thọ Xuân, Thanh Hóa sang làm nhiệm vụ ở mặt trận Trung Lào; Hướng thứ hai, Trung đoàn 57 và Trung đoàn 9 cơ động lực lượng từ Thọ Xuân, Thanh Hóa ra giấu quân ở Sơn Nhiễu, Kiều Thôn, tỉnh Phú Thọ (khu vực huyện Hạ Hòa và thị xã Phú Thọ hiện nay); cùng bộ đội chủ lực và dân quân du kích địa phương Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên sẵn sàng tiêu diệt địch nếu chúng đánh ra, bảo đảm an toàn hậu phương của mặt trận chính, bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc, sẵn sàng tiến lên Điện Biên Phủ [1].
Ngày 20/11/1953, Đại đoàn 304 được lệnh lên đường tham gia chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Từ Thọ Xuân (Thanh Hóa), Đại đoàn hành quân, cơ động trên hai hướng thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tổng Tư lệnh giao. Công tác cơ động lực lượng của Đại đoàn mặc dù thực hiện trên địa bàn vùng tự do, được sự phối hợp của lực lượng vũ trang các địa phương và hỗ trợ của dân công cùng các đơn vị bạn nhưng vẫn đứng trước những thách thức vô cùng to lớn.
1 Công tác bảo đảm bí mật, an toàn cho đơn vị. Hành quân với lực lượng lớn, dài ngày, đường xa, công tác bảo mật, phòng gian trước hoạt động trinh sát, bắn phá của không quân địch, sự lùng sục của lực lượng phỉ và biệt kích địch. Việc ngụy trang người, vũ khí, trang bị, phương tiện, ngụy trang các tuyến giao thông và giữ bí mật nhiệm vụ cũng đặt ra yêu cầu hết sức nghiêm ngặt. Bên cạnh đó còn phải kịp thời phát hiện, vô hiệu hóa và tiêu diệt lực lượng biệt kích, thám báo và phỉ do địch cài cắm trên địa bàn đơn vị hành quân.
2 Bảo toàn sức chiến đấu cho bộ đội, sẵn sàng triển khai lực lượng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Bộ đội của ta có tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, chịu đựng được gian khổ nhưng thể trạng nhỏ, yếu; trang bị cá nhân thiếu thốn, thô sơ; phương tiện cơ giới vận chuyển vũ khí, trang bị hạng nặng thiếu thốn; đường hành quân chủ yếu ở địa hình rừng núi hiểm trở, chất lượng rất thấp, thậm chí còn phải vừa đi vừa khắc phục để đơn vị có thể hành quân; công tác bảo đảm về hậu cần, quân y cho hành quân gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đặt ra cho lãnh đạo, chỉ huy Đại đoàn yêu cầu cao và hết sức cụ thể, tỉ mỉ, khoa học trong việc chuẩn bị đường hành quân; xác định các cung, chặng hành quân cho phù hợp và cơ số vũ khí, trang bị mang theo cho từng đơn vị, chiến sĩ; biện pháp bảo đảm sức khỏe cho bộ đội trên đường hành quân…
3Khắc phục khó khăn, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho bộ đội. Trong quá trình hành quân, nguồn bảo đảm từ trên không ổn định; địa bàn hoạt động mới làm quen và sẵn sàng nhận và phải hoàn thành tốt các nhiệm vụ, đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tổng Tư lệnh. Do đó, bên cạnh yêu cầu phải sử dụng có hiệu quả nguồn cung cấp của trên, các đơn vị còn phải triệt để khai thác nguồn hậu cần tại chỗ, nhằm bảo đảm cho bộ đội hành quân đến vị trí tập kết đúng thời gian, an toàn về vũ khí, trang bị và sức chiến đấu của bộ đội.
4 Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các đơn vị bạn và lực lượng vũ trang địa phương. Đối với các đơn vị bạn và địa phương trong quá trình hành quân chủ yếu là địa bàn mới, Đại đoàn phải chủ động phối hợp, vừa tìm nguồn hỗ trợ đơn vị, vừa tạo thành thế trận liên hoàn, linh hoạt trên toàn mặt trận thực hiện thắng lợi ý định chiến đấu và quyết tâm của Bộ Tổng Tư lệnh.

Bộ đội hành quân lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Bộ đội hành quân lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
***
Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Tổng Quân ủy, Tổng Tư lệnh đến thăm Trung đoàn 57 đang đóng quân ở Ca Đình, Thanh Ba, Phú Thọ. Sau khi phân tích tình hình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh cho Đại đoàn điều Trung đoàn 57 cấp tốc hành quân lên Điện Biên Phủ tham gia chiến đấu [2].
Chấp hành mệnh lệnh của đồng chí Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Đại đoàn đã nhanh chóng tổ chức cho Trung đoàn 57 hành quân gấp để kịp thời gian tham gia chiến đấu. Ngày 6/1/1954, Trung đoàn 57 và một số đơn vị trực thuộc của Đại đoàn xuất phát hành quân, vượt qua sông Hồng ở Yên Bái, theo đường công binh và thanh niên xung phong mới mở qua Lũng Lô, Nghĩa Lộ, Cò Nòi, Sơn La lên Điện Biên. Ngày 8/2/1954, sau hơn một tháng hành quân, đội hình của đơn vị đã có mặt đầy đủ ở Điện Biên, nhanh chóng bắt tay vào chuẩn bị chiến đấu, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong khi Trung đoàn 57 và các đơn vị trực thuộc của Đại đoàn đang chiến đấu quyết liệt tại Điện Biên Phủ, thì Trung đoàn 9 làm lực lượng dự bị ở Phú Thọ đã được Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tư lệnh Đại đoàn giao nhiệm vụ hành quân cấp tốc lên Sơn La tiễu phỉ. Ngày 17/3/1954, Trung đoàn đã có mặt tại khu vực tác chiến. Sau khi tiêu diệt phỉ thắng lợi, không kịp nghỉ ngơi, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9 tiếp tục hành quân cấp tốc tới Điện Biên Phủ. Ngày 25/4/1954, Trung đoàn đã có mặt đầy đủ ở phía tây Hồng Cúm, kịp thời cùng Trung đoàn 57 của Đại đoàn hợp sức bao vây tiêu diệt toàn bộ cụm cứ điểm này, góp phần quan trọng kết thúc thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Như vậy, bằng ý chí và quyết tâm, với tinh thần hết sức tích cực, khẩn trương, chủ động, sáng tạo, Đại đoàn 304 đã khắc phục những khó khăn về bảo đảm cơ động, hậu cần, kỹ thuật và chuẩn bị chiến trường để tổ chức, chỉ huy thành công các cuộc hành quân, cơ động lực lượng an toàn, đúng địa điểm, thời gian quy định cả về người và trang bị.
Thành công của Đại đoàn 304 trong việc tổ chức hành quân, cơ động lực lượng tham gia chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.
Với khả năng cơ động nhanh, sự có mặt của Đại đoàn tại Mặt trận Điện Biên Phủ đã tạo bất ngờ lớn cho quân địch, bảo đảm cho Đại đoàn kịp thời làm công tác chuẩn bị và phối hợp với các đơn vị khác tiến công giành thắng lợi. Thành công của Đại đoàn 304 trong việc tổ chức hành quân, cơ động lực lượng tham gia chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.
1 Thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng ý chí quyết tâm của bộ đội trong quá trình hành quân, cơ động lực lượng.
Đây là một bài học và thành công nổi bật của Đại đoàn trong quá trình hành quân, cơ động lực lượng trong Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực tiễn cho thấy, ngay khi chính thức nhận lệnh hành quân, cơ động lực lượng thực hiện nhiệm vụ, Đại đoàn ủy, Bộ Tư lệnh Đại đoàn đã kịp thời quán triệt cho cấp ủy, cơ quan và cán bộ chủ trì các cấp hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc hành quân, cơ động lực lượng; xác định trách nhiệm chính trị, vai trò, vị trí của chỉ huy từng cấp, từng người. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các cấp làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mới là hành quân chiến đấu đường dài, mang vác nặng; làm cho cán bộ, chiến sĩ trong Đại đoàn luôn nhận rõ: Đại đoàn là đơn vị chủ lực, cơ động của Bộ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu ở bất cứ nơi đâu, cơ động đến bất cứ chiến trường nào…; thấy rõ những thuận lợi cơ bản, cùng những khó khăn, thách thức, kiên quyết khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Mặc dù điều kiện thời gian làm công tác chuẩn bị hành quân, cơ động gấp, nhưng các nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng được vận dụng hết sức sáng tạo, linh hoạt, đa dạng và phong phú, phù hợp điều kiện hành quân, cơ động và thực tiễn các đơn vị, đặc điểm của bộ đội. Vì vậy, mọi chủ trương, chính sách, quyết tâm chiến lược của Đảng, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, nhiệm vụ chiến đấu được giao đều được nhanh chóng quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ, chuyển thành hành động cách mạng, thành ý chí quyết tâm chiến đấu. Tư tưởng ngại khó khăn, gian khổ, ngại hành quân xa, mang vác nặng, sợ hy sinh, tổn thất trong quá trình hành quân đã từng bước được giải quyết, bộ đội chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh, hành quân, cơ động vào vị trí tập kết và chiếm lĩnh xây dựng trận địa theo đúng kế hoạch, bảo đảm bí mật, an toàn.
Trong quá trình hành quân, cơ động lực lượng, đội ngũ cán bộ các cấp đã thường xuyên bám sát đơn vị, nắm chắc diễn biến tư tưởng của bộ đội, kịp thời động viên bộ đội không ngại khó khăn, gian khổ, hi sinh, chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của người chỉ huy và kỷ luật hành quân, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Bộ đội ta kéo pháo vào chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Bộ đội ta kéo pháo vào chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Mặt khác, các đơn vị trong Đại đoàn luôn coi trọng làm tốt công tác thi đua khen thưởng, công tác bảo vệ an ninh, công tác dân vận, địch vận và công tác chính sách trong hành quân, cơ động lực lượng, qua đó góp phần tiếp thêm sức mạnh, lòng tin và ý chí quyết tâm để bộ đội ta vượt qua gian khổ, hành quân, cơ động đúng địa điểm, vượt thời gian quy định. Đặc biệt, công tác tuyên truyền cổ động được thực hiện có hiệu quả, kịp thời phổ biến, tuyên truyền tin thắng lợi của Đại đoàn, của cấp trên và của đơn vị bạn, nhất là tuyên truyền về những tấm gương hy sinh dũng cảm trong quá trình hành quân, cơ động lực lượng. Tiêu biểu như đồng chí Giá ở Tiểu đoàn 418 (Trung đoàn 57) đã hy sinh anh dũng trong quá trình kéo pháo vào trận địa, mặc dù bị thương rất nặng nhưng anh vẫn cố chịu đựng và động viên anh em “giữ chắc, không để pháo trôi xuống dốc”. Tấm gương dũng cảm của đồng chí Giá đã được toàn thể đơn vị phát động học tập và noi theo. Tiểu đoàn 418 đã “nén đau, dốc sức, đồng lòng vượt 4 quả đồi dài 10km đưa 12 khẩu pháo vào trận địa đúng thời gian quy định”[3].
2 Công tác tổ chức chỉ huy hành quân, cơ động lực lượng phải khoa học, chặt chẽ, cụ thể, sáng tạo và bảo đảm bí mật, an toàn.
Cuộc hành quân, cơ động của các các đơn vị trong Đại đoàn tổ chức trên 2 hướng: Hướng thứ nhất, Trung đoàn 9 và Trung đoàn 57 hành quân từ Thọ Xuân (Thanh Hóa) về phía tây lên Ngọc Lạc, Suối Bút, Mộc Châu rồi quay lại về hướng Đông qua Vạn Yên-Thanh Sơn, vượt sông Hồng về ém quân bí mật tại Sơn Nhiễu, Kiều Thôn, tỉnh Phú Thọ. Hướng thứ 2, Trung đoàn 66 hành quân từ Thọ Xuân (Thanh Hóa) theo tỉnh lộ vào tới Chu Lễ, Hương Khê, rồi vượt đèo Quắc và Dốc Trìm-Trẹo sang miền Bắc Trung Lào. Trên hai hướng hành quân, cơ động, với quãng đường dài hàng nghìn km đã có rất nhiều tình huống xảy ra ngoài dự kiến.
Mặc dù phải hành quân, cơ động chiến đấu gấp, Đại đoàn không có điều kiện tổ chức cho cán bộ đi nghiên cứu địa hình trước khi xây dựng kế hoạch hành quân tổng thể, nhưng việc xây dựng kế hoạch, phương pháp tổ chức đội hình hành quân, cơ động lực lượng được Đại đoàn tính toán khoa học, hợp lý, có các phương án điều chỉnh theo diễn biến thực tế.
Trong đó, lấy đơn vị cấp đại đội và tiểu đoàn để tổ chức, tiện cho chỉ huy hành quân và chỉ huy chiến đấu. Đại đoàn phân công cán bộ trực tiếp xuống chỉ đạo, giúp đỡ các tiểu đoàn, đại đội để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, ngày thứ tư của cuộc hành quân, Tiểu đoàn 418 (Trung đoàn 57) được lệnh của cấp trên gấp rút cơ động lên trước để thực hiện nhiệm vụ kéo pháo vào trận địa. Tại Km60 Đường 41, do đường mới mở lầy lội, hố bom, hố pháo của địch bắn phá chưa kịp san lấp; dốc cao, đường trơn, bên núi cao, bên vực sâu, nếu sơ suất pháo có thể tụt dốc lao xuống suối... gây nhiều khó khăn đối với an toàn của bộ đội và đơn vị. Đồng chí Trung đoàn trưởng Nguyễn Cận đã trực tiếp xuống chỉ huy Tiểu đoàn 418 kéo pháo vào trận địa, bảo đảm bí mật, an toàn, đúng thời gian quy định.

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang khẩn trương đưa bộ đội vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Các đơn vị bộ binh cơ giới đang khẩn trương đưa bộ đội vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Trong quá trình hành quân, cơ động, Đại đoàn đã chỉ đạo các đơn vị chủ động điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ngoài dự kiến nếu có. Trên thực tế, đến ngày thứ tư của cuộc hành quân, Tiểu đoàn 418 (Trung đoàn 57) được lệnh của cấp trên phải gấp rút hành quân bằng ô-tô lên trước để tham gia kéo pháo, Đại đoàn đã nhanh chóng huy động 21 xe ô-tô đưa cả Tiểu đoàn với hơn 600 người vượt đèo cao và các đoạn đường mới mở còn rất lầy lội để hành quân đến địa điểm kéo pháo đúng quy định. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ kéo 12 khẩu pháo 105mm vào trận địa rồi lại kéo ra, Tiểu đoàn 418 không kịp nghỉ ngơi, nhanh chóng hành quân đến trú quân ở cửa rừng Hồng Lếnh, phía tây Hồng Cúm để tham gia chiến đấu[2]. Chỉ đạo các đơn vị luôn bám sát đội hình, giữ đúng cự ly, tốc độ hành quân; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, vững chắc trong suốt quá trình hành quân, cơ động; đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp thường xuyên kiểm tra, sâu sát bám nắm bộ đội, phân công, cắt cử những đồng chí có sức khỏe tốt sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ đồng đội yếu hơn mang vác vũ khí trang bị, lương thực, quân trang… nhằm bảo đảm hành quân được liên tục. Đồng thời, xử trí kịp thời các tình huống xảy ra, nhất là khi bị máy bay, pháo binh địch bắn phá vào đội hình hành quân gây thương vong, các đơn vị đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định tư tưởng, tổ chức, xốc lại đội hình để tiếp tục hành quân.
Cùng với đó, vấn đề phòng gian giữ bí mật, bảo đảm an toàn trong quá trình hành quân, cơ động lực lượng luôn được Đại đoàn đặc biệt coi trọng. Thực tiễn cho thấy, trong suốt quá trình hành quân, cơ động, Đại đoàn luôn chỉ đạo các đơn vị chấp hành và thực hiện tốt các quy định về phòng gian giữ bí mật, bảo đảm an toàn đội hình hành quân. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị thường xuyên làm tốt công tác ngụy trang, nghi binh cho người cũng như các loại vũ khí, khí tài, trang bị, xe pháo; tổ chức các bộ phận cảnh giới, “tiền trạm” đi trước để nắm đường, nắm địch, liên hệ với cấp trên, đơn vị bạn và địa phương, chọn vị trí nghỉ tạm dừng chân cho các chặng hành quân... Đặc biệt, quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Mỗi lần các đơn vị của Đại đoàn tạm dừng vào vị trí trú quân, các bộ phận nhanh chóng chiếm lĩnh địa hình có lợi, tổ chức xây dựng công sự trận địa, phân công cảnh giới, quan sát nắm địch; các hầm trú ẩn, hố công sự chiến đấu, đường mòn vào nơi trú quân đều được bộ đội ta kiểm tra, ngụy trang kín đáo. Sau khi rời khỏi vị trí trú quân, nhanh chóng tổ chức san lấp, xóa dấu vết. Bộ phận nuôi quân của các đơn vị ngày nào cũng phải đào bếp Hoàng Cầm và thường xuyên thay đổi vị trí để tránh máy bay trinh sát của địch phát hiện…
Nhờ thực hiện tốt các biện pháp này, Đại đoàn luôn bảo đảm được yếu tố bí mật ngay từ khi nhận lệnh xuất phát hành quân cho đến khi vào vị trí tập kết theo quy định, đồng thời hạn chế thấp nhất những thương vong do máy bay, pháo binh địch bắn phá trong suốt quá trình hành quân, cơ động lực lượng.
3 Bảo đảm tốt công tác hậu cần, kỹ thuật trong suốt quá trình hành quân, cơ động lực lượng.
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hành quân, cơ động lực lượng, công tác bảo đảm về hậu cần, kỹ thuật có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Chấp hành mệnh lệnh hành quân, Đại đoàn phải thực hiện trong điều kiện thời gian làm công tác chuẩn bị gấp, quân số đông, nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, thời gian hành quân, cơ động đến vị trí tập kết và chiếm lĩnh xây dựng trận địa kéo dài… Do vậy, nhu cầu bảo đảm về hậu cần, kỹ thuật trong quá trình hành quân, cơ động của Đại đoàn là rất lớn. Đại đoàn ủy - Bộ Tư lệnh Đại đoàn đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, dồn tất cả các phương tiện để bảo đảm vận chuyển vật chất; phân công cán bộ đi trước nắm tình hình, liên hệ hiệp đồng với Tổng cục Cung cấp, trực tiếp là các tuyến hậu cần chiến dịch của trên, các kho, trạm hậu cần, kỹ thuật trên trục đường hành quân vào vị trí tập kết để khai thác hậu cần, kỹ thuật tại chỗ… Đồng thời, chủ động phối hợp các địa phương dọc đường hành quân để khai thác tạo nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm góp phần nâng cao đời sống bộ đội. Thực tiễn, các trung đoàn đã chủ động tổ chức lực lượng vào các bản, làng mua thêm hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, góp phần bảo đảm được đầy đủ, kịp thời, liên tục mọi mặt hậu cần của các đơn vị.
Trong điều kiện hành quân dài ngày, địa hình rừng núi, có nhiều ổ dịch sốt rét, sốt mò, khí hậu khắc nghiệt… Đại đoàn đã chỉ đạo công tác hậu cần, nhất là ngành quân y thực hiện tốt việc vệ sinh phòng dịch, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bộ đội trong quá trình hành quân, kiên quyết không để các dịch bệnh phát sinh và lây lan; chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giáo dục động viên bộ đội thực hiện nghiêm quy định “ăn chín, uống sôi”, phong trào thi đua ba tốt “ăn tốt, ngủ tốt, đi tốt bảo vệ đôi chân”. Đặc biệt, khi bị máy bay, pháo binh địch bắn phá vào đội hình hành quân, nếu có thương vong, tổ chức cứu chữa kịp thời, hạn chế tỷ lệ tử vong, tàn phế, rút ngắn thời gian điều trị, phục hồi khả năng chiến đấu cho bộ đội. Thường xuyên chỉ đạo công tác kỹ thuật, tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa xe pháo, khắc phục hỏng hóc, bổ sung xăng dầu, trang thiết bị kịp thời, bảo đảm hành quân, cơ động liên tục, dài ngày.
4 Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với địa phương và đơn vị bạn, đồng thời phát huy hiệu quả sức mạnh tại chỗ trong quá trình hành quân, cơ động lực lượng.
Đây cũng là một trong những bài học bảo đảm cho Đại đoàn 304 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hành quân, cơ động lực lượng. Khi tổ chức hành quân, cơ động chiến đấu đường dài trên một chiến trường mà ta chưa nắm chắc tình hình mọi mặt, ngoài việc tranh thủ sự giúp đỡ chỉ đạo và chi viện của cấp trên, thì quan hệ hiệp đồng chặt chẽ với địa phương, đơn vị bạn, đồng thời phát huy hiệu quả sức mạnh tại chỗ nhằm khai thác mọi tiềm năng sẵn có (lực lượng, phương tiện, vật chất, dẫn đường, nắm địch... ), tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần bảo đảm và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong suốt quá trình hành quân, cơ động, hoặc ở mỗi chặng đường hành quân nhất định, Đại đoàn đã luôn chủ động phát huy tinh thần đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ to lớn cả về vật chất và tinh thần của đảng bộ, chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang địa phương và các đơn vị bạn.
Suốt dọc đường hành quân, ở bất cứ nơi nào, bộ đội ta cũng luôn luôn nhận được sự chi viện tích cực, to lớn của địa phương với tình cảm đoàn kết gắn bó quân-dân mật thiết. Đó chính là sức mạnh của chiến tranh nhân dân, của “thế trận lòng dân”.
Trên đoạn đường từ Sơn La lên Điện Biên, nhất là càng gần đến Điện Biên, máy bay và pháo binh địch thường xuyên oanh tạc, bắn phá rất ác liệt, nhưng đồng bào các dân tộc Tây Bắc vẫn không sợ hy sinh, nô nức đi sửa chữa cầu đường; vừa giúp đỡ bộ đội về lương thực, thực phẩm, thuốc men vừa cùng với bộ đội vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược, thương binh, tử sĩ; nắm tình hình, chỉ dẫn đường và đảm nhiệm công tác liên lạc… Tinh thần tích cực, chủ động của các lực lượng tại chỗ đã giúp cho cuộc hành quân, cơ động của Đại đoàn rất thuận lợi. Suốt dọc đường hành quân, ở bất cứ nơi nào, bộ đội ta cũng luôn luôn nhận được sự chi viện tích cực, to lớn của địa phương với tình cảm đoàn kết gắn bó quân-dân mật thiết. Đó chính là sức mạnh của chiến tranh nhân dân, của “thế trận lòng dân”, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị trong Đại đoàn đến địa điểm an toàn, đúng thời gian quy định, kịp thời bố trí lực lượng, cùng với các lực lượng khác giành thắng lợi trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chung vui cùng các chiến sĩ trong lễ mừng chiến thắng, tổ chức tại Sở chỉ huy ở Mường Phăng. (Ảnh: TTXVN)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chung vui cùng các chiến sĩ trong lễ mừng chiến thắng, tổ chức tại Sở chỉ huy ở Mường Phăng. (Ảnh: TTXVN)
Tiếp nối truyền thống, vận dụng sáng tạo các kinh nghiệm trên, Đại đoàn 304, sau này là Sư đoàn 304 đã thực hiện nhiều cuộc hành quân thần tốc, thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong đội hình Quân đoàn 2; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía bắc, góp phần quan trọng viết nên truyền thống “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng” của Quân đoàn 2 Anh hùng.
Hiện nay, kinh nghiệm về tổ chức hành quân, cơ động tham gia cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn nguyên giá trị; là một trong những bài học quan trọng về tổ chức cơ động lực lượng trong chiến tranh, cần được tiếp tục nghiên cứu, kế thừa, phát huy và vận dụng sáng tạo trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ quân sự-quốc phòng, góp phần xây dựng Đảng bộ Sư đoàn trong sạch vững mạnh, Sư đoàn vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
---------------
Tham luận tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954-7/5/2019)” do Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức nhân kỷ niệm 65 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
[1] Lịch sử Đảng bộ Sư đoàn 304 (1950-2010), Nxb QĐND, Hà Nội, 2010, tr.101.
[2] Lịch sử Sư đoàn 304, tập I (1950-1975), Nxb QĐND, Hà Nội, 2011, tr.137.[3] Lịch sử Trung đoàn 24-Trần Hưng Đạo (1945-1995), Nxb QĐND, Hà Nội, 1996, tr.47.
[4] Lịch sử Sư đoàn 304, tập I (1950-1975), Nxb QĐND, Hà Nội, 2011, tr.137.
Ảnh: TTXVN
Trình bày: NGỌC BÍCH