
Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa... Điện Biên Phủ đã đánh dấu một chặng đường lịch sử của dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Đây là cây cột mốc bằng vàng". Báo Nhân Dân xin trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa... Điện Biên Phủ đã đánh dấu một chặng đường lịch sử của dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Đây là cây cột mốc bằng vàng".
Ba mươi năm trước đây (*), tại một thung lũng bấy giờ chưa mấy ai biết đến trên miền Tây Bắc của Tổ quốc, đã diễn ra trận quyết chiến chiến lược lớn nhất trong cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân ta chống đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ. Sau 55 ngày đêm chiến đấu với một tinh thần quyết chiến quyết thắng, quân và dân ta đã lập nên chiến công Điện Biên Phủ, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất trong lịch sử chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp.
Chiến thắng Điện Biên Phủ mang ý nghĩa sâu sắc của thời đại mới, bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga. Với chủ nghĩa Lênin, con đường giải phóng của các dân tộc đã được mở ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người học trò xuất sắc của Lênin, sáng lập ra Đảng ta, đưa sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân ta tiến lên trên con đường thắng lợi. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công. Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á ra đời. Tiếp đó, Đảng đã phát động cuộc kháng chiến trường kỳ khi đế quốc Pháp trở lại xâm lược nước ta, nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cuộc kháng chiến toàn dân và toàn diện của nhân dân ta đã vượt qua muôn trùng khó khăn gian nguy, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, gây cho địch những tổn thất nặng nề, đẩy chúng vào tình thế ngày càng nguy khốn.
Đảng đã phát động cuộc kháng chiến trường kỳ khi đế quốc Pháp trở lại xâm lược nước ta, nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cuộc kháng chiến toàn dân và toàn diện của nhân dân ta đã vượt qua muôn trùng khó khăn gian nguy, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, gây cho địch những tổn thất nặng nề, đẩy chúng vào tình thế ngày càng nguy khốn.
Bước vào đông xuân 1953-1954, trước mưu đồ điên cuồng của đế quốc Pháp-Mỹ đề ra kế hoạch Navarre nhằm kết thúc chiến tranh trong vòng 18 tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ta đã động viên và lãnh đạo toàn quân và dân ta trong cả nước phối hợp với quân và dân hai nước bạn Lào và Campuchia anh em, tiến hành cuộc tiến công chiến lược rộng lớn, đập tan kế hoạch Navarre, giành thắng lợi lớn trên khắp các chiến trường mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Trong lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta biết bao phen đã đánh thắng những đội quân xâm lược tàn bạo của các thế lực phong kiến phương Bắc. Nhưng đây là lần đầu tiên, dân tộc ta, nhân dân ta đã đánh thắng đội quân hùng mạnh của một nước đế quốc phương Tây, đế quốc Pháp xâm lược.
Chiến thắng Điện Biên Phủ cùng với các chiến thắng to lớn khác trên các chiến trường đã đưa đến thành công của Hội nghị Genève, lập lại hòa bình trên đất nước ta và hai nước bạn Lào và Campuchia, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.
Miền bắc nước ta đã hoàn toàn giải phóng, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn trong cuộc đấu tranh để giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lần đầu phá vỡ một mảng thành trì quan trọng của chủ nghĩa đế quốc, gióng lên hồi chuông báo hiệu buổi chiều tàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được nhân dân Liên Xô, nhân dân Trung Quốc, nhân dân các nước anh em và cả loài người tiến bộ, trong đó có nhân dân Pháp đón mừng như thắng lợi của bản thân mình. Các dân tộc bị áp bức ở khắp châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh được cổ vũ mạnh mẽ, kế tiếp nhau vùng lên chiến đấu. Nhân dân ta có thể tự hào là đã có cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng của các dân tộc.
Cùng với những thắng lợi vang dội của biết bao dân tộc, trong những thập kỷ gần đây đã đứng lên chiến đấu để làm chủ vận mệnh của mình, chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định chân lý vĩ đại: Một dân tộc bị áp bức, quyết tâm đoàn kết chiến đấu vì độc lập và tự do theo đường lối đúng đắn, nhất định có đầy đủ khả năng để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Đó là quy luật của lịch sử trong thời đại ngày nay.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định chân lý vĩ đại: Một dân tộc bị áp bức, quyết tâm đoàn kết chiến đấu vì độc lập và tự do theo đường lối đúng đắn, nhất định có đầy đủ khả năng để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Đó là quy luật của lịch sử trong thời đại ngày nay.
Trong cuộc đọ sức quyết liệt Đông Xuân 1953-1954, trên khắp các chiến trường của bán đảo Đông Dương nói chung cũng như trên chiến trường chính Điện Biên Phủ, sự lãnh đạo của Đảng ta đã tỏ ra đúng đắn, sáng tạo và sắc bén, thực sự biết địch, biết ta, nắm được quy luật của chiến tranh và luôn luôn giữ vững quyền chủ động.
Chúng ta cho chủ động là nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân. Chủ động thể hiện quyền làm chủ trên chiến trường, buộc địch phải hành động theo ý định của ta. Chủ động cũng là biểu hiện cao nhất của tư tưởng tiến công cách mạng trong chiến tranh. Với tư tưởng chủ động và tiến công ấy, chúng ta đã phát huy đến cao độ sức mạnh của quân và dân ta trong cả nước, phối hợp với quân và dân của hai nước anh em trên bán đảo Đông Dương.
Chúng ta đã kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn để giành lấy thắng lợi từng bước, đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Chúng ta đã kết hợp SỨC MẠNH CỦA DÂN TỘC với SỨC MẠNH CỦA THỜI ĐẠI, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn để giành lấy thắng lợi từng bước, đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngược lại, đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ không phải thiếu sức mạnh vật chất và vũ khí, cũng không thiếu những tướng lĩnh tài ba, nhưng do cuộc chiến tranh xâm lược là phi chính nghĩa, nên họ không nắm được và cũng không thể nào nắm được quy luật của chiến tranh.
Họ luôn luôn đánh giá quá cao sức mạnh vật chất và kỹ thuật, đánh giá quá thấp sức mạnh của một dân tộc, một quân đội đứng lên chiến đấu vì độc lập và tự do. Họ luôn luôn chủ quan, luôn luôn bị bất ngờ, luôn luôn bị động, luôn luôn phạm sai lầm. Vào lúc họ tưởng chừng như sắp giành thắng lợi to lớn thì chính là lúc đi đến thất bại hoàn toàn.
Đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ không phải thiếu sức mạnh vật chất và vũ khí, cũng không thiếu những tướng lĩnh tài ba, nhưng do cuộc chiến tranh xâm lược là phi chính nghĩa, nên họ không nắm được và cũng không thể nào nắm được quy luật của chiến tranh.
Bắt tay vào thực hiện kế hoạch, đầu mùa đông 1953, tướng Navarre đã có một quyết tâm lớn, tập trung ở vùng châu thổ sông Hồng một lực lượng cơ động lớn nhất từ trước tới nay, quyết giành lại chủ động.
Navarre quên rằng, do bản chất chiến tranh xâm lược, phân tán lực lượng để chiếm đóng đất đai là một sự tất yếu không thể tránh được. Do vậy, khi quân ta phối hợp với lực lượng vũ trang của hai nước bạn triển khai cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân trên khắp các chiến trường, cho các cánh quân của ta đánh vào những hướng chiến lược hiểm yếu mà địch tương đối sơ hở, thì tướng Navarre liên tiếp bị động, buộc phải rút từng bộ phận của lực lượng cơ động, phân tán ra khắp bốn phương để đối phó.
Kẻ địch lại càng lúng túng và bị động trước bão táp của chiến tranh nhân dân nổi lên mạnh mẽ ở khắp các vùng sau lưng địch: từ đồng bằng Bắc Bộ đến đồng bằng sông Cửu Long, Bình-Trị-Thiên, Tây Nguyên và ở hai nước bạn Lào và Campuchia, tiêu diệt và làm tan rã sinh lực địch, mở ra những vùng giải phóng rộng lớn.
Chỉ trong vòng bốn tháng, khối lực lượng cơ động mà Navarre dày công xây dựng đã bị xé nhỏ làm nhiều mảnh, không còn có hiệu lực. Kế hoạch Navarre bắt đầu bị phá sản từ đó.
Cùng trong xu thế nói trên, khi một cánh quân của ta tiến lên Tây Bắc, Lai Châu bị đe dọa, Thượng Lào bị uy hiếp, thì tướng Navarre đã phải vội vã cho các đơn vị quân dù đổ bộ xuống Điện Biên Phủ. Thế là tại Điện Biên Phủ, một trận quyết chiến chiến lược đã hình thành ngoài mọi tính toán của viên tư lệnh thứ bảy của đội quân viễn chinh Pháp.
Tại Điện Biên Phủ, một trận quyết chiến chiến lược đã hình thành ngoài mọi tính toán của viên tư lệnh thứ bảy của đội quân viễn chinh Pháp.

Trên mặt trận Điện Biên Phủ, dưới áp lực của quân ta, bọn chỉ huy quân đội viễn chinh tiếp tục tăng thêm lực lượng. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lớn lên rất nhanh, được tổ chức "phòng ngự ở mức độ tối đa". Các tướng tá Pháp-Mỹ coi Điện Biên Phủ là "một pháo đài bất khả xâm phạm", sẵn sàng và đủ sức để nghiền nát quân chủ lực của ta nếu quân ta dám liều lĩnh tiến công vào.
Chúng ta đã sớm nhận định: địch bị động điều các binh đoàn tinh nhuệ của chúng lên miền rừng núi Tây Bắc, đây là một cơ hội tốt để quân ta tiêu diệt chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Quân và dân ta đứng trước một nhiệm vụ lịch sử hết sức nặng nề và vẻ vang.
Để thực hiện nhiệm vụ trọng đại ấy, lúc đầu, khi quân địch mới chiếm đóng, còn sơ hở, ta đã từng chủ trương tập trung các đại đoàn chủ lực, tiến hành một trận đánh lớn tiêu diệt tập đoàn cứ điểm trong 2 ngày 3 đêm. Giờ G đã được định vào 17 giờ ngày 26/1. Một ngày trước đó, chiều 25/1, khi bộ đội ta đã được bố trí sẵn sàng ở vị trí xuất phát tiến công, thì chúng ta nhận thấy nếu đánh theo phương châm đánh nhanh, giải quyết nhanh không bảo đảm mười phần thắng lợi. Quán triệt phương châm đánh chắc thắng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn luôn nhấn mạnh, chúng ta đã chủ động thay đổi cách đánh.
"Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng". Trung ương Đảng và Chính phủ ta kêu gọi toàn quân và toàn dân, quyết định động viên đến mức cao nhất sức người, sức của cho một trận quyết chiến dài ngày.
Một bất ngờ lớn đối với địch là trên tuyến đường dài, hàng mấy trăm km, hàng chục vạn đồng bào và chiến sĩ ta, với khí thế do cải cách ruộng đất mang lại, dưới mưa bom bão đạn của địch, từ những hậu phương xa xôi ngày đêm mang lương thực, đạn dược ra tiền tuyến, liên tục bảo đảm hậu cần cho mặt trận Điện Biên Phủ - một điều mà bộ tham mưu quân đội viễn chinh với những tính toán tỉ mỉ cho rằng ta không thể nào giải quyết được.
Qua một thời gian, không thấy quân ta hành động. Navarre cho rằng phong trào tấn công của Việt Minh đã chấm dứt. Ngày 12/3, thực hiện kế hoạch chiến lược đã định từ trước, Navarre huy động một bộ phận lực lượng cơ động mở cuộc hành binh mới vào vùng tự do của ta ở miền Nam. Ngay ngày hôm sau, 13/3, vào 17 giờ, trọng pháo của ta bắn vào đồi Him Lam, mở màn cho cuộc tấn công lớn vào tập đoàn cứ điểm, quân địch hoàn toàn bị bất ngờ.
Địch càng bị bất ngờ khi phát hiện cả một hệ thống trận địa tấn công và bao vây với hàng trăm km chiến hào từ núi cao đổ xuống cánh đồng Mường Thanh, siết chặt dần xung quanh tập đoàn cứ điểm.

Pháo binh ta nã đạn vào Trung tâm đề kháng Him Lam ngày 13/3/1954
Pháo binh ta nã đạn vào Trung tâm đề kháng Him Lam ngày 13/3/1954
Địch đã bị bất ngờ khi quân ta tập trung ưu thế binh lực tuyệt đối tiêu diệt từng tiểu đoàn, từng trung tâm đề kháng một, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của chúng, từng bước vững chắc tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm.
Địch lại bị bất ngờ trước những đợt tấn công ngày càng mạnh của quân ta, trước sự phát triển không thể nào ngăn cản được chiến hào của ta xuyên qua sân bay, cắt đứt con đường tiếp tế duy nhất bằng cầu hàng không của chúng. Khi hệ thống trận địa của ta tiến sát vào khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm thì toàn bộ hỏa lực của ta đã trực tiếp uy hiếp sở chỉ huy của tướng De Castries.

Các đơn vị xung kích của ta đang tấn công địch trên đồi A1
Các đơn vị xung kích của ta đang tấn công địch trên đồi A1
Trên các chiến trường sau lưng địch, chúng lại đứng trước một bất ngờ mới. Quân và dân ta và quân dân hai nước bạn ra sức tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh cao trào tấn công, phối hợp với chiến trường chính. Ở Nam Bộ, hàng nghìn đồn bốt của địch bị tiêu diệt. Ở Tây Nguyên, cả vùng phía bắc được giải phóng. Ở Bình-Trị-Thiên, căn cứ du kích được mở rộng, ở châu thổ sông Hồng, vùng tự do đã chiếm ba phần tư đất đai. Hàng vạn ngụy quân ra hàng, phạm vi của chính quyền nhân dân mở rộng nhanh chóng. Ở Lào, một nửa dân số và một nửa đất đai của nước bạn đã được giải phóng, ở Campuchia, căn cứ địa Tây Nam được mở rộng. Thế chiến lược của quân đội viễn chinh trên toàn bán đảo Đông Dương đang bị rung chuyển.
Với cách đánh dũng cảm, mưu trí và sáng tạo của cán bộ và chiến sĩ ta, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã trở thành một địa ngục trần gian giam hãm 17 ngàn quân lính viễn chinh Pháp sống trong trận địa giữa bùn lầy, lương thực, đạn dược cạn dần, thương binh chồng chất, mạng sống từng ngày từng giờ bị đe dọa. Các tướng tá Pháp-Mỹ bàn tính mãi không tìm ra cách cứu nguy cho tập đoàn cứ điểm đang giãy giụa trong cơn hấp hối.

Toàn bộ bộ chỉ huy địch ở Điện Biên Phủ đi đầu là tên tướng De Castries ra hàng.
Toàn bộ bộ chỉ huy địch ở Điện Biên Phủ đi đầu là tên tướng De Castries ra hàng.
Chiều mồng 7/5/1954, trước cuộc tổng tiến công của quân ta từ các hướng, hơn một vạn quân lính còn lại của quân đội viễn chinh lũ lượt kéo nhau ra hàng. Có người hô: “Hòa bình muôn năm". Có người kéo phong cầm và ca hát. Những người chiến thắng đã cứu sống họ.
Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt. Quân và dân ta giành được toàn thắng.
Trong bức điện khen ngợi cán bộ và chiến sĩ nhân dịp chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu...".
Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu...

Từ đó, ròng rã trong 20 năm, dân tộc ta, nhân dân ta lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc Mỹ, cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Cũng giống như đế quốc Pháp trước đây, đế quốc Mỹ mỗi lần mở rộng chiến tranh là một lần tưởng rằng nhất định thắng, nhưng cuối cùng lại thất bại.
Mùa Xuân năm 1975, khi Washington cho rằng chiến tranh sắp đi đến thắng lợi hoàn toàn, thì chính vào lúc đó, trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, toàn bộ cơ đồ của đế quốc Mỹ và tay sai đã sụp đổ tan tành. Nhân dân ta đã giành được thắng lợi trọn vẹn, Tổ quốc ta đã hoàn toàn độc lập và thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975
Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975
Thời cơ lớn đã xuất hiện trên bán đảo Đông Dương. Nhân dân Lào anh em đã phát động cuộc tổng tiến công và nổi dậy, giành được toàn thắng. Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ra đời.
Chủ nghĩa đế quốc... các thế lực phản động khác là những tên học trò dốt trong các trường học của lịch sử. Họ chưa chịu từ bỏ những mưu đồ đen tối, nô dịch các dân tộc, đẩy mạnh chạy đua vũ trang, chuẩn bị chiến tranh hạt nhân, gây tình hình căng thẳng khắp nơi trên thế giới.
Ngày nay, hơn bao giờ hết, đấu tranh cho hòa bình và hợp tác giữa các dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cả loài người tiến bộ.
Trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh, chúng ta rất khao khát hòa bình. Hòa bình và hữu nghị là nguyện vọng của dân tộc ta. Độc lập và chủ nghĩa xã hội là lẽ sống của nhân dân ta.
Với sức mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa có Liên Xô là trụ cột, với tinh thần liên minh chiến đấu keo sơn của nhân dân ba nước Đông Dương, với sức mạnh tiến công của ba dòng thác cách mạng, chúng ta luôn luôn cảnh giác, cùng nhau đoàn kết đấu tranh cho một nền hòa bình lâu dài trên trái đất, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Mọi mưu toan phiêu lưu của các thế lực hiếu chiến sẽ bị loại trừ.
Dưới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhân dân ta trong cả nước quyết đem hết tinh thần và nghị lực của những người chiến thắng, phát huy sức mạnh to lớn của chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa thân yêu.
Tinh thần Điện Biên Phủ mãi mãi cổ vũ nhân dân ta vững bước tiến lên trong hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới.

VÕ NGUYÊN GIÁP
Trích sách: Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB Quân đội Nhân Dân, 2014
(*) Bài viết nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; đăng trên Báo ảnh Việt Nam, số 305 (ngày 6/5/1984), Báo Sài Gòn giải phóng, số 2758 (ngày 6/5/1984); Tạp chí Lịch sử quân sự, số 5 (năm 1984).
Trình bày: MINH ĐỨC
Ảnh: TTXVN