
ĐIỆN BIÊN PHỦ DƯỚI GÓC NHÌN DÂN TỘC HỌC - LỊCH SỬ (*)
Trước hết, dưới góc nhìn địa lý học, Điện Biên Phủ giữ một vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Điện Biên Phủ với tên gọi khởi nguyên "Mường Thanh" là một thung lũng rộng lớn, được bao bọc bởi vùng đồi núi điệp trùng với hai vòng rõ rệt.
- Vòng ngoài là vùng núi cao, từ 1.000 m trở lên, đỉnh cao nhất là Phu Huổi Luông (2.178m), toàn vùng có diện tích tự nhiên khoảng 200.000 ha, chiếm 65% diện tích toàn huyện Điện Biên cũ.
- Vòng trong là vùng đồi núi thấp với độ cao trung bình 700m, độ dốc từ 16 đến 20°, có tổng diện tích là 91.000ha, chiếm 27% diện tích toàn huyện.
Vùng thung lũng có diện tích 25.700 ha, chiếm 8% diện tích toàn huyện, bao gồm những thung lũng hẹp vây quanh cánh đồng Mường Thanh rộng hơn 4.000 ha ruộng nước. Đây là cánh đồng rộng nhất trong bốn cánh đồng nổi tiếng của vùng núi Tây Bắc "nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc". Mường Thanh, dưới con mắt của nhà bác học Lê Quý Đôn thế kỷ XVIII có "Thế núi vòng quanh, nước sông bao bọc, đồn sở ở giữa, ruộng đất bằng phẳng màu mỡ, bốn bên đến chân núi đều phải đi một ngày đường, công việc làm ruộng bằng nửa công việc các châu khác mà số hoa lợi thu hoạch lại gấp đôi. Thổ sản có sa nhân, sáp vàng, diêm tiêu, lưu hoàng và sắt sống" (1). Xem thế đủ biết, Mường Thanh có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế, trước hết là về sản xuất nông nghiệp.


Cánh đồng Điện Biên hôm nay.
Một góc thành phố Điện Biên nhìn từ trên cao.
Điện Biên nằm ở trung tâm, án ngữ những con đường giao thông huyết mạch của vùng Tây Bắc, tỏa đi những trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa khu vực giáp ranh ba nước Việt - Trung - Lào. Từ trung tâm Mường Thanh theo quốc lộ 12, qua Mường Pồn, Mường Muôn lên tới Mường Lay (thị xã Lai Châu - 103 km).
Ngược lại, theo quốc lộ 279 (quốc lộ 42 cũ) đến cửa khẩu Tây Trang nằm trên đường biên giới Điện Biên với nước bạn Lào, dài 172 km. Từ đây có thể đi Sầm Nưa - Luang Prabang vùng Thượng Lào hoặc tới Phông Xa Lỳ ở Trung Lào. Con đường từ Điện Biên qua Mường Phăng đến Tuần Giáo được nối với quốc lộ 6 để xuống Sơn La - Thuận Châu - Hòa Bình và về Hà Nội.

Cửa khẩu quốc tế Tây Trang.
Cửa khẩu quốc tế Tây Trang.
Về đường thủy, từ Mường Thanh theo sông Nậm Rốm rẽ vào sông Nậm Nứa cập vào Pắc U để vào sông Nậm Hu dẫn đến sông Mê Công rộng lớn, tới Luang Prabang. Vẫn từ Nậm Rốm ngược dòng đến Bản Lang - Nà Tấu, theo sông Nậm Cô vào sông Nậm Nứa, thuyền sẽ vào Nậm Mạ (sông Mã) vòng sang đất Lào để lại chảy về miền núi xứ Thanh của Việt Nam. Từ đất Mường Pồn (cách trung tâm Mường Thanh 20 km), có thể xuôi thuyền theo sông Nậm Mấc vào sông Đà, xuống Tạ Bú, Tạ Khoa - Chợ Bò về Hà Nội. Còn muốn lên phía bắc, khi đến sông Đà, theo thuyền ngược tới Mường Lay - Phong Thổ và sang tới Mường Là của Trung Quốc.
Với vị trí chiến lược, có nhiều tiềm năng về kinh tế trên đây, mảnh đất Mường Thanh-Điện Biên sớm có con người cư trú. Các truyền thuyết, các huyền thoại được lưu truyền trong dân gian hay được ghi lại trong một số tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số như Sống trụ xôn xao, Quắm tố mướn, Chuyện kể bản mường... phản ánh quá trình khai phá từ xa xưa của các nhóm cư dân ở vùng đất này.
Điện Biên nằm ở trung tâm, án ngữ những con đường giao thông huyết mạch của vùng Tây Bắc, tỏa đi những trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa khu vực giáp ranh ba nước Việt - Trung - Lào.
Giữa năm 1998, khi điều tra cơ bản để phục vụ cho việc xây dựng Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được ở Chiềng Lề một trống đồng loại II, cách ngày nay khoảng 2.000 năm. Trống hiện được lưu tại Bảo tàng tỉnh Điện Biên.
Đây là phát hiện quan trọng nhất, minh chứng cho quá trình cư trú của con người tại vùng đất ngã ba biên giới này (2). Các bộ sử cũ của ta như An Nam chí lược (đời Trần), Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Đại Việt sử ký toàn thư (thời Lê), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Hưng Hóa ký lược (thời Nguyễn)... cũng như sử sách Trung Quốc từ đời Hán, đời Đường đều khẳng định hoặc ghi nhận, mảnh đất này có từ thời Hùng Vương, là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam, tùy từng thời được cắt, chuyển vào các đơn vị hành chính khác nhau của Nhà nước Việt Nam.
Theo các sách trên thì đời Hùng Vương, đất Điện Biên đã thuộc nước Văn Lang. Đến thời Bắc thuộc, thuộc quận Giao Chỉ. Thời Lý nằm trong đất của châu Lâm Tây. Thời Trần, cả nước chia làm 12 lộ thì Mường Thanh thuộc châu Ninh Viễn (sau là Ninh Biên), lộ Đà Giang.
Năm Nhâm Tý (1432) sau khi dẹp xong nạn cát cứ của Đèo Cát Hãn - một tù trưởng Thái trắng ở vùng Lai Châu. Lê Thái Tổ đổi châu Ninh Biên thành châu Phục Lễ (gồm cả đất Mường Thanh thuộc lộ Gia Hưng)(3). Năm Kỷ Sửu đời Quang Thuận (1469), Lê Thánh Tông chia nước ta làm 12 thừa tuyên, Mường Thanh thuộc phủ An Tây, thừa tuyên Hưng Hóa. Năm Ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng (1775), sau khi dẹp xong cuộc khởi nghĩa nông dân Hoàng Công Chất, chúa Trịnh đặt châu Ninh Biên thuộc phủ An Tây với đất Điện Biên là trung tâm. Đầu đời Gia Long (1802-1819), lại lệ thuộc phủ Gia Hưng. Năm Tân Mão (1831), sau cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mệnh, phủ Gia Hưng nằm trong tỉnh Hưng Hóa.
Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), để bảo vệ miền Tây Bắc, chống lại sự xâm lấn của phong kiến Xiêm và Lào, cùng sự quấy rối của các toán giặc cỏ, nhà Nguyễn đặt ra phủ Điện Biên (bao gồm các châu: Ninh Biên, Tuần Giáo và Châu Lai), phủ lỵ đóng tại Chiềng Lề thuộc đất Điện Biên ngày nay.
Đầu thời Pháp thuộc, Điện Biên Phủ nằm trong đất thuộc đạo quan binh thứ tư, trong khu vực quân sự Vạn Bú (gồm phần lớn đất của hai tỉnh Sơn La và Lai Châu ngày nay), theo Nghị định ngày 6/1/1891 của Toàn quyền Pháp. Năm 1910, tỉnh Lai Châu được thành lập, Điện Biên thuộc phủ Điện Biên của tỉnh này. Thực dân Pháp duy trì chế độ quân quản tại đây trong một thời gian khá dài.
Sau khi Điện Biên Phủ được giải phóng, ta thành lập Khu tự trị Thái Mèo (sau đổi thành Khu tự trị Tây Bắc), không có đơn vị hành chính trung gian là tỉnh. Tất cả các châu huyện trong vùng trước đây, trong đó có châu Điện Biên đều trực thuộc Khu Tây Bắc.
Sau khi Điện Biên Phủ được giải phóng, ta thành lập Khu tự trị Thái Mèo (sau đổi thành Khu tự trị Tây Bắc), không có đơn vị hành chính trung gian là tỉnh. Tất cả các châu huyện trong vùng trước đây, trong đó có châu Điện Biên đều trực thuộc Khu Tây Bắc.
Tháng 12-1962, kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa III quyết định thành lập lại ba tỉnh Lai Châu, Sơn La và Nghĩa Lộ. Tỉnh Lai Châu có bảy huyện và một thị xã, trong đó có huyện Điện Biên.
Cho đến đầu năm 1992, huyện Điện Biên có 30 xã và 2 thị trấn. Ngày 18/4/1992, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định 130/HĐBT thành lập thị xã Điện Biên Phủ gồm thị trấn Điện Biên và xã Thanh Minh. Huyện Điện Biên còn lại 29 xã và thị trấn Nông trường Điện Biên.
Ngày 7/10/1995, Chính phủ ra Nghị định 59/CP chia huyện Điện Biên thành hai huyện là Điện Biên và Điện Biên Đông.
- Huyện Điện Biên có diện tích 180.161 ha, số dân 97.709 người, gồm 19 xã và thị trấn Nông trường Điện Biên.
- Huyện Điện Biên Đông có 121.799 ha, số dân 35.063, gồm 10 xã.
Theo Nghị quyết kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XI (từ ngày 20/10-26/11/2003), thị xã Điện Biên Phủ được chuyển thành thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên (4). Thành phố Điện Biên gồm 7 phường: Tân Thanh, Him Lam, Noong Bua, Mường Thanh, Thanh Bình, Nam Thanh, Tân Trường và xã Thanh Minh.

Bản đồ tỉnh Điện Biên. (Ảnh: dienbien.gov.vn)
Bản đồ tỉnh Điện Biên. (Ảnh: dienbien.gov.vn)

Bản đồ tỉnh Điện Biên nhìn từ vệ tinh. (Ảnh: dienbien.gov.vn)
Bản đồ tỉnh Điện Biên nhìn từ vệ tinh. (Ảnh: dienbien.gov.vn)
Như vậy, từ huyện Điện Biên ban đầu, nay đã tách ra thành ba đơn vị hành chính, trong đó có thành phố Điện Biên Phủ - nơi diễn ra trận đánh lịch sử "Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu" năm xưa, nay là tỉnh lỵ của tỉnh Điện Biên. Nhiều học giả nước ngoài cho rằng, mảnh đất Điện Biên từng chứng kiến những luồng giao lưu giữa văn hóa của các cư dân trồng trọt bản địa với văn hóa của các cư dân du mục miền Trung Á xa xôi.
Điện Biên còn nằm trên đường chuyển tải văn hóa từ Ấn Độ vào bắc Đông Dương và ngược lại. Điện Biên cũng là nơi gặp gỡ của nhiều tộc người mà nhiều thời kỳ "ai mạnh thì làm chúa". Những lớp cư dân đầu tiên chiếm lĩnh vùng đất Điện Biên là các cư dân thuộc ngôn ngữ Môn - Khơme và người Lự. Cho đến thế kỷ X, người Lự đã phát triển hưng thịnh ở Mường Thanh, mở rộng ảnh hưởng ra cả lòng chảo Điện Biên, Lai Châu (Tuần Giáo), xuống Sơn La; đẩy lùi các tộc người thuộc ngôn ngữ Môn-Khơme (Kháng, Xinh Mun, Khơ Mú) vào sâu các miền chung quanh lòng chảo.

Một góc đường phố Điện Biên hôm nay.
Một góc đường phố Điện Biên hôm nay.
Từ thế kỷ XI-XII, một bộ phận tổ tiên người Thái từ Mường Ôm, Mường Ai thuộc miền nam Vân Nam, giữa sông Nậm Hu và sông Hồng tiến xuống chiếm Mường Lò (Nghĩa Lộ) rồi lần lượt mở rộng ảnh hưởng ra các vùng Tú Lệ, Than Uyên, Văn Bàn thuộc tỉnh Yên Bái ngày nay.
Đến đời chúa Lạng Chương, người Thái từ Nghĩa Lộ đẩy lùi các tộc người thuộc ngôn ngữ Môn-Khơme, tiến xuống Sơn La rồi tiến lên chiếm lĩnh cánh đồng Mường Thanh, nhưng vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của người Lự và các tộc người Môn-Khơme.
Cuối cùng, người Thái để người Lự làm chủ miền bắc cánh đồng Mường Thanh, còn họ dựng mường trung tâm ở cánh đồng này (khu vực quanh đồi A1 hiện nay) và chia cho con cháu, tay chân cai quản.
Đây cũng là thời kỳ nhà Lý hưng thịnh. Trong cố gắng nhằm nắm được các vùng tộc người thiểu số nơi biên viễn, nhà Lý đã buộc các tù trưởng Thái đen (mà có học giả đã cho rằng, đấy chính là người Ngưu Hống được ghi trong sử cũ) thần phục. Sau khi Lạng Chương chết một thời gian, nội bộ các chúa đất Thái bất hòa. Nhân cơ hội đó, người Lự tổ chức đánh bật người Thái khỏi Mường Thanh. Các chúa đất Thái phải hợp sức lại, bỏ mối bất hòa để chống lại người Lự. Cuộc tranh chấp liên miên giữa hai tộc người kéo dài suốt thế kỷ XIV với việc người Lự vẫn làm chủ Mường Thanh, còn người Thái mở rộng ảnh hưởng xuống vùng Thuận Châu và vùng đất dọc sông Hồng, sông Đà, sông Mã. Có thời kỳ, họ uy hiếp cả khu vực cư trú của người Mường khiến triều đình nhà Trần phải điều quân cản đánh lại (5).
Sang thế kỷ XV, các vua nhà Lê (khởi đầu là Thái Tổ, Thái Tông và Thánh Tông) có nhiều cố gắng chấm dứt thái độ "ngả nghiêng" của các tù trưởng Thái khi muốn dựa vào nước Lào chống lại triều đình, lúc muốn dựa vào triều đình chống lại nước Lào, buộc họ phải quy phục. Biên giới Tổ quốc được bảo vệ, tình hình Tây Bắc tương đối yên ổn.
Tuy nhiên, đất Mường Thanh lúc này vẫn do các chúa đất người Lự thống trị với trung tâm là thành Tam Vạn (nay thuộc xã Sam Mứn, huyện Điện Biên). Họ duy trì chính sách vừa thân Việt, vừa thân Lào. Khi triều đình Việt hưng thịnh (thời Lê sơ), họ quy phục và đã góp phần bảo vệ miền Điện Biên chống lại các đợt tấn công của các toán "giặc cỏ" từ tây nam Trung Quốc, Thượng Lào sang. Nhưng khi triều đình Trung ương suy yếu hoặc bận lo giải quyết nhiều vấn đề trọng đại khác ở đồng bằng, các chúa Lự lại liên kết với ngoại bang để chống lại triều đình hoặc liên kết, tập hợp các phần tử bất mãn, đối lập người Thái để tranh chấp, uy hiếp phạm vi ảnh hưởng với các chúa đất Thái.
Gần 20 đời các chúa Lự thống trị ở Mường Thanh, đất Điện Biên trở thành nơi tranh chấp giữa các tập đoàn chúa đất Thái-Lự.
Từ những năm 40 của thế kỷ XVIII, triều đình Lê-Trịnh bận lo đối phó với các cuộc khởi nghĩa nông dân ở dưới xuôi, không còn điều kiện để quan tâm tới đất Tây Bắc. Nhân cơ hội đó, những đám giặc cỏ từ Tây Nam Trung Quốc và Thượng Lào tràn sang, đuổi người Lự khỏi cánh đồng Mường Thanh, tiến xuống vùng Sơn La. Triều đình Lê-Trịnh cử quân lên đánh dẹp, nhưng cũng chỉ đuổi "giặc cỏ" về cố thủ ở Mường Thanh rồi rút quân về xuôi. Mường Thanh lại nằm trong sự kiểm soát của giặc cỏ với bao tội ác man rợ với nhân dân trong vùng.
Năm 1751, lãnh tụ khởi nghĩa nông dân Hoàng Công Chất chuyển hoạt động lên vùng Tây Bắc. Được lực lượng nghĩa binh người Thái và các tộc người khác giúp đỡ, nghĩa quân Hoàng Công Chất đã đuổi "giặc cỏ" khỏi Mường Thanh, giải phóng Tây Bắc. Ông đã xây thành ở Chiềng Lề, đem lại cuộc sống hòa bình, ổn định cho nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Từ đây, đất Mường Thanh thật sự trở thành bộ phận khăng khít của Tổ quốc, một tiền đồn bảo vệ biên cương Tây Bắc.

Cầu Mường Thanh.
Cầu Mường Thanh.
Sau khi Hoàng Công Chất mất (năm 1767), con là Hoàng Công Toan không đủ sức tập hợp các tướng lĩnh bảo vệ vùng Điện Biên và Tây Bắc. Nhưng chúa Trịnh sau khi dẹp được cuộc khởi nghĩa Hoàng Công Chất lại bỏ rơi vùng này, khiến cho Tây Bắc lại bị ngoại bang đe dọa. Mường Thanh rơi vào vòng ảnh hưởng của phong kiến Lào.
Mãi đến năm 1775, do những biến cố trong nước, các vua chúa Lào mới trả lại vùng Mường Thanh. Từ đây, đất Mường Thanh được tạm yên. Sử cũ ghi lại, thời kỳ này, "các dân tộc Kinh, Hoa, "Xá" Lào, Thái ở xen kẽ hòa hợp trong vùng, chợ búa phủ lỵ đông vui. Người Ai Lao, Miến Điện, Trung Quốc đổ về buôn bán sầm uất". Đây có lẽ là thời kỳ bình ổn và phát đạt nhất của Mường Thanh từ thời điểm đó trở về trước. Tình hình này tiếp diễn đến nửa đầu thế kỷ XIX.
Nhưng từ thập kỷ thứ ba của thế kỷ XIX trở đi, Mường Thanh lại nằm trong tình trạng hỗn loạn. Hết những toán "giặc cỏ" giày xéo lại đến giặc Pháp xâm lăng. Từ cuối thế kỷ XIX, nhân dân các dân tộc Mường Thanh chịu sự áp bức, bóc lột hà khắc của thực dân Pháp và tầng lớp quý tộc người Thái. Cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) với chính sách "đoàn kết và bình đẳng dân tộc", đã tập hợp, lãnh đạo nhân dân các tộc người làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 và sau đó là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy khắp năm châu.

Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Nhìn lại lịch sử đất Mường Thanh-Điện Biên Phủ hơn một thiên niên kỷ vừa qua cho thấy, mảnh đất này luôn biến động bởi các cuộc tranh chấp giữa các tù trưởng các tộc người, bởi các cuộc xâm lấn của các thế lực phong kiến ngoại bang và các đám "giặc cỏ" từ bên kia biên giới, gây bao nỗi đau thương tang tóc cho nhân dân các dân tộc.
Lịch sử hơn một thiên niên kỷ qua cũng chứng tỏ, triều đình phong kiến Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc nắm giữ và bảo vệ Mường Thanh-Điện Biên, trung tâm của vùng Tây Bắc, "phên dậu" của Tổ quốc và nhân dân các dân tộc ở đây đã có nhiều thời kỳ sát cánh bên nhau chiến đấu chống quân thù để bảo vệ dải đất này.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lịch sử của đất Mường Thanh-Điện Biên Phủ là lịch sử nhân dân các dân tộc ở đây đoàn kết, chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, mở đầu cho thời kỳ sụp đổ của toàn bộ hệ thống chủ nghĩa thực dân kiểu cũ. Điện Biên trở thành biểu tượng cho ý chí và tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam. Tiếp đó là lịch sử các dân tộc ở đây chung sức chung lòng, làm thay đổi toàn diện và sâu sắc bộ mặt mảnh đất lịch sử này. Ngày nay, cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc Điện Biên Phủ bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với việc thị xã Điện Biên Phủ được nâng cấp thành thành phố Điện Biên Phủ, trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả tỉnh Điện Biên, quá trình đô thị hóa ngày càng được đẩy mạnh. Điện Biên sẽ nhanh chóng trở thành đô thị giàu đẹp của Tây Bắc. Tuy nhiên, trong quá trình đó, cần lưu ý tránh việc đô thị hóa dẫn đến lấn át các di tích lịch sử-văn hóa và tránh việc hiện đại hóa dẫn đến "đồng hóa" và "hòa tan" văn hóa các dân tộc.
Với việc thị xã Điện Biên Phủ được nâng cấp thành thành phố Điện Biên Phủ, trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả tỉnh Điện Biên, quá trình đô thị hóa ngày càng được đẩy mạnh. Điện Biên sẽ nhanh chóng trở thành đô thị giàu đẹp của Tây Bắc.
Nếu như trong lịch sử trước đây có hiện tượng các tộc người "chiến thắng" hủy hoại các dấu tích lịch sử văn hóa, "đồng hóa" về mặt văn hóa đối với các tộc người "chiến bại" thì ngày nay, trong công cuộc hiện đại hóa mảnh đất Điện Biên, các di tích lịch sử văn hóa cần được bảo vệ, các giá trị văn hóa của các dân tộc cần được bảo tồn và phát huy để Điện Biên trở thành trung tâm của vùng văn hóa Tây Bắc.
Vì những lẽ đó, chúng tôi kiến nghị với các ngành, các cấp:
1. Khoanh vùng lại để bảo vệ và đầu tư kinh phí để tôn tạo nâng cấp các điểm chính trong khu di tích Điện Biên Phủ (đồi A1, Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, sân bay Mường Thanh, hầm Đờ Cátxtơri...), biến nơi đây không chỉ là di tích lịch sử mà còn là điểm vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa và giáo dục truyền thống.
2. Khôi phục và tôn tạo lại các di tích lịch sử đã bị hoang phế hay có nguy cơ bị hoang phế như thành Bản Phủ, thành Tam Vạn...
3. Xây dựng một số làng bản của người Thái, người Mông, Khơ Mú theo đúng kiểu cách truyền thống để thành những điểm du lịch quanh khu di tích Điện Biên.
4. Tổ chức nghiên cứu để khôi phục lại một số lễ hội tiêu biểu của các dân tộc trong vùng để phục vụ du lịch văn hóa.
5. Đầu tư kinh phí cho các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu các vấn đề về lịch sử văn hóa các dân tộc ở Điện Biên.
-----------
Trích trong sách “50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Điện Biên Phủ-Hợp tuyển công trình khoa học”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005. Trước đó, bài đã đăng trong sách: Quân và dân Tây Bắc với chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.
-------------
Chú thích:
(*) Quân đội nhân dân Việt Nam - Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Quân và dân Tây Bắc với chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999. Tác giả có điều chỉnh các đơn vị hành chính theo sự thay đổi hiện nay.
(1). Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1962, tr.359-360.
(2). Tư liệu của PGS, TS. Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học).
(3). Châu Phục Lễ tức Mường Lễ, tức tỉnh Lai Châu hiện nay.
(4). Theo Nghị quyết này, tỉnh Lai Châu được chia thành hai tỉnh là Điện Biên và Lai Châu.
- Tỉnh Điện Biên gồm thành phố Điện Biên, các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Lay, Mường Nhé, Tủa Chùa, Tuần Giáo và thị xã Lai Châu. - Tỉnh Lai Châu gồm các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường và Than Uyên.
(5). Dẫn theo Đinh Xuân Lâm, Đặng Nghiêm Vạn: Điện Biên trong lịch sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979.
---------------
Nội dung: TS. BÙI XUÂN ĐÍNH, Viện Dân tộc học - Viện Khoa học xã hội Việt Nam
Trình bày: Ngọc Bích
Ảnh: Thành Đạt
