ĐIỆN BIÊN PHỦ - MỘT TẤT YẾU LỊCH SỬ

Trong kế hoạch tổng thể giải quyết chiến tranh Đông Dương do Đại tướng Nava lập ra, được Hội đồng Quốc phòng Pháp, mà đích thân Tổng thống Vanhxăng Ôriôn chủ trì họp thông qua ngày 24-7-1953, không hề coi Điện Biên Phủ như một vị trí chiến lược, chính trị-quân sự. Vậy mà chỉ hơn bốn tháng sau, vào ngày 3-12-1953, chính tướng Nava tuyên bố quyết định chấp nhận cuộc chiến đấu ở Tây Bắc Việt Nam, với trung tâm điểm là Điện Biên Phủ2.
Giải thích điều này như thế nào?
Trải qua gần tám năm chiến tranh, đến mùa Hè 1953, Pháp đã đổ vào Đông Dương hơn 2 ngàn tỷ phrăng, bị thu hút và giam chân hàng chục vạn quân chính quy. Cuộc chiến tranh hao người, tốn của làm cho người dân Pháp chịu nhiều khó khăn và chính giới Pháp lâm vào mâu thuẫn gay gắt.
Trong khi đó, ở chiến trường Đông Dương, do mất quyền chủ động chiến lược từ sau năm 1950, quân Pháp càng lún sâu vào bế tắc về chiến lược quân sự sau thất bại ở Tây Bắc và Thượng Lào (1952-1953). Bởi thế, Chính phủ Pháp thấy cần phải cải tổ bộ máy chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, từ đó hoạch định lại chính sách mới, nhằm tìm cho nước Pháp “một lối thoát danh dự" ra khỏi cuộc chiến tranh. Đó là một yêu cầu cấp bách đối với Chính phủ Pháp.

Cảnh lính Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Ảnh chụp từ bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Thành Đạt
Cảnh lính Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Ảnh chụp từ bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Thành Đạt
Xuất phát từ yêu cầu đó và để cứu vãn tình thế, Hăngri Nava, một viên tướng tài năng của quân đội Pháp, được cử làm Tổng Chi huy quân đội Pháp ở Đông Dương.
Sau khi nghiên cứu kỹ thực trạng chiến trường Đông Dương và căn cứ vào ý đồ chính trị của Pari cùng thái độ của Oasinhtơn đối với cuộc chiến tranh Đông Dương, tướng Nava đã vạch ra một kế hoạch quân sự, phần tác chiến gồm hai bước:
- Trong chiến cục 1953-1954, nói chung giữ thế phòng thủ ở phía bắc vĩ tuyến 18 và tìm cách tránh giao chiến lớn. Trái lại, ở phía nam lại tiến công để ổn định miền trung và nam Đông Dương và để lấy được nhân vật lực. Đặc biệt phải thanh toán cho được Liên khu V.
- Khi đạt được ưu thế về quân cơ động, nghĩa là nếu có thể được thì từ mùa Thu 1954, thực hành tiến công ở phía bắc nhằm mục đích tạo ra một tình hình quân sự cho phép đưa ra một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh3.
Như thế, điểm mấu chốt trong kế hoạch của tướng Nava là tập trung được một lực lượng cơ động ưu thế hơn đối phương, sau khi giải quyết chiến trường phía nam, sẽ thực hành tiến công ở phía bắc, tạo ra tình hình quân sự có lợi làm cơ sở cho giải pháp chính trị kết thúc chiến tranh.
Điểm mấu chốt trong kế hoạch của tướng Nava là tập trung được một lực lượng cơ động ưu thế hơn đối phương, sau khi giải quyết chiến trường phía nam, sẽ thực hành tiến công ở phía bắc, tạo ra tình hình quân sự có lợi làm cơ sở cho giải pháp chính trị kết thúc chiến tranh.

Tháng 12/1953, tại chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), TƯ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ
Tháng 12/1953, tại chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), TƯ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ
Trong khi đó, vào cuối tháng 9-1953, tại Tỉn Keo, dưới chân núi Hồng thuộc an toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta mở hội nghị bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954. Phân tích kỹ cục diện chiến tranh, tình hình các chiến trường và âm mưu mới của phía Pháp-Mỹ, Bộ Chính trị khẳng định kế hoạch Nava tuy có thể gây cho kháng chiến những khó khăn mới, nhưng bản thân nó là một sản phẩm bị động, nên chứa đựng nhiều mâu thuẫn và có nhiều nhược điểm không khắc phục được.
Kế hoạch Nava tuy có thể gây cho kháng chiến những khó khăn mới, nhưng bản thân nó là một sản phẩm bị động, nên chứa đựng nhiều mâu thuẫn và có nhiều nhược điểm không khắc phục được.
Chủ trương tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Đông Xuân 1953-1954 là sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào hướng quân Pháp sơ hở, đồng thời bằng đánh vận động tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch khi quân Pháp đánh sâu vào vùng tự do. Điểm mấu chốt là tập trung nỗ lực tìm cách phân tán khối cơ động chiến lược của Pháp vừa được tổ chức, xây dựng.
Điểm mấu chốt là tập trung nỗ lực tìm cách phân tán khối cơ động chiến lược của Pháp vừa được tổ chức, xây dựng.
Chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị nói trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng hình ảnh để diễn đạt tư tưởng chỉ đạo chiến lược trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Người đưa bàn tay phải lên, nắm lại, xoè ra và nói: Bàn tay nắm lại thì thành quả đấm mạnh. Nếu duỗi ra thì dễ bị bẻ gãy từng ngón. Ta phải có cách buộc khối quân cơ động của địch phải chia ra làm năm, bảy mảng mà tiêu diệt, làm cho chúng thất bại hoàn toàn.

Tướng Nava dự kiến tập trung xây dựng 27 GM (Groupe mobile - binh đoàn) cơ động cho toàn chiến trường Đông Dương. Riêng ở Bắc Bộ, Pháp có 44 tiểu đoàn cơ động. Hậu quả của việc rút quân về xây dựng khối quân cơ động khiến lực lượng Pháp - nguỵ ở các chiến trường trở nên mỏng, yếu. Mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng vốn đã gay gắt lại càng gay gắt hơn.
Quân đội Việt Nam đã triệt để khai thác điểm yếu này bằng cách phân tán chủ lực đánh vào các địa bàn chiến lược mà Pháp không thể bỏ, buộc họ phải xé lẻ khối cơ động đối phó và làm nhiệm vụ chiếm đóng.
Triển khai chủ trương trên, thấy rõ vị trí chiến lược của miền Tây Bắc, nơi có thể phát huy sở trường tác chiến của ta, trung tuần tháng 11-1953, Đại đoàn 316 (thiếu Trung đoàn 176) được phái lên Tây Bắc. Đây là đòn điểm đúng "huyệt hiểm" của Pháp. Bởi, với họ, Điện Biên Phủ - Tây Bắc "là một vị trí chiến lược quan trọng chẳng những đối với chiến trường Đông Dương, mà còn đối với miền Đông Nam Á"4, một "bàn xoay" có thể xoay đi bốn phía Việt Nam, Lào, Miến Điện, Trung Quốc và là "chiếc chìa khóa bảo vệ Thượng Lào"5.
Quả nhiên, Pháp cấp tốc cho sáu tiểu đoàn nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ vào các ngày 20, 21, 22-11, khi Đại đoàn 316 Quân đội Việt Nam đang trên đường hành quân lên Lai Châu. Đây là phản ứng hết sức nhạy cảm.

Khi nhận thấy tình thế chiến lược mới xuất hiện, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch: Đại đoàn 308 tách khỏi khối bốn đại đoàn (308, 312, 304 và 351) đang ở khu vực Phú Thọ - Yên Bái - Tuyên Quang, hành quân lên Tây Bắc.
Điều này như chất xúc tác làm tăng nhanh quá trình "phản ứng hóa học" và đặt tướng Nava vào thế lúng túng: Sử dụng lực lượng đánh lên Phú Thọ, Yên Bái để kìm chân chủ lực Việt Minh hay đưa thêm quân lên Điện Biên Phủ, chấp nhận giao chiến ở đó, đồng thời vẫn triển khai kế hoạch Nava.
Sau khi cân nhắc nhiều mặt, tướng Nava quyết định vừa đưa quân lên Điện Biên Phủ, chấp nhận giao chiến, vừa tiếp tục thực hiện kế hoạch tiến công ở miền Nam.
Sau khi cân nhắc nhiều mặt, tướng Nava quyết định vừa đưa quân lên Điện Biên Phủ, chấp nhận giao chiến, vừa tiếp tục thực hiện kế hoạch tiến công ở miền Nam. Và, sau khi cho lực lượng đồn trú ở Lai Châu rút về Điện Biên Phủ, cho đến ngày 10-12-1953, số quân Pháp ở thung lũng nổi tiếng này lên tới 10 tiểu đoàn bộ binh và hai tiểu đoàn của bán Lữ đoàn lê dương thứ 13 (13è ĐBLE) mới được đưa lên.
Thế là, cùng với nhiều đòn tiến công của quân đội Việt Nam trên khắp các chiến trường, trong đó có cuộc hành quân lên Tây Bắc, Điện Biên Phủ, một cách không tự giác dần dần trở thành trung tâm điểm của kế hoạch Nava, thành nơi Nava chọn cho cuộc đọ sức quyết định với quân đội và nhân dân Việt Nam.
Điện Biên Phủ, một cách không tự giác, dần dần trở thành trung tâm điểm của kế hoạch Nava, thành nơi Nava chọn cho cuộc đọ sức quyết định với quân đội và nhân dân Việt Nam.
Pháp chọn Điện Biên Phủ để tạo một thắng lợi quân sự đột biến làm cơ sở cho cuộc thương lượng về chính trị cho cuộc chiến, chọn Điện Biên Phủ để bảo vệ Lào như hiệp ước họ vừa ký tháng 10 với Lào, và còn vì Điện Biên Phủ sẽ là chốt chặn Việt Minh phát triển sang Lào. Và, theo họ, việc tiếp tế của Việt Minh cho một lực lượng lớn là vô kế khả thi; Việt Minh không thể chiến thắng bởi họ chưa có cách gì đánh bại được hình thức phòng ngự kiên cố, liên hoàn như Điện Biên Phủ.
Bài học Hòa Bình, Nà Sản còn đó, mà Điện Biên Phủ là "Nà Sản lũy thừa 10". Vả lại, nếu bộ phận lớn chủ lực Việt Minh bị hút vào Điện Biên Phủ, thì họ còn đâu quyền chủ động chiến lược.
Sau nữa là vấn đề tâm lý, chính họ không muốn Việt Minh bước vào bàn đàm phán trên thế thắng và hầu như mọi tướng lĩnh Pháp, Mỹ đều chủ quan tin chắc vào khả năng thắng lợi của họ.

Về phía Việt Nam, tác chiến ở chiến trường rừng núi là sở trường của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dụ được quân Pháp lên Tây Bắc là một thuận lợi.
Trong phiên họp ngày 6-12-1953, Bộ Thống soái tối cao phân tích Điện Biên Phủ tuy là tập đoàn cứ điểm mạnh của quân Pháp nhưng lại bị cô lập, tiếp viện và tiếp tế phải dựa vào đường hàng không.
Về phía Việt Nam, bộ đội có quyết tâm chiến đấu rất cao, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và có tiến bộ về trang bị, kỹ thuật, có thể đánh được tập đoàn cứ điểm. Đường sá tiếp tế là một khó khăn rất lớn nhưng Việt Nam có hậu phương hùng hậu sẵn sàng tập trung toàn lực chi viện, bảo đảm cung cấp cho chiến dịch. Và như thế, Bộ Thống soái tối cao khẳng định quyết tâm tiêu diệt đối phương tại Điện Biên Phủ.

Suy cho cùng, Điện Biên Phủ bắt nguồn một cách lôgic từ tiến trình phát triển của cuộc chiến tranh mà ở đó, tính chính nghĩa, tài nghệ chỉ đạo của Bộ Thống soái kháng chiến và trí thông minh, lòng yêu nước của con người Việt Nam ngày càng tỏa sáng và phát huy tác dụng.
Trong khi đó, chỉ huy quân viễn chinh Pháp vừa phạm những sai lầm chủ quan, vừa bị quy luật mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng khi đối phó với cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp hành hạ, mà không thể khắc phục được, khiến mất quyền chủ động chiến lược. Vả lại, kết thúc chiến tranh bằng một trận quyết chiến chiến lược, đã là cách giải quyết của hầu hết các cuộc chiến tranh.
Điện Biên Phủ là hệ quả của những yếu tố trên, và như thế, trở thành một tất yếu lịch sử.


Thiếu tướng, PGS, TS. TRỊNH VƯƠNG HỒNG
Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tham luận tại Hội thảo khoa học: 1954-2004 - Trận Điện Biên Phủ, giữa lịch sử và ký ức do Trường Đại học Tổng hợp Pari 1 Păngtêông - Xoócbon và Trung tâm Lịch sử quốc phòng Bộ Quốc phòng Cộng hòa Pháp phối hợp với Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tại Paris, ngày 21 và 22-11-2003.
Trích trong sách “50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.
Trình bày: MINH ĐỨC
Ảnh: TTXVN