
Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Với chiến thắng đó, dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi ba nước Đông Dương.
Với thực dân Pháp, thất bại trong trận Điện Biên Phủ được coi là thất bại cay đắng nhất của giới cầm quyền Pháp trong lịch sử hiện đại. Sau thất bại đó, xã hội Pháp nói chung, chính trường Pháp nói riêng luôn rơi vào tình trạng chao đảo. Trong bài: “Nền Cộng hòa thứ tư - Một nền cộng hòa bất ổn” (Fourth Republics - Republics of Instability), tác giả John D. Huber viết: Ra đời từ năm 1946 và tồn tại đến năm 1958, nền Cộng hòa thứ tư của Pháp đã phải trải qua những cơn chao đảo chưa từng có trong lịch sử. Trong vòng 12 năm, chính phủ Pháp đã phải thay đổi tới 24 nội các với 22 thủ tướng, bình quân cứ 6 tháng lại có một nội các mới. Từ sau trận Điện Biên Phủ, nội các của nền Cộng hòa thứ tư còn thay đổi nhanh hơn, bình quân mỗi nội các chỉ tồn tại được chưa đầy 6 tháng, có nội các chỉ tồn tại được chưa đầy bốn tháng1.
Đánh giá về nguyên nhân của sự bất ổn đó, John D. Huber nhấn mạnh: Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chính sách thuộc địa và các cuộc chiến tranh thuộc địa đã khiến nước Pháp luôn trong tình trạng bất ổn. Chính sách đối nội và đối ngoại đi ngược với quyền lợi của nhân dân đã gây nên sự bất mãn sâu sắc. Bãi công, biểu tình diễn ra khắp nơi. Các cuộc đấu đá chính trị giữa Phong trào công nhân Bình dân, Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội cấp tiến, Phong trào Cộng hòa Bình dân v.v.. liên tiếp diễn ra. Từ năm 1946, khi Đảng Cộng sản bị gạt ra khỏi chính trường, tình hình nước Pháp càng trở nên rối ren. Lực lượng cực hữu lo mất quyền lợi trong nước đã mở rộng chiến tranh ra các nước thuộc địa. Quyền lợi thu được từ chiến tranh thuộc địa không bù đắp nổi chi phí và tổn thất nên nền kinh tế-xã hội ngày càng lao dốc. Nội các cũng vì thế càng trở nên rối ren hơn. Sau thất bại tại Điện Biên Phủ, ảo tưởng của giới cầm quyền Pháp về một cường quốc vĩ đại đã lộ rõ. Giới cầm quyền Pháp không còn ngủ say với hào quang quá khứ, mà phải tỉnh giấc, mạnh dạn gạt bỏ tất cả thói tư duy cũ để tìm lối tư duy mới phù hợp với nền tảng dân chủ và ánh sáng của nguyên lý của bình đẳng, tự do, bác ái”2.
Đúng như nhận xét của John D. Huber, các cuộc chiến tranh thuộc địa, trong đó có cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã làm chính trường nước Pháp trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết.
Đúng như nhận xét của John D. Huber, các cuộc chiến tranh thuộc địa, trong đó có cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã làm chính trường nước Pháp trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết. Ngay cả khi cuộc chiến tranh đang diễn ra, giới tinh hoa Pháp luôn bị giằng xé bởi câu hỏi: tìm đâu ra sự tương đồng giữa chiến tranh với bình đẳng, tự do, bác ái? Câu hỏi đó cũng đã cuốn họ vào vòng xoáy của những cuộc tranh luận, cãi vã, thậm chí ẩu đả bất tận kéo dài nhiều năm cho tới khi cuộc chiến tranh tại Việt Nam, Marốc và Angiêri kết thúc3.
Bất đồng trong giới chính giới Pháp đã lan sang cả chiến trường Việt Nam. Ngay từ khi cuộc chiến bắt đầu, các phe phái chính trị tại Pháp đã không ngớt các cuộc luận chiến về vấn đề Đông Dương. Đảng Cộng sản Pháp luôn đấu tranh yêu cầu chính phủ và quân đội phải chấm dứt các hành động tái chiếm và trao trả độc lập cho Việt Nam, Lào và Campuchia. Trái lại, những người theo phái cấp tiến luôn yêu cầu tăng quân, đồng thời cầu cứu Mỹ viện trợ cho cuộc chiến chống lại nhân dân Đông Dương. Giữa năm 1949, khi cuộc chiến tại Việt Nam bước vào giai đoạn cam go, chính phủ Pháp cử Rơve (Revers) – Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp cùng đoàn đại biểu gồm 6 nghị sĩ Đảng Cấp tiến và Phong trào Cộng hòa Bình dân sang Đông Dương nghiên cứu tình hình và vạch kế hoạch đối phó. Sau hơn một tháng thị sát tại Việt Nam, tướng Rơve đã chỉ trích đường lối chính trị mà Chính phủ Pháp đang đeo đuổi ở Việt Nam, đặc biệt là việc công nhận “Quốc gia Việt Nam” là một nước “độc lập” do Bảo Đại đứng đầu. Rơve cũng cho rằng, Pháp khó có thể đạt được mục đích ở Đông Dương bằng vũ lực, do vậy, không thể hy vọng vào nỗ lực quân sự để dọn đường cho các cuộc thương lượng với các điều kiện có lợi cho Pháp.

Mâu thuẫn không chỉ dừng lại ở những vấn đề mang tầm vĩ mô, mà còn cả những vấn đề liên quan đến cách thức tiến hành chiến tranh tại Việt Nam. Rơve cho rằng, muốn cải thiện tình hình tại Việt Nam, quân Pháp cần từ bỏ việc tiến công trực tiếp vào căn cứ địa Việt Bắc, thay vào đó, cần phòng thủ chắc ở khu vực biên giới Việt-Trung, sau đó mở rộng chiếm đóng vùng đồng bằng phía bắc sông Hồng nhằm giành quyền chủ động ở khu vực Việt Trì-Thái Nguyên-Móng Cái-Hải Phòng-Hòa Bình, đồng thời phải rút quân khỏi Bắc Kạn, Nguyên Bình và Cao Bằng. Song song với phương hướng trên, Rơve còn chủ trương tiếp tục đẩy mạnh bình định các vùng còn lại ở Đông Dương và dần dần chuyển giao hoạt động này cho quân đội của chính quyền Bảo Đại. Như vậy, kế hoạch của Rơve không chỉ đi ngược với tham vọng của chính quyền Paris, mà còn có nhiều khác biệt so với những người tiền nhiệm.
Tương tự như vậy, tháng 1 năm 1952, sau khi được Chính phủ Pháp chỉ định làm Tư lệnh lực lượng quân Pháp tại chiến trường Bắc Đông Dương, Cônhi (Renes Cogny) đã chủ trương tái tổ chức lực lượng quân Pháp tại khu vực đồng bằng sông Hồng thành những đơn vị tác chiến nhỏ, cơ động, thiện chiến; không xây dựng các tập đoàn cứ điểm mạnh. Chủ trương của Cônhi bao hàm 3 nhiệm vụ chiến lược: thứ nhất, quét sạch lực lượng Việt Minh ra khỏi khu vực đồng bằng và xây dựng các khu hậu cứ vững chắc; thứ hai, để cho người dân Việt Nam được tự do hơn nhằm tranh thủ trái tim và khối óc của họ; thứ ba, tổ chức các đòn tiến công từ khu vực đồng bằng đã được bình định lên khu vực biên giới Việt-Trung nhằm tiêu diệt toàn bộ lực lượng kháng chiến cộng sản, kết thúc chiến tranh. Như vậy, chủ trương Cônhi đã hoàn toàn đối lập với ý định của tướng Nava (Henri Navarre) về việc xây dựng các tập đoàn cứ điểm mạnh. Trước khi diễn ra trận Điện Biên Phủ, bất đồng giữa hai người còn trở nên sâu sắc hơn. Cônhi đề nghị Nava hủy bỏ cuộc hành quân Atlăng sẽ diễn ra trong đầu năm 1954, nhưng bị Nava từ chối. Do không dung hòa được bất đồng, mâu thuẫn trong ý định chiến lược và cách sử dụng lực lượng tại Điện Biên giữa Cônhi và Nava ngày càng trở nên khó dung hòa. Cônhi đã nhiều lần lên tiếng phản đối Nava, công khai tuyên bố từ bỏ Điện Biên và sẽ không phục vụ dưới trướng của Nava, v.v...

Tướng Đờ Cátxtơri, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ làm việc tại hầm chỉ huy trong những giờ phút cuối cùng trước khi Điện Biên Phủ thất thủ. (Ảnh: TTXVN)
Tướng Đờ Cátxtơri, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ làm việc tại hầm chỉ huy trong những giờ phút cuối cùng trước khi Điện Biên Phủ thất thủ. (Ảnh: TTXVN)
Như vậy, ngay tại chiến trường Việt Nam, những người được Chính phủ Pháp tín nhiệm giữ các chức vụ cao nhất như: Cônhi, Nava, Xalăng (Raoul Salan) và cả Rơve... cũng đã tồn tại vô số bất đồng. Những bất đồng đó không chỉ như hàn thử biểu phản ánh nội bộ chính trường nước Pháp, mà còn là nguyên nhân khiến cuộc chiến phải kéo dài tới hơn 8 năm và làm cho 8 đời tổng chỉ huy cùng 20 lần nội các Pháp phải lần lượt ra đi4.
Khi chiến sự tại Điện Biên Phủ đang diễn ra quyết liệt, chính trường nước Pháp cũng có nhiều quan điểm trái chiều. Những người theo đường lối hòa bình thì bi quan cho rằng, Điện Biên Phủ là nơi tận cùng chôn vùi đế chế Pháp và rằng nước Pháp đang trút hàng vạn binh sĩ cùng hàng triệu Phrăng vào những việc làm vô ích. Trái lại, những nhân vật theo đường lối chủ chiến thì lại hết lời ca ngợi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; ca ngợi tinh thần quả cảm của tướng Đờ Cátxtơri (De Castries) cùng những binh sĩ Pháp đang chiến đấu tại lòng chảo Điện Biên Phủ. Không ít nhân vật thuộc Chính phủ Pêtanh (Philippe Pétain) trước kia còn khẳng định: các chiến binh Pháp tại Điện Biên sẽ là những người gột rửa vết nhơ vì nước Pháp trước kia từng đầu hàng phát xít Đức và họ sẽ tô thắm thêm truyền thống và sự vĩ đại của nước Pháp. Khi chiến sự tại Điện Biên Phủ sắp bước vào đoạn cuối, Thủ tướng Giôdép Lanien (Joseph Laniel), Bộ trưởng Ngoại giao Gioócgiơ Biđôn (Georges Bidault) và Bộ trưởng Quốc phòng Rơnơ Plơvne (Rene Pleven) vẫn ngoan cố cho rằng, việc đàm phán trực tiếp với Việt Minh là bằng chứng của sự yếu thế của Pháp. Vì vậy, bằng mọi giá phải giành chiến thắng tại Điện Biên, v.v... Nhưng khi thấy Đờ Cátxtơri cắm lá cờ đầu hàng trên nóc hầm chỉ huy thì chính họ lại chuyển sang phân tích, quy trách nhiệm nước Pháp thua trận vì đã tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa5.
13 giờ 42 phút ngày 8 tháng 5 năm 1954 tin Điện Biên Phủ thất thủ đến Paris như một vệt thuốc súng.
Khi Điện Biên Phủ thất thủ, không chỉ Nava, Conhi hay Đờ Cátxtơri tỏ ra thất thần mà cách đó nửa vòng trái đất, cả nước Pháp hầu như chết lặng. 13 giờ 42 phút ngày 8 tháng 5 năm 1954 tin Điện Biên Phủ thất thủ đến Paris như một vệt thuốc súng. 16 giờ 45 phút, tại cung điện Buốcbông (Burbon), Thủ tướng Lanien thông báo tình hình đến Quốc hội Pháp. Trong trang phục màu tang đen và với nét mặt tái nhợt, Laniel nặng nề bước lên diễn đàn. Ông ta bắt đầu bằng giọng nói đứt quãng: “Chính phủ… vừa được tin Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã thất thủ sau 20 giờ chiến đấu quyết liệt”… Ngày 8 tháng 5, Thủ tướng Lanien ra lệnh cho các công sở trên toàn nước Pháp treo cờ rủ. Hôm sau, ngày 9 tháng 5, quá căng thẳng trước thảm bại ở Điện Biên Phủ, Chính phủ Pháp lại ra lệnh thiết quân luật ở Thủ đô Paris. Sáng 10 tháng 5, quyết định hoãn các buổi biểu diễn vũ balê của đoàn nghệ thuật đến từ Maxcơva. Chiều 10 tháng 5, báo chí tung tin sẽ giải tán Quốc hội nếu Chính phủ sụp đổ… Sáng 11 tháng 5, bầu trời xám ngắt, mây giông đè lên Paris hoa lệ, Chính phủ điều trần trước Quốc hội. Thủ tướng Lanien ngồi thu mình trong ghế, suốt một tiếng đồng hồ im lặng chịu trận trước những chất vấn của Nghị sĩ Phranxoa Mitơrăng (Francois Mitterrand) về việc để mất Điện Biên Phủ. Bộ trưởng Ngoại giao Biđôn vắng mặt, còn Bộ trưởng Quốc phòng Pleven cùng các phụ tá khác của Thủ tướng cũng im lặng, biến Chính phủ Lanien thành một “Nội các câm”. Ngày 3 tháng 6 năm 1954, Chính phủ Pháp cùng một lúc cách chức cả Tổng tư lệnh Nava và Cao ủy Juan. Tổng tham mưu trưởng Ely được cử làm Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương kiêm luôn chức Cao ủy. Đến ngày 12 tháng 6, Chính phủ Lanien sụp đổ, nhường chỗ cho phe chủ hòa đứng đầu là Pie Mendét Phrans (Pierre Mendes France) ký các hiệp định đình chiến tại Geneva6.

Khi trận Điện Biên Phủ kết thúc, chính trường nước Pháp vẫn chưa qua khỏi cơn địa chấn chính trị. Từ cuối năm 1954, cuộc chiến tại Angiêri và một số nước thuộc địa của Pháp tại châu Phi bước vào giai đoạn cam go. Ở Marốc, binh lính Pháp đứng lên biểu tình phản chiến vì họ sợ bài học Điện Biên. Ở Tunisia, người dân đón chào chiến thắng Điện Biên Phủ bằng món ăn Tagine - Điện Biên Phủ. Ở Angiêri, sau thắng lợi của Việt Nam, ngày 1 tháng 11 năm 1954, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận dân tộc giải phóng Angiêri, hàng nghìn thanh niên yêu nước Angiêri tổ chức khởi nghĩa vũ trang tại tỉnh Orăng, sau đó chọn vùng núi Auret (Aures) và Kabili (Kabylie) để xây dựng căn cứ địa, phát triển lực lượng và mở rộng kháng chiến ra nhiều thành phố lớn như Angiê, Côngxtăngtin... và nhiều vùng nông thôn. Tháng 8 năm 1956, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng họp và bầu ra Hội đồng cách mạng tối cao, thành lập quân đội giải phóng và thông qua cương lĩnh cách mạng, đề ra các nhiệm vụ: đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng nền Cộng hòa dân chủ, tiến hành cải cách ruộng đất và đặt quan hệ với nước Pháp trên cơ sở bình đẳng, tự do. Với cương lĩnh cách mạng mới, vào những năm 1956-1958, cuộc đấu tranh của nhân dân Angiêri diễn ra ngày càng quyết liệt và thu được những thắng lợi to lớn, vùng giải phóng được mở rộng.
Trước tình hình đó, nội tình nước Pháp càng trở nên khốn quẫn và chao đảo. Chỉ trong vòng 4 năm, (6/1954 – 6/1958) có tới 8 nội các chính phủ lần lượt ra đi. Sự tồn tại ngắn ngủi của mỗi nội các đều có liên quan trực tiếp đến trận Điện Biên Phủ. Đến đây, các Đảng Cộng sản, Đảng cấp tiến xã hội, Đảng Liên hiệp Cộng hòa nhân dân và nhiều lực lượng chính trị, xã hội khác lại đưa vấn đề độc lập hay chiến tranh tại Angiêri và một số nước thuộc địa khác của Pháp làm con bài chính trị. Những người Cộng sản và các chính trị gia ôn hòa yêu cầu chính phủ nên lấy Điện Biên Phủ làm bài học; yêu cầu chính phủ của các thủ tướng: Mendes France, Edgar Faure, Antoine Pinay, Guy Mollet, Piere Pflimlin, v.v.. rút ngay quân đội về nước và tiến hành đàm phán trao trả độc lập cho các nước thuộc địa. Trái lại, lực lượng cấp tiến tư sản vốn coi chiến tranh là nguồn thu béo bở thì tiếp tục gây sức ép đòi chính phủ duy trì chiến tranh để khuất phục các dân tộc thuộc địa. Do không dung hòa được lợi ích và bất đồng, chính phủ Pháp phải thay nhau ra đi trước sự căm phẫn của đại bộ phận nhân dân và binh lính. Năm 1958, sau khi Đờ Gôn lên cầm quyền, Pháp điều tới Angiêri thêm 8 vạn quân, lập tuyến vành đai bịt chặt biên giới, tập trung lực lượng mở các cuộc hành quân càn quét vào vùng căn cứ cách mạng. Mặc dù đã dùng nhiều biện pháp cứng rắn, nhưng thực dân Pháp không tránh được bài học Điện Biên Phủ. Ngày 18 tháng 3 năm 1962, Pháp buộc phải ký Hiệp định Eviăng công nhận nền độc lập Angiêri. Ngày 25 tháng 9 năm 1962, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Angiêri ra đời, chấm dứt 132 năm đô hộ của thực dân Pháp. Chiến thắng của nhân dân Angiêri và chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam đã tác động trực tiếp và sâu sắc tới phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân các nước châu Phi. Sau những thắng lợi đó, cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Ănggôla, Môdămbich, Ghinê Bitxao phát triển mạnh mẽ và thu được thắng lợi to lớn.

Máy bay của Pháp rơi tại mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: TTXVN)
Máy bay của Pháp rơi tại mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: TTXVN)
Sự chia rẽ trong chính giới nước Pháp sau chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ biểu hiện ở cách giải quyết cuộc chiến tại lục địa châu Phi, mà còn ở cả nam Việt Nam.
Khi đế quốc Mỹ nhảy vào thế chân Pháp tại Việt Nam, chính phủ Pháp đã phải vất vả để dung hòa các mục tiêu đối lập giữa các phe phái trong nội các. Bất đồng nổi lên trong chính phủ do thủ tướng Mendes France đứng đầu nằm ở ba vấn đề chính: Thứ nhất, có nên hợp tác với Mỹ để tiếp tục giải quyết vấn đề Đông Dương hay không? Thứ hai, vấn đề tổng tuyển cử tại Việt Nam và cuối cùng là tìm cách giải quyết số lính viễn chinh Pháp tại miền nam Việt như thế nào. Liên quan đến vấn đề thứ nhất, không ít thành viên trong chính phủ cho rằng, sau thất bại tại Điện Biên Phủ, Pháp nên hợp tác với Mỹ để chặn đứng nguy cơ lan rộng của chủ nghĩa Cộng sản tại Đông Dương và những phần còn lại của Đông Nam Á. Số khác thì cho rằng, cách duy nhất để Pháp có thể duy trì và bảo vệ được uy tín cũng như khối tài sản của Pháp ở miền bắc Việt Nam là hợp tác với Việt Minh. Số còn lại thì chỉ quan tâm đến việc duy trì vị thế độc tôn của Pháp; ngăn cản ảnh hưởng của Mỹ tại nam Việt Nam. Về vấn đề tổng tuyển cử, chính Thủ tướng Mendes France cũng đã có lần tuyên bố: Pháp sẽ yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử và sẽ chấp nhận kết quả bầu cử. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao La Chambre thì khẳng định: nếu Hồ Chí Minh giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử, Pháp sẽ chấp nhận để ông lãnh đạo toàn bộ Việt Nam. Tuy nhiên, phần đông thành viên còn lại trong chính phủ thì lên tiếng phản đối quan điểm của thủ tướng và cho rằng, nếu để diễn ra tổng tuyển cử, Hồ Chí Minh sẽ giành chiến thắng và khi đó Việt Nam sẽ thuộc quỹ đạo Cộng sản. Đó là điều từ lâu cả Pháp, Mỹ và thế giới phương Tây không mong muốn7. Liên quan đến số phận của hàng chục nghìn lính viễn chinh Pháp tại miền nam Việt Nam, không ít thành viên chính phủ yêu cầu phải rút ngay họ về nước. Số còn lại thì yêu cầu nên hợp tác với Mỹ để duy trì lực lượng này cho tới khi chính quyền Diệm có quân đội mạnh đủ sức đối phó với Cộng sản...8. Như vậy, ngay cả khi đã thất bại tại Điện Biên Phủ, nhưng chính trường Pháp vẫn luôn trong tình trạng chia rẽ và bất ổn. Đây được coi là nguyên nhân chính khiến nền Cộng hòa thứ tư chỉ tồn tại trong 12 năm nhưng phải qua 22 đời thủ tướng.
Ngay cả khi đã thất bại tại Điện Biên Phủ, nhưng chính trường Pháp vẫn luôn trong tình trạng chia rẽ và bất ổn.
Điện Biên Phủ không chỉ là sự kiện khiến chính trường nước Pháp luôn bất ổn trong thập niên 60, mà còn là sự kiện luôn đeo đẳng nước Pháp nhiều thập kỷ sau đó. Đúng như nhận định của ký giả người Pháp J. Roa trong cuốn Trận Điện Biên Phủ đã viết: "Trong toàn thế giới, trận Oatéclô cũng ít tiếng vang hơn... Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm Điện Biên Phủ sẽ còn vang mãi9. Tương tự như vậy, Bécna Phôn, nhà sử học Mỹ gốc Pháp viết: "Chúng ta không có quyền được quên cuộc chiến này. Dù ta muốn hay không muốn, cuộc chiến tranh đó vẫn còn ảnh hưởng đến chúng ta nhiều chục năm nữa10. Bốn mươi năm sau, vào năm 1994, Tổng thống Ph.Míttơrăng đã đến Việt Nam và thăm Điện Biên Phủ. Điều đó chứng tỏ rằng, nước Pháp không thể lãng quên Điện Biên Phủ và sự kiện Điện Biên Phủ là một phần lịch sử không thể tách rời của nước Pháp./.
Bài: Đại tá, TS Lê Đức Hạnh - Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử quân sự thế giới, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Trình bày: Ngọc Toàn
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (07/5/1954 - 07/5/2019)”