ĐÔNG HÀ

Sáng ngời ước vọng

Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, đô thị trẻ bên dòng sông Hiếu những ngày này thêm âm vang nhịp điệu vui tươi và sáng ngời ước vọng tương lai khi vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại II.

HIỆN THÂN CHO TUỔI TRẺ

Sông Hiếu làm trục trung tâm để phát triển đô thị Đông Hà.

Sông Hiếu làm trục trung tâm để phát triển đô thị Đông Hà.

Cầu dây văng bắc qua sông Hiếu, điểm nhấn du lịch thành phố.

Cầu dây văng bắc qua sông Hiếu, điểm nhấn du lịch thành phố.

Ban nhạc Bartender được Nguyễn Tuấn Kiệt, học sinh lớp 12 chuyên Toán, Trường trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Quảng Trị và một người bạn thành lập để tổ chức show âm nhạc đường phố và các quán cà phê ở thành phố Đông Hà.

Kiệt đa tài, hào sảng, đêm ấy tại một góc trung tâm của thành phố, anh vừa đệm đàn, vừa hát, lời ca bay bổng cất lên nhưng vô cùng sâu lắng, sôi động, truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ thành phố trong đêm mùa thu thêm tràn đầy năng lượng.

Trong không gian âm nhạc đó, nhiều bạn trẻ cùng hòa nhịp với những ca khúc khi Kiệt tiếp tục cất lên tiếng hát, những gương mặt trẻ trung, hàng trăm đôi mắt sáng ngời ước vọng cùng chung một nhịp điệu tuổi thanh xuân.

Nguyễn Tuấn Kiệt đa tài, hào sảng.

Nguyễn Tuấn Kiệt đa tài, hào sảng.

Số tiền được du khách thưởng trong các đêm diễn, Kiệt và nhóm bạn mang đi làm thiện nguyện tại các trung tâm trẻ mồ côi; gửi quà tặng người dân các tỉnh miền bắc bị ảnh hưởng do bão số 3 gây ra.

Kiệt đến sinh sống tại thành phố 3 năm nay theo diện những học sinh tiêu biểu tại các huyện, thị, được sàng lọc, tuyển chọn khắt khe từ các cuộc thi, để rồi vinh dự trở thành học sinh trường chuyên, một ngôi trường luôn tỏa sáng nhờ hương đất của Đông Hà.

Không chỉ nhóm nhạc của Kiệt, tại thành phố trẻ này có nhiều nhóm nhạc kiểu này. Các bạn là hiện thân cho tuổi trẻ của thành phố trẻ Đông Hà, nhiều ước mơ, nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng, quyết tâm xây dựng tương lai của mình cùng nhịp điệu của tương lai của thành phố.

Theo thư tịch cổ, hơn 5 thế kỷ trước, một nhóm người di cư từ miền bắc vào, thấy vùng đất phía nam sông Hiếu bây giờ hội đủ các yếu tố của địa cuộc phong thủy nên dừng lại để lập làng, xây dựng cuộc sống, dân cư ngày càng trở nên đông đúc. Ngoài việc giao thương trao đổi buôn bán bằng đường bộ, họ đã sử dụng sông Hiếu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của mình.

Trong tác phẩm nổi tiếng “Phủ biên Tạp lục”của nhà bác học Lê Quý Đôn vào thế kỷ 18 đã nhắc đến Đông Hà là một làng quê, nay thuộc phần đất Phường 3. Tên gọi Đông Hà đã có ít nhất mấy trăm năm, luôn trở thành tiếng gọi thân thương và có sức thu hút với biết bao con người.

Trải qua bể dâu, ngày 5/9/1929, Khâm sứ Trung Kỳ kiêm Chủ tịch Hội đồng Thượng thư triều đình Huế ban hành sắc lệnh thành lập trung tâm đô thị Đông Hà, nằm ngay trên đường thiên lý bắc nam. Trong con mắt người Pháp từ lúc đó đã xem Đông Hà có vị trí vô cùng quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.  

Tây Trì, một trong những làng cổ của Đông Hà.

Tây Trì, một trong những làng cổ của Đông Hà.

Sau biết bao nhiêu lần nhập, tách địa phương theo chủ trương của Trung ương, Đông Hà chính thức trở thành đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị từ năm 1989, thời điểm tỉnh này được lập lại. Phấn đấu xây dựng đến 16 năm sau nữa, ngày 13/12/2005, Đông Hà được công nhận là đô thị loại III.

Đến năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết thành lập thành phố Đông Hà trực thuộc tỉnh Quảng Trị. Các thế hệ lãnh đạo và nhân dân thành phố Đông Hà không ngừng xây dựng và kiến tạo cho Đông Hà ngày càng năng động, xanh tươi, đáng sống hơn trên vùng đất nổi tiếng nắng nóng, gió Lào. Sau 15 năm kể từ khi thành lập thành phố, Đông Hà vui mừng, hạnh phúc vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại II.

Đông Hà, nói một cách khiêm tốn, đó là thành phố trẻ nhiều trăn trở, đang vươn mình để từng bước hoàn thiện trên con đường phát triển.

Năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết thành lập thành phố Đông Hà trực thuộc tỉnh Quảng Trị. Sau 15 năm kể từ khi thành lập thành phố, Đông Hà vui mừng, hạnh phúc vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại II.

Chợ Đông Hà

Chợ Đông Hà

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đông Hà Hồ Sỹ Trung cho biết, Đông Hà có sự tăng trưởng vượt bậc so với năm 2009 với trụ cột chính là thương mại, dịch vụ và công nghiệp, chất lượng sống và chỉ số hạnh phúc của người dân luôn được cải thiện, nâng cao. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng hơn mười lần, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 20,4%. Giá trị sản suất các ngành kinh tế tăng gần năm lần, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 12,96%. Thu ngân sách trên địa bàn tăng hơn 5,3 lần, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 15,82%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2009 là 1.054 hộ, đến năm 2023 còn 364 hộ.

Từ các nguồn lực huy động được, thành phố đã xây dựng khoảng 20 dự án khu đô thị, khu dân cư mới, trong đó ưu tiên thực hiện một số khu đô thị quy mô lớn tạo điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan như hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 2; đầu tư xây dựng khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 3, khu đô thị Bắc sông Hiếu giai đoạn 1 và 2, khu đô thị phía Đông đường Thành Cổ…

Cầu dây văng bắc qua sông Hiếu, điểm nhấn du lịch thành phố.

Cầu dây văng bắc qua sông Hiếu, điểm nhấn du lịch thành phố.

Khi nói đến đô thị này người ta thường nghĩ đến chợ Đông Hà, nhân chứng lặng lẽ ghi lại những khoảnh khắc in sâu trong ký ức về đời sống của người dân.

Ngôi chợ là dấu ấn quan trọng của thành phố, gắn liền với kỷ niệm của bao thế hệ; cũng như đã níu chân không ít du khách khi đến với tỉnh này trước vẽ đẹp độc đáo về kiến trúc và phong phú về hàng hóa.

Chợ được thiết kế bởi kiến trúc sư tài ba Nguyễn Tiến Thuận ở Hà Nội. Các khối không gian kiến trúc cơ bản của chợ gợi hình tượng những con thuyền đang đậu sát vào nhau bên bờ sông Hiếu thơ mộng ngay vị trí trung tâm thành phố. Hình tượng này gợi lên góc nhìn một khu chợ bên sông nước đặc trưng trên bến dưới thuyền của người Việt. Chợ Đông Hà luôn là trung tâm thương mại sầm uất.  

PHÁT TRIỂN
MÔ HÌNH ĐÔ THỊ
TĂNG TRƯỞNG XANH

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đông Hà Hồ Sỹ Trung, Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Đông Hà là đô thị loại II đã phản ánh đầy đủ sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự phối hợp đồng bộ các sở, ban, ngành; của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, cùng quyết tâm xây dựng Đông Hà ngày càng phát triển văn minh, xứng đáng là trung tâm thương mại, dịch vụ lớn nhất tỉnh.

Thành phố Đông Hà ngày càng thu hút nhiều sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao.

Thành phố Đông Hà ngày càng thu hút nhiều sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao.

Đông Hà có vị trí quan trọng trong vùng bắc trung bộ, nằm trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9, có đường ven biển nối hành lang kinh tế đông tây đi ngang qua nối các nước Lào, Thái Lan, Myanma qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và các nước trong khu vực. Thành phố tỉnh lỵ Đông Hà cách biển Cửa Việt khoảng hơn 15km; cách Thủ đô Hà Nội khoảng 600km về phía bắc, thành phố Hồ Chí Minh khoảng hơn 1.110km về phía nam, cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo khoảng 83km về phía tây.

“Với vị trí này, Đông Hà gặp nhiều thuận lợi trong việc thúc đẩy các mối quan hệ giao lưu kinh tế, xã hội trong vùng, trong nước và các nước trong khu vực để phát huy, khai thác lợi thế liên kết vùng phát triển mọi mặt nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị ngày 3/11/2022, về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng bắc trung bộ và duyên hải trung bộ đến năm 2023, tầm nhìn đến 2045”, ông Hồ Sỹ Trung quyết tâm.

Công viên Fidel tại Đông Hà, nơi trải nghiệm thú vị của người dân và du khách trong và ngoài nước.

Công viên Fidel tại Đông Hà, nơi trải nghiệm thú vị của người dân và du khách trong và ngoài nước.

Bí thư Thành ủy Đông Hà Lê Quang Chiến khái quát, để xây dựng Đông Hà phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa… khoa học kỹ thuật của tỉnh; trở thành đô thị động lực trên hành làng kinh tế đông tây, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đông Hà nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung. Khi đã được Thủ tướng công nhận đô thị loại II, trách nhiệm xây dựng thành phố phát triển tương xứng như kỳ vọng của nhiều người là không phải là vấn đề dễ. Nhưng càng khó thì phải càng quyết tâm hơn, phải có phương pháp, giải pháp phù hợp bối cảnh mới để thực hiện.

Một góc khu đô thị Vincom Shophouse Royal Park góp phần cho đô thị Đông Hà thêm duyên dáng, hiện đại.

Một góc khu đô thị Vincom Shophouse Royal Park góp phần cho đô thị Đông Hà thêm duyên dáng, hiện đại.

Bày tỏ trước sự kiện Đông Hà đón nhận đô thị loại II, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, thành phố Đông Hà có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh. Sự kiện thành phố Đông Hà được công nhận đô thị loại II không chỉ khẳng định đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển, mà còn là kết quả của ý chí, quyết tâm kiên định của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu. Đây còn là cơ hội, điều kiện hết sức thuận lợi giúp thành phố phát triển nhanh và toàn diện hơn trong tương lai.

Sự kiện thành phố Đông Hà được công nhận đô thị loại II không chỉ khẳng định đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển, mà còn là kết quả của ý chí, quyết tâm kiên định của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu. Đây còn là cơ hội, điều kiện hết sức thuận lợi giúp thành phố phát triển nhanh và toàn diện hơn trong tương lai.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng

Thành phố cần tiếp tục khai thác, huy động các nguồn lực hiệu quả để đầu tư đồng bộ kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế; từng bước hiện đại hóa hạ tầng giao thông hiện đại. Tập trung hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và chỉ số PCI để thu hút các doanh nghiệp, các nhãn hiệu lớn đến tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân đô thị. Đây là những công việc quan trọng, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chinh trị và đồng thuận cao của người dân.

Công dân tiêu biểu thành phố Đông Hà, chị Lê Thị Huệ. 

Công dân tiêu biểu thành phố Đông Hà, chị Lê Thị Huệ. 

Thành phố Đông Hà định hướng lấy sông Hiếu làm trục trung tâm để phát triển đô thị xanh, văn minh, hiện đại và bền vững. Có vị trí nằm giữa lòng thành phố, sông Hiếu càng tô thêm vẻ đẹp thiên nhiên vốn có và cảnh quan kiến trúc đô thị, góp phần điều hòa khí hậu, cân bằng hệ sinh thái cho toàn vùng. Trên cơ sở này, trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đông Hà đến năm 2045 đã hoạch định chiến lược và không gian đô thị để xây dựng Đông Hà trở thành trung tâm phát triển kinh tế của vùng bắc trung bộ.

Sông Hiếu làm trục trung tâm để phát triển đô thị Đông Hà.

Sông Hiếu làm trục trung tâm để phát triển đô thị Đông Hà.

Trên hành trình phát triển, vào năm 2018, thành phố Đông Hà vinh dự là một trong 37 thành phố được lựa chọn từ 132 thành phố của 23 quốc gia trên toàn thế giới lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Thành phố xanh giai đoạn 2017-2018 do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên tổ chức với tiêu chí nổi bật là thành phố có kế hoạch hành động ứng phó về biến đổi khí hậu khả thi và tham vọng nhất.

Đồng thời, thành phố Đông Hà là một trong 23 đô thị được Thủ tướng Chính phủ chọn vào danh mục đô thị thực hiện thí điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh để rút kinh nghiệm và tổ chức nhân rộng. Trong tầm nhìn mới, Đông Hà mang diện mạo của đô thị sinh thái xanh, đô thị thông minh.

Mỗi công dân của thành phố Đông Hà đang cảm thấy tự hào trước sự kiện này và luôn thể hiện trách nhiệm của mình một cách đầy đủ nhất, cùng nhau chung sức xây dựng thành phố phát triển ngày thêm tươi đẹp.  

Ngày xuất bản: 13/10/2024
Tổ chức: HỒNG MINH
Nội dung: LÂM QUANG HUY
Ảnh: LÂM QUANG HUY-TRẦN TRUYỀN
Trình bày: BẢO MINH