Mùa Xuân rộn ràng cùng sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Nam Bộ
Năm nay, vựa lúa, trái cây vùng đồng bằng sông Cửu Long trúng mùa, được giá. Những ngày này, đồng bào Khmer Nam Bộ trong từng phum, sóc tưng bừng chuẩn bị đón Tết, rộn rã niềm vui khi được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Tháng 1/2024, một chương trình nghệ thuật diễn ra tại chùa Khmer ấp Xoài Xiêm, xã Ngãi Xuyên đã thu hút hàng trăm khán giả tại xã và các xã lân cận của huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Đặc biệt, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh đã gây ấn tượng sâu sắc cho khán giả với vở diễn Dù kê “Hoàng tử Vê Son Đo”.
Theo đó, vở diễn được biên tập, dàn dựng rất công phu, cảnh trí sân khấu đẹp, tráng lệ, trang phục rực rỡ, nghệ sĩ nổi tiếng, dàn nhạc diễn tấu chuyên nghiệp.
Chị Thạch Thị Chanh Đa, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú phấn khởi: Sau những ngày lao động vất vả, chúng tôi đến chùa xem các nghệ sĩ diễn vở “Hoàng tử Vê Son Đo”, được trải lòng với số phận éo le của nhân vật hiền lành, giận dữ trước những hành động xấu xa của nhân vật phản diện, cười ngả cười nghiêng với những chú hề ăn nói khôi hài… chúng tôi thấy vô cùng thích thú.
Với vở diễn này, chúng tôi sẽ rất khó quên các hình tượng sân khấu như: nghệ sĩ Lâm Phước trong vai lão ăn mày Chu Chok ích kỷ, tham lam, háu ăn đến vỡ cái bụng mà chết; nghệ sĩ ưu tú Thạch Thị Hà, vai Hoàng hậu Seanh Chhey xinh đẹp, hiền thục… Đây cũng là những nghệ sĩ rất tài năng, được công chúng yêu mến, thể hiện xuất sắc tâm lý tình cảm, tính cách nhân vật. Dù vở diễn kết thúc lúc 10 giờ 30 phút khuya nhưng rất nhiều khán giả vẫn luyến tiếc, đứng đợi để gặp gỡ, thăm hỏi các nghệ sĩ mình yêu thích.
Nghệ sĩ ưu tú Thạch Thị Hà cho biết, tôi rất vinh dự, tự hào khi trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp từ chiếc nôi Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh. Thời gian qua, các vở diễn Dù kê của đơn vị luôn đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, phản ánh sinh động đời sống văn hóa đồng bào dân tộc, được người dân đón nhận nồng nhiệt. Đoàn quy tụ được nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tài năng và đã thực hiện hàng trăm chương trình nghệ thuật sắc tại các sự kiện, lễ, Tết; các vở diễn Dù kê có sức cuốn hút mãnh liệt đối với đông đảo khán giả người Khmer khu vực Tây Nam Bộ, nước láng giềng Campuchia.
Theo các nhà nghiên cứu, sân khấu Dù kê là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa dân tộc Khmer với các nền văn hóa khác ở Nam Bộ. Một số soạn giả, nghệ sĩ chuyển thể một số vở cải lương như “Ngao, Sò, Ốc, Hến”, “Lục Vân Tiên”, “Lưu Bình, Dương Lễ”, “Trăng lên đỉnh núi”, “Mối tình chung thủy”… của người Kinh thành các vở diễn Dù kê. Các vở diễn này được Dù kê hóa, đổi mới về hình thức nhưng vẫn giữ gần như trọn vẹn cốt truyện với những ý nghĩa, triết lý nhân văn sâu sắc cần truyền tải. Nhờ đó, đông đảo khán giả Khmer hào hứng khi thưởng thức các vở diễn có nội dung mới lạ, chưa từng gặp trong các vở Dù kê truyền thống.
Chị Thạch Thị Hoàng, khóm 10, phường 9, thành phố Trà Vinh chia sẻ: "Tôi rất thích đi xem các vở diễn Dù kê, đặc biệt thích thú với vở “Sô Vane - Phola” do nghệ sĩ Huỳnh Thị Mỹ Cần trong vai cô gái Phola hiền thục, đoan trang; nghệ sĩ Kim Thịnh trong vai Pu Chem, người đầu bếp lanh lẹ hài hước có duyên… Đi từ vở diễn ra ngoài cuộc đời thực, cả hai nghệ sĩ Mỹ Cần, Kim Thịnh được người dân Trà Vinh yêu mến gọi là “Phola”, “Pu Chem” theo tên nhân vật trong vở diễn, như một cách khẳng định sân khấu Dù kê có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng".
Soạn giả Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, năm 1985, Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận nghệ thuật sân khấu Dù kê là một loại hình kịch hát dân tộc nằm trong hệ thống sân khấu truyền thống Việt Nam. Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, sân khấu Dù Kê để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả người Khmer Nam Bộ.
Sau đó, năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer tỉnh Sóc Trăng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đồng thời, Bộ cũng đã phối hợp hai tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh tổ chức các đợt liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ, nhằm phản ánh đậm nét hơi thở cuộc sống, bảo tồn, phát huy giá trị độc đáo của di sản văn hóa, nghệ thuật và kịp thời phát hiện nhân tố mới trong lao động, sáng tạo nghệ thuật.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sân khấu Dù kê đang hồi sinh, phát triển mạnh tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Nhiều năm qua, tại hai tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, người dân góp tiền rước các đội, đoàn nghệ thuật sân khấu Dù kê biểu diễn phục các nghi lễ dân gian, Tết trong suốt 4 đến 5 tháng mùa khô, biểu diễn hằng đêm tại các chùa Khmer, phum, sóc, thu hút hàng nghìn người xem.
Nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của khán, thính giả, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa cho rằng, các tỉnh, thành có đông đồng bào Khmer cần có kế hoạch, chiến lược bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu Dù kê Nam Bộ bằng chính sách hỗ trợ, đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn cho tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí để biên kịch, dàn dựng, biểu diễn các vở Dù kê đương đại, để bộ môn nghệ thuật này luôn đồng hành với sự bảo tồn và phát triển văn hóa tinh thần của dân tộc.
Ngày xuất bản: 03/02/2024
Tổ chức sản xuất: Hồng Minh-Phương Liên
Nội dung: Minh Khởi
Trình bày: Dương Dương