

Được mệnh danh là “nữ hoàng của những bãi tắm”, biển Cửa Tùng mang vẻ đẹp hoang sơ với bãi biển dài được dệt một lớp cát mịn mỏng, nằm thoai thoải trên vùng đất đỏ bazan, bên hông những vườn thông xanh ngút tầm mắt. Tiềm năng phát triển du lịch nơi đây còn rất lớn, cần chờ được khai thác, phát huy.

KHÁM PHÁ VẺ ĐẸP “NỮ HOÀNG CỦA NHỮNG BÃI TẮM”

Xuôi từ thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) về hướng đông bắc 30km, vượt qua biển Cửa Việt nhộn nhịp du khách, chúng tôi đến tới vùng biển Cửa Tùng. Khác với những bãi biển sôi động dọc miền trung, biển Cửa Tùng dài 4km như một vịnh nhỏ kín đáo, được hình thành từ điều kiện địa chất với hai bãi đá ngầm ăn sâu ra biển là Mũi Si và Mũi Lay. Giữa mênh mông biển và trời, hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành, chúng tôi chìm đắm bởi sự thanh bình hiếm hoi của vùng thiên nhiên hoang sơ.
Từ trên cao nhìn xuống, bãi biển Cửa Tùng trải dài trước tầm mắt. Bức tranh biển Cửa Tùng được điểm xuyết bằng bãi cát vàng uốn lượn như dải lụa đào, màu nước biển xanh trong vắt.
Theo ký ức của ông Trần Thanh Chương, cựu chiến binh huyện Vĩnh Linh, các tài liệu còn lưu giữ 100 năm về trước kể lại, người Pháp dành nhiều từ ca ngợi đối với bãi biển Cửa Tùng.

Dẫn chúng tôi thong thả đi men theo bãi biển Cửa Tùng, bác Chương chia sẻ, trước đây Cửa Tùng được ví là “Nữ hoàng của các bãi tắm” bởi các Vua chúa ngày trước chủ yếu ở Kinh đô Huế. Vì thế, Cửa Tùng được các bậc Vua chúa, giới quý tộc chọn là điểm nghĩ dưỡng tuyệt vời bởi không khí trong lành và khung cảnh như trong tranh vẽ. Nhiều khách sạn, nhà hàng, biệt thự phục vụ nghỉ dưỡng được mọc lên thời điểm này, khiến Cửa Tùng trở thành tụ điểm ăn chơi của giới quý tộc.
Phía mũi Thừa Lương (nay là Đồn Biên phòng thị trấn Cửa Tùng), đã từng có một con đường được lát đá dọc bãi biển để đi dạo dọc biển từ Mũi Si ra đến Mũi Lay (Địa đạo Vĩnh Mốc). Trong chiến tranh chống Mỹ, Cửa Tùng cũng là nơi xuất phát cho thuyền của ngư dân và đại đội vận tải C11 chuyển vũ khí, lương thực quân chi viện ra đảo Cồn Cỏ.
Nước biển ở Cửa Tùng mát rượi, xanh trong và còn rất nhiều tiềm năng chưa được khám phá. Đặc sản nơi đây cũng là điểm hấp dẫn thực khách. Nổi bật nhất là món mực tươi rói, vừa được câu lên, da vẫn còn đang đổi màu, được nhà hàng thả ngay vào nồi hấp vừa chín tới. Bày lên mâm mời du khách, miếng mực dầy thịt, vị ngọt thơm đọng lại mãi trong miệng.
Cháo bột rong biển hải sản, bánh đúc rau câu cũng là đặc sản được nhiều dân lựa chọn khi tới nghỉ dưỡng tại đây. Cháo (bánh canh) làm từ bột sắn dây, được xe sợi nhỏ như đầu tăm, ngắn chừng 2mm được nấu với rong biển và tôm, bề bề, mực đậm vị, ngọt nước. Đặc sản này rất hấp dẫn du khách vào mỗi buổi chiều, sau thời gian lặn ngụp giữa dòng nước mát lạnh.

Các loại hải sản như cá duội, cá khô, tôm hùm, tôm sú, cá mú, cá hồng, cá kình… ở đất này cũng mang đậm vị ngọt của biển. Cá mú ở Vĩnh Linh được chế biến rất đặc biệt, thay vì nướng, hấp như nhiều vùng biển khác, các đầu bếp vùng biển này cho cá mú vào tộ, kho với nướm mắm liu riu 20-30 phút, rắc chút hạt tiêu Vĩnh Linh đượm nồng vị cay, để thực khách cảm nhận được nguyên độ săn chắc của cá. Phía đông Vĩnh Linh này, du khách muốn mua đặc sản về làm quà, cũng không thiếu những sản vật quê hương như tiêu, chè, bánh sắn, bánh bột lọc…
VÙNG BIỂN VĨNH LINH CẦN ĐƯỢC ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG

Do những tác động của chiến tranh và dự án xây kè làm cầu Cửa Tùng, bãi biển ở đây bị xâm thực, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên. Dù chính quyền địa phương nỗ lực khắc phục, nhưng tình trạng xâm thực, can thiệp của con người làm cho vẻ đẹp của bãi cát trắng mịn trước đây đang mất dần, có nhiều bùn lắng, làm mất đi độ trong xanh của nước biển.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Cửa Tùng cho hay, trước đây, biển Cửa Tùng thu hút 15 nghìn khách/năm, nhưng gần đây lương khách thưa thớt hơn.
Ông Hưng cũng tâm tư, trong đề án phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Trị có nhắc tới 2 điểm Cửa Tùng, Cửa Việt, nhưng hiện nay các dự án đầu tư mới chỉ dừng chân ở biển Cửa Việt. Cửa Việt có nhiều ưu ái về đất đai rộng, mặt bằng đất bằng phẳng, bãi biển dài, không bị ảnh hưởng bởi xói mòn… nên còn nhiều không gian cho các nhà đầu tư. Trong khi đó, nguồn đầu tư cho biển Cửa Tùng còn quá ít, chưa có dự án lớn của doanh nghiệp lớn để thúc đẩy phát triển du lịch tại đây.

Cây bụi xâm lấn dự án xây dựng ven biển Cửa Tùng đang bị bỏ hoang.
Cây bụi xâm lấn dự án xây dựng ven biển Cửa Tùng đang bị bỏ hoang.
10 năm trước, tỉnh Quảng Trị đã cấp giấy phép cho 2 chủ đầu tư có dự án phát triển tổ hợp khách sạn ven biển Cửa Tùng, có vị trí đắc địa. Tuy nhiên, 2 dự án này mới chỉ dừng ở việc quây tôn. Cửa Tùng chỉ có chừng 6-7 khách sạn, chủ yếu của người dân địa phương gây dựng nên.
“Một số gia đình tự phát mở homestay nhưng cũng chỉ đông thời gian đầu, sau đó lại thưa thớt khách”, ông Hưng nói.
Thiếu các dự án nghỉ dưỡng, các khu lưu trú có quy mô khiến cho biển Cửa Tùng rất khó giữ chân khách du lịch.
Để kích cầu phát triển du lịch địa phương, vừa qua, thị trấn Cửa Tùng đã giao đất cho bà con theo hướng cho thuê đất 50 năm để bà con mạnh dạn đầu tư lâu dài. Nhằm giữ chân du khách, thị trấn Cửa Tùng cũng hướng tới xây dựng thương hiệu đặc sản quê hương để quảng bá du lịch qua ẩm thực như cá mú kho tộ, bánh đúc thịt rau câu, mực tươi hấp… nhưng vẫn chưa có một kế hoạch bài bản.
Nếu như Cửa Tùng dịu êm với bãi cát vàng óng ả, thì biển Vĩnh Thái (nằm ở thôn Thái Lai, Vĩnh Linh, Quảng Trị), lại hớp hồn du khách bởi bãi cát trắng mịn nằm trải dài từ sườn đồi xuống bãi biển. Có chiều dài bờ biển 14,5km, điều kiện tự nhiên sạch, biển Vĩnh Thái không bị ảnh hưởng xói mòn như biển Cửa Tùng nên có nhiều ưu thế để phát triển du lịch. Trên địa bàn xã có 29 hộ tham gia làm dịch vụ bãi tắm tập trung tại thôn Thái Lai, Đông Luật, Tân Hòa, Tân Thuận. Điều đặc biệt thu hút du khách đến với biển Vĩnh Thái là nguồn hải sản đều do ngư dân tự khai thác, chế biến vừa tươi ngon, vừa có giá bán rẻ hơn so với nhiều nơi khác.

Sở hữu chiều dài bờ biển 14,5km, điều kiện tự nhiên sạch sẽ, biển Vĩnh Thái có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Sở hữu chiều dài bờ biển 14,5km, điều kiện tự nhiên sạch sẽ, biển Vĩnh Thái có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Hữu Trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Bí thư xã Vĩnh Thái cho hay, năm 2023, huyện đã đầu tư ngân sách khoảng 30 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho bà con ở vùng biển Thái Lai, giúp 16 hộ kinh doanh biển có cơ ngơi khang trang làm du lịch biển. Để phục vụ và thu hút du khách, các hộ kinh doanh đã chủ động sửa sang, xây mới các hàng quán cùng hệ thống một số dịch vụ đi kèm như trang trí khuôn viên để du khách chụp hình lưu niệm, xây dựng khu vực tắm nước ngọt, bãi đỗ xe. Mặc dù chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng nhưng cách làm này cũng đã phát huy lợi thế để phát triển kinh tế du lịch biển.
Chưa có đơn vị mạnh dạn đầu tư những cơ sở lưu trú lớn. Hầu hết khách về Vĩnh Thái chỉ ăn uống, tắm biển trong ngày. Nhiều người muốn nghỉ lại 1 đêm không có chỗ. Việc phát triển homestay tại đây vẫn còn bỏ ngỏ
Dịp 30/4 vừa qua, lần đầu tiên biển Thái Lai tổ chức khai trương mùa du lịch biển. Nhờ vậy, lượng khách về Vĩnh Thái dịp này tăng lên 15 nghìn người, tăng 30% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Trường cũng rất tâm tư, hiện cơ sở hạ tầng phục vụ du khách chưa tốt. “Chưa có đơn vị mạnh dạn đầu tư những cơ sở lưu trú lớn. Hầu hết khách về Vĩnh Thái chỉ ăn uống, tắm biển trong ngày. Nhiều người muốn nghỉ lại 1 đêm không có chỗ. Việc phát triển homestay tại đây vẫn còn bỏ ngỏ”, ông Trường nói.


KẾT NỐI DU LỊCH BIỂN VỚI DU LỊCH TÂM LINH, LỊCH SỬ

Du lịch huyện Vĩnh Linh có nhiều tiềm năng và có nhiều địa điểm cần phải đến, cả du lịch tâm linh, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái như Mũi chèo, Đảo Cồn Cỏ, Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Di tích Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Cửa Tùng… Tuy nhiên do điều kiện kinh tế địa phương nên đến nay, những tiềm năng du lịch này chưa khai thác hết, chưa kêu gọi được nhiều nhà đầu tư lớn.
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh Trần Nhật Quang cho hay, với hệ thống cảnh quan tự nhiên, có 22/74km bờ biển, huyện Vĩnh Linh còn rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển. Huyện Vĩnh Linh cũng xác định du lịch sẽ là ngành kinh tế không khói, ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, ngoài nội lực địa phương, Bí thư Trần Nhật Quang mong muốn có thêm sự trợ giúp từ phía ngoài. Hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ ngân sách trùng tu 2 di tích quốc gia là di tích Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải và di tích Thành cổ Quảng Trị. Tuy nhiên, theo ông Quang, nếu di tích Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải chỉ bảo tồn di tích thì chưa khai phát hết được hiệu quả. Nếu có thêm nguồn lực để tái định cư làng Hiền Lương, phục dựng lại làng Hiền Lương nguyên bản như ngày xưa, tạo sản phẩm du lịch một đêm bên bờ dưới tuyến sẽ giúp du khách trải nghiệm và hiểu hơn về lịch sử.

Huyện Vĩnh Linh cũng sở hữu nhiều địa điểm du lịch tâm linh, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái.
Huyện Vĩnh Linh cũng sở hữu nhiều địa điểm du lịch tâm linh, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái.
Huyện Vĩnh Linh cũng đang đề xuất phát triển tam giác du lịch Cửa Tùng, Cửa Việt, Cồn Cỏ. “Chúng tôi cũng có đề xuất, tỉnh Quảng Trị bổ sung vào quy hoạch tỉnh xây dựng cảng Kim Thạch. Khi có hệ thống cảng du lịch, có thể thành các tour đi từ Đông Hà ra Cồn Cỏ, cập bờ Kim Thạch thăm Địa đạo Vĩnh Mốc, thăm bến đò Hiền Lương-Bến Hải. Từ đó, kết nối được du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch lịch sử”, ông Quang giãi bày.

Tiềm năng phát triển du lịch ở biển Cửa Tùng đang chờ một cơ hội được đánh thức.
Tiềm năng phát triển du lịch ở biển Cửa Tùng đang chờ một cơ hội được đánh thức.
Biển Cửa Tùng, chừng 5 giờ sáng, mặt trời từ từ nhô lên từ mặt biển, dát một lớp vàng óng ả lên trời, nhuộm hồng những đám mây mỏng bay bảng lảng. Bãi cát vàng mịn màng vắt cong như dải lụa. Chiều xuống, biển càng trở nên thơ mộng. Sóng biển nhẹ nhàng mơn man bờ cát như “reo thành điệu nhạc”, hòa với tiếng gió đồi thông vi vu. Ở đây, du khách không bị làm ồn bởi những tạp âm của tiếng xe cộ hay tiếng loa kéo, thong rong thả mình trước mình, thưởng thức hải sản do chính người dân địa phương đánh bắt, chế biến. Vẻ đẹp thanh bình, êm ả đến say lòng của biển Cửa Tùng… đang chờ một cơ hội được đánh thức.
Ngày xuất bản: 18/8/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: LÂM QUANG HUY - THẢO LÊ - THIÊN LAM
Ảnh: ĐĂNG KHOA - THÀNH ĐẠT
Trình bày: PHƯƠNG NAM