DƯ LUẬN PHƯƠNG TÂY VỀ CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN

Quân giải phóng bắn cháy nhiều xe thiết giáp của địch tại chi khu Đức Lập (Đắk Lắk). Ảnh: TTXVN

Quân giải phóng bắn cháy nhiều xe thiết giáp của địch tại chi khu Đức Lập (Đắk Lắk). Ảnh: TTXVN

Chiến dịch Tây Nguyên (mật danh Chiến dịch 275) kéo dài từ ngày 4 tháng 3 năm 1975 đến ngày 3 tháng 4 năm 1975, là chiến dịch mở màn của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Chiến dịch Tây Nguyên đã tiêu diệt và đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của Mỹ và quân đội Sài Gòn ở Tây Nguyên, tạo ra đột biến về chiến lược và điều kiện thuận lợi phát triển cuộc Tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Ngay ở thời điểm chiến dịch này diễn ra và cho đến hiện nay, dư luận quốc tế, đặc biệt là các quốc gia phương Tây đã dành sự quan tâm rất lớn tới diễn biến, kết quả cũng như tác động của chiến dịch lịch sử này đối với cuộc chiến tranh xâm lược mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam sau 21 năm cũng như số phận của chính quyền Sài Gòn sau đó. Chính vì vậy, nội dung của bài tham luận này sẽ tập trung phân tích và làm rõ những nhìn nhận, đánh giá của dư luận quốc tế, đặc biệt là tại các nước phương Tây đối với chiến dịch quan trọng này.

Tây Nguyên là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng, góp phần quyết định cục diện chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ta và địch luôn đặc biệt quan tâm đến địa bàn chiến lược quan trọng này. Về phía địch, thực dân Pháp khi xâm lược nước ta cũng đã từng tuyên bố: nếu ai chiếm, giữ được Tây Nguyên thì sẽ làm chủ 3 nước Đông Dương. Đến khi Đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân vào xâm lược miền Nam, đồng thời đổ bộ lên Đà Nẵng, chúng cũng nhanh chóng đưa quân vào khống chế địa bàn chiến lược này. Đế quốc Mỹ xác định đây là “mái nhà của bán đảo Đông Dương”, do vậy để chiếm giữ, chúng đã đưa vào đây những sư đoàn, lữ đoàn tinh nhuệ nhất nhằm khống chế toàn bộ khu vực trung tâm của Đông Dương, giữ thế cho chiến trường Trung Trung Bộ và nối liền với chiến trường Trị - Thiên ở phía bắc, chiến trường Nam Trung Bộ ở phía Nam cùng với chiến trường Trung Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia.

Nhà báo Tames M. Markham từng dẫn lại lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nói về vị trí của Tây Nguyên “Ai kiểm soát được Tây Nguyên thì nắm giữ được chìa khóa kiểm soát Đông Dương”. Và theo nhà nghiên cứu William E. Le Gro, Buôn Ma Thuột được chọn làm điểm tấn công đầu tiên và nơi giao tranh chủ yếu trong toàn bộ chiến dịch Tây Nguyên. Theo đánh giá của nhà báo kỳ cựu Tames M. Markham “Buôn Mê Thuột, nằm giữa ngã ba đường quan trọng của vùng cao nguyên, là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk và là trung tâm văn hóa của bộ tộc Ê-đê của người Thượng, bộ tộc phát triển nhất, ít bị phá vỡ nhất và có lẽ có sức ảnh hưởng lớn nhất trong số những người dân vùng cao. Thành phố và quận xung quanh có dân số 150.000 người”. Quan trọng hơn, theo đánh giá của Tames M. Markham, xét trên khía cạnh quân sự “việc kiểm soát Buôn Mê Thuột và có thể là toàn bộ Đắk Lắk sẽ phá hỏng nỗ lực của Sài Gòn nhằm giữ vững tỉnh Quảng Đức (nằm ở phía tây nam Đắk Lắk), nơi đang diễn ra cuộc giao tranh quyết liệt giành thị trấn ngã tư quan trọng Kiến Đức. Quân Giải phóng đã chiếm Đức Lập, một quận lỵ ở Quảng Đức, vào ngày 9 tháng 3. Việc chiếm được Buôn Mê Thuột khiến cho chính phủ Sài Gòn sẽ chỉ còn kiểm soát được hai thành phố cao nguyên quan trọng khác là Pleiku và Kon Tum. Trong khi Kon Tum có ý nghĩa truyền thống đối với cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, thì Pleiku chỉ đơn thuần là một thành phố “đồn trú” rộng lớn nhưng lại kém phát triển, phồn vinh”.

Theo đánh giá của dư luận phương Tây, ở Tây Nguyên, sự bất mãn của người dân vùng núi đối với chính quyền Sài Gòn là một yếu tố quan trọng trong cuộc đấu tranh giành vùng cao nguyên. “Một nhà phân tích phương Tây quen thuộc với khu vực này đã nhận xét rằng việc Quân Giải phóng có thể đưa một số lượng lớn xe tăng vào Buôn Mê Thuột chứng tỏ hoặc ít nhất ám chỉ đến khả năng người dân ở vùng này đã “hòa giải” hoặc ngầm ủng hộ những người Cộng sản”.

Đánh giá về lực lượng mà Quân Giải phóng triển khai ở khu vực Tây Nguyên, trong bài báo “Miền Nam Việt Nam báo cáo mất phần lớn Tây Nguyên, các con đường di tản chính bị gián đoạn” đăng tải trên Tờ Thời báo New York cho rằng, Quân Giải phóng có khoảng 45.000 lính đang hoạt động ở Tây Nguyên. Nhưng bài báo này cũng cho rằng con số có thể còn nhiều hơn thế khi một lượng lớn Quân Giải phóng tiếp tục được bổ sung cho chiến trường Tây Nguyên. Sư đoàn 316 - lực lượng từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng được triển khai ở Tây Nguyên trong Chiến dịch Tây Nguyên.

Về tình hình chiến trường trong thời gian diễn ra Chiến dịch Tây Nguyên, theo mô tả của tác giả Ira A. HuntJr, Chiến dịch Tây Nguyên được mở màn vào ngày 4 tháng 3 khi Trung đoàn 95B và Sư đoàn 3 của Quân Giải phóng cắt đứt tuyến đường tiếp tế chính từ Pleiku đến vùng duyên hải Đường 19 và ở một số nơi khác. Cùng lúc đó, Sư đoàn 10 của Quân Giải phóng cũng đã cắt đứt xa lộ lớn thứ hai nối vùng Buôn Mê Thuột với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ - Đường 21. Do đó, vào ngày đầu tiên, lực lượng Quân Giải phóng đã chiếm được hai con đường chính dẫn đến trung tâm của khu vực Tây Nguyên. Sau đó đến ngày 8 tháng 3, các đơn vị của Sư đoàn 320 Quân Giải phóng đã tiến công vào các đơn vị của Quân đội Sài Gòn trên Đường 14, đây là tuyến đường chính nối Pleiku với Buôn Mê Thuột, được coi là xương sống của Tây Nguyên. Kết quả là các lực lượng của Quân đội Sài Gòn không có đường bộ để liên lạc với Quân đoàn 2 đóng tại Pleiku hay cầu viện lực lượng đang đóng ở Nha Trang.

Từ đó, nhà nghiên cứu Ira A. HuntJr đánh giá rằng chiến trường Tây Nguyên lúc đó đã bị Quân Giải phóng cô lập. Trên đà thắng lợi, vào ngày 10 tháng 3, tức là 6 ngày sau khi phát động các cuộc tiến công đầu tiên vào Tây Nguyên, Quân Giải phóng đã bắn một loạt pháo lớn tấn công Buôn Mê Thuột. Tiếp đó là cuộc tấn công kết hợp xe tăng và bộ binh của Sư đoàn 10, được sự yểm trợ của Sư đoàn 316 và Sư đoàn 320 của Quân Giải phóng. Địch đã chống trả quyết liệt, nhưng vẫn thất bại. Quân Giải phóng đã tiến được vào Buôn Mê Thuột vào tối ngày 11 tháng 3, đánh dấu thất bại bước đầu của chính quyền Sài Gòn trong việc phòng thủ Tây Nguyên. Chính quyền Thiệu sau đó đã yêu cầu quân đội và người dân di tản khỏi Tây Nguyên, thể hiện sự kém cỏi của chính quyền Sài Gòntrong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến.

Còn theo tờ Thời báo New York, sau hơn 10 ngày triển khai chiến dịch, đến ngày 14 tháng 3, Quân Giải phóng đã chiếm được gần như toàn bộ thành phố Buôn Mê Thuột. Một số đơn vị kiểm lâm và cảnh sát của Chính phủ Sài Gòn được cho là đang cố thủ hoặc ẩn náu trong các khu vực nhỏ của thủ phủ khu vực Tây Nguyên. Trong khi đó, quân tiếp viện của Chính phủ Sài Gòn đang tập trung ở phía bắc thành phố để chuẩn bị cho nỗ lực cuối cùng nhằm chiếm lại thành phố này. Theo tờ New York Times đánh giá, nếu Quân Giải phóng có thể giữ được Buôn Mê Thuột, thì đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào Chính phủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, vốn đã bị chỉ trích nặng nề vì để mất tỉnh Phước Long vào tay Quân Giải phóng vào hồi đầu tháng 01.

Tính đến giữa tháng 3, Quân Giải phóng đã “chiếm được thành phố cao nguyên quan trọng là Buôn Ma Thuột và bắt đầu tiến công bằng tên lửa vào sở chỉ huy quân đoàn và sân bay tại Pleiku, tướng quân đội Sài Gòn là Phú đã lặng lẽ bắt đầu di chuyển bộ tham mưu của mình đến Nha Trang”. Tuyến phòng thủ phía tây của Pleiku của địch trở nên mong manh trước các cuộc tiến công của Quân Giải phóng, đặc biệt là lực lượng xe tăng của ta đang triển khai ở khu vực quan trọng Thanh An.

Về kết quả của Chiến dịch Tây Nguyên, dư luận quốc tế đã sớm chứng kiến sự sụp đổ nhanh chóng của quân đội Sài Gòn tại khu vực Tây Nguyên chỉ sau khoảng hơn 10 ngày kể từ khi Quân Giải phóng phát động cuộc tiến công và nổi dậy ở khu vực này. Hệ quả tất yếu là chính quyền Sài Gòn đã phải đưa ra sự lựa chọn khó khăn khi từ bỏ phần lớn Tây Nguyên, địa bàn địa chiến lược đối với miền Nam Việt Nam. Tờ New York Times đã báo cáo rằng “Chính quyền Sài Gòn đã quyết định từ bỏ phần lớn khu vực Tây Nguyên vì khu vực này đã trở nên không thể phòng thủ được về mặt quân sự. Quyết định này, một trong những quyết định quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam, được đưa ra sau 14 ngày quân đội liên tục thất bại ở vùng cao nguyên rộng lớn. Quyết định này chắc chắn sẽ gây ra những tác động chính trị quan trọng. Khu vực bị từ bỏ được cho là bao gồm các tỉnh biên giới quan trọng là Đắk Lắk, Pleiku và Kon Tum. Miền Nam Việt Nam có 44 tỉnh nhưng ba tỉnh này nằm trong số những tỉnh lớn nhất. Nơi đây được coi là cái nôi đánh dấu sự tham gia của Hoa Kỳ vào cuộc chiến”.

Những tin tức được đăng tải trên báo chí đồng nhất với những thông tin mà chính quyền Mỹ thu được trong thời điểm đó. Trong Bản tóm tắt dành cho Tổng thống do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chuẩn bị cũng đã khẳng định rằng “Tổng thống Thiệu đã ra lệnh cho tướng Phú bắt đầu rút quân khỏi Pleiku và Kon Tum từ ngày 15 tháng 3 năm 1975 và sẽ hoàn thành việc này vào thứ hai tuần tiếp theo”. Mỹ cũng đã triển khai một chiếc C-47 để thực hiện kế hoạch sơ tán toàn bộ người Mỹ ra khỏi Pleiku và Kon Tum.

Sự kiện chính quyền Sài Gòn để mất Tây Nguyên và quyết định rút lui gây tranh cãi của Tổng thống Thiệu cũng được tờ báo nổi tiếng của Mỹ đề cập đến. Theo đó, quyết định từ bỏ phần lớn khu vực Tây Nguyên của Tổng thống Thiệu đã khiến cho hầu hết các quan chức tình báo Mỹ và dư luận bất ngờ. Thậm chí, nhiều quan chức quốc phòng của chính quyền Sài Gòn cũng chỉ biết về quyết định này thông qua các tờ báo ở miền Nam Việt Nam.

Bên cạnh đó, người Mỹ cũng rất bất ngờ trước các đợt tiến công nhanh chóng và hiệu quả của Quân Giải phóng. Bởi chỉ 2 tuần trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger vẫn khăng khăng khẳng định sẽ không có cuộc tiến công lớn nào của Quân Giải phóng cho đến năm 1976, thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Việc chính quyền Thiệu không tham khảo ý kiến của phía Mỹ trước khi đi đến quyết định quan trọng và táo bạo là từ bỏ Tây Nguyên xuất phát từ nhiều nguyên do. Trước hết, “có thể bởi Đại sứ Mỹ ở Việt Nam, Graham Martin, lúc đó đang nghỉ phép ở Bắc Carolina”.

Một khả năng khác là Tổng thống Thiệu muốn thể hiện ý chí độc lập với Washington khi chính quyền của ông đã không nhận được thêm bất cứ sự viện trợ quân sự đáng kể nào từ phía Mỹ từ khi Quân Giải phóng phát động cuộc tiến công vào Tây Nguyên. Thêm vào đó, dù Tây Nguyên có ý nghĩa rất lớn về mặt quân sự, nhưng đây cũng là “khu vực thưa thớt dân cư là quê hương của khoảng 500.000 đồng bào dân tộc ít người, những người bị coi là công dân “hạng tư” ở Nam Việt Nam. Trong những năm người Mỹ tham gia chiến đấu, một bộ phận người đồng bào đã được Lực lượng Mũ nồi xanh Hoa Kỳ huấn luyện tương đối bài bản và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ khu vực này cho Sài Gòn. Tuy nhiên, sau khi người Mỹ rút lui, Quân đội Sài Gòn lại thể hiện sự coi thường đối với những người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và tự đánh mất đi sự ủng hộ của họ đối với chính quyền ở Sài Gòn”.

Tổng thống Thiệu đã đánh giá rằng thế và lực của Quân đội Sài Gòn ở các tỉnh phía bắc (tức là vùng Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) và Tây Nguyên đã bị lung lay đến mức không thể phục hồi, đặc biệt là sau khi Quân Giải phóng tiến công và chiếm giữ được Buôn Mê Thuột. “Quyết định từ bỏ các tỉnh của Thiệu là một canh bạc liều lĩnh khi Thiệu nghĩ có thể cải thiện thế trận phòng thủ ở miền Nam Việt Nam. Thiệu hy vọng đây sẽ là cuộc rút lui cuối cùng. Tuy nhiên, đối với nhiều người Mỹ đã chiến đấu ở Việt Nam, sự đầu hàng của quân đội Sài Gòn ở Tây Nguyên đã mang lại những ký ức đau đớn”.

Và theo tờ TIME, quyết định hi sinh khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía bắc (Quảng Trị và một phần của Thừa Thiên Huế), tập trung phòng thủ cho Đà Nẵng của chính quyền Sài Gòn xuất phát từ tính toán muốn tập trung lực lượng để giữ nửa lãnh thổ còn lại ở phần phía Nam.

Như vậy, có thể thấy những diễn biến tại chiến trường miền Nam Việt Nam đầu năm 1975, mở màn là Chiến dịch Tây Nguyên đã gây được tiếng vang lớn đối với dư luận quốc tế, đặc biệt là ở Mỹ và các nước phương Tây.

Nhìn một cách tổng thể, những đánh giá, nhìn nhận của phương Tây có nhiều điểm trùng hợp với quan điểm của Việt Nam về Chiến dịch Tây Nguyên. Cả hai bên đều đánh giá cao vị trí địa chiến lược của Tây Nguyên đối với toàn bộ cuộc chiến. Điều đó giải thích tại sao dư luận Mỹ và phương Tây lúc đó rất bất ngờ trước quyết định từ bỏ Tây Nguyên của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, bởi điều đó đồng nghĩa với việc chính quyền Sài Gòn mất đi một trong những tuyến phòng thủ quan trọng nhất ở miền Nam Việt Nam.

Dư luận phương Tây đánh giá cao chiến lược quân sự của Quân giải phóng khi chọn Tây Nguyên để mở màn chiến dịch. Diễn biến trên thực tiễn chiến trường cho thấy, chỉ 10 ngày sau khi quân và dân ta phát động cuộc tiến công vào Tây Nguyên, phía ta đã chiếm được Buôn Ma Thuột - thành phố quan trọng nhất ở Tây Nguyên lúc bấy giờ. Trong khi đó, Quân đội Sài Gòn lại bị động, lúng túng và chuốc lấy thất bại nhanh chóng. Chỉ khoảng 2 tuần sau khi Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra, Quân đội Sài Gòn đã tháo chạy khỏi Tây Nguyên một cách bạc nhược và hoàn toàn không có kế hoạch tái chiếm cụ thể nào.

Chiến thắng Tây Nguyên đã tạo cho quân dân ta những điều kiện thuận lợi để chuyển sang cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ngày càng phát triển mạnh mẽ trên khắp các chiến trường và giành thắng lợi ngày càng lớn.
Tư lệnh Hoàng Minh Thảo

Nhận định của một số quan điểm phương Tây cho rằng sau khi Quân Giải phóng chiếm được Tây Nguyên, có thể sẽ diễn ra các cuộc tiến công nhằm vào thường dân, chính bởi vậy, một lượng lớn người dân cũng như các công dân, quan chức của Mỹ ở Tây Nguyên đã tìm cách tháo chạy khỏi khu vực này để đến các tỉnh, vùng khác. Cách nhìn nhận này hoàn toàn sai lầm và chưa nhận thấy tính nhân văn, nhân nghĩa, việc chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật chiến trường của Quân giải phóng. Sau khi giải phóng được Tây Nguyên, Quân Giải phóng đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân quay trở lại cuộc sống thường nhật, khắc phục hậu quả và “vết thương” do chiến tranh để lại. Đã không có bất cứ cuộc “trả thù”, tiến công nào nhằm vào người dân Tây Nguyên như những gì truyền thông, dư luận phương Tây lúc đó dự đoán.

Trong cách đánh giá về nguyên nhân thắng lợi của Quân Giải phóng trong Chiến dịch Tây Nguyên, một bộ phận truyền thông phương Tây cho rằng quyết định rút lui khỏi Tây Nguyên của Tổng thống Thiệu đã góp phần đẩy nhanh và củng cố thắng lợi của quân và dân ta. Nhưng thực tế, kết quả thuyết phục trên chiến trường xuất phát từ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, thế và lực của quân ta trên chiến trường cũng như sự ủng hộ của nhân dân Tây Nguyên đối với cách mạng. 

Quan trọng hơn, Chiến dịch Tây Nguyên đã làm thay đổi cơ bản so sánh lực lượng và thế chiến lược giữa ta và địch trên toàn miền Nam Việt Nam. Thắng lợi của chiến dịch có ý nghĩa chiến lược vô cùng to lớn, bước ngoặt quyết định, đưa cuộc tiến công chiến lược của ta phát triển thành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam Việt Nam, như Tư lệnh Hoàng Minh Thảo nhấn mạnh: “Chiến thắng Tây Nguyên đã tạo cho quân dân ta những điều kiện thuận lợi để chuyển sang cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ngày càng phát triển mạnh mẽ trên khắp các chiến trường và giành thắng lợi ngày càng lớn”.

Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sĩ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hoá phục vụ chiến dịch. Ảnh: TTXVN

Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sĩ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hoá phục vụ chiến dịch. Ảnh: TTXVN

Ngày xuất bản: 4/2025
Trình bày: Xuân Bách - Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN, Nhân Dân