Tôi đã vượt qua lằn ranh sống chết trong đại dịch

“Tôi đã vượt qua lằn ranh sống chết trong đại dịch” ghi lại tháng ngày nguy hiểm rình rập, sang chấn tâm lý nhưng thấm đẫm tình người của những bệnh nhân Covid-19. Với quyết tâm “không bỏ cuộc” của đội ngũ bác sĩ, nghị lực và cả may mắn của bản thân, họ đã hồi sinh kỳ tích.


Không khao khát gì hơn cho mình khi giành được “tấm vé” thông hành tiếp tục được sống thêm một lần nữa, những người từng đi qua lằn ranh của sự sống đều ngộ ra, cuộc đời hạnh phúc nhất là được sống khỏe mạnh, bình an.

Vượt qua những ngày tháng nguy kịch nhất, nhưng sang chấn tâm lý và những ảnh hưởng về sức khỏe sẽ là một vết sẹo rất lớn trong cuộc đời. Mỗi ngày trôi qua, trong niềm hạnh phúc được trở về nhà, bên người thân yêu, có những khoảng trống vô định về sự sợ hãi, có những thảng thốt chợt đến trong giấc ngủ chập chờn. Có những người lặng đi, thẫn thờ vì chưa thể tin mình đã được trở về cõi đời này.

5 nhân vật trong câu chuyện mà chúng tôi ghi nhận chỉ là một phần lát cắt của sự khốc liệt trong đại dịch Covid-19. Sự hồi sinh của họ, là điển hình cho sự kiên trì, nỗ lực “cho bệnh nhân một cơ hội cuối cùng” của đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu.

F0 Trương Quốc Phong: “Chậm 5 phút, tôi đã sang một thế giới khác”

Hít một hơi thật sâu khí trời sau 19 ngày sống hoàn toàn phụ thuộc vào máy thở ô-xy, tim đập lạc nhịp khi được lên xe trở về nhà, Trương Quốc Phong ngoái đầu nhìn lại bệnh viện và cúi đầu nói thầm: “Xin được tạ ơn”. Thành phố thân thương đang khẽ thở nhẹ nhàng. Phong nhận ra, hạnh phúc lớn nhất của đời người chính là được thở.

Ngày 26/8, chỉ số SpO2 xuống thấp 75. “Đó là chỉ số tử”. Phong mất kiểm soát hơi thở, nhanh chóng được đeo mặt nạ ô-xy. “Cảm giác lúc đó mình như con cá oằn mình vì bị ném lên bờ”. Bác sĩ nói, trễ vài phút, anh không còn giữ được sinh mạng.

Phong vào Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh, được xếp vào phòng hồi sức tích cực, nằm chung với 3 bệnh nhân khác. Đó là một đêm vô cùng mệt và hoảng loạn. “Tôi được chụp mặt nạ thở ô-xy. Cơ thể như con robot chạy bằng pin, có ô-xy là khỏe lại, ngừng ô-xy là đi. Virus SARS-CoV-2 thật đáng sợ, nó chặn ô-xy nạp vào cơ thể một cách bình thường”.

Phong cũng có một đêm kinh hoàng vì chìm vào giấc ngủ. Đó là ngày thứ 10 khi Phong nằm viện, cơ thể mệt rũ sau cơn sốt. Mặt nạ ô-xy đã rơi xuống và Phong lơ mơ thấy một sự thiếu hụt sự sống của cơ thể, chới với không vùng vẫy ra được. May bệnh nhân giường kế bên la lên rất to, Phong choàng tỉnh, vội vã kéo mặt nạ ô-xy thở gấp.

“Tôi cảm giác như mình vừa bước đến cửa quỷ môn quan. Ôm chặt mặt nạ ô-xy, tôi không dám nằm xuống ngủ. Tôi chỉ sợ trong cơn ngủ mê, một lần nữa mình sẽ lại không còn ô-xy mà thở”. Phong nhìn bệnh nhân giường bên cạnh với ánh mắt tạ ơn…

F0 Nguyễn Ngọc Bảo Châu: “Đời đã mỉm cười với tôi một lần nữa”

Nghị lực còn sót lại trong cơ thể về một khao khát được sống đã đánh thức Nguyễn Ngọc Bảo Châu ở lúc bi quan nhất. Cô đã được các bác sĩ trao tặng thêm một cơ hội sống, vì thế dù cơ thể vẫn dội lên những cơn đau đớn, cô kiên nhẫn cố gắng từng chút một với một tâm ý: "Mình phải khỏe mạnh để sống tiếp, sống thay cho những người không may mắn khác".

Những ngày đấu tranh sinh tồn của Châu được nghe kể lại qua những mẩu chuyện được chắp nhặt từ mỗi người một chút.

Cô không thể biết rằng, trong những ngày cô ngất đi, cơ thể cô phải đối mặt với một sự tàn phá khủng khiếp. Gan và thận đều suy, tim đã trụy mạch, phổi bị virus tấn công trắng xóa và đã có xuất huyết. Mọi đường thở của Châu đều bị bóp nghẹt.

Sức trẻ, cùng thể trạng béo phì khiến cơ thể Châu tiếp tục phản ứng dữ dội khi được chạy tim phổi nhân tạo. Phổi của cô xuất huyết, toàn thân nhiễm trùng. Tất cả các loại thuốc tốt nhất từ kháng sinh, kháng nấm, chống đông máu... đã được thay đổi liên tục điều trị với những hy vọng cuối cùng cho cô gái. Nhưng mọi đáp ứng đều rất chậm rãi, có lúc tưởng chừng vô vọng.

Nhưng rồi hành trình hồi phục ngoạn mục của bệnh nhân Bảo Châu đã bắt đầu diễn ra, bất chấp những phản ứng của cơ thể. Chỉ số sinh tồn của Châu đã xuất hiện vào ngày thứ 20 duy trì sự sống nhờ hệ thống ECMO.

…45 ngày nằm viện, 20 ngày sống bằng tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO), Nguyễn Ngọc Bảo Châu đã được tái sinh một lần nữa. Covid-19 bằng mọi sự tấn công, làm Bảo Châu suy đa tạng, trụy tim nhưng đã không thể cướp đi sinh mạng của cô gái nặng 110 kg này.

F0 Bùi Phi Long: “Tôi vẫn luôn ám ảnh với cái chết”

Ám ảnh cùng cực vì nỗi đau thể xác do Covid-19 mang lại, cùng những sang chấn về tâm lý, sức khỏe khiến tôi từ một người đàn ông tự tin, là trụ cột của gia đình, giờ chỉ nghĩ nhiều tới việc giải thoát bằng cái chết. Covid-19 tàn phá cơ thể khủng khiếp hơn những gì tôi đã từng được nghe về nó.

Không như mọi người được bước trên đôi chân trở về nhà sau khi đánh bại Covid-19, tôi nằm trên chiếc băng ca, được 4 nhân viên y tế đưa vào hẻm sâu để vào nhà.

Sang chấn tâm lý quá lớn khiến những ngày về nhà với tôi rất bi quan. Trong đầu tôi lúc nào cũng văng vẳng câu “bác sĩ ơi cứu tôi với” đầy ám ảnh của nhiều bệnh nhân chung quanh, mà trong số đó, có những người hôm sau đã tử vong. Rối loạn lo âu khiến tôi cũng không muốn mở lời nói chuyện với ai. Nhiều khi muốn nói mà nói không được, cổ họng như bị chặn lại, rất mệt, giọng méo xệch đi vì thời gian phải can thiệp nội khí quản lâu làm ảnh hưởng tới thanh quản. Chỉ có một suy nghĩ rất lớn, cứ quẩn quanh trong đầu tôi những ngày đầu tiên trở về: Đó là muốn chết.

Vợ tôi cầu cứu tới các nhóm hỗ trợ, tư vấn từ xa, nhất là tìm người hỗ trợ về tâm lý. May mắn tôi gặp được bác sĩ Ngát, Ngọc, Thùy Trang, Anh Thư tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Mỗi ngày bằng sự kiên nhẫn nhất có thể, tôi được bác sĩ giải tỏa bớt tâm lý stress, tinh thần tôi mới dần bình tâm trở lại.

… Anh bạn tôi nhà kế bên đã bị Covid-19 quật ngã, không còn cơ hội trở về như tôi. Mỗi sáng được vợ cho ngồi ở cửa tắm nắng, nhìn sang nhà bạn, tôi lại thấy đau xót cho những đứa trẻ. Nhiều gia đình đã ly tán vì đại dịch. Nhiều đứa trẻ bơ vơ vì bố mẹ ra đi không thể trở về. Được sống tiếp đã là phép màu cuộc sống trao tặng.

F0 Nguyễn Tường Vy: Khao khát nhất lúc này được đón con trở về

Con chào đời ở tuần 32, giữa lúc cô lịm đi vì suy hô hấp quá nặng. Chỉ có khao khát duy nhất, được ôm con một lần, mà không biết có cơ hội hay không… 19 tuổi, quá trẻ để làm mẹ lần đầu, Nguyễn Tường Vy không nghĩ cuộc đời mình lại trớ trêu khi nhiễm Covid-19 ở tuần thai thứ 31.

Ngày thứ 7 nhập viện, tức là sau 2 ngày được thở ô-xy dòng cao, Vy suy hô hấp nặng, đáp ứng kém với máy thở HFNC và được tiếp tục chỉ định đặt ống nội khí quản, thở máy. Hơi thở mẹ yếu, thai suy rất nhanh. Không còn lựa chọn nào khác, Vy buộc phải trải qua cuộc phẫu thuật lấy thai, với hy vọng của các bác sĩ là an toàn cho cả mẹ và con.

Bé gái chào đời nặng 1,7 kg cũng bị suy hô hấp. Sau những nỗ lực hồi sức, bé nhanh chóng được đưa thẳng sang bên khoa Nhi, Bệnh viện Đồng Nai. Còn Vy, lúc này cũng phải đối mặt với muôn vàn thách thức khi phổi gần như không hoạt động.

Cơ hội sau cùng, chỉ bằng can thiệp tuần hoàn ngoài cơ thể, để phổi có thể tái hồi phục. Các y, bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện kỹ thuật đặt máy chạy tim phổi nhân tạo ECMO kết hợp lọc máu cho Vy.

Cơ thể vừa trải qua đợt phẫu thuật lớn, nguy cơ chảy máu rất cao. Trong khi đó, việc can thiệp ECMO sẽ làm cho các bệnh nhân rơi vào tình trạng đông máu. Việc điều chỉnh đông máu là cả thách thức với ê-kíp. Chỉ cần một sơ sót nhỏ cũng có thể đe doạ tính mạng người bệnh.

… Ngày Vy tỉnh lại, cô bé cảm nhận cơ thể mình vô cùng khác biệt. Sinh linh nhỏ bé cùng cô vượt qua đại nạn đang được các bác sĩ chăm sóc ở một cơ sở y tế khác. Nhưng đầu óc nhớ nhớ quên quên sau khi tỉnh lại khiến cô hầu như lãng đi mình đã trải qua thời khắc vô cùng thách thức để được sống tiếp.

Vy tâm sự: “Bác sĩ nói con gái tôi do sinh non nên gặp một số di chứng về não. Nhưng dù bé có thế nào, tôi cũng chỉ khao khát được đón con trở về sớm từng ngày. Tôi vẫn từng ngày chờ một cuộc gọi để được nhận con…”.

F0 Hoàng Văn Ngọc: “Tôi đã từng muốn buông xuôi”

Phổi anh Hoàng Văn Ngọc như bị ai siết chặt, đường thở bằng mũi bị tắc nghẹt. Anh cố gắng há mồm thở dốc nhưng những cơn đau vật vã cứ dội lại. Giống như một người bị ném xuống nước, ý thức vẫn nhận rất rõ ràng về một sự đuối hơi dần của mình khi không có ô-xy cung cấp cho cơ thể, nhưng toàn thân không còn đủ sức vùng vẫy.

Cơn bão cytokine đã từng gặp ở rất nhiều bệnh nhân, nhưng với anh Ngọc, hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân xâm nhập của SARS-CoV-2 dẫn đến phản ứng viêm toàn cơ thể. Cơn bão cytokine bùng phát khiến anh bị kích thích vật vã, đau đớn.

Trong cơn hoảng loạn đó, anh cảm nhận được cơ thể mình đang có một sự phản ứng dữ dội, có thể là khao khát sống trỗi dậy. Nhưng sự trỗi dậy đó liên tục bị virus làm cho hụt hơi thở. Anh được thở ô-xy dòng cao, thậm chí cả lọc máu hấp thụ, nhưng mọi biện pháp không ăn thua với một người rất khỏe mạnh như anh đang rơi vào cơn bão cytokine.

Anh lịm đi giữa những cơn thở dốc. Mọi chỉ số của anh chạm ngưỡng cửa tử, tim gần như ngừng đập, mạch chậm lại, chỉ số SpO2 dưới 55%. Anh Long cảm giác được mình đang rơi xuống vực rất sâu, hun hút tối. Chỉ còn chút cảm nhận cuối cùng, đó là chiếc giường anh nằm được đẩy thật nhanh vào phòng hồi sức tích cực can thiệp ECMO.

Sự phản ứng quá mức làm cho anh rơi vào cả rối loạn đông máu trong khi chạy tuần hoàn ngoài cơ thể. Phổi đông đặc và đã xơ hóa. Mọi loại thuốc tốt nhất đã được dùng nhưng cơ thể anh đáp ứng rất chậm. Các bác sĩ đã có lúc nhìn nhau không dám nói ra sự thật.

Sau 50 ngày chiến đâu với tử thần, anh hạnh phúc nói “Nếu lúc ấy tôi không cố gắng đấu tranh sinh tồn bằng chút sức lực ít ỏi, các bác sĩ không cố gắng cho tôi một cơ hội, rất có thể tôi đã ở một thế giới khác”.

5 số phận được cầm trên tay tấm vé thông hành đi tiếp cùng cuộc đời này, đằng sau đó là nỗ lực của cả một ê-kíp y, bác sĩ. Sự cảm kích và tạ ơn sẽ không bao giờ nói hết thành lời, cũng không một chiến sĩ áo trắng nào cần nhận lại sau khi họ đấu trí 24/24 giờ để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Điều mà họ mong nhất là mỗi người được trở về bình an, hãy sống tiếp một cuộc đời có ý nghĩa, bởi kỳ tích, sẽ không bao giờ đến 2 lần trong đời. "

Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH
Thực hiện: THIÊN LAM, PHAN ANH, ĐỨC DUY
Ảnh: BỆNH VIỆN BẠCH MAI, BỆNH VIỆN CHỢ RẪY, BỆNH VIỆN PHỔI TRUNG ƯƠNG, NHÂN VẬT CUNG CẤP