Giải thưởng VinFuture 2024 vừa vinh danh Tiến sĩ Firdausi Qadri (Bangladesh), Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Tả quốc tế, Bangladesh (ICDDRB) cho hạng mục Giải đặc biệt VinFuture dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

Xúc động sau khi được vinh danh, Tiến sĩ Firdausi Qadri (Bangladesh) cho biết, bà sẽ tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu của mình và muốn dành nhiều nghiên cứu để cải thiện sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em.

Tiến sĩ Firdausi Qadri, Nhà khoa học Cấp cao và Trưởng khoa Miễn dịch Niêm mạc và vaccine học, Phân khoa Bệnh truyền nhiễm, là người đứng đầu trong việc lập kế hoạch và triển khai nghiên cứu ưu tiên của Trung tâm icddr,b (Bangladesh). Tiến sĩ Qadri đã có những đóng góp đáng kể trong 40 năm qua cho nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực vi sinh, miễn dịch học, di truyền học, chẩn đoán và phát triển vaccine cho các bệnh truyền nhiễm như Vibrio cholerae, Escherichia coli sinh độc tố ruột, Salmonella spp, Shigella spp và Helicobacter pylori, với trọng tâm là các bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ em ở các nước đang phát triển.

Những nghiên cứu quan trọng nhất của Tiến sĩ Qadri là trong cuộc chiến chống lại bệnh tả và thương hàn, những loại bệnh chính ở Bangladesh nói riêng và các nước châu Á và châu Phi nói chung – những nơi có khả năng tiếp cận nước sạch, vệ sinh, giáo dục và chăm sóc y tế kém. Bà đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá khả năng bảo vệ của vaccine phòng bệnh tả đường uống giá rẻ và vaccine liên hợp thương hàn cho người lớn, trẻ em và trẻ sơ sinh từ chín tháng tuổi.

Đóng góp quan trọng trong việc cải thiện quy trình tiêm chủng phòng chống bệnh tả

*****

Phóng viên: Những nghiên cứu của bà có giá trị thế nào trong việc ngăn ngừa căn bệnh tả tại quê hương của mình?

Tiến sĩ Qadri: Tôi bắt đầu quá trình nghiên cứu với giáo sư của tôi ở trường đại học, sau đó chuyển sang trung tâm nghiên cứu ICDDRB. Tôi đã nghiên cứu về rất nhiều loại bệnh phổ biến ở Bangladesh. Trong đó, bệnh tả là một trong những bệnh phổ biến nhất.

Từ năm 1988, tôi bắt đầu tập trung nghiên cứu về virus gây bệnh tả. Khi làm việc trong phòng nghiên cứu, tôi đã chứng kiến nhiều bệnh nhân đau đớn, la khóc khi gặp các vấn đề về tiêu chảy.

Tôi nghĩ rằng, nếu chỉ làm việc trong phòng nghiên cứu là không đủ. Vì vậy tôi quyết định mở rộng sang các lĩnh vực khác, như chính sách và y tế công cộng, tập trung nghiên cứu vaccine, không chỉ vaccine tả mà còn nhiều loại khác, để có thể hỗ trợ, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.

Dân số Bangladesh rất đông, khoảng 170 triệu người, trong đó có đến 79 triệu người có nguy cơ mắc các bệnh phổ biến này. Thông thường tại Bangladesh, mỗi năm bệnh tả bùng phát vào 2 mùa, khoảng từ tháng 3 đến tháng 5, và từ tháng 8 đến tháng 9 - mùa gió mùa. Tuy nhiên, ngày nay do biến đổi khí hậu, bệnh tả xuất hiện thường xuyên hơn. Như vậy, hàng năm có khoảng 79-80 triệu người có nguy cơ mắc bệnh tả tại Bangladesh do thiếu nước sạch hoặc vệ sinh dịch tễ không bảo đảm.

Ngay cả ở Việt Nam, bệnh tả xuất hiện nhiều vào những năm 1980 và 1990, nhưng hiện nay đã giảm. Việt Nam đã rất thành công trong việc phát triển vaccine tả để tiêm chủng cho người dân.

Vì vậy, từ những năm 2000, đặc biệt là từ năm 2005-2007, các thành viên trong nhóm tôi tại trung tâm nghiên cứu ICDDRB đã phối hợp với Chính phủ Bangladesh phát triển vaccine tả, giúp giảm số lượng bệnh nhân mắc bệnh.

Chúng tôi thấy rằng, bất cứ nơi nào người dân được tiêm vaccine phòng bệnh tả, ngay cả khi nguồn nước không hợp vệ sinh và các gia đình đông người (5-6 người) cùng sống chung trong điều kiện sống không bảo đảm, thì vaccine cũng có thể bảo vệ sức khỏe trong 4 đến 5 năm tiếp theo. Thế nhưng nghiên cứu thôi là chưa đủ, mục tiêu của chúng tôi là triển khai tiêm chủng vaccine này.

Công trình của Tiến sĩ Firdausi Qadri cho thấy tác động to lớn thông qua sự thành công của các quy trình tiêm chủng được thực hiện tại Bangladesh và có khả năng áp dụng tại các quốc gia khác. Việc sử dụng vaccine dạng uống với chi phí thấp là một lợi thế lớn so với vaccine dạng tiêm nhờ giá thành rẻ, dễ sử dụng và không yêu cầu việc thực hiện bằng kim tiêm vô trùng.

Hiện chương trình kiểm soát bệnh tả quốc gia Bangladesh của chúng tôi đã được GAVI (Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng) thông qua. Từ nay, chúng tôi sẽ triển khai chương trình vaccine 5 năm đến năm 2030. Đây là lộ trình để chứng minh vaccine tả có thể giảm được số người mắc bệnh, song song với việc cải thiện chất lượng nước và vệ sinh.

Trọng tâm nghiên cứu khác của bà là việc phát triển các xét nghiệm chẩn đoán nhằm phát hiện các tác nhân gây bệnh đường ruột. Công trình này bao gồm việc phát triển và thành lập phòng thí nghiệm sử dụng tế bào hybridoma để sản xuất kháng thể đơn dòng gốc chuột, từ đó phát triển các xét nghiệm chẩn đoán nhằm phát hiện vi khuẩn V. cholerae O1/O139 cùng các vi khuẩn gây bệnh khác. Ngoài các loại vi khuẩn trên, nhiều xét nghiệm cũng đã được phát triển cho nhiều loại vi khuẩn khác nhau, bao gồm S. Typhi, S. Paratyphi, V. cholerae O1/O139, ETEC và H. pylori.

Bên cạnh đó, bà cũng đã tận tâm phát triển một sáng kiến đặc biệt - "Viện phát triển các sáng kiến ​​khoa học và sức khỏe" (ideSHi). Trọng tâm chính tại ideSHi là phát triển khoa học và công nghệ ở Bangladesh và khuyến khích các nhà khoa học y sinh phát triển thông qua việc sử dụng các cơ sở thí nghiệm tại ideSHi cùng icddr,b và thông qua mạng lưới hỗ trợ từ các tổ chức chính phủ và tư nhân khác.

Phóng viên: Với nỗ lực đó, đến nay bệnh tả đã chấm dứt ở Bangladesh chưa, thưa bà?

Tiến sĩ Qadri: Chúng ta không thể xóa sổ bệnh tả ở Bangladesh vì nguồn nước có chứa vi khuẩn gây bệnh. Nếu chúng ta có thể loại bỏ nó trong nguồn nước thì sẽ có thể ngăn chặn lây lan, tránh gây ra các đợt dịch lớn, giảm số ca nhập viện và tử vong do bệnh tả. Đó là một thành tựu lớn! Và Bangladesh là một trong những quốc gia đầu tiên kiến nghị Lực lượng đặc nhiệm toàn cầu về kiểm soát bệnh tả (Global Task Force on Cholera Control - GTFCC), WHO và GAVI về việc tiêm vaccine này.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang thiếu hụt nguồn cung vaccine, đặc biệt là các quốc gia ở châu Á và châu Phi, nơi có rất nhiều loại bệnh dịch mới. 

Tại Việt Nam khoảng 40-50 năm trước, sau khi chuyển giao công nghệ từ Thụy Điển, Việt Nam đã phát triển thành công và cung cấp nguồn vaccine cho người dân. Ở Bangladesh, chúng tôi cũng hy vọng trong tương lai cũng có thể thực hiện được như Việt Nam và có đủ vaccine từ các nhà sản xuất khác nhau trên toàn cầu để cung cấp cho mọi người, có thể tiêm vaccine cho trẻ em từ 1 tuổi đến người trên 100 tuổi.

Tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề giới và phụ nữ, vì phụ nữ thường gặp phải các vấn đề lớn về bệnh tật, như các bệnh sau sinh, các bệnh HPV hay ung thư cổ tử cung. Chúng tôi cũng đang gây quỹ để sản xuất vaccine cho các bệnh ở phụ nữ và hợp tác với hai viện nghiên cứu ở Hàn Quốc.
Tiến sĩ Firdausi Qadri

Bên cạnh nghiên cứu về dịch tả, chúng tôi cũng nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là sốt xuất huyết. Nhóm của tôi hợp tác với nhiều nhà tài trợ để nâng cao nhận thức về tiêm vaccine cho trẻ em, có thể ngăn ngừa được các loại bệnh trong tương lai. Và hy vọng rằng, chúng tôi có thể cho một số loại vaccine vào Chương trình tiêm chủng quốc gia, giống như Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam.

Ngoài ra, tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề giới và phụ nữ, vì phụ nữ thường gặp phải các vấn đề lớn về bệnh tật, như các bệnh sau sinh, các bệnh HPV hay ung thư cổ tử cung. Chúng tôi cũng đang gây quỹ để sản xuất vaccine cho các bệnh ở phụ nữ và hợp tác với hai viện nghiên cứu ở Hàn Quốc. Trong đó, chúng tôi có làm việc với một viện nghiên cứu ở Hàn Quốc về vaccine bệnh tả.

Hiện tại, nguồn cung cấp cho vaccine bệnh tả đang không nhiều. Ở các quốc gia đang trong giai đoạn đặc biệt như Syria hay là Lebanon, nơi mà có lũ hay chiến tranh, sẽ gặp vấn đề về vệ sinh. Vậy nên chúng ta sẽ cần phải huy động nguồn vaccine.

Đối với các loại vaccine khác, có thể người ta sẽ có kho dự trữ hoặc nguồn dự trữ. Nhưng vaccine tả thì luôn luôn thiếu. Như tôi được biết, ở Việt Nam đã được chuyển giao công nghệ về vaccine từ bên Thụy Sĩ. Đây cũng sẽ là một phần hỗ trợ lớn cho bên phía Bangladesh.

Phóng viên: Được biết, tại trung tâm nghiên cứu bệnh tả quốc tế ở Bangladesh, tiến sĩ đã tiến hành các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn sử dụng một chủng vaccine sống giảm động lực của Việt Nam. Từ đó đã tạo ra được một loại vaccine chi phí thấp và an toàn sử dụng một liều duy nhất ở Bangladesh. Vậy trong thời gian đó, Tiến sĩ đã đến Việt Nam hay chưa và đã có thời gian hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam hay chưa?

Tiến sĩ Qadri: Tôi cho rằng việc hợp tác với các đối tác quốc tế là rất quan trọng, trong đó bao gồm các nhà tài trợ quốc tế và các chính phủ nữa. Trong khoa học, chúng ta không thể thực hiện được nếu chỉ có một mình.

Tôi lấy ví dụ về việc hợp tác với chính phủ. Chúng tôi nghiên cứu về vaccine tả tại phòng thí nghiệm, sau đó chứng minh và thuyết phục chính phủ nhân rộng mô hình để đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia.

Tương tự, chúng tôi cũng thuyết phục các nhà tài trợ quốc tế với các bằng chứng về khoa học, về hiệu quả thành công của vaccine tả. Hợp tác quốc tế rất quan trọng.

Tôi muốn khuyến khích nhiều phụ nữ tham gia vào khoa học và nghiên cứu

Phóng viên: Trong tương lai, hướng nghiên cứu của bà sẽ tập trung vào lĩnh vực gì?

Tiến sĩ Qadri: Tôi muốn tăng cường nhận thức của mọi người về các loại bệnh, đặc biệt là tập trung vào hai đối tượng phụ nữ và trẻ em.

Phụ nữ hiện có nguy cơ mắc rất nhiều loại bệnh ung thư, ví dụ như bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng.... Hiện nay nhiều quốc gia chưa có sẵn dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Do đó, tôi muốn tập trung vào lĩnh vực này để cải thiện sức khỏe của trẻ em nhỏ và phụ nữ nói chung.

Tiếp nữa, về nâng cao năng lực. Hiện tại tôi thấy có rất ít phụ nữ làm việc trong lĩnh vực về khoa học, về nghiên cứu. Tôi muốn khuyến khích nhiều phụ nữ tham gia vào khoa học và nghiên cứu. Hiện tôi có đến hai viện nghiên cứu và tổ chức quỹ. Tại viện nghiên cứu, chúng tôi có các phòng thí nghiệm để nghiên cứu về các loại virus và chẩn đoán bệnh.

Ngoài ra, chúng tôi có một tổ chức quỹ, nhằm nâng cao năng lực và góp phần ngăn ngừa các bệnh như là bệnh HPV. Bệnh này thì không chỉ có ở nữ mà nam giới cũng có thể mắc.

Tôi mong muốn ngày càng có nhiều phụ nữ được đào tạo và tham gia vào lĩnh vực khoa học. Phải nói rằng, tôi là một người may mắn được biết đến khoa học và làm việc trong lĩnh vực này. Quá trình nghiên cứu khoa học mất rất nhiều thời gian, thường phụ nữ sẽ ngần ngại khi có gia đình. Bản thân tôi có ba con nhưng vẫn có thể làm khoa học, vẫn có thể đạt được những thành công nhất định, vì vậy tôi rất muốn trở thành một hình mẫu để cổ vũ cho những người phụ nữ theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Đó là trong mục đích và hướng tiếp cận tiếp theo của tôi trong tương lai.

Phóng viên: Bà có thể đưa ra lời khuyên làm thế nào để cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho các nhà khoa học nữ, đặc biệt là những người trẻ?

Tiến sĩ Qadri: Phải nói rằng người phụ nữ nào cũng cần tạo ra được sự cân bằng giữa công việc và gia đình, đặc biệt là trong việc chăm sóc gia đình.

Vậy khi đi làm, bạn hãy cố gắng dành tất cả thời gian để hoàn thành công việc ở công ty, thay vì đi uống trà hay đi chơi, nghỉ giải lao. Bên cạnh đó, các công ty cũng nên có không gian để phụ nữ có thể mang theo con nhỏ khi đi làm. Thí dụ, ở viện nghiên cứu của chúng tôi có bố trí một khu vực dành cho trẻ em.

Tiếp theo, chúng ta cần phải đặt ra các mục tiêu và kiên trì với mục tiêu đó. Bởi trong cuộc sống chúng ta có thể sẽ gặp phải những rắc rối và khó khăn, nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta thành công trong công việc hay kết hôn. Do vậy, hãy đặt mục tiêu, kiên trì và mạnh mẽ. Bởi chỉ có chính bản thân chúng ta mới có thể thay đổi được mà thôi!

Hiện tại số lượng phụ nữ không lệ thuộc vào gia đình đang tăng lên rất nhiều. Tại viện nghiên cứu, tôi gửi các nhà khoa học nữ đi học các khóa học ở nước ngoài trong vòng vài tháng hoặc vài năm. Và tôi cũng là một trường hợp điển hình cho thành công, tôi tin rất nhiều phụ nữ cũng có thể làm được.

Xin cảm ơn Tiến sĩ Qadri!


Tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Tả Quốc tế, Bangladesh (ICDDRB), Tiến sĩ Firdausi Qadri đã tiến hành các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn sử dụng một chủng vaccine sống giảm động lực của Việt Nam, từ đó rút ra kết luận về lợi ích, hiệu quả và độ an toàn của loại vaccine chi phí thấp này khi chỉ sử dụng một liều duy nhất.

Bà đã thúc đẩy việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn tại Bangladesh cũng như các nước có thu nhập thấp khác nhằm ngăn ngừa dịch bùng phát. Việc dự phòng sớm để kiểm soát dịch tả giúp tăng cường an ninh y tế và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu.

Ngày xuất bản: 12/12/2024
Nội dung: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Trình bày: ĐẶNG LUÂN
Ảnh: THÀNH ĐẠT - VINFUTURE