Trong khi đất hiếm có thể thay thế dễ dàng bằng nhiều loại vật liệu khác, nhân lực Việt Nam có sự khéo léo mà không phải đất nước nào cũng có được.
GS. Teck-Seng Low, Phó chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore là một trong các thành viên đóng vai trò quản lý, thúc đẩy và quyết định trong việc nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn tại Singapore.
Năm 2016, ông được Chính phủ Pháp phong tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh với cấp bậc Hiệp sĩ.
Tháng 12/2023, ông đến Việt Nam để tham gia tọa đàm "Công nghệ bán dẫn - Nền tảng của thế giới hiện đại", thuộc khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023. Nhân dịp này, Báo Nhân Dân đã có buổi trò chuyện riêng với GS. Teck-Seng Low về ngành bán dẫn.
PV: Khi nói đến ngành bán dẫn, chúng ta thường nhắc tới rất nhiều khái niệm kỹ thuật phức tạp. Để bạn đọc đại chúng có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn, tôi rất mong Giáo sư có thể giải thích về ngành bán dẫn một cách thật dễ hiểu.
GS. Teck-Seng Low: Chỉ cần nhìn vào đời sống hàng ngày bạn sẽ thấy hệ thống điện tử len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Có lẽ gia đình nào ở Việt Nam cũng có radio, tivi, … phải không? Nhưng đã bao giờ bạn thử nhìn vào bên trong các thiết bị này chưa? Trong đó là chíp vi điện tử (microelectronic chips). Trên mỗi chip lại có nhiều bóng bán dẫn (transistors). Radio hay tivi là các thiết bị bán dẫn vi điện tử.
Công nghệ cho phép sản xuất các thiết bị và hệ thống sử dụng chip chính là công nghệ vi điện tử.
Cách đây rất lâu, khi mở bung một chiếc radio cũ, bạn sẽ nhìn thấy một bảng mạch lớn với những chi tiết trông giống như bóng đèn tròn. Đó chính là những bóng bán dẫn truyền thống.
Ngày nay, với vi điện tử, bạn hoàn toàn có thể thu gọn tất cả những linh kiện cồng kềnh này thành một chiếc chip rất nhỏ gọn. Thu nhỏ một con chip có nghĩa là bạn phải đặt hàng triệu bóng bán dẫn vào một cm vuông. Chính khả năng này cho phép chúng ta sở hữu năng lực tính toán của máy tính, hệ thống liên lạc và lưu trữ dữ liệu như ngày nay.
PV: Vậy việc phát triển ngành bán dẫn vi điện tử có ý nghĩa như thế nào trong quá trình thúc đẩy nền công nghệ số của một quốc gia, thưa Giáo sư?
GS. Teck-Seng Low: Khi nói đến số hóa, mọi người đều nói về dữ liệu. Khi nói đến dữ liệu, mọi người đều nói về trí tuệ nhân tạo (AI). Bạn cần dữ liệu để nạp vào hệ thống AI nhằm cung cấp cho người dùng những câu trả lời thú vị.
Những điều này chỉ có thể thực hiện được khi bạn làm chủ năng lực tính toán của máy tính, hệ thống liên lạc và lưu trữ. Tất cả những gạch đầu dòng đó đều cần tới chip bán dẫn. Hay nói cách khác, chip bán dẫn cho phép con người sống trong thế giới kỹ thuật và thúc đẩy quá trình số hóa. Đó là lý do tại sao ngành này rất quan trọng.
Doanh thu ngành bán dẫn cũng rất lớn. Nếu chỉ tính riêng lĩnh vực chế tạo, quy mô toàn cầu có thể lên tới gần một nghìn tỷ USD. Đó là chưa kể tới số tiền thu được khi áp dụng chíp bán dẫn trong nhiều lĩnh vực khác như thông tin liên lạc, giải trí, giao thông,… Đây là một ngành có giá trị gia tăng rất cao.
Mặt khác, do nhu cầu của xã hội liên tục thay đổi, công nghệ sản xuất chíp bán dẫn phát triển cực kỳ nhanh chóng.
PV: Nếu nhìn rộng hơn, ngành bán dẫn sẽ có ý nghĩa như thế nào trong việc phát triển một quốc gia, thưa Giáo sư? Hay nói cách khác, tại sao một quốc gia cần phát triển ngành bán dẫn mà không phải là một ngành công nghiệp khác? Dựa vào những cơ sở nào mà Singapore quyết định theo đuổi ngành này?
GS. Teck-Seng Low: Để trả lời câu hỏi này, tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện. Tôi vừa dành hai tháng trước ở New Zealand, tư vấn cho Chính phủ xem liệu họ nên ưu tiên nghiên cứu lĩnh vực gì. Và ngành bán dẫn vi điện tử không phải là một trong số các ngành cần ưu tiên.
New Zealand có một nền nông nghiệp lớn nhưng đang gặp nguy hiểm bởi việc chăn nuôi hàng triệu đàn gia súc khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Nhiệm vụ hàng đầu của New Zealand bây giờ là chuyển đổi ngành công nghiệp thực phẩm. Họ phải trả lời các câu hỏi: Nếu ngừng chăn nuôi gia súc thì New Zealand phải làm gì để tiếp tục có thực phẩm? Họ phải nghĩ đến protein nhân tạo. Do đó, việc quan trọng hàng đầu là tập trung phát triển ngành công nghiệp thực phẩm chứ không phải là đầu tư vào chip bán dẫn.
Tương tự, các chính phủ nên ngồi lại cùng với ban tư vấn để quyết định xem liệu vi điện tử có thực sự quan trọng với đất nước không? Và tại sao?
Bởi mỗi đất nước luôn có những ưu tiên và cơ hội phát triển khác nhau.
Mỗi đất nước luôn có những ưu tiên và cơ hội phát triển khác nhau.
Là một đất nước có diện tích nhỏ nên Singapore phải chịu rất nhiều áp lực. Khi dịch Covid-19 bùng phát, đất nước gần như cạn kiệt lương thực. Chúng tôi gần như hết thức ăn. Vì vậy, những người vận hành đất nước luôn luôn phải suy nghĩ: Phải làm gì? Phải làm gì mới?
Khi nhìn thấy các công ty nước ngoài đầu tư vào Singapore, chúng tôi nhìn thấy những cơ hội. Đầu tiên là Philips. Ban đầu, họ vào Singapore để sản xuất bàn là rồi tới radio. Nhân cơ hội này, các công ty của Singapore bắt đầu sản xuất các bộ dò sóng. Sau đó, tất cả các đài bán dẫn của Philips được lưu hành trên toàn thế giới thực chất đều dùng bộ dò sóng của Singapore. Từ đó chúng tôi dần nâng cao năng lực sản xuất của chính mình.
Nhưng như tôi đã nói, Singapore buộc phải suy nghĩ, xem xét thấu đáo: Đâu là những mối đe dọa hiện hữu? Đâu là những hạn chế? Nếu sai sót trầm trọng xảy ra, chúng tôi có thể mất đi cuộc sống của mình. Với diện tích đất rất nhỏ, Singapore cần phải đầu tư vào một ngành chiếm ít diện tích đất nhưng lại tạo ra giá trị lớn. Và chúng tôi chọn chip.
PV: Vậy một quốc gia cần những nguồn lực gì và chuẩn bị trong bao lâu để phát triển ngành bán dẫn vi điện tử? Singapore đã làm việc này như thế nào, thưa Giáo sư?
GS. Teck-Seng Low: Singapore đã bắt đầu từ tay không.
Về cơ bản bán dẫn là ngành công nghệ cao (từ nguyên liệu, quá trình xử lý nguyên liệu, thiết bị sản xuất,…). Phần lớn các công nghệ này đều nằm trong tay các nước phát triển. Tuy nhiên, một số nước đã tập trung nguồn lực vào một vài khâu nhất định trong quy trình sản xuất chip bán dẫn. Và họ đã làm rất tốt.
Nếu bạn nói về thiết kế chip, bạn sẽ nghĩ đến Mỹ, Châu Âu. Những cái tên như Thung lũng Silicon, NVIDIA,… sẽ hiện ra. Nhưng hãy nhớ rằng chip không được chế tạo ở đó. Rất nhiều doanh nghiệp của Mỹ chế tạo chip ở Đài Loan (Trung Quốc). Tôi cho rằng, Đài Loan (Trung Quốc) là nơi chế tạo chip tốt nhất thế giới. Họ có thể chế tạo ra những con chip mà chính Mỹ cũng không thể chế tạo được.
Đài Loan (Trung Quốc) có được thành tựu này là nhờ vào một người có tầm nhìn rất xa tên là Morris Chang nhà sáng lập kiêm Chủ tịch tập đoàn sản xuất chip TSMC. Ông ta từng nói: “Này, có lẽ chúng ta chỉ nên tập trung vào gia công chứ không phải thiết kế chip”. Việc thiết kế là của Mỹ.
Nhưng bạn cũng cần nhớ thêm rằng, Đài Loan (Trung Quốc) có rất nhiều trường đại học tốt về lĩnh vực bán dẫn. Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) sở hữu một lượng nghiên cứu khổng lồ liên quan đến ngành vi điện tử. Họ đã nghiên cứu và đầu tư vào hệ thống giáo dục trong suốt nhiều năm liền để hỗ trợ ngành công nghiệp mới mẻ này.
Khi muốn bắt đầu phát triển ngành vi điện tử và đưa ngành bán dẫn vào Singapore, chúng tôi cũng học cách “sao chép” Đài Loan (Trung Quốc). Điều khác biệt là, ở giai đoạn đó, Singapore đã có một số công ty điện tử như Philips hay Siemens,… Tận dụng những nguồn lực sẵn có, chúng tôi bắt đầu phát triển việc lắp ráp và thử nghiệm chip.
Sau đó Singapore đã thu hút được các công ty đến chế tạo chíp. Chúng tôi tiếp tục cho họ thấy nguồn nhân lực, nhân tài phù hợp; chính sách ngành; chính sách kinh tế hấp dẫn,… cũng như khả năng hợp tác và hoàn thành các đơn hàng của Singapore.
Từ góc độ cá nhân, công việc của tôi là hỗ trợ Chính phủ để đảm bảo công nghệ được phát triển ở cấp độ phù hợp với các công ty, các nhà đầu tư. Làm thế nào để trường đại học của tôi trở thành chất xúc tác cho mối quan hệ đối tác. Bằng nhiều cách khác nhau, chúng tôi khiến mình trở nên hấp dẫn hơn với các công ty nước ngoài có ý định đầu tư vào Singapore.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng nhìn thấy cơ hội tiếp cận với các thị trường quanh Singapore được mở rộng. Cụ thể, thị trường đó chính là Châu Á, bao gồm Trung Quốc - một trong những quốc gia tiêu thụ chip lớn nhất thế giới. Tất cả những yếu tố này tạo thành sức mạnh để Singapore phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Với các nước mới tham vào đường đua này, ai cũng mình là một phần của ngành vi điện tử và bán dẫn. Ai cũng muốn. Nếu bạn tới Malaysia, bạn sẽ nhận thấy sự phát triển rất nhanh của ngành công nghiệp này tại khu vực Penang. Quốc gia này thực hiện một khối lượng công việc không nhỏ liên quan tới lắp rắp, đóng gói, thử nghiệm chip bán dẫn cho Intel. Nhưng theo như tôi biết thì họ không gia công các tấm bán dẫn. Thái Lan hay Philippines cũng có những mô hình tương tự.
Ở Singapore, chúng tôi chủ ý tập trung tất cả các thành phần lại với nhau. Chúng tôi mời những nhà thiết kế chip tốt nhất thế giới như Qualcomm, Broadcom, MediaTek, Marvell,… tới Singapore. Sau thiết kế sẽ là phần việc của chúng tôi, lắp ráp.
PV: Nhưng đâu là yếu tố tạo ra sự khác biệt tạo ra sự thu hút vượt trội cho ngành bán dẫn ở Singapore? Bởi những yếu tố mà Giáo sư vừa đề cập là điều kiện mà rất nhiều quốc gia có thể đáp ứng được.
GS. Teck-Seng Low: Tôi có thể nói rằng, thủ tục kinh doanh và thu hút đầu tư ở Singapore đặc biệt dễ dàng và đơn giản. Khi một doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Singapore, họ sẽ đến gặp Ban Phát triển Kinh tế (EDB). EDB sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa để họ có thể làm việc.
Nếu nhà đầu tư này là một công ty công nghệ cao, EDB sẽ đưa họ đến gặp tôi (khi tôi còn điều hành Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (NRF).
- EDB: Bạn muốn phát triển công nghệ cao ở Singapore? Giáo sư Low sẽ tư vấn cho bạn.
- GS. Low: Bạn biết đấy, bạn có thể bắt đầu làm việc trong trường đại học của tôi.
Tóm gọn lại, Singapore có:
Một, thế mạnh rất lớn trong quản trị.
Hai, thật dễ dàng để làm ăn.
Ba, nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư.
Bên cạnh đó, con người chính là một yếu tố rất quan trọng. Do đó, đào tạo con người cũng là một vấn đề quan trọng. Khi TSMC - tập đoàn chip khổng lồ của Đài Loan đến Arizona, Mỹ đầu tư, họ mới phát hiện ra Arizona không có nguồn nhân lực sẵn có như ở quê nhà. Mỹ cũng gặp phải khó khăn tương tự.
Không ít nhà đầu tư cho rằng nhân lực ở Singapore đắt hơn nhiều nước khác, nhưng chúng tôi lập luận rằng: Nhân lực của chúng tôi rất chất lượng.
Có thể nói, Singapore đã rất may mắn khi đầu tư vào giáo dục và phát triển nghiên cứu khoa học. Tất nhiên đó là những khoản đầu tư rất đắt đỏ. Nhưng đầu tư vào giáo dục cũng lại là những khoản đầu tư tốt nhất, mang lại hiệu quả, lợi ích lâu dài nhất.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có chính sách nhập cư rất cởi mở để thu hút nhân tài trên toàn thế giới.
PV: Với trữ lượng đất hiếm (một loại khoáng sản quý hiếm để sản xuất vật liệu bán dẫn) đứng thứ hai thế giới, Giáo sư đánh giá thế nào về tiềm năng và thách thức của Việt Nam trong việc phát triển ngành bán dẫn?
GS. Teck-Seng Low: Thực ra, ngành bán dẫn xuất phát từ những vật liệu rất cơ bản. Nguyên liệu đầu vào của chất bán dẫn thông thường là silica, tức là cát. Mà cát thì rất nhiều và rất dễ kiếm.
Đất hiếm sẽ là nguyên liệu rất quý để sản xuất nam châm, pin xe điện,… và cả chất bán dẫn. Nhưng các nhà khoa học đã nghiên cứu ra những vật liệu mới, vật liệu hữu cơ để sản xuất vật liệu bán dẫn. Do vậy, chúng ta không nhất thiết phải đòi hỏi những nguyên vật liệu đắt và khó kiếm như đất hiếm nữa.
Tôi cho rằng cơ hội lớn nhất mà Việt Nam có được là dân số trẻ. Về mặt nhân khẩu học, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động là rất lớn. So với Singapore, Việt Nam có dân số rất đông hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các bạn có một thị trường nội địa lớn.
Ngoài ra, nguồn nhân lực ở Việt Nam có tay nghề rất khéo léo. Đây là điều mà chúng tôi không có ở Singapore. Đặc tính này sẽ là thế mạnh rất lớn bởi nhân lực phải khéo léo và có khả năng xử lý công nghệ thì mới có thể gia công chip. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, một chính phủ ổn định là điều kiện tiên quyết trong ngành công nghiệp này.
Do những thay đổi về địa chính trị, nhiều nhà đầu tư đang tìm cách chuyển cơ sở sản xuất chip bán dẫn sang Việt Nam. Nếu Việt Nam nắm bắt được cơ hội này thì mọi chuyện sẽ rất thuận lợi.
PV: Nhưng khác với Singapore – một nước phát triển, Việt Nam là một nước đang phát triển. Do vậy tôi muốn biết, để thu hút được đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn, một quốc gia đang phát triển cần phải lưu ý tới những yếu tố nào?
GS. Teck-Seng Low: Các nhà đầu tư thường tìm đến các nước đang phát triển vì họ nghĩ rằng ở đây có lao động giá rẻ. Nhưng nhân lực cho ngành bán dẫn phải đúng kiểu. Họ cần phải có kỹ năng xử lý công việc liên quan tới công nghệ cao.
Bên cạnh đó, chính sách ngành, chính sách thuế,… là các yếu tố quyết định đến việc các công ty công nghệ lớn có muốn đầu tư vào một quốc gia cụ thể nào đó không. Ngược lại, xét từ phía lợi ích quốc gia, khi một đất nước có thể thu hút được đầu tư nước ngoài, hợp tác cùng các công ty lớn, đất nước đó không chỉ có cơ hội phát triển ngành mà còn có thể phát triển cả một hệ sinh thái ngành.
Chế tạo chip là một công việc rất khó khăn. Sẽ thật khó để so sánh Singapore và Việt Nam với nhau. Bởi Singapore là một đất nước có diện tích rất nhỏ trong khi Việt Nam có diện tích lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, Việt Nam có những cơ hội khác nhau; những ưu tiên khác nhau và những cách tiếp cận, chiến lược khác nhau; cách xây dựng chính sách đất đai, ngành, tài chính, ngân sách cũng khác nhau.
Nhưng nhìn chung lại, sẽ có ba yếu tố phải tính tới khi xem xét khả năng thu hút của một quốc gia:
Thứ nhất, đầu tư vào một nhà máy sản xuất chip bán dẫn là một công việc tốn rất nhiều tiền. Vì vậy, nguồn tài chính phải luôn sẵn sàng.
Thứ hai, chúng ta cần phải có nhân tài.
Thứ ba, tất cả các nhà máy sản xuất chip bán dẫn đều cần nước và năng lượng. Và giá cả của hai yếu tố này cần phải chăng.
Nếu tiếp tục tiến bộ trong thế kỷ này, Châu Á có thể đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Khi đi đủ lâu, Châu Á có thể đứng đầu thế giới trong ngành bán dẫn.
PV: Giáo sư có hình dung như thế nào về sự phát triển của ngành bán dẫn ở Châu Á trong những năm tới?
GS. Teck-Seng Low: Thị trường cho ngành bán toàn cầu sẽ càng ngày càng trương nở.
Tôi sẽ lấy ví dụ về dịch vụ khám chữa bệnh từ xa. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân sẽ ngày càng cấp thiết khi đất nước phát triển. Nhưng không phải lúc nào người dân cũng có thể đến bệnh viện hoặc không phải ai cũng cần đến bệnh viện. COVID-19 là một minh chứng. Bằng sử dụng dịch vụ khám chữa từ xa, Chính phủ có thể tối ưu hóa nguồn lực chăm sóc sức khỏe cho người dân của mình. Họ chỉ có thể làm được việc này bằng cách sử dụng công nghệ, bằng chip.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực như điện thoại, ô tô điện, cảm biến nhiệt, Internet vạn vật,… cũng đòi hỏi điều tương tự: Chip.
Trong cuộc đua này, Châu Á sẽ không bị bỏ lại phía sau. Khi thế giới chuyển động, chúng ta sẽ chuyển động, đôi khi chúng ta còn hành động trước.
Châu Á có những cường quốc về công nghệ và thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ,... Bên cạnh đó, chúng ta có Đông Nam Á - một nhóm hỗn hợp gồm nhiều quốc gia với khoảng 700 triệu dân. Đó là một thị trường rất lớn.
Về công nghệ, Singapore đã có những bước tiến khá lớn. Tương tự, nền công nghệ của Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia cũng có những dấu ấn nhất định. Còn Việt Nam đang rất có tiềm năng phát triển. Tôi cho rằng khối ASEAN phải cố gắng hết sức để giúp đỡ các nước láng giềng để chúng ta có thể cùng nhau thịnh vượng.
Nếu tiếp tục tiến bộ trong thế kỷ này, Châu Á có thể đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Khi đi đủ lâu, Châu Á có thể đứng đầu thế giới trong ngành bán dẫn.
Ngày xuất bản: 2/1/2024
Tổ chức sản xuất: Việt Anh - Hồng Vân
Thực hiện: Thi Uyên
Đồ họa: Tạ Lư
Hình ảnh: VinFuture