Giáo sư, Tiến sĩ
Nguyễn Thanh Liêm
"KHI TRIỂN KHAI LIỆU PHÁP TẾ BÀO CART-T, MỘT TIẾNG CHUÔNG ĐIỆN THOẠI ĐÊM CŨNG KHIẾN TÔI HỐT HOẢNG"
“Liem technique” là một danh tiếng vượt tầm như vậy.
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm là một cái tên vượt ra khỏi tầm giới y khoa Việt Nam với nhiều kỹ thuật được ông khai sáng, mở đường. “Liem technique” là một danh tiếng vượt tầm như vậy.
Và giờ, giới khoa học y tế Việt Nam cũng đang dõi theo ông với những bước đầu thành công của liệu pháp mới điều trị khỏi bệnh ung thư tái phát – liệu pháp CAR-T với những tế bào CAR-T được sản xuất tại chính Việt Nam.
Ở tuổi 70, Giáo sư vẫn tràn đầy nhiệt huyết với tâm niệm cống hiến sức lực để cứu được thêm nhiều người mắc bệnh nan y.
THỬ NGHIỆM CAR-T KHÔNG ĐƯỢC PHÉP SAI SÓT
Phóng viên: Giới khoa học trong lĩnh vực y tế vẫn luôn ngưỡng mộ ông vì những kỹ thuật tiên phong, mở đường. Ông từng bảo tuổi này rồi, ông cũng muốn nghỉ ngơi cho riêng mình, đêm không phải giật mình nghe điện thoại vì ca bệnh nào đó. Nhưng nhiều năm như thế, ông vẫn miệt mài trên hành trình chinh phục những gì Việt Nam chưa đạt được và phải chinh phục thành công. Hành trình ấy, lời ra tiếng vào không ít. Ông dường như đang tạo ra áp lực với chính mình?
GS, TS, BS Nguyễn Thanh Liêm: Đi đầu đương nhiên bạn sẽ phải chịu đựng nhiều áp lực. Áp lực lớn nhất nằm ở việc rủi ro có thể xảy đến mà mình không lường hết được trước, đặc biệt là rủi ro nếu xảy ra trên con người. Điều đó khiến chúng tôi không cho phép mình sai sót, không cho phép lặp lại. Người bệnh và gia đình không chấp nhận, bản thân mình cũng không chấp nhận chuyện đó xảy ra. Chúng tôi nghiên cứu rất nhiều sách y văn, tham khảo rất nhiều đồng nghiệp trên thế giới, nhưng rủi ro, biến chứng không ca nào giống ca nào, chỉ có bắt tay làm mới biết được.
Một bệnh nhân trong dự án thử nghiệm liệu pháp tế bào CAR-T của chúng tôi đã gặp diễn biến rất nặng, cùng lúc gặp cả hai biến chứng vô cùng khó xử trí là nhiễm độc thần kinh và cytokine. Ca ấy làm chúng tôi vô cùng lúng túng trong xử trí vì y văn chưa từng gặp, nhưng chúng tôi đã làm được. Kinh nghiệm này đã khiến chúng tôi thật sự trở nên vững vàng.
Đã lâu rồi tôi không có thói quen nghe điện thoại buổi tối vì không trực tiếp mổ nữa, nhưng khi triển khai liệu pháp tế bào gốc, tôi phải để điện thoại 24/24, khi ấy những cuộc gọi đêm cũng khiến tôi hoảng hốt. Những ca nặng như trên, chúng tôi liên tục phải thức đêm theo dõi để xử lý kịp thời.
Phóng viên: Sức mạnh của liệu pháp CAR-T trong điều trị ung thư đã được ghi nhận ở những quốc gia nào. Từ thời điểm nào, Giáo sư và các cộng sự nghĩ tới việc triển khai liệu pháp này tại Việt Nam?
GS, TS, BS Nguyễn Thanh Liêm: CAR-T là liệu pháp mới nhưng cực kỳ quan trọng để cứu được bệnh nhân ung thư máu kháng trị hoặc tái phát sau điều trị hóa chất. Không có liệu pháp này, hầu hết bệnh nhân mắc ung thư máu bạch cầu cấp, ung thư hạch (Lymphoma) không đáp ứng với hóa trị hoặc tái phát sau điều trị sẽ tử vong rất nhanh. Thực tế, kinh nghiệm trên thế giới cũng còn rất ít ỏi. Năm 2017, FDA Hoa Kỳ mới cho phép thực hiện phương pháp này trên người. Năm 2018, tác giả của liệu pháp này ở Mỹ mới xuất bản nghiên cứu bước đầu. Cuối 2019, ở châu Âu mới có 3 trường hợp được làm thành công, trong đó Thụy Điển làm 1 ca đầu tiên.
Liệu pháp này rất mới với Việt Nam, nhưng thấy đây là phương pháp rất nhân văn nên chúng tôi quyết tâm làm, đưa về Việt Nam sớm nhất. Chúng tôi đề xuất với lãnh đạo Tập đoàn Vingroup và được đồng ý ngay vì ý nghĩa nhân văn đó cho cộng đồng. Biết là khó, nhưng chúng tôi nghĩ vẫn có thể tự mày mò làm được. Nhưng một năm nghiên cứu, chúng tôi thấy không ổn, chúng ta chưa đủ trình độ có thể làm chủ công nghệ, vì vậy quyết định chuyển hướng sang hợp tác với nước ngoài.
Chúng tôi đã tìm hiểu ở Mỹ về việc tự sản xuất tế bào CAR-T nhưng họ chỉ đồng ý bán sinh phẩm, hóa chất tạo tế bào, không nhận đào tạo chuyển giao công nghệ. Chúng tôi tìm sang châu Âu cũng không nhận được sự hợp tác vì kỹ thuật này với họ cũng còn quá mới mẻ, chưa hoàn thiện. Cứ thế một năm nữa trôi qua, chúng tôi tìm đến một công ty chuyên sản xuất tế bào CAR-T ở Đức để trao đổi hợp tác chuyển giao kỹ thuật, công nghệ và mình tự sản xuất.
Car-T là một công nghệ rất khó, kết hợp công nghệ tế bào và công nghệ gene nên dù được đào tạo lý thuyết, thực tiễn áp dụng cũng vô cùng thách thức vì việc nuôi cấy tế bào T rất đắt đỏ. Một sinh phẩm để làm thử tế bào CAR-T sẽ tốn tới hơn một tỷ đồng nên không cho phép thử nhiều lần. Mặc dù thử nghiệm có thành công, nhưng cũng rất áp lực vì ở người khỏe thu được tế bào T nhiều, nhưng ở người ung thư tế bào đã triệt tiêu bởi hóa chất điều trị nên thu được rất ít, không biết có thành công hay không.
Về mặt điều trị, trước đây chúng ta không có kinh nghiệm gì. Nhiều nơi chúng tôi liên hệ nhờ đào tạo lâm sàng nhưng cũng không nơi nào nhận. Có những nơi nhận đào tạo, thì về sau, họ lại đi sau mình trong công nghệ này. Chúng tôi tìm được một Giáo sư ở Milan đào tạo bác sĩ lâm sàng trong 3 tháng, chỉ đủ giúp mình hình dung câu chuyện xử trí các biến chứng. Nhưng thực tế, thì có quá nhiều điều diễn ra ngoài suy nghĩ của mình.
Liệu pháp này rất mới với Việt Nam, nhưng thấy đây là phương pháp rất nhân văn nên chúng tôi quyết tâm làm, đưa về Việt Nam sớm nhất.
- GS, TS, BS Nguyễn Thanh Liêm -
Car-T là một công nghệ rất khó, kết hợp công nghệ tế bào và công nghệ gene nên dù được đào tạo lý thuyết, thực tiễn áp dụng cũng vô cùng thách thức vì việc nuôi cấy tế bào T rất đắt đỏ.
Phóng viên: Muôn trùng khó khăn như thế nhưng với quyết tâm, ông và các đồng sự đã thành công với ca đầu tiên? Lúc ấy, ông có trút được gánh nặng áp lực?
GS, TS, BS Thanh Liêm: Phải nói thật, ca đầu chúng tôi gặp rất nhiều căng thẳng. Chúng tôi không được phép thất bại, nhưng bản thân tôi cũng không thể cam đoan 100% thành công.
Bấy giờ, chúng tôi đã sản xuất tế bào T thành công, nhưng những biến chứng, diễn biến lâm sàng, thuốc điều trị không phải mình đều có sẵn và có kinh nghiệm. Chúng tôi họp rất nhiều. Lãnh đạo Công ty Vinmec có nói: “Nếu thầy thấy chuẩn bị chưa tốt, chưa bảo đảm thành công cao thì chưa triển khai”.
Nhưng tôi nghĩ, nếu bây giờ không làm, sẽ không biết lúc nào mới làm được và chúng tôi đã cố gắng rà soát lại từng chi tiết nhỏ nhất trong công tác chuẩn bị để bảo đảm thành công.
Cả đội chúng tôi thấp thỏm theo dõi từng giờ khi truyền tế bào CAR-T vì đây là trường hợp đầu tiên, kinh nghiệm xử trí các biến chứng còn rất ít. Cán bộ theo dõi trực tiếp phải báo cáo diễn biến người bệnh liên tục để cả nhóm có thể theo dõi và tổ chức hội chẩn bất cứ khi nào bệnh nhân có diễn biến xấu, cùng nhau đề ra các phương án xử lý kịp thời.
Chúng tôi không được phép thất bại, nhưng bản thân tôi cũng không thể cam đoan 100% thành công.
- GS, TS, BS Nguyễn Thanh Liêm -
KỲ TÍCH CỦA Y KHOA VIỆT
Phóng viên: Đã có 9 ca được thực hiện liệu pháp này và có thể nói, các ông đã thành công bước đầu. Điều gì giúp các ông tự tin ở thời điểm này?
GS, TS, BS Nguyễn Thanh Liêm: Bước đầu, chúng tôi đã làm chủ được công nghệ, kể cả sản xuất tế bào và quá trình theo dõi điều trị lâm sàng. Quá trình đó không hề suôn sẻ vì sản xuất tế bào không ổn định, có bệnh nhân nhiều tế bào, có bệnh nhân tế bào thấp hơn mong đợi và phải có những bước điều chỉnh. Nhưng với quá trình triển khai thực tiễn, cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, chúng tôi có thể biết trước được bệnh nhân nào sẽ cho nhiều tế bào, quá trình nuôi cấy tế bào như thế nào thì phù hợp với từng người.
Về mặt lâm sàng, chúng ta cũng đã làm chủ được chẩn đoán, chỉ định, xử lý các biến chứng. Ban đầu chúng tôi sẽ chọn trong nhóm bệnh nhân ung thư máu, bạch cầu cấp, ung thư hạch mà tái phát, kháng trị nhưng sau khi trải qua 9 ca, chúng tôi đã rút ra kết luận về việc nên chọn trường hợp nào để kết quả tiên đoán tốt, hạn chế biến chứng.
Trong số các bệnh nhân tham gia thử nghiệm với chúng tôi, có em đã trở về cuộc sống thường nhật và đi học được.
Phóng viên: Chứng kiến từng kỳ tích từ phương pháp này, khoảnh khắc xúc động nhất với ông là khi nào?
GS.TS.BS Nguyễn Thanh Liêm: Đó là khi tôi xuống thăm bệnh nhân ung thư hạch sau truyền tế bào CAR-T. Tôi ngỡ ngàng vì chị ấy trẻ ra đến 10 tuổi, tăng 5 cân. Một con người trước đó tiều tụy về tinh thần và thể chất đã đổi khác ngỡ ngàng.
Một trường hợp khác, bệnh nhân bị ung thư hạch, hạch to khiến cơ thể đau đớn không muốn sống, tiêm morphin không có tác dụng. Nhưng chỉ sau 1 tháng truyền CAR-T, bác sĩ siêu âm gọi cho tôi “Ảo quá thầy ạ, khối u 10cm giờ chỉ còn 2cm, khối hạch ngoại biên không còn nữa”.
Chúng tôi vô cùng vui sướng khi nhìn thấy thành quả là các bệnh nhân ung thư bạch cầu cấp hiện xét nghiệm thấy tế bào ung thư trong máu và tủy xương không còn, lâm sàng diễn biến tốt. Kết quả bước đầu phấn khởi. Tất nhiên, chúng tôi còn phải làm đủ 16 bệnh nhân, phải theo dõi lâu dài sau 6 tháng mới kết luận được.
"Nghiên cứu khả năng áp dụng CAR-T cho ung thư phổi mở ra hướng điều trị mới có thể giúp cứu được nhiều người trong tình trạng tuyệt vọng."
GS, TS, BS Nguyễn Thanh Liêm
Phóng viên: Tương lai của liệu pháp tế bào CAR-T như thế nào? Tới đây, Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gene Vinmec có những nghiên cứu mới nào để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh?
GS, TS, BS Nguyễn Thanh Liêm: Công nghệ mới hiện mới áp dụng cho 2 bệnh. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng dự án điều trị cho bệnh lupus ban đỏ. Thông thường, bệnh lý tự miễn được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch nhưng vẫn có một số bệnh nhân nặng vì không đáp ứng với các thuốc điều trị hiện có.
Một trung tâm ở Đức đã nghiên cứu thử nghiệm cho 6 bệnh nhân lupus ban đỏ bằng liệu pháp CAR-T và đã thành công với nguyên lý sản xuất CAR-T giống chúng ta.
Triển khai thành công với bệnh tự miễn này thì sẽ điều trị được cho nhiều bệnh lý tự miễn khác như viêm khớp dạng thấp, xơ hóa thần kinh rải rác. Đặc biệt, bệnh lý xơ hóa toàn thể hiện chưa nước nào được cấp phép thử nghiệm, nếu chúng ta làm được, thì Việt Nam sẽ là đơn vị đi sớm nhất trên thế giới.
Tôi cũng đang nghiên cứu phương pháp này cho ung thư nguyên bào thần kinh, ung thư não, ung thư tụy, ung thư phổi… Nghiên cứu khả năng áp dụng CAR-T cho ung thư phổi mở ra hướng điều trị mới có thể giúp cứu được nhiều người trong tình trạng tuyệt vọng.
NGUỒN CẢM HỨNG TỪ TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN
Phóng viên: Thành quả này cho thấy các nhà khoa học Việt Nam rất giỏi, dường như chúng ta chỉ thiếu sự đầu tư cho những dự án lớn. Ông đánh giá thế nào về sự đồng hành của nhiều đơn vị trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, điều trị người bệnh hiện nay? Và ông mong gì cho việc thúc đẩy các nhà khoa học trong lĩnh vực y tế có cơ hội được tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới và mang về Việt Nam?
GS, TS, BS Nguyễn Thanh Liêm: Việc thử nghiệm liệu pháp CAR-T đòi hỏi chi phí khoảng 70-80 tỷ đồng cho việc đầu tư trang thiết bị, đào tạo, chuyển giao công nghệ, thực hiện thử nghiệm trên 16 trường hợp.
Như vậy, nếu có thêm sự đóng góp của các tập đoàn, đơn vị tư nhân thì ngành khoa học y tế sẽ tiến nhanh hơn. Điều này phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam còn khá hiếm, đặc biệt là đầu tư cho dự án y tế vì chưa thể thấy lợi nhuận ngay lập tức. Triết lý của các doanh nghiệp thế giới nằm ở việc họ đã có lợi nhuận từ cộng đồng thì sẽ trả lại bằng những dự án chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Tại Việt Nam, Vingroup chính là một đơn vị tiên phong theo đuổi triết lý đó. Tôi mong tương lai, Việt Nam sẽ có nhiều đơn vị đi theo triết lý đó.
Thực tế, các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có thế thực hiện tiến bộ khoa học kỹ thuật mà thế giới làm được như phẫu thuật nội soi trẻ em, phẫu thuật nội soi người lớn, phẫu thuật can thiệp tim mạch.
Tôi nghĩ một trong những yếu tố quan trọng là chúng ta phải tự tin. Tôi vẫn nói các em không có gì là không có thể, nếu quyết tâm sẽ làm được. Vì thế, khi các em triển khai thành công các kỹ thuật mới, có được các bài báo quốc tế, tôi luôn gửi lời chúc mừng, động viên. Khi thế hệ trẻ được người đi trước quan tâm, họ cũng sẽ thấy có thêm động lực.
Các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có thế thực hiện tiến bộ khoa học kỹ thuật mà thế giới làm được.
- GS, TS, BS Nguyễn Thanh Liêm -
“Có cứu được người không? Nếu cứu được sẵn sàng đầu tư”. Đó là tư tưởng rất nhân văn và truyền cảm hứng cho chúng tôi.
Phóng viên: Là một đơn vị của Vingroup, được đầu tư rất lớn cho nghiên cứu khoa học. Đây là cơ hội tuyệt vời nhưng cũng là thách thức rất lớn với người đứng đầu nhóm nghiên cứu khoa học như ông. Ông nghĩ sao về điều này?
GS, TS, BS Nguyễn Thanh Liêm: Chủ tịch Phạm Nhật Vượng là một người có tầm nhìn rộng và rất cởi mở khi trao đổi nghiên cứu. Chủ tịch tâm niệm không phải nghiên cứu nào cũng thành công, nếu triển khai 10 dự án mà được 6, 7 dự án thành công là tốt rồi.
Kinh phí là một chuyện, nhưng điều mà Chủ tịch quan tâm hơn cả luôn là: “Có cứu được người không? Nếu cứu được sẵn sàng đầu tư”. Đó là tư tưởng rất nhân văn và truyền cảm hứng cho chúng tôi.
Phóng viên: Áp lực với một người vừa gánh trên vai phải thử nghiệm cái mới thành công, vừa áp lực phải vượt qua chính mình của nhiều năm trước như thế nào?
GS, TS, BS Nguyễn Thanh Liêm: Với bản thân tôi, động lực không nằm ở những lời khen mà nằm ở trăn trở làm thế nào cứu được nhiều người bệnh nan y từ trước đến giờ không cứu được. Niềm vui chính là khi nhìn thấy một đứa bé chỉ sau truyền tế bào CAR-T 8 ngày đã có thể nhảy múa ca hát, mang lại niềm vui không chỉ cho bố mẹ mà cho cả đội ngũ cán bộ đã tham gia điều trị. Đó chính là động lực của tôi cũng như toàn thể anh em trong nhóm.
Xin cảm ơn GS, TS, BS Nguyễn Thanh Liêm về cuộc trò chuyện đầu năm thú vị!