“Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”

nhìn từ “hiệu lệnh” phòng, chống lãng phí

Phát biểu tại nhiều sự kiện lớn trong nước và quốc tế thời gian gần đây, đặc biệt là trong bài viết rất quan trọng với nhan đề “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.

Bài viết “Chống lãng phí” của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm như một lời hiệu triệu, một hiệu lệnh “tuyên chiến” của Đảng với những chủ thể đã và đang gây ra lãng phí cho đất nước, cho dân tộc. Vì vậy, trong chuyên đề này, Báo Nhân Dân sẽ cùng bạn đọc phân tích, luận giải về một số thực trạng, nguyên nhân và giải pháp đối với “hiệu lệnh” phòng, chống lãng phí; góp phần tích cực tuyên truyền, cụ thể hóa quyết tâm trong đường lối, chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trước cơ hội lịch sử đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Bài 4: Gắn phòng, chống lãng phí với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Công tác phòng, chống lãng phí là một “cuộc chiến” lâu dài, bền bỉ, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì và đồng bộ nhiều giải pháp bài bản, khoa học... Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu, đó là thay đổi nhận thức, phải gắn công tác phòng, chống lãng phí với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm”

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Để công tác phòng, chống lãng phí được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu, cần chú trọng “thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”. 

“Theo các báo cáo được trình bày tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên (tăng 34 tổ chức đảng và 1.055 đảng viên so với cùng kỳ năm 2023). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án/5.975 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 841 vụ, 1.487 bị can so với cùng kỳ năm 2023). Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 8 vụ án/212 bị cáo, xét xử phúc thẩm 6 vụ án/39 bị cáo. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quyết định đưa 107 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo, xử lý; các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương khởi tố mới 444 vụ án/1.003 bị can về tham nhũng”.

Trong cuốn sách Hồ Chí Minh toàn tập, từ trang 357 đến trang 363, tập 7 (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật năm 2011), năm 1952, nhân dịp phát động phong trào thi đua giết giặc, thi đua tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến khái niệm “giặc nội xâm”. Người nói: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và Nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”.

Khi phân tích về mối quan hệ giữa giặc nội xâm và ngoại xâm, Bác đã đồng thời chỉ ra mối nguy hại của thứ “giặc ở trong lòng” như sau: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta cần, kiệm, liêm, chính.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (năm 1954)_Nguồn: hochiminh.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (năm 1954)_Nguồn: hochiminh.vn

Bác đã chỉ ra rằng, để kháng chiến thắng lợi, để xây dựng nước nhà, chiến sĩ thì hi sinh xương máu, đồng bào thì hi sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp. Mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và Nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám.

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã cụ thể hóa việc học tập, lĩnh hội thấu đáo và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khi yêu cầu: cần chú trọng thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp. Cam go, phức tạp vì là “thứ giặc ở trong lòng”, một thứ “giặc” luôn ẩn mình với nhiều thủ đoạn tinh vi…

Hoàn thiện thể chế, xử lý nghiêm hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí

Giải pháp thứ hai mà đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra trong công cuộc phòng, chống lãng phí, đó là, tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công.

TS Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) đồng tình cho rằng, trong thời gian tới, cần khẩn trương ban hành quy định của Đảng nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; quy định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí; xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội).

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội).

Cùng với đó, phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí; xây dựng cơ chế thực sự hữu hiệu cho giám sát, phát hiện lãng phí của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân…

Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Điều 76. Khiếu nại, tố cáo
1. Công dân, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức có quyền khiếu nại; công dân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và được bảo vệ theo quy định của pháp luật về tố cáo.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật về khiếu nại, pháp luật về tố cáo.
3. Người có hành vi bao che, cản trở hoặc thiếu trách nhiệm trong xử lý khiếu nại, tố cáo, xử lý người vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; người có hành vi đe dọa, trả thù, trù dập người khiếu nại, tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công, TS Nhị Lê cho rằng, rõ ràng, đã tới lúc khẳng định: phải quy định hành vi lãng phí là hành vi cấu thành tội phạm và người gây lãng phí đều có nguy dẫn tới tham nhũng, tiêu cực và trở thành tội phạm. 

Tiến sĩ Nhị Lê – nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (ảnh: Báo Tiền phong).

Tiến sĩ Nhị Lê – nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (ảnh: Báo Tiền phong).

“Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là những “chiếc bình” thông nhau. Nói một cách hình ảnh, tam loại nhất thể, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”” – TS Nhị Lê nhận định.

Vì thế, theo TS Nhị Lê, thay vì chỉ phòng, chống tham nhũng, chúng ta cần phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Nói khái lược, việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không thể không bổ sung và phải có kế sách ngăn chặn, khắc chế, đẩy lùi lãng phí, hợp thành chỉnh thể cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. 

“Không nhận thức rõ ràng, dứt khoát và kiên quyết công phá vào chỗ hiểm yếu này rất khó phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực một cách chủ động, toàn diện và hiệu quả” – TS Nhị Lê phân tích. 

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo cuộc họp.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo cuộc họp.

Tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí

Giải pháp thứ ba mà đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đó là tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo Nhân dân và phát triển đất nước. 

 

“Ngoài những nguyên nhân dẫn đến từng dạng thức lãng phí, còn do thực thi các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về phòng, chống lãng phí trong thực tế vẫn còn hạn chế; hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; xử lý lãng phí chưa được đề cao, thường gắn với xử lý tham nhũng như hệ lụy kéo theo. Chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như dư luận xã hội mạnh mẽ để phê phán, lên án những hành vi gây lãng phí. Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức”
Tổng Bí thư Tô Lâm.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, phòng, chống lãng phí là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và phải hết sức kiên quyết, kiên trì.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội (ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội).

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội (ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội).

Để làm được hiệu quả điều này, theo đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, đúng như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta phải tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí.

Theo đó, chúng ta phải quyết tâm đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở, việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục điểm nghẽn, mở rộng không gian, tạo đà cho phát triển.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực.

Thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực.

Cùng với đó, phải rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế-kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí.

Đại biểu Trương Xuân Cừ cho biết, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có công tác phòng, chống lãng phí.

Tuy nhiên, để đáp ứng được tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng, Chính phủ, Quốc hội và mỗi vị đại biểu Quốc hội cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, đặc biệt là phát huy vai trò giám sát, phản biện trong việc góp phần loại bỏ những tồn tại, hạn chế để công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn, góp phần khơi thông các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội, làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống lãng phí để đất nước ta sẵn sàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cần xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí

Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Điều 77. Khen thưởng
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích dưới đây thì được khen thưởng;
a) Hoàn thành, hoàn thành vượt mức mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí được giao;
b) Có giải pháp, sáng kiến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mang lại kết quả cụ thể;
c) Phát hiện, có thông tin phát hiện, ngăn chặn kịp thời không để lãng phí xảy ra.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và xây dựng văn hóa liêm chính.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội).

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội).

“Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích Nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của Nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật”
Tổng Bí thư Tô Lâm.

Liêm chính là giá trị đạo đức cơ bản, là nguyên tắc, thước đo, chuẩn mực đối với người cán bộ, đảng viên trong công tác cũng như trong cuộc sống thường ngày dựa trên sự tuân thủ đạo đức công vụ, đạo đức cá nhân.

Văn hóa liêm chính là nền tảng để xây dựng ý thức và thực hành liêm chính của cán bộ, đảng viên trong Đảng và hệ thống chính trị. Vì vậy, xây dựng văn hóa liêm chính là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí hiện nay.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, ở thời kỳ phát triển mới, chúng ta cần phải phải cụ thể hóa hơn nữa các nhiệm vụ. Theo đó, đúng như yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta cần xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”. Theo đại biểu, chỉ khi chúng ta làm được như vậy, công cuộc phòng, chống lãng phí mới thực sự đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu lực, hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, đại diện lãnh đạo Đảng bộ Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội), cho biết, sau khi nghiên cứu bài viết “Chống lãng phí” của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về công tác phòng, chống lãng phí, với quan điểm nghiêm túc, chủ động thực hiện “hiệu lệnh” phòng, chống lãng phí này, EVN Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác tiết kiệm các nguồn chi phí thường xuyên, tối ưu hóa hiệu quả chi phí trong công tác đầu tư, sửa chữa lớn và quản lý vận hành; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, rà soát mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị để đảm bảo công tác phòng, chống lãng phí tại Tổng công ty đạt hiệu quả và thực chất, góp phần vào việc phục vụ mục tiêu, lợi ích chung của thành phố Hà Nội và của đất nước.
Cùng với đó, Đảng bộ EVN Hà Nội sẽ đưa vào chương trình sinh hoạt Đảng bộ Tổng Công ty và các Chi bộ trực thuộc quán triệt nghiêm túc nội dung bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.
Ngoài ra, EVN Hà Nội cũng sẽ phát động phong trào phòng, chống lãng phí theo tinh thần bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đến tất cả các đơn vị thành viên, đến từng cán bộ, công nhân viên, người lao động trong toàn hệ thống và xây dựng phong trào văn hóa phòng, chống lãng phí một cách thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, trở thành nhiệm vụ thường xuyên, hàng ngày…

Một số công trình trọng điểm của EVN Hà Nội.

Một số công trình trọng điểm của EVN Hà Nội.

Với quyết tâm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, nhất là khi đất nước ta đang đứng trước cơ hội lớn để bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhất định công cuộc phòng, chống lãng phí, trong đó có nhiệm vụ xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí sẽ được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, được Nhân dân nhiệt thành ủng hộ và chắc chắn sẽ ngày càng đạt được nhiều thành tựu to lớn.

NGÀY XUẤT BẢN: 30/10/2024
TỔ CHỨC THỰC HIỆN: KIM PHƯƠNG BÌNH
NỘI DUNG: TRỊNH MAI ANH - VŨ CẢNH
ẢNH: BÁO NHÂN DÂN, CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ QUỐC HỘI, BÁO ĐIỆN TỬ TỔ QUỐC, BÁO TIỀN PHONG
TRÌNH BÀY: HOÀI THU