Giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước đang rất chậm, bảy tháng năm 2022 mới giải ngân gần 190 nghìn tỷ đồng trong khi tổng kế hoạch vốn được giao lên đến hơn 540 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 34,47% kế hoạch năm. Với điều kiện thời tiết thường diễn biến bất lợi cuối năm, việc không tận dụng được “thời gian vàng” của những tháng đầu năm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh đầu tư công được xác định là động lực tăng trưởng chính, là cú huých cho nền kinh tế bật lên sau đại dịch, việc chậm tiến độ các dự án công trình trọng điểm quốc gia không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước như hệ quả của những năm trước mà còn tác động tiêu cực đến Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước, năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước được bố trí lên đến hơn 540 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 110 nghìn tỷ đồng so với năm 2021 và gấp đôi so với năm 2016.

Trước khối lượng công việc rất lớn, Chính phủ xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu của toàn hệ thống chính trị và liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thúc đẩy giải ngân, không để lặp lại tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. Tuy nhiên, kết quả thực hiện trong thực tiễn chưa chuyển biến mạnh.

Pháp luật chồng chéo,

địa phương không dám làm

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, công tác giải ngân vốn đầu tư công đang đặt trong tình trạng “báo động” vì tổng vốn đầu tư công năm 2022 là 31.943 tỷ đồng nhưng bảy tháng mới giải ngân được 8.467 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch cả năm.

Đáng lưu ý, hiện có đến 100 dự án có tỷ lệ giải ngân bằng 0, 12 dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp mới giải ngân dưới 10%, ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung vì những dự án này có tác động trực tiếp đến nhu cầu thực tế của địa phương và của người dân.

* Các dự án chậm tiến độ của Thành phố Hồ Chí Minh:
1. Dự án xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng thành phố (huyện Bình Chánh) vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, được nghiệm thu, hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng ba năm nay nhưng vẫn chưa giải ngân đồng nào.
2. Trung tâm triển lãm quy hoạch thành phố, vốn 350 tỷ đồng.
3. Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm y tế Tân Kiên-Bình Chánh, vốn đầu tư 277 tỷ đồng.
4. Bệnh viện Đa khoa Phạm Ngọc Thạch.
5. Dự án vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2 được bố trí 1.990 tỷ đồng mới giải ngân 43 tỷ đồng, (đạt 2,1%).
6. Hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ được bố trí vốn 200 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 9,3 tỷ đồng (đạt 4,6%).
7. Dự án nút giao An Phú bố trí 375 tỷ đồng mới giải ngân 15 tỷ đồng (đạt 4%).

Nút giao thông An Phú (thành phố Thủ Đức) được bố trí vốn 375 tỷ đồng nhưng chỉ mới giải ngân được 15 tỷ đồng (đạt 4%)…. (Ảnh: QUANG QÚY)

Nút giao thông An Phú (thành phố Thủ Đức) được bố trí vốn 375 tỷ đồng nhưng chỉ mới giải ngân được 15 tỷ đồng (đạt 4%)…. (Ảnh: QUANG QÚY)

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh

Kho bạc cũng sốt ruột khi quá trình thanh toán cho các đơn vị bị chậm so với kế hoạch. Để nhắc nhở các đơn vị, định kỳ hằng tháng, hằng quý, chúng tôi gửi văn bản đến các chủ đầu tư đôn đốc việc gửi hồ sơ pháp lý, gửi hồ sơ nghiệm thu thanh toán từng lần nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi.

Ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh

Công tác giải ngân chậm có phần nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng chậm. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ công tác thẩm định giá bồi thường. Khi Sở Tài nguyên và Môi trường đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết thẩm định giá thì việc tắc hồ sơ lại xảy ra ở các địa phương. Vấn đề này, ở một số địa phương được lãnh đạo quan tâm thì hồ sơ “chạy” rất nhanh và ngược lại, nếu địa phương không quan tâm, hồ sơ phải chuyển qua chuyển lại, lạc hậu về thủ tục, pháp lý nên rất mất thời gian xử lý.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập trong xác định giá bồi thường cũng khiến việc giải ngân bị chậm tiến độ. Năm nay, đến tháng 2, thành phố mới giao vốn nên thực tế các đơn vị chỉ còn mười tháng để thực hiện kế hoạch năm. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, nhiều chủ đầu tư cũng chưa quyết liệt triển khai. Thậm chí, nhiều dự án được dự phòng vốn để tăng tổng mức nhưng việc trình điều chỉnh quyết định đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư còn chậm, dẫn đến không thể giao vốn và giải ngân sớm...

Tại Bình Dương, kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 8.909 tỷ đồng, đến ngày 15/7 đã giải ngân 2.868 tỷ đồng, đạt 32,2% kế hoạch, tăng gần gấp đôi so mức thực hiện cùng kỳ nhưng vẫn thấp so với kế hoạch được giao.

Sự chậm trễ trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn ảnh hưởng tới tiến độ thi công các dự án của địa phương này. Những khó khăn, trở ngại có nguyên nhân từ trình tự, thủ tục thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư phức tạp; chính sách bồi thường, hỗ trợ không phù hợp với thực tế; các địa phương không có quỹ đất bố trí tái định cư…

Hiện có khoảng 46 dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2022 với tổng vốn bố trí 1.769 tỷ đồng đang gặp các khó khăn, vướng mắc về mặt bằng thi công. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng chưa chặt chẽ, hiệu quả; công tác vận động tuyên truyền chưa đồng bộ.

Tương tự, tỉnh Đồng Nai cũng mới giải ngân hơn 32% vốn kế hoạch cả năm, tương ứng với 4,5 nghìn tỷ đồng trong tổng số hơn 14,1 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho rằng, nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng vì sự phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương, nhất là UBND cấp huyện chưa thật chặt chẽ.

Ngoài ra, sự thiếu quyết liệt và chưa chú trọng các khâu kiểm tra, giám sát tiến độ dự án cũng là yếu tố dẫn đến tình trạng giải ngân chậm. Ghi nhận của chúng tôi tại huyện Long Thành, 9 trong tổng số 11 công trình hạ tầng xã hội phục vụ người dân chuyển đến sinh sống tại khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn (khu tái định cư phục vụ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành) hiện vẫn dang dở do không thể giải ngân được vốn.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, đại diện một đơn vị nhà thầu chia sẻ: “Niên độ của dự án đã hết nên việc thanh toán với chủ đầu tư không thực hiện được, doanh nghiệp muốn vay vốn để phục vụ dự án cũng khó. Điều này buộc chúng tôi phải chậm lại, đợi khi có vốn dồn lực hoàn thành để bàn giao cho chủ đầu tư”.

Nhiều công trình hạ tầng xã hội dang dở do không giải ngân được vốn.
Nhiều công trình hạ tầng xã hội dang dở do không giải ngân được vốn.

Tình hình giải ngân các dự án quan trọng quốc gia:

Ngay cả các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước như Đà Nẵng, Hà Tĩnh cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, trở ngại trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Ông Trương Xuân Thành, Chỉ huy trưởng công trường dự án đường vành đai phía tây Đà Nẵng (Tổng công ty xây dựng Trường Sơn) cho biết dự án được khởi công từ tháng 9/2018, nhưng đến nay vẫn còn 800m chưa được bàn giao mặt bằng, khiến việc thi công gặp rất nhiều khó khăn trong huy động phương tiện, máy móc thi công, vận chuyển nguyên vật liệu…

Còn tại Hà Tĩnh, trên địa bàn huyện Lộc Hà có tình trạng một số dự án đã hết thời gian thi công nhưng chủ đầu tư không bàn giao được mặt bằng vì người dân không chấp nhận giá bồi thường nên toàn bộ dự án phải đình trệ. Với điều kiện thời tiết thường diễn biến bất lợi cuối năm, việc không tận dụng được “thời gian vàng” của những tháng đầu năm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước, Bộ Tài chính ước tính bảy tháng năm 2022 đã giải ngân hơn 186.848 tỷ đồng, bằng 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm hơn 2% so cùng kỳ năm. Chỉ có 1 cơ quan Trung ương và 11 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân hơn 50% kế hoạch, như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,55%), Thái Bình (66,94%), Tiền Giang (62,25%), Hưng Yên (61,11%), Ninh Bình (60,31%), Tây Ninh (60,02%)… 41/51 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó 17 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch. Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn bằng 0.

Khó khăn đặc thù năm 2022

và cả giai đoạn 2021-2025

Tổng hợp kết quả kiểm tra giám sát của 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo của các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận diện 21 khó khăn, vướng mắc đang bủa vây hoạt động đầu tư công, chia thành 3 nhóm vấn đề:

1.

Những khó khăn về thể chế, chính sách diễn ra trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, ngân sách nhà nước và công sản, lĩnh vực xây dựng, đấu thầu và lĩnh vực đầu tư công.
Cụ thể, xác định phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất giữa các Luật không thống nhất: Khái niệm phân loại đất tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 không thống nhất với Luật quy hoạch đô thị năm 2009, Luật giao thông đường bộ … Những khái niệm phân loại, nguyên tắc sử dụng khác nhau này dẫn tới khó khăn trong thu hồi và sử dụng đất của dự án, ví dụ đất của trạm dừng nghỉ của đường cao tốc, trạm làm logistic thì quyết định phân loại đất nào, nguyên tắc sử dụng theo quy định nào cũng chưa rõ.
Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường: Hiện nay, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn với tiến độ yêu cầu nhanh dẫn đến nhu cầu về đất san lấp, vật liệu xây dựng là rất lớn nhưng nguồn cung không thể đáp ứng dẫn đến tiến độ thi công bị kéo dài và tiến độ giải ngân vốn không đạt quy định.

2.

Khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện, gồm công tác lập kế hoạch đầu tư, việc công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương, chất lượng chuẩn bị dự án, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, năng lực của các Ban quản lý dự án và cán bộ chuyên môn, ý thức chấp hành kỷ luật kỷ cương đầu tư công.
Cụ thể: Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư (Quyết định đầu tư các dự án) hoặc thực hiện các thủ tục gia hạn Hiệp định, kéo dài thời gian bố trí vốn đối với dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Việc công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương chưa kịp thời, chưa sát với thị trường, gây bị động cho chủ đầu tư, nhà thầu.
Chất lượng chuẩn bị dự án thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân vì lại vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, phải điều chỉnh đơn giá dẫn đến phải thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án.
Các cấp, các ngành và người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án đã và đang triển khai...

3.

Những khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022, như việc biến động giá vật liệu xây dựng; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vừa được Quốc hội thông qua tháng 7/2021 nên các dự án mới cần khoảng 6-8 tháng triển khai các thủ tục chuẩn bị để tổ chức đấu thầu thi công nên tiến độ sẽ tăng tốc nhanh hơn vào nửa cuối năm, khi các dự án bắt đầu có khối lượng để giải ngân.
Trong giải ngân vốn đầu tư công có tính đặc thù là giải ngân những tháng đầu năm thấp và tăng mạnh trong những tháng cuối năm vì cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, phụ thuộc vào tiến độ hợp đồng và tạm ứng. Bên cạnh đó, năm 2022 là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (thực chất là năm đầu tiên triển khai do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021), là năm các bộ, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án. Theo quy định của Luật Xây dựng, các dự án khởi công mới được bố trí vốn đầu năm phải mất thời gian triển khai các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình mới đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu thi công. Thời gian này thường mất khoảng từ 6 đến 8 tháng, do đó tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.

Các dự án được liệt vào danh sách “giải ngân 0 đồng” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là ví dụ điển hình cho đặc thù này.

Năm 2022, EVN được Thủ tướng Chính phủ giao vốn để thực hiện 3 dự án đầu tư công, gồm dự án cấp điện nông thôn tại các tỉnh Nghệ An, Lạng Sơn, Cà Mau với tổng giá trị 920 tỷ đồng. Đại diện EVN cho biết, giai đoạn 2015-2020, các dự án này đều hoàn thành giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn hàng năm, không nợ đọng xây dựng cơ bản và đang tiếp tục được thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023. 

Đại diện EVN cho biết: Theo quy định đối với các dự án đầu tư công, sau khi được giao kế hoạch vốn vào đầu năm, chủ đầu tư mới được triển khai các thủ tục đầu tư lập và trình các cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu xây lắp, cung cấp thiết bị, đàm phán ký kết và thực hiện hợp đồng cho các hạng mục tương ứng với giá trị kế hoạch vốn được giao của năm kế hoạch. 

Mặc dù các đơn vị rất nỗ lực và tập trung thực hiện, nhưng đến cuối quý II hoặc quý III mới có thể bắt đầu ký kết hợp đồng chuyển sang giai đoạn thi công xây dựng, cung cấp vật tư thiết bị nên cuối tháng 6/2022 vẫn chưa có giá trị giải ngân.

EVN tính toán dự kiến tổng giá trị giải ngân vốn ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2022 sẽ đạt khoảng 287 tỷ đồng, bằng 31,2% kế hoạch và cuối năm sẽ cơ bản hoàn thành giải ngân đối với các dự án được phân bổ ngân sách nhà nước trong kế hoạch năm 2022. 

Để tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc như hiện nay, EVN đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương chấp thuận giảm bớt số lần thực hiện các thủ tục đầu tư.

Ngoài ra, giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng... dẫn đến nhà thầu trúng thầu, ký hợp đồng trọn gói thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng.

Thi công dự án cao tốc bắc-nam đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn.

Thi công dự án cao tốc bắc-nam đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt hoặc chuyển sang tìm kiếm công việc tại các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), gây thiếu nhân công thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Tại văn bản kiến nghị gửi các Ủy ban của Quốc hội và Chính phủ mới đây, đại diện các nhà đầu tư, nhà thầu thi công cao tốc bắc-nam cho biết tại thời điểm ký hợp đồng, giá vật tư, nhiên liệu chạm đáy nhưng tác động của cuộc xung đột Nga- Ukraine đã đẩy giá vật tư, vật liệu chính tăng 20-30% so giá trị hợp đồng.

Trong khi đó, chỉ số giá vật liệu do địa phương công bố thường có xu hướng ép xuống, chỉ số trượt giá tối đa chỉ khoảng 14-15% nên ngay cả khi được điều chỉnh cũng không đủ bù lỗ. Nếu cơ quan quản lý không kịp thời tháo gỡ khó khăn này, nguy cơ vỡ tiến độ cao tốc bắc-nam là hiện hữu, kéo theo hệ luỵ không nhà thầu nào dám tham gia dự án khởi công trong giai đoạn 2021-2025 đang chuẩn bị triển khai.

Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Thống kê kiến nghị Chính phủ cần khẩn trương giải cứu doanh nghiệp xây dựng để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội cũng như tăng trưởng kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đầu tư xây dựng hiện chiếm khoảng 65-70% vốn đầu tư công. Việc tăng giá vật liệu xây dựng làm tăng vài phần trăm vốn trung hạn của mỗi dự án nhưng nếu tính tổng thể toàn bộ các dự án đang triển khai hiện nay thì đó là con số khổng lồ, có thể làm thâm hụt ngân sách, ảnh hưởng đáng kể đến chính sách tài khóa.
Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Theo quy định, giá dự toán công trình vượt quá 10% giá dự phòng trong dự toán thì phải tiến hành thương thuyết lại, chủ đầu tư thực hiện bù giá cho nhà thầu. Sau đó, Ban quản lý dự án trình Bộ chủ quản phương án điều chỉnh giá, quá trình này chờ lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng nên ngay cả khi nhận được sự đồng thuận của các bên cũng mất rất nhiều thời gian. Trường hợp đội vốn lớn và không tìm được tiếng nói chung, dự án có thể lâm vào tình cảnh đắp chiếu vô thời hạn.

 Tình trạng chậm giải ngân đầu tư công kéo dài nhiều năm chưa có chuyển biến đáng kể, các dự án lớn, hạ tầng quan trọng, việc chậm giải ngân ảnh hưởng đến huy động các dòng vốn, uy tín quốc gia, giảm niềm tin của nhà đầu tư, nhà tài trợ và người dân, có nguy cơ đội vốn gây lãng phí, thất thoát và kém hiệu quả.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hoàn thiện thể chế,
xem lại bộ máy vận hành

Nhận định giải ngân vốn đầu tư công chậm ngày nào là mất cơ hội phục hồi ngày đó, Chính phủ đang đốc thúc các bộ, ngành, địa phương quyết tâm cao nhất phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 với quan điểm: Tình hình chung thay đổi phải có biện pháp thay đổi, không thể làm bằng tư duy cũ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 vì cứ tăng được 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước, cao hơn so mức lan toả của trước khi có đại dịch (năm 2019, giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,42 vốn đầu tư xã hội).

Bên cạnh tính dẫn dắt và lan toả, bản thân đầu tư công cũng đóng góp không nhỏ đến tăng trường vì theo tính toán, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so năm trước có tác dụng giúp GDP tăng thêm 0,058%. Đối với nền kinh tế Việt Nam, đóng góp của yếu tố vốn vào tăng trưởng kinh tế vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với yếu tố lao động và các nhân tố tổng hợp khác (giai đoạn 2016-2020, yếu tố vốn đóng góp đến 53,3%).

Năm 2022 và những năm tiếp theo, các kịch bản điều hành được xây dựng trên cơ sở tăng mạnh vốn đầu tư công, làm vốn mồi tạo cú huých đưa nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng cao, gắn với kế hoạch phục hồi và phát triển sau đại dịch. Do đó, nếu giải ngân không đạt kế hoạch sẽ khiến cú huých này giảm lực, ảnh hưởng đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thông thường, giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng nhanh vào cuối năm, khi các nhà thầu có thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, thanh toán.

Căn cứ vào xu hướng đã thành quy luật đó và khối lượng thực hiện bảy tháng cùng với cam kết của các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định tỷ lệ giải ngân cả năm có thể đạt khoảng 92% kế hoạch.

Song kết quả này chỉ đạt được với điều kiện phải xác định đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng, từ đó nhận diện đúng và xử lý kịp thời các điểm nghẽn đang ngáng trở hoạt động đầu tư công đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt mà phải giải quyết những vấn đề căn cơ, lâu dài thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn này phù hợp với yêu cầu phát triển. 

Điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi là nghiên cứu sửa tổng thể các luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản… một cách đồng bộ.

Yếu tố rất quan trọng khác là phải chuẩn bị dự án từ sớm, từ xa, bảo đảm tính khả thi, tính sẵn sàng, nhất là về mặt bằng để nếu được phân bổ vốn có thể đưa vào thực hiện, giải ngân sớm. 

Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu báo cáo Quốc hội cho phép tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác chuẩn bị, nâng cao tính sẵn sàng và triển khai dự án. 

Cùng với đó là yêu cầu về tính kỷ cương, kỷ luật đầu tư công; năng lực chuyên môn của cán bộ các cấp; trách nhiệm người đứng đầu… “Nếu từng điểm nghẽn, hạn chế nêu trên được giải quyết thì giải ngân vốn đầu tư công nhất định sẽ được cải thiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Hầm Thung Thi thuộc dự án cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 đang được thi công nước rút chuẩn bị hoàn thiện.

Hầm Thung Thi thuộc dự án cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 đang được thi công nước rút chuẩn bị hoàn thiện.

Dự án thành phần cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 đang tăng tốc thi công, phấn đấu hoàn thành cuối năm nay.

Dự án thành phần cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 đang tăng tốc thi công, phấn đấu hoàn thành cuối năm nay.

Thi công cầu Vĩnh An, dự án cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45.

Thi công cầu Vĩnh An, dự án cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45.

Item 1 of 3

Hầm Thung Thi thuộc dự án cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 đang được thi công nước rút chuẩn bị hoàn thiện.

Hầm Thung Thi thuộc dự án cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 đang được thi công nước rút chuẩn bị hoàn thiện.

Dự án thành phần cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 đang tăng tốc thi công, phấn đấu hoàn thành cuối năm nay.

Dự án thành phần cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 đang tăng tốc thi công, phấn đấu hoàn thành cuối năm nay.

Thi công cầu Vĩnh An, dự án cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45.

Thi công cầu Vĩnh An, dự án cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45.

Đổi mới tư duy trong hoạt động đầu tư công đã được khẳng định trong xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn này được bố trí tăng rất cao nhưng chỉ tập trung vào 5.000 dự án, công trình, giảm 50% so với giai đoạn trước nhằm xoá bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quyết định danh mục và thực hiện dự án.

Từ năm 2022, lượng vốn cần giải ngân rất lớn, vì ngoài số vốn kế hoạch năm đã được Quốc hội quyết nghị còn có vốn bổ sung từ nguồn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, nếu không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân sẽ kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn.

Thông điệp mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để gỡ điểm nghẽn đầu tư công là: Không thể thực hiện khối lượng công việc lớn bằng tư duy cũ, tình hình thay đổi phải có biện pháp thay đổi, càng khó khăn phức tạp càng phải giữ vững bản lĩnh, phát huy trí tuệ, dân chủ, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
 

Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO NHÂN DÂN
Trình bày: PHƯƠNG NAM, BIỆN DIỆU
Ngày xuất bản: 16/8/2022