Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến vào Thủ đô trên đường Kim Mã, sáng 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến vào Thủ đô trên đường Kim Mã, sáng 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Hội thảo 60 năm giải phóng Thủ đô thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển

Tác giả: PGS, NGND Lê Mậu Hãn - Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội.

1. Kỷ nguyên độc lập tự do

Nhân dân Việt Nam có một truyền thống lịch sử cố kết cộng đồng dân tộc sâu nặng, có ý thức sâu sắc về chủ quyền cương vực quốc gia, quyền làm chủ đất nước, trong đó dòng chủ lưu là chủ nghĩa dân tộc, ý chí độc lập và khát vọng tự do, không bao giờ khuất phục trước quân ngoại bang xâm lược và thống trị. Nguồn giá trị tư tưởng truyền thống đó là nền tảng tinh thần, động lực vĩ đại cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Hệ thống quan điểm cách mạng giải phóng dân tộc và phát triển đất nước vì độc lập tự do của Hồ Chí Minh mang tầm vóc một học thuyết cách mạng sáng tạo được truyền bá vào Việt Nam đã đáp ứng khát vọng thiêng liêng nhất của nhân dân Việt Nam, trước hết là tầng lớp thanh niên, trí thức yêu nước. Họ đã dấn thân đi vào quần chúng để tuyên truyền, vận động tổ chức đấu tranh, làm dấy lên các cuộc đấu tranh dân tộc và dân chủ ngày càng mạnh mẽ theo con đường cách mạng giải phóng của Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh lịch sử đó, Hồ Chí Minh đã thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngay sau khi mới ra đời Đảng đã trở thành tổ chức duy nhất đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo nhân dân đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, mở đầu là phong trào cách mạng có tính chất quần chúng rộng rãi năm 1930 - 1931, tiếp đến là cao trào đấu tranh dân chủ năm 1936 -1939, đặc biệt là phong trào cách mạng giải phóng dân tộc từ năm 1939 đến năm 1945, đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa dân tộc tháng 8 năm 1945, thắng lợi trong toàn quốc. Chính quyền cách mạng đã được thành lập trong cả nước. Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh giữ cương vị Chủ tịch kiêm ngoại giao gồm 15 thành viên tiêu biểu cho sự đại đoàn kết dân tộc, là một Chính phủ quốc gia thống nhất.

Ngày 2-9-1945, trên lễ đài tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TPHCM)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TPHCM)

Tuyên ngôn độc lập là bản anh hùng ca chiến đấu và chiến thắng của dân tộc Việt Nam - một văn kiện lịch sử mang tính pháp lý tuyên bố về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam vì độc lập tự do - quyền thiêng liêng trời cho của mọi dân tộc là chính nghĩa, hợp lý và hợp pháp.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 với sự ra đời chế độ Cộng hòa Dân chủ Việt Nam là một bước nhảy vọt vĩ đại trong lịch sử tiến hóa của dân tộc. Một kỷ nguyên lịch sử mới được mở ra - kỷ nguyên độc lập tự do.

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập

II. Chiến công rực rỡ tên vàng

Bước vào năm đầu của chế độ Dân chủ Cộng hòa, quyền độc lập tự do của dân tộc đã được thực thi ngay trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, tài chính, văn hóa giáo dục đã mang lại hạnh phúc thực sự cho nhân dân ngay trong điều kiện đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn. Trong điều kiện lịch sử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điều hành Chính phủ thực hiện lời tuyên bố của Người: “Chính phủ tỏ rõ một ý muốn duy nhất làm sao đem lại cho dân chúng được tự do độc lập hoàn toàn và để cho tất cả mọi phần tử quốc dân được hưởng tự do độc lập ấy như muôn vật được hưởng ánh sáng mặt trời.

Thành quả một năm xây dựng một chế độ mới đã đặt nền móng vững chắc, tạo dựng sức mạnh của dân tộc trên nền tảng dân chủ mới của toàn dân. Nước nhà đã vượt qua tình thế hiểm nghèo trong những ngày tháng đầu mới thành lập nền Cộng hòa Dân chủ, đã tạo thế và lực để kháng chiến chống thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam lần thứ hai, mở đầu nổ súng ở Sài Gòn ngày 23-9- 1945. Cuộc tái chiếm của quân đội Pháp lần lượt mở rộng dần ra ở miền Nam Việt Nam đã vấp phải cuộc chiến đấu kiên cường của quân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Chiến lược đánh nhanh, giải quyết nhanh nhằm đặt lại ách thực dân của chúng trong vòng vài tuần lễ theo kế hoạch của tướng Lơcơléc đã thất bại. Tuy vậy, Pháp vẫn tìm cách đưa quân ra miền Bắc bằng thủ đoạn chính trị ngoại giao với Chính phủ Tưởng Giới Thạch và cả với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chiến lược đánh nhanh, giải quyết nhanh nhằm đặt lại ách thực dân của chúng trong vòng vài tuần lễ theo kế hoạch của tướng Lơcơléc đã thất bại.

Như dự đoán của Ban Thường vụ Trung ương Đảng: trước sau, Chính phủ Tưởng Giới Thạch sẽ bằng lòng cho Đông Dương trở về tay Pháp, miễn là Pháp nhân nhượng cho Chính phủ Tưởng nhiều quyền lợi. Ngày 28-2-1946, Hiệp ước Trung - Pháp đã được ký kết. Song việc thực hiện Hiệp ước đó, Tưởng và Pháp phải tính đến hệ quả của sự phản kháng của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có truyền thống bất khuất, đã thề quyết bảo vệ quyền độc lập tự do thiêng liêng của dân tộc nên Trung Quốc và Pháp cũng muốn dàn xếp với Việt Nam về việc quân Pháp vào miền Bắc. Nếu không có sự thỏa thuận về ngoại giao của Việt Nam, lực lượng quân Pháp ra miền Bắc sẽ gặp sức kháng chiến của cả một dân tộc còn gay go ác liệt hơn cả Nam Bộ nên Chính phủ Pháp chủ trương đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về giải pháp đưa quân đội Pháp vào miền Bắc thay thế quân đội của Trung Quốc.

Hiệp ước Pháp - Hoa là một sự chà đạp thô bạo lên chủ quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Hạm đội của Pháp do tướng Lơcơléc chỉ huy đang trên đường tiến vào vịnh Bắc Bộ.

Tình thế đó đặt ra cho Việt Nam trước một sự lựa chọn: đánh hay hòa? Phải cân nhắc kỹ càng, phải quyết đoán nhanh chóng, không thể do dự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Anh, Mỹ, Trung Quốc tại lễ ký kết Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TPHCM)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Anh, Mỹ, Trung Quốc tại lễ ký kết Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TPHCM)

Ngày 3-3-1946, hội nghị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng do Hồ Chí Minh chủ trì, đã chọn giải pháp “hòa để tiến”. Vì vấn đề lúc này không phải là muốn đánh hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình, biết người, nhận định một cách khách quan những điều lợi hại trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng. Do vậy, Ban Thường vụ quyết định phải chọn giải pháp đàm phán, hòa hoãn, ký bản “Hiệp định sơ bộ” ngày 6-3 với đại diện Chính phủ Pháp. Đây là một bước “Hòa để tiến”, giúp chúng ta tránh được tình thế bất lợi phải chiến đấu cùng một lúc chống lại nhiều kẻ thù lớn hơn ta, bảo toàn thực lực, tranh thủ thời gian hòa hoãn để củng cố vị trí mới giành được và phát triển lực lượng.

Thực hiện chủ trương hòa hoãn, việc ký Hiệp định sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đúng đắn. “Chúng ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà, cho nên chúng ta đã ép lòng mà nhân nhượng để giữ hòa bình. Dù thực dân Pháp đã bội ước, đã gây chiến tranh, nhưng gần một năm tạm hòa bình đã cho chúng ta thời giờ để xây dựng lực lượng căn bản. Khi Pháp đã cố ý gây chiến tranh, chúng ta không thể nhịn nữa thì cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu”.

Hành động bội ước của thực dân Pháp đã diễn ra ngay sau khi Hiệp định sơ bộ 6-3 vừa được ký kết. Các cuộc hành binh lấn chiếm của quân Pháp đã diễn ra liên tục ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Ở miền Bắc, quân Pháp đã ngang nhiên đánh chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn vào ngày đầu hạ tuần tháng 11 năm 1946. Vào đầu tháng 12 năm 1946, thực dân Pháp đã tăng quân chiếm đóng trái phép ở Đà Nẵng và Hải Dương, mở rộng đánh chiếm Đồ Sơn, Đình Lập và liên tiếp gây nhiều vụ xung đột khiêu khích ở Hà Nội, liên tiếp nổ súng, ném lựu đạn ở nhiều nơi, cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh.

Ngay giữa lúc tiếng súng kháng chiến đang rền vang ở Hà Nội và trên toàn quốc, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi khắp cả nước.

Ngày 18-12, tướng Móoclie (Morlière) gửi cho ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, và để chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội. Nếu các yêu cầu đó không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì quân đội Pháp sẽ thực hiện “Kịch bản đảo chính” bất cứ lúc nào.

Tình thế vô cùng khẩn cấp đòi hỏi, Đảng, Quốc hội, Chính phủ do Hồ Chí Minh đứng đầu đã nhất trí quyết định phát động cuộc kháng chiến. Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã điện cho các chiến khu, các tỉnh ủy chỉ thị “Tất cả hãy sẵn sàng”. Bộ trưởng Quốc phòng đã chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày giờ của cuộc giao chiến trong toàn quốc. Đúng 20 giờ ngày 19-12-1946, tín hiệu bắt đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc đã được phát ra.

Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, 20 giờ ngày 19-12-1946, công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ phá máy, đèn điện toàn thành phố phụt tắt. Quân dân thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc.

Quân dân thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc.

Ngay giữa lúc tiếng súng kháng chiến đang rền vang ở Hà Nội và trên toàn quốc, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi khắp cả nước.

Lời kêu gọi kháng chiến của Người là tiếng gọi của non sông đất nước, động thấu trái tim và khối óc của mọi người Việt Nam yêu nước, khơi dậy mạnh mẽ truyền thống anh hùng bất khuất, ý chí độc lập, tự do, làm cho cả nước đứng lên chiến đấu bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam. Toàn dân đã đoàn kết thành một khối thống nhất, chiến đấu bằng mọi vũ khí sẵn có trong tay, chiến đấu kiên cường, thông minh và sáng tạo, lấy ít đánh nhiều, phát triển lực lượng từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh, từ tiến công chiến thuật, tiến lên tấn công chiến dịch, phản công chiến lược, giành thắng từ nhỏ đến lớn dẫn đến chiến công lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu diễn ra từ 13-2 đến ngày 7-5-1953 thì kết thúc. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - một pháo đài khổng lồ của quân đội thực dân Pháp, đã bị tiêu diệt. Tướng Đờ Caxtơri (De Castries) và toàn bộ lực lượng tham mưu của tập đoàn cứ điểm đã đầu hàng. Lá cờ Quyết chiến quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng Đơ Caxtơri. Ở các cử điểm còn lại xung quanh, binh lính và sĩ quan của Pháp lũ lượt giương cao cờ trắng ra hàng.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát. Anh: TTXVN

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát. Anh: TTXVN

Trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ đã toàn thắng.

Chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa ở thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, là tiếng chuông báo tử của chủ nghĩa thực dân, niềm hy vọng lớn lao và tươi sáng, ngọn cờ cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế đứng lên đấu tranh mạnh mẽ để thủ tiêu chế độ thực dân, giành lại quyền độc lập tự do và nhân phẩm.

Trận quyết chiến Điện Biên Phủ là đỉnh cao thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Phối hợp với cuộc tiến công chiến lược đó, Đảng, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở cuộc tấn công trên mặt trận ngoại giao.

Chủ trương mở mặt trận ngoại giao đưa ra giữa lúc thực dân Pháp đang đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch Nava, càng thúc đẩy nhân dân Pháp đấu tranh đòi Chính phủ Pháp phải thượng lượng với Chính phủ Việt Nam và gây tiếng vang lớn trên thế giới.

Hội nghị các ngoại trưởng Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ họp ở Béclin ngày 25-1-1954 đã nhất trí triệu tập hội nghị quốc tế, họp tại Giơnevơ từ ngày 26-4- 1953 để bàn giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng là một chiến công rực rỡ tên vàng thời đại Hồ Chí Minh.

Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, đến ngày 21-7-1954 các hiệp định đình chiến chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia lần lượt ký kết. Bản Tuyên bố cuối cùng về lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được đại biểu các nước dự hội nghị thừa nhận về nguyên tắc độc lập, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Việc hiệp thương giữa hai miền bắt đầu từ ngày 20-07-1955 và việc tổng tuyển cử tiến hành vào tháng 5 năm 1956. Tuyên bố cũng ghi rõ Pháp cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia...

Ngoại giao của chúng ta đã thắng to. Nền độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đã được các nước tham dự hội nghị Giơnevơ và Pháp cam kết tôn trọng.

Quân đội của Pháp đã lần lượt rút khỏi miền Bắc Việt Nam. Hà Nội đã sạch bóng quân đội Pháp từ ngày 10-10-1954.

Cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945 - 1954) đã thắng lợi với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng là một chiến công rực rỡ tên vàng thời đại Hồ Chí Minh.

Thực tiễn cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam đã khẳng định một chân lý: “Tự do, độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc. Hề một dân tộc đã đứng lên kiên quyết tranh đấu cho Tổ quốc họ thì không ai, không lực lượng gì chiến thắng được họ.

TRÌNH BÀY: HOÀI ANH
ẢNH: TTXVN, Bảo tàng Hồ Chí Minh