Hai bàn tay trắng, Giàng A Dạy – chàng sinh viên dân tộc Mông ở bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La năn nỉ bố mẹ vay 27 triệu đồng từ ngân hàng để tìm cơ hội mở mang kiến thức tại Israel, học cách làm “nông nghiệp xanh”. Trước khi rời đi, nhìn lại mảnh đất quê hương khô cằn, thường xuyên gồng mình chống chọi với lũ quét và hạn hán, Dạy hứa với mình, phải mang được những kiến thức về nông nghiệp để phủ xanh quê hương đang bạc màu, trơ trọi sỏi đá.

Về quê, thất bại không ít lần vì chưa tìm ra mô hình đúng đắn, có lúc bị bão lũ quét sạch thành quả, nhưng Dạy không nản chí, bởi với em, “phải biết đứng lên để thay đổi số phận”.

"Tại sao nước bạn làm nông nghiệp xanh hay thế mà mình không làm được?"

“Những ngày đông ở Israel rất lạnh, chỉ chừng 3°C, mỗi sáng khi ra nông trại, ngồi bới cỏ dại, tôi nhận ra rằng, ở đâu sinh vật cũng sống được. Tôi vô cùng thích thú với những sinh vật bé nhỏ vẫn sinh sôi giữa sa mạc lạnh lẽo. Từ sáng sớm đến 1 giờ chiều, tôi cứ miệt mài trồng cây trong cái lạnh tê người mà không thấy đói, mệt. Tôi nhận thấy mình có niềm đam mê bất tận với nông nghiệp...”, Giàng A Dạy mở đầu câu chuyện về cuộc đời nông nghiệp của mình.

Năm 2015, Dạy học ở Trường Đại học Tây Bắc. Nhà trường thông báo có 5 suất nghiên cứu sinh đi Israel để học tập mô hình canh tác nông nghiệp trên đất hạn. Lúc ấy, số tiền 27 triệu để đi học ở Israel với Dạy là một thách thức. "Nhà nghèo, nhìn số tiền 27 triệu cũng choáng váng, nhưng tôi nghĩ đây là cơ hội cho mình. Tôi đánh liều năn nỉ bố mẹ vay tiền ngân hàng để đi học với quyết tâm: Học để thay đổi”, Dạy tâm sự.

Cơ hội học tập tại Israel đã mang lại cuộc đời mới cho chàng trai dân tộc H'Mông.

Cơ hội học tập tại Israel đã mang lại cuộc đời mới cho chàng trai dân tộc H'Mông.

Một lý do để chàng trai người H'Mông này quyết tâm xin đi học, là khi anh nhìn thấy Israel từ một từ một vùng đất khô cằn sỏi đá mà giờ họ trở thành một đất nước có nền nông nghiệp xanh cực kỳ phát triển. “Tôi bị mê hoặc bởi nền nông nghiệp thần kỳ của họ. Tôi lên đường với tâm thế tràn đầy hy vọng”, Dạy tâm sự.

Ở Israel, Dạy và các bạn được vào làm việc tại các trang trại nông nghiệp công nghệ cao, chủ yếu là nhà lưới, nhà kính 8 tiếng/ngày. Dạy được các chủ trang trại hướng dẫn, dạy cách điều khiển các loại máy tưới tự động và được trả tiền công lao động, với hơn một triệu đồng tiền Việt mỗi ngày. Một tuần, Dạy có 5 ngày được thực hành trong các trang trại và có một ngày để lên giảng đường học lý thuyết.

Giàng Day Dạy hạnh phúc với công việc tại Hợp tác xã Amo.

Giàng Day Dạy hạnh phúc với công việc tại Hợp tác xã Amo.

“Trong quá trình học tôi hay để ý: tại sao khi cuốn một cái cây cà chua, người ta lại dùng dây màu đen mà lại không dùng dây màu trắng, hóa ra nó đều có lý do đấy. Do độ phản quang của dây đen trắng khác nhau và nó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề cây cà chua bò hay leo”, Dạy thích thú kể lại.

Không bỏ phí thời gian nào để thực hành, Dạy còn mạnh dạn xin chủ trang trại một mảnh vườn rộng 100 m2 để tự tìm hiểu, thử nghiệm. Dạy thấy họ có tư duy làm rất lớn, làm nông nghiệp là phải đưa đi xuất khẩu. Nông dân của họ không chỉ đơn thuần là những người sản xuất mà họ lại rất giỏi về thương mại. Mặc dù họ ở những nông trang rất là xa so với trung tâm sầm uất của thành phố lớn nhưng mà họ luôn luôn có kết nối hàng ngày thông qua mạng xã hội. Tư duy sản xuất nông nghiệp ở đây khiến cậu như được mở mang bầu trời kiến thức.

Ở Israel họ có một câu là: bất kỳ một ý tưởng nào lóe ra thì hãy làm luôn, nếu chờ đợi thì nó sẽ giảm dần, một ngày nào đó đã khác rồi và nó đã không còn phù hợp", Dạy tâm sự.

Với tâm thế ấy, năm 2016 Dạy về nhà và đầy hào hứng đầu tư một vườn ươm giống rau và trồng rau hữu cơ trên diện tích hơn 4.000 m2. Sau đó thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Amo.

Ở Israel họ có một câu là: bất kỳ một ý tưởng nào lóe ra thì hãy làm luôn, nếu chờ đợi thì nó sẽ giảm dần, một ngày nào đó đã khác rồi và nó đã không còn phù hợp.
Giàng A Dạy

Dạy đã mạnh dạn bỏ gần 100 triệu đồng tiền tích cóp được trong thời gian đi tu nghiệp sinh để thực hiện ước mơ với mong muốn sẽ thay đổi diện mạo nông nghiệp ở bản nhỏ. Với những kiến thức học được, Dạy tận dụng nguyên liệu có sẵn như tre, nứa làm nhà lưới và xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt cũng như tưới phun mưa trong khu vườn ươm. Thay vì tra hạt xuống đất, các cây giống được ươm trên giá thể hữu cơ.

Dạy vừa trao truyền kiến thức, vừa cùng bà con xây dựng hệ thống tưới tiêu rất độc đáo bằng cách đào đường ống, kéo nước từ trên đỉnh núi về, trữ nước trong bể chứa bằng tre, bạt và áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt.

Item 1 of 3

Mang nông nghiệp xanh về bản

Giàng A Dạy bên khu vườn rau ươm.

Giàng A Dạy bên khu vườn rau ươm.

Mô hình nuôi gia súc của Hợp tác xã Amo mang lại những sản phẩm tươi, sạch cho bà con.

Mô hình nuôi gia súc của Hợp tác xã Amo mang lại những sản phẩm tươi, sạch cho bà con.

Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Amo là mô hình tổng hợp vừa trồng trọt vừa chăn nuôi, do Giàng A Dạy và 6 thanh niên trong bản liên kết thành lập. Việc thành lập hợp tác xã đã giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất của đồng bào người dân tộc.

Ban đầu, Amo chọn hướng trồng rau sạch, sử dụng phân hữu cơ, không dùng thuốc trừ cỏ, trừ sâu. Nhưng trồng rau sạch thì sâu phá hoạt rất nhiều. Giàng A Dạy lại lên mạng tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của những người làm nông nghiệp ở các địa phương khác thì tìm ra được phương án sử dụng các loại củ, quả rất dễ kiếm như tỏi và ớt để chế tạo thuốc phun đuổi sâu.

Tuy nhiên, khó khăn vẫn chồng lên khó khăn, sản phẩm rau sạch khi đem ra thị trường lại bị đánh đồng với các loại rau canh tác theo phương pháp sử dụng hóa chất nên không đạt hiệu quả cao. Nhóm bạn lại chuyển sang một hướng khác.

Nhóm chuyển sang trồng cây ăn quả, ngô và chăn nuôi gia súc và gia cầm. Rừng thông là vùng đất khô cằn, thiếu nước nên rất khó trồng rau. Tuy nhiên, nơi đây lại thích hợp trồng cỏ voi, nuôi bò. Vì vậy, Dạy đã đăng ký ý tưởng "Phát triển chuỗi trang trại bò thịt tại các thung lũng ở bản Rừng Thông".

Trong khi Giàng A Dạy và nhóm bạn trong Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Amo đang loay hoay không biết tìm nguồn phân bón hữu cơ ở đâu để bón cho cây trồng và làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi và làm thức ăn cho bò, lợn thì anh lóe lên ý tưởng, tái chế vỏ sắn của nhà máy sắn gần đó.

“Trung bình một ngày, nhà máy thải ra 4-5 tấn. Tôi chợt nảy ra suy nghĩ, nếu vỏ này lên men sẽ làm thức ăn cho lợn tốt. Tôi đã thử và đã thành công”, Dạy kể. Ý tưởng đó thật sự thức thời, không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu của Hợp tác xã mà còn bán cho người dân chung quanh.

Đàn lợn đen của Hợp tác xã Amo.

Đàn lợn đen của Hợp tác xã Amo.

Nhờ hướng đi này, các sản phẩm cũng được chứng nhận Vietgap. Hợp tác xã đang tiếp cận theo hướng hữu cơ, không sử dụng hóa chất trong canh tác và mình có thể sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc tự làm.

Vào dịp Tết của người H'Mông ở nước ngoài tổ chức vào khoảng tháng 11 tháng 12 thì chúng tôi cũng có đơn đặt hàng khoảng 1-2 tạ gửi đi Pháp và Mỹ. Mặc dù bán được rất ít thôi, nhưng mà nó lại giá khá tốt và nó cũng giúp chúng tôi có được nguồn khách triển vọng.
Giàng A Dạy

Con đường canh tác nông nghiệp xanh một lần nữa lại đặt ra thách thức với các chàng trai dân tộc H'Mông khi thiếu nguồn nước ở vùng quanh năm bị hạn hán trầm trọng. Vì thế, trong tính toán cây trồng, vật nuôi, Dạy cùng các bạn lại xoay hướng đi hiệu quả, lựa chọn trồng xoày vì không cần phải tưới nhiều. Để chăn nuôi lợn không cần sử dụng nhiều nước, mà không gây ra xả thải và ô nhiễm môi trường, từ nguồn vỏ sắn, Dạy mang phơi khô, làm đệm lót sinh học cho cái đàn gia súc, tạo thành nguồn phân chuồng, ủ thành phân bón ngược trở lại cho cây.

Dạy tâm sự, việc tận dụng nguồn vỏ sắn để làm phân bón và đệm sinh học được một tổ chức phi chính phủ và Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Nhà nước đang có hoạt động tại Mai Sơn giúp đỡ về kỹ năng cũng như kỹ thuật. Ngoài ra, nhóm Dạy cũng được chia sẻ kiến thức để ủ phân từ thức ăn dư thừa hoặc các cây ngô, cây đậu bỏ đi.

Sản phẩm thịt sạch từ Hợp tác xã Amo.

Sản phẩm thịt sạch từ Hợp tác xã Amo.

Nhờ đó, các sản phẩm của nhóm đều được sản xuất theo hướng bền vững và hữu cơ, có thể bán ra thị trường với giá cao hơn 20-30%.

Dạy tự hào nói, hiện nay các sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Amo được bán tại Hà Nội, xuất khẩu sang Mỹ. “Vào dịp Tết của người H'Mông ở nước ngoài tổ chức vào khoảng tháng 11 tháng 12 thì chúng tôi cũng có đơn đặt hàng khoảng 1 đến 2 tạ gửi đi Pháp và Mỹ. Mặc dù bán được rất ít thôi, nhưng mà nó lại giá khá tốt và nó cũng giúp chúng tôi có được nguồn khách triển vọng”, Dạy nhoẻn miệng cười khoe.

Từ thành công của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh A Mo, Giàng A Dạy và nhóm bạn bắt đầu thực hiện ý tưởng mở rộng mô hình này ra cộng đồng.

Dạy tâm sự, bản Rừng Thông có 79 hộ dân, gần 400 nhân khẩu, toàn bộ là dân tộc Mông. 10 năm nay bản Rừng Thông thiếu nước trầm trọng. Không có nước, không thể trồng lúa nên nhiều hộ chuyển sang trồng cây ngô, mía và cây ăn quả- những loại cây không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước tưới. Nhưng họ lại sử dụng quá nhiều thuốc trừ cỏ và một số loại thuốc kích thích tăng trưởng khác.

Mô hình nuôi gia súc tại Hợp tác xã Amo.

Mô hình nuôi gia súc tại Hợp tác xã Amo.

Vì thế, Giàng A Dạy đang hướng mọi người làm kinh tế ít phụ thuộc vào hóa chất canh tác, nhất là người dân tộc thiểu số đang có ít kiến thức về những tác hại của hóa chất nông nghiệp, như thuốc trừ cỏ trừ sâu thì hầu như chưa có hiểu biết về tác hại của nó luôn, cứ thấy hiệu quả là dùng nó, lạm dụng rất nhiều.

“Chúng tôi thấy mình có trách nhiệm giúp đỡ bà con nông dân ở đây có một sự hiểu hơn về chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp có sử dụng hóa chất đại trà như hiện tại sang một nền nông nghiệp an toàn hơn, hướng tới làm nông nghiệp sinh thái bền vững hơn”, Dạy nói.

Từ thực tế này, Giàng A Dạy và nhóm thanh niên trong bản đã kiên trì vận động bà con hạn chế sử dụng hóa chất, giảm thiểu tác hại đến môi trường. Các bạn nhờ cậy những người cao tuổi trong bản cùng đi vận động, giải thích, cảnh báo về hậu quả do người dân sử dụng quá nhiều hóa chất trong canh tác.

“Chúng tôi thấy mình có trách nhiệm giúp đỡ bà con nông dân ở đây có một sự hiểu hơn về chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp có sử dụng hóa chất đại trà như hiện tại sang một nền nông nghiệp an toàn hơn, hướng tới làm nông nghiệp sinh thái bền vững hơn”.

Tuy nhiên, quá trình vận động bà con chuyển sang làm nông nghiệp xanh của Giàng A Dạy vẫn còn muôn vàn khó khăn, do người dân ở bản chưa thực sự thống nhất, mới chỉ có một nửa số hộ dân làm theo, nhiều hộ khác còn mải chạy theo hiệu quả kinh tế trước mắt. Nhưng Giàng A Dạy vẫn kiên trì và thật may mắn bạn luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của ông Giàng A Sáng, bí thư, Trưởng Bản Rừng Thông.

Giàng A Dạy nhận Bằng khen Thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Giàng A Dạy nhận Bằng khen Thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Giàng A Sáng chia sẻ, ông rất ủng hộ mô hình của Dạy. “Dạy là một thanh niên ham học, nói được, làm được và cũng sẵn sàng đi đầu trong các hoạt động của bản. Nhưng mà ở đây chăn nuôi chưa có nhiều và kinh nghiệm nên bà con cũng chưa tập trung. Tôi nghĩ, khi mở rộng mô hình này người dân trong bản sẽ thống nhất làm cùng với Dạy”, ông Sáng chia sẻ.

Với một tư duy dám nghĩ, dám làm, Giàng A Dạy và nhiều bạn trẻ ở bản đã làm thay đổi bản Rừng Thông. Dạy tâm sự, em thấy những điều mình làm được còn rất nhỏ bé. Nhưng những điều nhỏ bé mà Dạy và bạn bè đang làm, đã mang đến một làn gió mới về tư duy và hành động thiết thực để mang lại lợi ích lớn cho những người con quê hương mình.

Xuất bản ngày 24/11/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Thực hiện: THIÊN LAM
Trình bày: ĐẶNG LUÂN
Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP, THIÊN LAM