Hà Nội không chỉ là trái tim của cả nước, mà còn là hạt nhân trung tâm, là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô; Vùng đồng bằng Sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Luật Thủ đô (sửa đổi năm 2024) một lần nữa đã khẳng định vị thế và vai trò có một không hai đó của Hà Nội.

Trình diễn áo dài trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Thành Đạt

Trình diễn áo dài trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Thành Đạt

Dẫn dắt và lan tỏa

Hà Nội có hơn 8,5 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, là một thị trường lớn trong vùng và cả nước; là đầu mối giao thương, liên kết cung, cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố trong vùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội của Hà Nội chiếm hơn 44% của Vùng đồng bằng Sông Hồng và 12,8% của cả nước.

Sau đại dịch covid -19, ba năm nay, kinh tế Hà Nội đã phục hồi tích cực và tăng trưởng trở lại. GRDP năm 2023 của Hà Nội tăng 6,27%, bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng 6,04%/năm, 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%. Tuy đạt thấp so với kế hoạch 5 năm (7,5 - 8,0%) nhưng cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước.

Tổng số vốn đầu tư phát triển xã hội của thành phố trong 3 năm 2021 - 2023 đạt gần 1,36 triệu tỷ đồng; bình quân năng suất lao động tăng 4,8%. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 151,1 triệu đồng, gấp 1,48 lần cả nước và gấp 1,22 lần so với năm 2020.

Hà Nội đóng góp tới 12,7% GDP và 23,4% thu ngân sách nhà nước của cả nước.

Tuy chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số cả nước, nhưng Hà Nội đóng góp tới 12,7% GDP và 23,4% thu ngân sách nhà nước của cả nước.

Những con số đó cho thấy vai trò dẫn dắt cùng sự lan tỏa động lực phát triển kinh tế - xã hội mà Hà Nội đang đảm nhiệm rất thành công.

Hà Nội còn là địa bàn có nhiều di sản văn hóa, lịch sử phong phú, đa dạng với 5.922 di tích; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó nhiều di tích, di sản được UNESCO công nhận; 1.350 làng nghề, 1.700 lễ hội dân gian.

Năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24,72 triệu lượt, tăng 30,93%, trong đó 4,72 triệu lượt khách quốc tế (2,82 triệu khách có lưu trú), tăng 180,95%.

6 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đạt 14,05 triệu lượt, tăng 13,7%, trong đó, khách quốc tế 3,14 triệu lượt, tăng 52,6%. Hà Nội điều phối khoảng 40% khách từ Thủ đô đi du lịch các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Du khách trong và ngoài nước tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Đăng Anh

Du khách trong và ngoài nước tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Đăng Anh

Thủ đô cũng là nơi hội tụ nguồn nhân lực chất lượng cao trên cả nước. Đây là nơi có hơn 80% các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu; 82% số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; khoảng 65% tổng số giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học của cả nước.

Với vị thế, vai trò và định hướng khai thác, tận dụng tối đa mọi nguồn lực sẵn có, Hà Nội luôn coi trọng phát triển kinh tế song song với văn hóa- xã hội. Thành phố  xác định, phát triển Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến, thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh và lan tỏa văn hóa của cả nước; khai thác hiệu quả các nguồn lực: con người; tài nguyên di sản văn hóa; thiết chế văn hóa; thể chế văn hóa; vị thế; và thời cơ.

Cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Văn hóa thực sự là nền tảng, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác của đất nước” tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo với tổng vốn đầu tư gần 50 nghìn tỷ đồng.

Hà Nội đã ban hành và thực hiện Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa với mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô; phát huy giá trị văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế-xã hội.

Biểu diễn nghệ thuật tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thành Đạt

Biểu diễn nghệ thuật tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thành Đạt

Thành phố đang từng bước thực hiện các cam kết tham gia Mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO. Năm 2021, thành phố đã tổ chức Cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội, Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo. Năm 2022, tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo với chủ đề “Công nghệ - Thiết kế”. Điểm nhấn là 3 cuộc thi về kiến trúc - công nghệ - sáng tạo; 7 show nghệ thuật đặc biệt, 12 không gian triển lãm - sắp đặt nghệ thuật sáng tạo, 9 trải nghiệm tương tác nghệ thuật - công nghệ VR, 10 diễn đàn, hội nghị, tọa đàm chuyên sâu và hơn 20 trải nghiệm trò chơi văn hóa sáng tạo, hơn 50 không gian sáng tạo sản phẩm văn hóa - sáng tạo truyền thống và quốc tế...

Hà Nội luôn giữ vững là lá cờ đầu toàn quốc về các tiêu chí: Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.

Hà Nội cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2021 - 2022 đã bố trí ngân sách hơn 35 tỷ đồng để hỗ trợ cho hoạt động này. Đến nay, đã có 16 quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo được thành lập.

Hà Nội có một lợi thế đặc biệt trong các hoạt động trao đổi hàng hóa và giao lưu văn hóa với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước, là đầu mối giao thông vận tải quan trọng về đường hàng không, đường sắt, đường bộ của vùng và cả nước. Ngoài ra, Hà Nội nằm trong hai hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố với Vân Nam, Nam Ninh (Trung Quốc); có sân bay quốc tế Nội Bài cách trung tâm 40 km, có cảng Hải Phòng và cảng Cái Lân là hai cảng container phục vụ xuất/nhập khẩu hàng hóa chỉ cách Hà Nội 120 km...

Hà Nội đang hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, cùng các địa phương Vùng Thủ đô khẩn trương xây dựng Đường vành Đai 4 - Vùng Thủ đô, phấn đấu hoàn thành trước năm 2027 và đầu tư xây dựng Đường vành đai 5 trước năm 2030.

Hà Nội có hơn 8,5 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, là một thị trường lớn trong vùng và cả nước; là đầu mối giao thương, liên kết cung, cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố trong vùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội của Hà Nội chiếm hơn 44% của Vùng đồng bằng Sông Hồng và 12,8% của cả nước.

6 nhiệm vụ trọng tâm

Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 28/6/2024, Quốc hội ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó tiếp tục khẳng định: “Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển, là cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc và của cả nước...”.

Thành phố Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”.

Trên cơ sở các định hướng quan trọng đó, Hà Nội sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát triển bền vững, đồng bộ các thị trường: tài chính, tiền tệ; chứng khoán; bất động sản; khoa học và công nghệ...

Ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp - công nghệ cao và các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa. Tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao.

 Phát huy vai trò dẫn dắt, tạo động lực của đầu tư công kết hợp với khuyến khích, phát huy các nguồn vốn từ khu vực tư nhân, khu vực đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế…; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tài nguyên gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Bốc xếp hàng hóa tại cảng ICD Mỹ Đình. Ảnh: Đăng Anh

Bốc xếp hàng hóa tại cảng ICD Mỹ Đình. Ảnh: Đăng Anh

Hai là, thành phố phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện. Phát triển mạnh thị trường khoa học - công nghệ; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống bác sĩ gia đình, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tối đa các dịch vụ xã hội thiết yếu.

Ba là, nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý nghiêm quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô. Tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.

Tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả. Trong đó chú trọng phân bổ, ưu tiên hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, kết hợp với đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng, nhất là dưới hình thức đối tác công tư (PPP), gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Thủ đô.

Thi công cầu vượt đường sắt tại gói thầu số 8 tuyến đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện Mê Linh. :Ảnh Huy Hùng

Thi công cầu vượt đường sắt tại gói thầu số 8 tuyến đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện Mê Linh. :Ảnh Huy Hùng

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị; cầu qua sông Hồng, sông Đuống. Hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế. Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm. Kiến tạo cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng lại các chung cư cũ; di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành; ưu tiên sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội.

Bốn là, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội Thủ đô trong mọi tình huống. Bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn, tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

Năm là, đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; chủ động và tích cực nắm bắt cơ hội, nhất là các hiệp định thương mại thế hệ mới; củng cố các mối quan hệ truyền thống, mở rộng hợp tác với các thủ đô, thành phố trên thế giới. Tăng cường đối ngoại nhân dân, tuyên truyền, thông tin về Thủ đô với bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài.

Sáu là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới. Thực hiện tổng kết, bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô; rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô.

NGÀY XUẤT BẢN:8/10/2024
TỔ CHỨC THỰC HIỆN: KIỀU HƯƠNG, TRƯỜNG SƠN
NỘI DUNG: LÊ TRUNG HIẾU
ẢNH: THÀNH ĐẠT, DUY LINH
TRÌNH BÀY: HOÀI ANH