ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM: TỪ HUYẾT MẠCH CHIẾN LƯỢC ĐẾN THÁCH THỨC ĐỔI MỚI
Khởi nguyên của ngành đường sắt Việt Nam là tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, dài 70 km, được người Pháp xây dựng năm 1885. Gần một thế kỷ rưỡi phát triển, ở mỗi giai đoạn lịch sử, đường sắt đóng vai trò, mắt xích quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đó là huyết mạch chiến lược của hậu phương, góp phần to lớn vào vận chuyển quân, lương thực, vũ khí ra tiền tuyến trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc; là biểu tượng tái thiết và kết nối quốc gia sau ngày thống nhất; hay đóng vai trò trụ cột vận tải, kết nối vùng miền, hỗ trợ phục hồi kinh tế, thích ứng cơ chế thị trường trong đổi mới và hội nhập.

Đã có lúc, mạng lưới đường sắt quốc gia với tổng chiều dài 3.143 km, đi qua 34 tỉnh, thành phố trên cả nước, chiếm đến 30% tổng thị phần của ngành giao thông, đóng góp quan trọng cho giai đoạn hiện đại hoá đất nước.

Nhưng đến nay, đường sắt Việt Nam, vận tốc 50 - 60km/h với tàu hàng và 80 - 100 km/h với tàu khách, ở nền tảng công nghệ thứ hai: công nghệ diesel, chưa có được sự kết nối đồng bộ với các loại hình vận tải khác nhau, chưa có kết nối liên vùng; đang đứng trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của đường bộ, đường không và đường thuỷ, và tụt hậu xa so đường sắt các ở nước tiên tiến trên thế giới, đang sử dụng công nghệ thứ 3 - công nghệ điện khí hóa và công nghệ thứ tư - điện từ, và đạt vận tốc trung bình với vận chuyển hành khách khoảng 150 - 200km/h, đường sắt cao tốc trên 300km/h.

BƯỚC NGOẶT CHIẾN LƯỢC CHO HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM
Đường sắt Việt Nam đang đứng trước thời khắc lịch sử. Từ những quyết sách chiến lược, các dự án trọng điểm như tuyến cao tốc Bắc - Nam, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Metro đô thị sẽ đưa đường sắt trở lại vị thế chủ đạo. Đây không chỉ là sự đầu tư hạ tầng, mà còn là bước ngoặt để làm chủ công nghệ, phát triển ngành công nghiệp đường sắt hiện đại, tạo động lực tăng trưởng bền vững cho đất nước.
Đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế bắc-nam, các hành lang vận tải chính đông-tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn. Định hướng, chỉ đạo từ Kết luận số 49-KL/TW chính là “phát pháo lệnh” buộc đường sắt, một phương thức vận tải có ưu việt nhưng chậm đổi mới, lạc hậu, phải gấp riết “chấn hưng” giành lại vị thế, vai trò quan trọng trong kết nối không gian phát triển, bảo đảm an sinh xã hội và phục vụ chiến lược quốc gia.
- Trong năm 2025, khởi công gói thầu hạ tầng ga Lào Cai tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến đường có tổng vốn đầu tư hơn 203 nghìn tỷ đồng (khoảng 8,37 tỷ USD), dài 391km
- Tháng 12/2026, khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tổng mức đầu tư khoảng 1,71 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD), với chiều dài gần 1.550 km, vận tốc thiết kế lên tới 350km/h.
- Tăng cường phát triển giao thông đô thị hiện đại: hệ thống metro, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Trong 3 trụ cột của ngành đường sắt: Hạ tầng, vận tải và công nghiệp, thì xây dựng ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt là yêu cầu cấp bách nhất. Cần thiết, theo người đứng đầu Chính phủ, “hình thành, thành lập các tập đoàn lớn, kể cả tập đoàn tư nhân, liên quan tới ngành công nghiệp đường sắt”.

HOÀ PHÁT: CƠ HỘI MỞ RỘNG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP NẶNG
Đứng trước cơ hội phát triển chưa từng có của ngành công nghiệp đường sắt, Hoà Phát, nhà sản xuất thép số một Việt Nam, Top 50 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới, xuất khẩu thép tới 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, khẳng định khả năng thích ứng nhanh và tích cực chuẩn bị hạ tầng, công nghệ sản xuất ray thép phục vụ đường sắt cao tốc.
Hoà Phát đặt mục tiêu đến năm 2029, sản xuất được thép ray tàu và ray tàu cao tốc. Trong đó, thép đường ray là vật liệu kỹ thuật cao, ổn định và đạt chuẩn quốc tế có độ cứng và độ bền cao (chịu được trọng tài lớn và mài mòn do tốc độ cao); độ chính xác về kích thước (bảo đảm sự ổn định và an toàn cho tàu chạy ở tốc độ cao); khả năng chống ăn mòn (tăng tuổi thọ và giảm chi phí bảo trì).



Không chần chừ trước những thách thức, Hòa Phát đã xác định rõ mục tiêu và đầu tư vào dự án sản xuất đường ray nội địa. Dự án được đặt tại khu liên hợp sản xuất Dung Quất ở Quảng Ngãi với diện tích lên tới 42 ha - một vị trí chiến lược vì có sẵn hạ tầng công nghiệp, kết nối thuận lợi với cảng biển và hệ thống giao thông nội địa.
Quyết định sản xuất đường ray nội địa của Hòa Phát đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho ngành đường sắt Việt Nam. Việc này không chỉ giúp giảm gánh nặng nhập khẩu, mà còn tạo ra một chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ sản xuất thép đến lắp đặt hệ thống đường sắt. Nội địa hóa sản xuất cũng đồng nghĩa với việc tạo ra hàng ngàn việc làm mới, nâng cao trình độ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho thế hệ lao động trẻ, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Với những ray thép đầu tiên sẽ được sản xuất từ Dung Quất - từ bàn tay người Việt, bằng công nghệ do người Việt làm chủ - giấc mơ đường sắt tốc độ cao không còn là câu chuyện nhập khẩu và phụ thuộc. Nó đang bắt đầu từ một cuộc cách mạng công nghiệp âm thầm, mà Hoà Phát chính là người đặt viên đá đầu tiên. Và biết đâu, trong một tương lai gần, khi đoàn tàu cao tốc đầu tiên lao vút trên trục Bắc - Nam, mỗi tiếng rít của bánh xe không chỉ là tốc độ, mà là thanh âm của một quốc gia đang lên ray công nghiệp hóa thực thụ.
