
Hoạt động cách mạng không ngưng nghỉ vì mục tiêu trong sáng và cao cả là đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, đồng chí Hà Huy Tập đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng Đảng.
Sau Hội nghị Trung ương tháng 4/1931, nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương và Xứ ủy Nam Kỳ bị bắt, hy sinh. Đây là thời kỳ Đảng và cách mạng Việt Nam bị tổn thất nặng nề. Phong trào cách mạng Việt Nam tạm lắng. Tháng 4/1933, Quốc tế Cộng sản (lần thứ hai) cử đồng chí Hà Huy Tập bắt liên lạc với đồng chí Lê Hồng Phong đang hoạt động tại Trung Quốc. Nhưng phải tới đầu tháng 8/1933, hai đồng chí Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Dựt mới gặp được Lê Hồng Phong ở Quảng Châu, cùng quyết định triệu tập Hội nghị Đảng vào tháng 3 năm sau để thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, gồm 3 đồng chí: Lê Hồng Phong - Thư ký, Hà Huy Tập - Ủy viên phụ trách tuyên truyền cổ động, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Bôn-sơ-vích, Nguyễn Văn Dựt - Ủy viên phụ trách kiểm tra. Hội nghị cũng quyết định triệu tập một Hội nghị Ban Chỉ huy ở ngoài mở rộng trong tháng 6/1934 để chuẩn bị Đại hội Đảng, dự kiến họp vào mùa xuân năm 1935. Trên cương vị Tổng biên tập Tạp chí Bôn-sơ-vích, Hà Huy Tập viết một loạt bài hướng dẫn thực hiện Chương trình hành động của Đảng, tổ chức những lớp bồi dưỡng về nội dung và đề ra kế hoạch thực hiện trong tình hình mới.
Đầu tháng 2/1935, đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương lên đường sang Moskva dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Văn Dựt đã về Nam Kỳ. Lúc này chỉ còn một mình đồng chí Hà Huy Tập, vừa phụ trách Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài chỉ đạo các hoạt động của Đảng, vừa dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng, và duy trì mối liên hệ với các tổ chức đảng trong nước và với Quốc tế Cộng sản.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 3/1935. (Ảnh chụp văn bản, nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 3/1935. (Ảnh chụp văn bản, nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Sau rất nhiều nỗ lực, Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp ở Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935. Đại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị của Đảng; Nghị quyết về công tác vận động các tầng lớp nhân dân; Điều lệ Đảng và Điều lệ các tổ chức quần chúng cùng gần 30 văn kiện quan trọng khác.
Với vai trò là một trong những người chủ chốt, đồng chí Hà Huy Tập đã góp phần quan trọng vào sự thành công của Đại hội lần thứ nhất của Đảng. Thành công của Đại hội lần thứ nhất của Đảng là mốc quan trọng trong sự hồi sinh của Đảng, của cách mạng Việt Nam. Từ đây, Đảng đã được khôi phục về tổ chức, hệ thống cơ quan lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến cơ sở, đã quy tụ, thống nhất được phong trào cách mạng trong cả nước; giữ vững và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Sau Đại hội Đảng, các đại biểu lần lượt về nước, tập trung mọi nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Đại hội, củng cố tổ chức Đảng và đẩy mạnh phong trào đấu tranh. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ cách mạng Việt Nam một lần nữa đứng trước những thử thách mới trước sự tiến công quyết liệt của kẻ thù. Gần hai phần ba số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương được bầu tại Đại hội và nhiều đồng chí khác đã bị bắt, bị tù đày, tổ chức đảng ở nhiều địa phương bị đánh phá ác liệt. Các tổ chức đảng ở các xứ hầu như tê liệt.
Từ cuối năm 1934, đặc biệt là sau khi đồng chí Lê Hồng Phong dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản cho đến giữa năm 1936, Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng lúc đó đứng đầu là đồng chí Hà Huy Tập kiêm nhiệm chức năng của Ban Chấp ủy Trung ương trong nước. Đồng chí Hà Huy Tập đã cố gắng chèo chống vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, phức tạp để lập lại Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các tổ chức Đảng.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 7/1936 đã quyết định đồng chí Lê Hồng Phong “làm cán bộ dự trữ ở lại nước ngoài” đồng thời để giữ liên lạc với Quốc tế Cộng sản; đồng chí Hà Huy Tập về nước để tổ chức Ban Trung ương và khôi phục liên lạc với các tổ chức của Đảng. Ngày 12/10/1936, tại làng Tân Thới Nhì (Bà Điểm, Hóc Môn, Sài Gòn), đồng chí Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị cán bộ để tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương. Tại Hội nghị này, đồng chí Hà Huy Tập chính thức được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Với năng lực tổ chức và uy tín của mình, đồng chí đã nhanh chóng thiết lập bộ máy trung ương của Đảng.
Đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo các cấp bộ đảng trong cả nước đẩy mạnh kiện toàn tổ chức đảng trên tất cả các mặt. Đến đầu năm 1938, tổ chức đảng đã được phục hồi khá nhanh trong cả nước, nhiều tỉnh ủy ra đời thúc đẩy sự phát triển tổ chức đảng các cấp, góp phần củng cố sức mạnh của Đảng. Đồng chí Hà Huy Tập đã chỉ đạo tổ chức và thống nhất các đoàn thể quần chúng như: Tổng Công hội Đỏ, Nông hội, Thanh niên Cộng sản Đoàn Đông Dương, Hội Cứu tế đỏ Đông Dương, Hội Phụ nữ... Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp ủy Trung ương do đồng chí Hà Huy Tập đứng đầu, đã khôi phục được các cơ quan lãnh đạo của cả ba xứ ủy Bắc, Trung và Nam Kỳ và nhiều tỉnh ủy ở các địa bàn trọng điểm trong cả nước, tạo cơ sở về tổ chức và lực lượng để Đảng ta vững bước tiến lên trong các giai đoạn sau.
Mười lăm năm hoạt động cách mạng không ngưng nghỉ vì mục tiêu trong sáng và cao cả là đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, đồng chí Hà Huy Tập đã dâng hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc. Những hoạt động và di sản cách mạng quý báu đồng chí Hà Huy Tập để lại tỏa sáng một niềm tin cách mạng của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, tài năng và sáng tạo.
NGÔ VƯƠNG ANH