
Sau thất bại liên tiếp trên chiến trường Tây Bắc và ở Mặt trận đồng bằng Bắc Bộ, tại Hà Nam, đầu năm 1953, thực dân Pháp dồn lực lượng ở các nơi về tăng cường cho tuyến sông Đáy, đường 1, đường 60. Chúng thành lập các tiểu đoàn đi càn quét, bắt lính, phá cơ sở cách mạng, phá kinh tế, khủng bố, dụ dỗ nhân dân lập tề, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trước tình hình đó, Liên chi bộ Tỉnh đội Hà Nam đã lãnh đạo lực lượng vũ trang phối hợp với các đơn vị chủ lực cùng nhân dân tiến công, phá vỡ kế hoạch chiếm đóng của địch, giải phóng quê hương (1/1953 - 7/1954).
Thực hiện sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 3/1953, Thường vụ Liên khu ủy 3 thông qua phương án tác chiến Xuân Hè năm 1953, chọn phía nam tỉnh Hà Đông và phía bắc tỉnh Hà Nam là địa bàn tác chiến chủ yếu với phương châm chỉ đạo là: “đánh chắc”, tích cực “vận động chiến linh hoạt".
Phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân

Năm 1953, lối đánh địch trên đường giao thông đã trở thành một lối đánh sở trường của bộ đội địa phương và dân quân du kích toàn tỉnh. Trước yêu cầu phát triển lối đánh phục kích bằng địa lôi trên đường giao thông, tháng 2/1953, Liên chi ủy Tỉnh đội chỉ đạo thành lập Đội đánh mìn Quang Trung, do đồng chí Trần Văn Chuông phụ trách, có nhiệm vụ: Tập hợp số cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, kể cả dân quân du kích, những người có kinh nghiệm sử dụng bom mìn, nghiên cứu chế tạo và cách đánh để trực tiếp đánh địch trên đường số 1, từ Đồng Văn đi thị xã Phủ Lý; trên đường 21 từ Phủ Lý đi Bằng Khê và đường số 10 qua huyện Vụ Bản; đồng thời phổ biến kinh nghiệm cách đánh cho các đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh.
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Liên chi bộ và chỉ huy kiên quyết, khôn khéo của Ban Chỉ huy Tỉnh đội, chỉ trong 3 tháng đầu sau khi thành lập, Đội đã đánh 72 trận, phá hủy 55 xe, diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, dìu dắt nhiều đội du kích các xã ven đường giao thông lớn dùng mìn, địa lôi đánh địch lập được nhiều chiến công. Với chiến công vang dội của Đội đánh mìn Quang Trung, Liên chi ủy-Ban Chỉ huy Tỉnh đội phát động ngay phong trào thi đua đánh địch trên đường giao thông. Sau 4 tháng phát động, lực lượng vũ trang địa phương tỉnh đã đánh trên một trăm trận địa lôi, diệt 90 xe các loại. Những chiến thắng trong đợt hoạt động Xuân Hè 1953 của lực lượng vũ trang tỉnh tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, nhạy bén; chỉ huy kiên quyết, linh hoạt của Liên chi ủy- Ban Chỉ huy Tỉnh đội trước những âm mưu, thủ đoạn mới của địch và tinh thần quyết đánh, quyết thắng của lực lượng vũ trang tỉnh.

Du kích huyện Duy Tiên dùng địa lôi giật đổ xe địch trên QL1A ngày 3/7/1954. (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Hà Nam)
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954). (Ảnh: TTXVN)

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. (Ảnh: TTXVN)
Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. (Ảnh: TTXVN)
Kết thúc đợt hoạt động Xuân Hè 1953, lực lượng vũ trang tỉnh Hà Nam có bước phát triển mạnh mẽ. Với chủ trương “vừa chiến đấu vừa xây dựng, xây dựng trong chiến đấu", Liên chi ủy thường xuyên chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương các cấp, chỉ huy các đơn vị, tích cực, chủ động phát triển, củng cố nâng cao sức mạnh chiến đấu cho các lực lượng vũ trang địa phương. Đối với lực lượng dân quân du kích, Liên chi ủy chỉ đạo thông qua thử thách trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu để chọn lựa những quần chúng có quyết tâm chiến đấu, không phân biệt già, trẻ, nam, nữ, tôn giáo để kết nạp vào lực lượng dân quân du kích. Số lượng dân quân du kích toàn tỉnh, đầu năm 1954 lên tới 17.372 người, tăng 12.298 người so với cuối năm 1952, trong đó nữ chiếm 22,5%, phụ lão chiếm 6,3%, thiếu niên chiếm 5%.
Đến cuối năm 1953, trên địa bàn Hà Nam, ta hoàn toàn giành thế chủ động. Chiến tranh du kích đã phát triển thành cao trào, liên tục tiến công, liên tục vây hãm, tập trung mọi lực lượng, mọi khả năng chống phá kế hoạch bình định của địch. Với tinh thần “vừa chiến đấu, vừa xây dựng”, lực lượng vũ trang tỉnh bức rút nhiều đồn bốt, diệt nhiều sinh lực địch, củng cố được lực lượng, góp phần cùng Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh xây dựng hậu phương kháng chiến ngày càng vững mạnh, tạo đà tiến công tiêu diệt địch trong Đông Xuân 1953-1954.
Quán triệt tinh thần Chỉ thị của Trung ương Đảng: “Tất cả các chiến trường, các địa phương đều phải đánh mạnh địch”, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Liên chi bộ Tỉnh đội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động đánh địch. Sau khi phá vỡ phòng tuyến sông Đáy, Liên chi bộ Tỉnh đội tiếp tục chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh chuyển sang đánh mạnh địch trên đường giao thông, làm tê liệt đường vận chuyển của chúng, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện của địch. Phát huy kết quả luân phiên nhau đi bao vây các vị trí chiếm đóng của địch, Liên chi ủy phát động phong trào "luân phiên thường trực" đánh địch trên đường giao thông. Hầu hết các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, bộ đội địa phương các huyện, dân quân du kích các xã đều xây dựng chỉ tiêu phấn đấu diệt nhiều xe địch, coi đánh địch trên đường giao thông là mục tiêu chính, là chiến trường chính.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 1954, lực lượng vũ trang tỉnh Hà Nam đã đánh 759 trận trên đường giao thông, diệt 173 xe các loại của địch.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 1954, lực lượng vũ trang tỉnh Hà Nam đã đánh 759 trận trên đường giao thông, diệt 173 xe các loại của địch. Điển hình là trận đánh ngày 22/2/1954, đồng chí Trần Văn Chuông chỉ huy đơn vị đánh tàu chiến địch trên sông Hồng đã lập được chiến công xuất sắc, bắn cháy 1 tàu chiến và 4 ca-nô của địch. Cùng với chỉ đạo đánh mạnh quân địch trên đường giao thông, Liên chi bộ tập trung lãnh đạo cơ quan quân sự địa phương các cấp đẩy mạnh chiến tranh du kích, phối hợp với bộ đội địa phương tỉnh, huyện đánh địch càn quét, chiếm đóng, mở rộng các khu du kích, căn cứ du kích vùng giải phóng, vừa làm nòng cốt vừa vận động nhân dân tích cực phá hoại giao thông của địch.
Tiêu biểu là lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Duy Tiên, chỉ trong một đêm đã huy động hơn 4.000 dân quân du kích cùng với nhân dân phá 4km đường quốc lộ IA. Triệt phá giao thông với phá hoại cầu, đường, ta đã phá được kế hoạch bảo vệ tuyến giao thông của địch, hạn chế sự vận chuyển, cơ động lực lượng, tiếp tế, chi viện của địch trên địa bàn và trong khu vực, cô lập các vị trí của địch còn lại trong khu du kích, dồn địch vào thế bị động, lúng túng, không có lối thoát. Đó là thắng lợi có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lực lượng vũ trang Hà Nam.



Cùng với chiến thắng lẫy lừng của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ, hệ thống chiếm đóng của địch ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ bị uy hiếp nghiêm trọng. Tại Hà Nam, quân địch càng hoang mang, dao động, chúng hầu như cố thủ trong các vị trí, không dám ra ngoài hoạt động sục sạo, như trước. Trong cuộc rút chạy khỏi địa bàn Hà Nam lần này có hơn 1.000 lính ngụy nghe theo lời kêu gọi của ta, bỏ hàng ngũ địch quay về với gia đình, nộp nhiều vũ khí, trang bị cho cách mạng. Đúng 21 giờ ngày 3/7/1954, trên đất Hà Nam không còn một tên Pháp xâm lược.
Đúng 21 giờ ngày 3/7/1954, trên đất Hà Nam không còn một tên Pháp xâm lược.
Tổng kết thực hiện kế hoạch hoạt động Đông Xuân 1953-1954 và kế hoạch đánh địch rút chạy, Liên chi ủy Tỉnh đội đánh giá: phối hợp với cuộc tiến công chiến lược của cả nước, lực lượng vũ trang Hà Nam cùng nhân dân trong tỉnh đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, liên tục tấn công, liên tục vây hãm, tiêu diệt địch, dồn địch vào thế hoàn toàn bị động, đối phó lúng túng. Lực lượng vũ trang tỉnh đã tập trung lực lượng, tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ sông Đáy, đánh mạnh địch trên tuyến giao thông quan trọng, buộc địch phải rút nhiều vị trí, quay về giữ tuyến giao thông chiến lược. Nhanh chóng chuyển sang đánh địch rút chạy, chủ động phối hợp giữa các lực lượng tấn công địch cả về quân sự, chính trị, kinh tế và bình vận, làm cho khối ngụy quân, ngụy quyền, chỗ dựa của thực dân Pháp bị tan rã nhanh chóng, góp phần đánh tan âm mưu chiếm đóng và bình định đồng bằng Bắc Bộ của thực dân Pháp, buộc chúng phải rút hết quân chiếm đóng khỏi địa bàn Hà Nam.
Chiến dịch Điện Biên phủ trong ký ức của người lính năm xưa


Ông Nguyễn Xuân Đông chia sẻ những ký ức hào hùng trong chiến dịch Điện Biên năm xưa (Ảnh: ĐÀO PHƯƠNG)
Lán Tỉn Keo, nơi Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ được tôn tạo, bảo tồn phát huy giá trị.
70 năm chiến dịch Điện Biên Phủ đã đi qua, dù tuổi đã cao, sức khỏe cũng đã yếu nhưng mỗi khi nhắc lại những trận chiến đấu ấy, ký ức về lại trở về trong tâm trí những người lính Điện Biên năm xưa. Trong những ngày tháng lịch sử này, chúng tôi đã tìm gặp những chiến sĩ Điện Biên năm xưa và ghi lại những ký ức của năm tháng gian khổ nhưng đầy hào hùng.
Đã ở tuổi 93, ông Nguyễn Xuân Đông ở thôn Nam Công, xã Tân Thanh, huyện Thanh Liêm vẫn còn nhớ tường tận quãng thời gian ông tham gia “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ năm nào. Nói về những ngày tháng 5 lịch sử năm ấy, ông Đông lại bồi hồi nhớ lại những trận chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên.
Ông còn nhớ vào khoảng cuối năm 1953, ông ở Đại đoàn 304, Trung Đoàn 57, Tiểu đoàn 2, nhận lệnh lên đường chi viện cho chiến trường Điện Biên. Lúc ấy, ông cũng chưa biết chiến trường Điện Biên sẽ như thế nào, nhưng trong ông vẫn hừng hực khí thế chiến đấu của người Bộ đội Cụ Hồ, hăng hái khoác tư trang, vũ khí cùng anh em trong đơn vị hành quân về tiếp viện cho chiến trường Điện Biên.
Ông Đông còn nhớ lúc ấy đơn vị ông phải hành quân trong bí mật mà mất cả tuần trời mới lên tới Điện Biên. Đơn vị ông đóng quân tại chiến trường Hồng Cúm và nhiệm vụ chính là vừa đào hào công sự, vừa trực tiếp vận chuyển vũ khí để chuẩn bị cho trận đánh lớn. Mặc dù lúc đó bộ đội ta phải chiến đấu trong muôn vàn khó khăn và thiếu thốn lại gặp thời tiết khắc nghiệt của vùng Tây Bắc, nhiều đồng đội của ông còn bị ốm, sốt rét phải quay lại tuyến sau, không thể tiếp tục chiến đấu, còn anh em ở lại thì động viên nhau phải cố gắng chiến đấu cả phần của các anh em ốm... Lúc ấy, ông cùng các đồng đội của ông luôn tin tưởng rằng nhất định quân ta sẽ chiến thắng.
Sau giây phút trầm tư, nhấp thêm ngụm chè nóng, giọng ông Đông trùng xuống, bùi ngùi khi nhắc đến những đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh nằm lại chiến trường sau mỗi trận chiến đấu. Khi vừa ngớt tiếng súng, ông cùng anh em đồng đội phải đưa thật nhanh các đồng đội bị thương và liệt sĩ ra ngoài mặt trận, rồi lại nhanh chóng quay lại ngay các vị trí để tiếp tục chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.
Cũng như ông Đông, những ngày này, ông Lê Đình Lịch, sinh năm 1935, hiện đang sống tại tổ dân phố số 6 phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý đang mong ngóng ngày được về dự hội nghị gặp mặt các chiến sĩ Điện Biên năm xưa, do Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Ông vui lắm vì lần này về gặp mặt là sẽ được gặp lại các đồng chí, đồng đội cùng kề vai sát cánh trong những ngày chiến đấu gian khổ ở chiến trường Điện Biên năm xưa. Ông bảo mới đó mà đã 70 năm, những ký ức từ mỗi trận đánh của đơn vị ông vẫn còn nguyên vẹn trong ông.

Các chiến sĩ quân y của ta luôn luôn bám sát trận địa, cứu chữa kịp thời những trường hợp bị thương. (Ảnh: TTXVN)
Các chiến sĩ quân y của ta luôn luôn bám sát trận địa, cứu chữa kịp thời những trường hợp bị thương. (Ảnh: TTXVN)
Ông Lịch còn nhớ những đêm gần đến chiến dịch, tối nào quân địch cũng bắn pháo sáng lên bầu trời, nhưng lúc ấy bộ đội ta vẫn vững tâm đào hầm, đào ụ pháo để sẵn sàng cho trận đánh lớn. Nhớ nhất là những hôm mưa dầm, gió bấc, anh em vừa đào chiến hào, vừa vận chuyển vũ khí sẵn sàng chờ được lệnh cấp trên ra trận, mà ai cũng hừng hực khí thế tấn công, không nghĩ gì đến khó khăn, gian khổ. Vậy mà sau mỗi trận đánh tại Him Lam, rồi đồi A1, của đơn vị ông tham gia, điều làm ông buồn nhất đến nay là nhiều anh em, đồng đội của ông đã ngã xuống nơi chiến trường khi mà chỉ còn vài giờ nữa là quân ta thắng trận.
70 năm đã trôi qua, hình ảnh về những năm tháng hào hùng cùng đồng đội “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những ngày chiến đấu ác liệt giành giật với địch từng tấc đất, từng đoạn chiến hào và cả sự hy sinh anh dũng của biết bao nhiêu đồng đội và cả những cái ôm thắm thiết của những người lính Điện Biên mừng đại thắng, vẫn vẹn nguyên trong ký ức những người lính năm xưa ấy. Trở lại đời thường, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn tiếp tục cống hiến, hăng hái lao động, sản xuất, xây dựng quê hương, đất nước và luôn phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên năm xưa, luôn là những tấm gương sáng, là niềm tự hào để các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo.
Đại tá Nguyễn Như Phiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Nam cho biết: Theo số liệu thống kê, trong chiến dịch Điện Biên, tỉnh Hà Nam đã có hàng nghìn bộ đội chính quy và thanh niên xung phong lên đường đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch. Nhiều thanh niên Hà Nam hăng hái tòng quân vào bộ đội chủ lực, trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường, nhiều người đã anh dũng hy sinh tại chiến trường. Hiện nay, toàn tỉnh còn hơn 300 bộ đội và thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên năm xưa còn sống trên địa bàn và đã ở độ tuổi từ 90 tuổi trở lên.
Nội dung: Đào Phương
Trình bày: Trần Lam
Ảnh: TTXVN, Đào Phương, Bảo tàng tỉnh Hà Nam