Tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến-văn minh-hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu" diễn ra ngày 7/10/2024 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đăng Hưng, Ban Chiến lược phát triển hạ tầng và đô thị Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có bài tham luận "Hà Nội - Trung tâm kinh tế khu vực phía bắc, động lực thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ". Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu bài tham luận.
Hà Nội, Thủ đô của Việt Nam, không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa và xã hội mà còn là động lực kinh tế quan trọng bậc nhất cho khu vực phía bắc, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước. Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng hiện đại và phát triển, cùng với sự hội tụ của các nguồn lực kinh tế, Hà Nội đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Nghị quyết 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu: “Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.
Bài viết này sẽ phân tích vai trò của Hà Nội như một trung tâm kinh tế khu vực phía bắc, động lực thúc đẩy phát triển vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và những thách thức, cơ hội cũng như giải pháp để phát huy tối đa vai trò của thủ đô trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
HÀ NỘI - TRUNG TÂM KINH TẾ KHU VỰC PHÍA BẮC
Vị trí địa lý chiến lược và lợi thế kết nối của Hà Nội
Hà Nội nằm ở trung tâm của khu vực phía bắc và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Vị trí địa lý này không chỉ mang lại lợi thế về kết nối giao thông, mà còn giúp Hà Nội trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế và liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong vùng.
Hà Nội có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không phát triển bậc nhất cả nước, với các tuyến quốc lộ, cao tốc nối liền Hà Nội với các tỉnh trong vùng và các khu vực kinh tế trọng điểm khác của cả nước. Sân bay quốc tế Nội Bài là một trong những cửa ngõ hàng không lớn nhất của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Hà Nội với các thành phố lớn trên thế giới.
Hà Nội có vị trí quan trọng trong các hành lang kinh tế của Quốc gia, kết nối các hoạt động trao đổi, lưu thông trên khắp cả nước. Hà Nội đóng vai trò là trung tâm phân phối hàng hóa và dịch vụ cho toàn bộ khu vực phía bắc và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tất cả các tuyến di chuyển giao thông đi lại, các luồng hàng hóa của các tỉnh phía bắc đều phải qua Hà Nội.
Trung tâm kinh tế của vùng và cả nước
Từ xa xưa, Hà Nội đã là một trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Các phố phường Hà Nội xưa là nơi buôn bán sầm uất, có nhiều thợ thủ công, có chợ ven đô, có các làng nghề chuyên canh và chế biến nông sản.
Năm 2023, GRDP của Hà Nội đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, đứng đầu vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, gấp 3,2 lần GRDP của tỉnh đứng thứ 2 trong vùng là thành phố Hải Phòng. Hà Nội cũng là địa phương đứng thứ 2, sau Thành phố Hồ Chí Minh về quy mô GRDP. So với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mặc dù Hà Nội chỉ bằng khoảng 21% và 1% tương ứng về diện tích, 48% và 8% về dân số nhưng thành phố đóng góp tương ứng 51% và 13% về GRDP, 70% và 23% về thu ngân sách nhà nước, 15% và 5% kim ngạch xuất khẩu, 31% và 11% kim ngạch nhập khẩu của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
GRDP của Hà Nội và các tỉnh vùng KKTT Bắc Bộ năm 2023
(tỷ đồng, giá hh)
Hà Nội là một trong hai cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học-công nghệ của cả nước. Hà Nội chính là cầu nối quan trọng để đất nước hội nhập với cộng đồng quốc tế; là nơi khởi nghiệp của nhiều doanh nghiệp trong nước, nơi thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến tình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước.
Hà Nội có một nền kinh tế đa dạng và phát triển, với sự hiện diện của nhiều ngành dịch vụ thương mại và công nghiệp quan trọng nhất của vùng và cả nước.
Năm 2023, GRDP của hai ngành dịch vụ và công nghiệp đạt 1,14 triệu tỷ đồng, chiếm 87,72% GRDP của Thủ đô, riêng ngành dịch vụ chiếm 64,42%. Đặc biệt, riêng GRDP ngành dịch vụ của Hà Nội gấp gần 2 lần GRDP ngành dịch vụ của tất cả các tỉnh thành còn lại trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cộng lại.
Hà Nội là trung tâm tài chính lớn thứ hai của cả nước, với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản, là nơi đặt trụ sở của 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất Việt Nam và nhiều ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế.
GRDP ngành công nghiệp và ngành dịch vụ của Hà Nội và các tỉnh vùng KKTT Bắc Bộ năm 2023
(tỷ đồng, giá hh)
Hà Nội là trung tâm thương mại lớn của cả nước, với hệ thống chợ đầu mối, siêu thị và trung tâm thương mại phát triển. Thủ đô cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện thương mại quốc tế, triển lãm và hội chợ tầm cỡ quốc gia và quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong vùng tiếp cận với thị trường quốc tế.
Hà Nội nghìn năm văn hiến là điểm đến du lịch nổi tiếng với di sản văn hóa phong phú, kiến trúc cổ kính và nhiều điểm tham quan du lịch. Đây là điểm đến du lịch hấp dẫn không chỉ đối với du khách trong nước mà còn quốc tế. Hà Nội là trung tâm phát triển du lịch văn hóa và du lịch MICE.
Hà Nội là trung tâm công nghiệp lớn với nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu chế xuất. Các ngành công nghiệp chính bao gồm công nghiệp điện tử, cơ khí, hóa chất, dệt may và thực phẩm. Một số dây chuyền và công nghệ trong ngành/sản phẩm đã đạt trình độ công nghệ tiên tiến của khu vực, như: sản xuất bia, rượu; chế biến sữa; lắp ráp điện tử; sản xuất thiết bị điện... Nhiều tập đoàn công nghiệp lớn đã chọn Hà Nội làm trụ sở hoặc cơ sở sản xuất, từ đó tạo ra sự lan tỏa và tác động tích cực đến kinh tế các tỉnh lân cận.
Hà Nội là trung tâm giáo dục và khoa học của vùng và cả nước. Hà Nội có nhiều trường đại học, cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu hàng đầu cả nước, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tri thức và nghiên cứu khoa học cho cả nước. Nơi đây cũng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhiều lĩnh vực đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Hà Nội không chỉ đóng vai trò là trung tâm y tế của miền bắc mà còn là nơi hỗ trợ, cung cấp dịch vụ và kinh nghiệm cho các tỉnh thành khác. Hà Nội tập trung nhiều bệnh viện lớn, hiện đại và có trang thiết bị tiên tiến nhất trong cả nước. Hà Nội có đội ngũ y, bác sĩ với trình độ chuyên môn cao, nhiều người trong số họ đã được đào tạo ở nước ngoài hoặc tại các cơ sở y tế hàng đầu trong nước. Hà Nội cũng là trung tâm nghiên cứu và đào tạo y học hàng đầu của Việt Nam. Các trường đại học y khoa tại Hà Nội đóng vai trò chủ chốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực y tế.
HÀ NỘI - ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM BẮC BỘ
Vai trò dẫn dắt liên kết vùng và hợp tác kinh tế, đầu tư
Hà Nội không chỉ là trung tâm kinh tế tự nhiên mà còn đóng vai trò dẫn dắt và liên kết các tỉnh khu vực phía bắc, trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo nên một mạng lưới kinh tế vùng mạnh mẽ và hiệu quả.
Nghị quyết số 81/2023/QH 15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã khẳng định: “Phát triển vùng động lực phía bắc, bao gồm thành phố Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục quốc lộ 5 và quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, trong đó thành phố Hà Nội là cực tăng trưởng”.
Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đặt mục tiêu: “xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.
Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và bất động sản. Hà Nội là một trong những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước. Các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao tại Hà Nội đã thu hút nhiều tập đoàn quốc tế, từ đó tạo ra các cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ tại các tỉnh lân cận.
Hà Nội cũng là địa phương tiên phong trong việc thúc đẩy các mô hình hợp tác công-tư (PPP) trong phát triển hạ tầng và dịch vụ công. Các dự án PPP tại Hà Nội không chỉ góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng mà còn tạo động lực cho các tỉnh lân cận áp dụng mô hình này, từ đó thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của cả vùng.
Phát triển hạ tầng và đô thị hóa
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Hà Nội trở thành động lực phát triển kinh tế vùng là việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và quá trình đô thị hóa nhanh chóng:
Các công trình hạ tầng giao thông quy mô lớn, bao gồm các mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng hàng không đã và đang được đầu tư mạnh tại Hà Nội. Những công trình này không chỉ cải thiện giao thông trong nội đô mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và người dân.
Các dự án hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, các trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển… cũng được đầu tư mạnh mẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì vị thế trung tâm, động lực phát triển cho Hà Nội.
Quá trình đô thị hóa tại Hà Nội diễn ra nhanh chóng, với sự hình thành của các khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh và các trung tâm thương mại, dịch vụ. Quá trình này không chỉ tạo ra nhiều việc làm và cơ hội kinh doanh mới mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các khu vực xung quanh, đặc biệt là các tỉnh lân cận. Để hỗ trợ quá trình đô thị hóa, Hà Nội đã đầu tư mạnh vào hạ tầng công cộng, bao gồm các dự án giao thông công cộng, hệ thống cấp nước và xử lý nước thải, và các dịch vụ y tế, giáo dục. Những cải tiến này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thủ đô mà còn tạo ra môi trường sống và làm việc thuận lợi cho người lao động di cư từ các địa phương khác đến.
Nguồn nhân lực chất lượng cao
Hà Nội là trung tâm giáo dục và đào tạo lớn nhất cả nước, với nhiều trường đại học, cao đẳng, và trung tâm nghiên cứu hàng đầu. Nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cao là một trong những lợi thế lớn nhất của Hà Nội trong phát triển kinh tế.
Hà Nội cũng đang đầu tư mạnh vào hệ thống đào tạo nghề, giúp nâng cao kỹ năng cho lao động, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. Việc đào tạo nghề chất lượng cao không chỉ giúp người lao động có cơ hội việc làm tốt hơn mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Hà Nội không chỉ là nơi thu hút các nhà đầu tư mà còn là điểm đến hấp dẫn cho các chuyên gia, kỹ sư và nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách nhằm thu hút nhân tài, bao gồm các chương trình hỗ trợ nhà ở, các cơ hội việc làm tốt và môi trường làm việc hiện đại.
Những chính sách này không chỉ giúp Hà Nội thu hút được những nhân tài hàng đầu mà còn tạo ra môi trường làm việc lý tưởng, thúc đẩy sáng tạo và đổi mới; đồng thời, sự phát triển của các khu đô thị mới, các trung tâm thương mại, dịch vụ chất lượng cao và hệ thống y tế, giáo dục tốt đã góp phần tạo nên một môi trường sống và làm việc hấp dẫn, giúp Hà Nội giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao.
THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG VỚI ĐỘNG LỰC TỪ HÀ NỘI
Khó khăn, thách thức
Hạ tầng giao thông quá tải: Với mật độ dân cư cao và lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng, hệ thống giao thông của Hà Nội thường xuyên bị quá tải, gây ra ùn tắc và làm giảm hiệu quả vận chuyển hàng hóa và di chuyển của người dân. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế và chất lượng sống.
Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu: Mặc dù Hà Nội đã và đang đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn như hệ thống đường đô thị, đường vành đai, đường cao tốc, đường sắt, đường sắt đô thị… nhưng tốc độ xây dựng còn chậm và chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của thành phố.
Ô nhiễm môi trường: Hà Nội thường nằm trong danh sách các thành phố có mức ô nhiễm không khí cao, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn (PM2.5). Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn làm giảm sức hấp dẫn của thành phố đối với các nhà đầu tư nước ngoài và khách du lịch. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước và xử lý rác thải của Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là trong các khu công nghiệp và khu vực ngoại thành. Ô nhiễm nguồn nước và sự thiếu kiểm soát trong xử lý rác thải đang là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao: Mặc dù Hà Nội là trung tâm giáo dục với nhiều trường đại học và cơ sở đào tạo lớn, nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển (R&D). Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, hệ thống đào tạo nghề vẫn chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động kỹ thuật trong các ngành công nghiệp mũi nhọn như cơ khí, điện tử, và công nghệ thông tin.
Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng khiến Hà Nội đối diện với tình trạng quá tải về nhà ở, cơ sở hạ tầng, dịch vụ công và quản lý đô thị. Nhiều khu vực ngoại ô bị đô thị hóa thiếu quy hoạch, gây ra sự lộn xộn và giảm chất lượng sống của cư dân. Quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập gây chậm trễ cho nhiều dự án quan trọng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và phát triển kinh tế của Hà Nội.
Chi phí mặt bằng, bất động sản và chi phí sinh hoạt tại Hà Nội tương đối cao so với các tỉnh thành khác. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh tại Thủ đô. Có sự chênh lệch phát triển đáng kể giữa nội thành và ngoại thành. Trong khi khu vực nội thành phát triển mạnh mẽ về hạ tầng, kinh tế, thì nhiều khu vực ngoại thành và nông thôn vẫn đối diện với tình trạng thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, dịch vụ công và việc làm. Sự chênh lệch phát triển này tạo ra sự mất cân bằng và ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững của thành phố.
Tác động của biến đổi khí hậu và nguy cơ ngập lụt: Hà Nội nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, chịu ảnh hưởng mạnh từ biến đổi khí hậu, bao gồm mưa lớn và lũ lụt. Việc đối phó với ngập lụt và bảo vệ cơ sở hạ tầng trước tác động của biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn, đòi hỏi đầu tư lớn vào hệ thống thoát nước và công trình chống ngập.
Hà Nội nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, chịu ảnh hưởng mạnh từ biến đổi khí hậu, bao gồm mưa lớn và lũ lụt. Việc đối phó với ngập lụt và bảo vệ cơ sở hạ tầng trước tác động của biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn, đòi hỏi đầu tư lớn vào hệ thống thoát nước và công trình chống ngập.
Cơ hội
Vị trí chiến lược và trung tâm kết nối: Hà Nội nằm ở trung tâm vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cầu nối quan trọng giữa miền bắc và các miền khác trong cả nước. Hơn nữa, Hà Nội còn là trung tâm kết nối, giao thương quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc và khu vực ASEAN.
Phát triển hạ tầng giao thông: Hà Nội đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, bao gồm hệ thống đường bộ, cảng hàng không, đường sắt. Sự phát triển này không chỉ giúp cải thiện kết nối nội đô mà còn hỗ trợ việc kết nối với các tỉnh lân cận và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Với môi trường chính trị ổn định và chính sách thu hút đầu tư thuận lợi, Hà Nội là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Thành phố đã thu hút hàng nghìn dự án FDI trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản và dịch vụ. Sự hiện diện của các tập đoàn lớn như Samsung, Canon, Panasonic tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển công nghiệp và nâng cao trình độ công nghệ tại Hà Nội.
Đồng thời, Hà Nội có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để thu hút thêm đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đây là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghệ thông tin, điện tử, dệt may và thực phẩm chế biến.
Phát triển công nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi số: Hà Nội đang thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp và khu công nghệ cao như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nơi đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất thiết bị điện tử và nghiên cứu phát triển (R&D).
Việc phát triển công nghệ cao sẽ giúp Hà Nội nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu và tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao. Trong lĩnh vực chuyển đổi số, chính quyền thành phố đã đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, đặc biệt trong các lĩnh vực như quản lý đô thị, y tế, giáo dục và hành chính công. Đây là cơ hội để nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế thông minh.
Tiềm năng phát triển ngành dịch vụ: Hà Nội là trung tâm của các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bất động sản, và thương mại điện tử. Với sự phát triển của nền kinh tế số và sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng, ngành dịch vụ tại Hà Nội đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các dịch vụ tài chính, bảo hiểm và thương mại trực tuyến.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Hà Nội là nơi tập trung nhiều trường đại học và cơ sở giáo dục hàng đầu cả nước, đây là nguồn cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp, công nghệ và dịch vụ tại thành phố. Việc phát triển giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các ngành công nghệ cao, sẽ giúp Hà Nội cải thiện chất lượng lao động và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động quốc tế.
Phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh: Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai các dự án đô thị thông minh, đô thị xanh, .. bao gồm việc phát triển hạ tầng số, hệ thống giao thông thông minh, quản lý năng lượng và môi trường. Việc phát triển đô thị thông minh, xanh không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới trong các lĩnh vực công nghệ, bất động sản và dịch vụ.
GIẢI PHÁP PHÁT HUY VỊ THẾ VÀ VAI TRÒ CỦA HÀ NỘI
Phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch và quản lý đô thị
Tập trung ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối vùng và quốc tế. Đầu tư phát triển các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt kết nối Hà Nội với các tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các tỉnh miền núi phía bắc. Phát triển hệ thống giao thông công cộng liên vùng, liên kết giữa Hà Nội và các đô thị vệ tinh, thúc đẩy sự di chuyển của lao động và doanh nghiệp.
Quy hoạch đô thị theo hướng bền vững, giảm tải áp lực dân số tại khu vực trung tâm, phát triển các khu đô thị vệ tinh. Phát triển các khu đô thị vệ tinh để giảm tải cho khu vực trung tâm Hà Nội, đi kèm với đó là đâu tư hạ tầng giao thông kết nối hiệu quả. Đẩy mạnh mô hình đô thị đa trung tâm, không tập trung phát triển duy nhất ở nội đô mà phân tán các trung tâm hành chính, kinh tế và giáo dục ra các quận ngoại thành; đồng thời, tăng tỷ lệ không gian công cộng, khu vực công viên và khu vực xanh trong quy hoạch đô thị, giúp cải thiện môi trường sống, nâng cao chất lượng không khí và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quản lý đô thị bằng công nghệ số: Sử dụng các nền tảng công nghệ số để theo dõi, quản lý và quy hoạch các nguồn lực đô thị một cách hiệu quả, bao gồm cả giao thông, năng lượng và môi trường. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào quá trình quy hoạch đô thị bằng cách sử dụng các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội và các phương tiện tương tác khác để thu thập ý kiến và phản hồi từ người dân.
Tăng cường liên kết kinh tế vùng
Xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa Hà Nội và các tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế chuyên biệt ở các tỉnh lân cận, tạo ra các chuỗi cung ứng và sản xuất liên kết với Hà Nội. Thí dụ, Hà Nội có thể tập trung vào công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính, trong khi các tỉnh lân cận tập trung vào công nghiệp sản xuất và chế biến. Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và xuất khẩu giữa Hà Nội và các tỉnh chung quanh, đồng thời đẩy mạnh vai trò của Hà Nội trong việc cung cấp dịch vụ và hỗ trợ phát triển công nghệ, chuyển giao kỹ thuật cho các tỉnh.
Xây dựng cơ chế hợp tác chính sách liên vùng: Thành lập các diễn đàn hoặc hội đồng kinh tế liên vùng giữa Hà Nội và các tỉnh, nhằm thảo luận và đồng thuận về các chính sách phát triển kinh tế. Điều này giúp giảm thiểu sự chồng chéo trong các quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và đầu tư.
Triển khai các dự án kinh tế chung: Thúc đẩy các dự án hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh trong các lĩnh vực chiến lược như logistics, công nghiệp hỗ trợ, du lịch và dịch vụ, tạo nên sự liên kết kinh tế toàn diện giữa các địa phương.
Sau rất nhiều năm chờ đợi, người dân Hà Nội đã có thể sử dụng tàu điện trên cao đoạn từ Nhổn tới Cầu Giấy. (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Sau rất nhiều năm chờ đợi, người dân Hà Nội đã có thể sử dụng tàu điện trên cao đoạn từ Nhổn tới Cầu Giấy. (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội). (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội). (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực
Hà Nội cần tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện các khu công nghệ cao và trung tâm đổi mới sáng tạo để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nghiên cứu và phát triển. Xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý để khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo. Chính sách cần linh hoạt, ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp sáng tạo. Hỗ trợ tài chính và chính sách cho doanh nghiệp khởi nghiệp, thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc hợp tác với các quỹ đầu tư quốc tế để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, cần tạo ra các chính sách ưu đãi về thuế và hỗ trợ về cơ sở hạ tầng để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn lực. Xây dựng các chương trình ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp tại các trung tâm sáng tạo, giúp các doanh nghiệp mới có thể tiếp cận với cố vấn, tài trợ, và cơ hội hợp tác kinh doanh.
Tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Xây dựng các chương trình đào tạo nghề liên vùng: Hà Nội có thể hợp tác với các trường đại học, trung tâm đào tạo nghề tại các tỉnh lân cận để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chương trình đào tạo liên kết sẽ giúp cung cấp lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu của các khu công nghiệp và doanh nghiệp trong vùng. Cải tiến chương trình giáo dục theo hướng đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự sáng tạo ngay từ hệ thống giáo dục, cải tiến chương trình giảng dạy theo hướng tăng cường tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và kỹ năng công nghệ. Đào tạo nhân lực công nghệ và kỹ thuật số, đẩy mạnh các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn (big data), và các ngành công nghiệp 4.0.
Phát triển hạ tầng số và công nghệ thông tin liên vùng
Phát triển các nền tảng số dùng chung giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận để hỗ trợ thương mại điện tử, quản lý dữ liệu, và điều hành các hoạt động kinh tế vùng. Điều này giúp các doanh nghiệp và chính quyền dễ dàng phối hợp, chia sẻ thông tin và quản lý nguồn lực một cách hiệu quả.
Phát triển hạ tầng viễn thông và internet tốc độ cao, xây dựng mạng lưới 5G và nâng cấp hạ tầng viễn thông, mở rộng phủ sóng đến các khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận để hỗ trợ các ứng dụng công nghệ cao. Phát triển hạ tầng cáp quang liên vùng để đảm bảo kết nối liên vùng giữa Hà Nội và các tỉnh, giúp truyền tải dữ liệu với tốc độ nhanh, ổn định và bảo mật.
Xây dựng trung tâm dữ liệu và nền tảng điện toán đám mây liên vùng. Hà Nội cần xây dựng và phát triển các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, có khả năng lưu trữ, xử lý và quản lý dữ liệu liên vùng. Các trung tâm này sẽ phục vụ cho các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc quản lý và chia sẻ dữ liệu một cách hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng điện toán đám mây, các tỉnh lân cận Hà Nội cũng có thể khai thác hạ tầng đám mây của Hà Nội để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, giáo dục, và quản lý dữ liệu liên vùng.
Xây dựng hạ tầng số cho chính phủ điện tử và thành phố thông minh. Hà Nội cần xây dựng các nền tảng chính phủ điện tử kết nối với các tỉnh lân cận, cho phép chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Sử dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong quản lý kinh tế vùng, giám sát giao thông, quản lý năng lượng và tài nguyên, nhằm đảm bảo quá trình liên kết vùng diễn ra thông suốt và bền vững.
Bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống
Phát triển không gian xanh và cải thiện chất lượng không khí: Hà Nội cần xây dựng thêm công viên, khu cây xanh, và vườn hoa trong các khu đô thị và khu công nghiệp. Quản lý và giám sát chặt chẽ chất lượng không khí, đặc biệt là các nguồn phát thải từ giao thông, công nghiệp, và xây dựng. Cần áp dụng các công nghệ tiên tiến để đo lường và kiểm soát ô nhiễm, đồng thời thực hiện các biện pháp giảm phát thải từ xe cộ và công trình xây dựng.
Phát triển giao thông công cộng và khuyến khích phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, thúc đẩy sử dụng xe đạp, xe điện, và các phương tiện không phát thải.
Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục cho người dân Thủ đô, bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bền vững. Tăng cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm và kết nối thông tin thị trường lao động.
Ngày xuất bản: 10/2024
Nội dung: Nguyễn Đăng Hưng, Ban Chiến lược phát triển hạ tầng và đô thị Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Trình bày: Diệc Dương
Ảnh: Thành Đạt; Lê Việt; Báo Nhân Dân