Người dân Hà Nội hân hoan đón chào bộ đội tiến vào tiếp quản Thủ đô.

Người dân Hà Nội hân hoan đón chào bộ đội tiến vào tiếp quản Thủ đô.

Hà Nội - những giờ phút trước bình minh

Roman Carmen

Trích hồi ký "Ánh sáng trong rừng thẳm" của nhà đạo diễn và quay phim nổi tiếng Xô Viết (1906-1978).

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đạo diễn Roman Karmen tại Việt Bắc năm 1954.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đạo diễn Roman Karmen tại Việt Bắc năm 1954.

Khách sạn Splendide

Còn chưa rạng sáng chúng tôi đã rời căn nhà nông dân, nơi chúng tôi vừa trải qua những giờ phút cuối ấy. Tâm trạng phấn chấn, hồi hộp. Trở dậy sớm hơn tất cả mọi người, Esurin đã đi đi lại lại trong sân được mấy cây số rồi, hai tay chắp ra sau lưng.

Chúng tôi ra đi. Chúng tôi ra đường quốc lộ, xe ô-tô đã chờ sẵn. Đúng 7 giờ một chiếc xe “gíp” cắm hai lá cờ Việt Nam và cờ Pháp chạy đến. Từ trên xe bước xuống một sĩ quan trẻ Việt Nam và một đại úy Pháp đội kêpi đỏ có tua vàng. Anh ta chào hỏi với thái độ niềm nở vui vẻ của một người Pháp.

Trên quốc lộ có các đơn vị quân đội nhân dân, các đội giữ gìn an ninh. Hai bên lề đường là các tốp người mang tay nải gánh gồng. Xe chúng tôi đi tới ranh giới phân chia quân đội hai bên. Thoạt đầu các chiến sĩ Việt Nam kiểm tra giấy tờ của chúng tôi. Sau đó đi từ từ vài thước và chúng tôi lại dừng xe. Chúng tôi trình giấy tờ cho lính gác Pháp đeo băng: “Police militaire” (cảnh binh).

Qua ranh giới, xe chúng tôi đi theo quốc lộ trên đó các đơn vị quân đội Pháp tụ tập từng nhóm trên các xe bọc thép vũ trang súng cối và đại liên. Binh lính Pháp và Marốc thờ ơ đưa mắt tiễn chân chúng tôi.

Chúng tôi tiến vào Hà Nội dưới trời mưa rào. Thành phố tưởng như hoang vắng. Trên đường phố những chiếc xe “gíp” phóng như điên dại, những đoàn xe tải chạy ầm ầm, các đội tuần tra lính Pháp vũ trang đi qua.

Các đại lộ rộng ở trung tâm thành phố được mưa rào rửa sạch hầu như không một bóng người. Nhưng ở các vùng ngoại vi khu lao động thợ thuyền thì không khí lại tấp nập khác thường. Tại đây ngày hội giải phóng đã bắt đầu. Bên cổng và cửa nhà từng tốp người tụ tập. Các cửa hàng nhỏ bé hé mở, có thể thấy rõ trên quầy hàng bày cờ đỏ sao vàng. Khắp nơi tiếng nói, tiếng cười vui vẻ. Tiếng ồn ào chỉ lặng đi giây phút khi chiếc xe bọc thép của Pháp với cần ăng-ten cao ngất nghểu ầm ầm lăn xích qua. Người ta vội chạy vào nhà đóng sập cửa lại.

Bốt Hàng Trống - Trung tâm Chỉ huy của cảnh sát Pháp ở Hà Nội trước giờ tiếp quản năm 1954.

Bốt Hàng Trống - Trung tâm Chỉ huy của cảnh sát Pháp ở Hà Nội trước giờ tiếp quản năm 1954.

Anh chàng lính Pháp, mặt đầy tàn nhang, nhai kẹo cao su Mỹ, co ro dưới trời mưa giữa ngã tư đường, trông thật ảo não. Xế vị trí của anh ta một quãng, những cỗ máy may trong một xưởng hối hả may. Người chủ xưởng không kịp thỏa mãn cờ cho mọi người, ngày mai hàng nghìn hàng nghìn lá cờ sẽ tung bay trên đường phố Thủ đô giải phóng. Khắp nơi người ta đang cạo xóa những khẩu hiệu kẻ sơn đen trên tường “Đi Nam, bạn sẽ tránh được những cuộc trả thù man rợ cộng sản của Việt Minh”. Những khẩu hiệu ấy đang bị cạo đi ngay trước mắt bọn lính Pháp đang phóng trên những chiếc xe “gíp”, - chúng không còn lòng dạ nào nghĩ đến những khẩu hiệu ấy nữa.

Trước cửa khách sạn Splendide dưới mái hiên, hai lính canh người Pháp. Chúng tôi vào gian phòng, cạnh bàn bar, mấy sĩ quan người Canada ngồi ngả người trong những chiếc ghế phô tơi, đang uống bia. Thành viên của Ủy ban Quốc tế kiểm soát, phóng viên nước ngoài được bố trí tại hai khách sạn lớn của Hà Nội Métropole và Splendide. Chúng tôi lên các phòng được dành cho chúng tôi ở tầng hai.

Quay phim, lập tức quay ngay! Chúng tôi quyết định phân tán đi các điểm khác nhau của thành phố, tận dụng một ngày duy nhất Pháp còn chiếm đóng tại Hà Nội. Vôlôđia đi về phía cầu qua sông Hồng, ở đó dòng chủ yếu của cuộc di cư đang diễn ra, tôi cùng Mukhin đi vào trung tâm thành phố.

Thoạt đầu tôi vừa làm vừa dè chừng, bởi vì trên cái băng trắng “laisserpasser” không hề có ý gì nói về việc được phép quay phim, đây chỉ là giấy thông hành cho vào Hà Nội. Nhưng sau đó, tin rằng binh lính và sĩ quan Pháp không để ý gì đến máy quay phim của tôi, tôi bắt đầu hoạt động mạnh dạn hơn. Đây, một viên đại tá Pháp có tuổi đi tới. Tôi đưa máy nhằm quay cận cảnh. Ông ta quay về phía ống kính và vừa đi vừa đưa tay ra hiệu ý muốn nói: “Dừng lại! Hay hớm gì mà quay phim lúc này nữa!”. Thế là cả động tác ấy của ông ta tôi cũng thu vào ống kính, ông ta buồn bã quay lưng lại.

Mồng 9 tháng 10! Ngày này sẽ đi vào lịch sử của nhân dân Việt Nam như một trong những ngày tươi sáng nhất. Bọn thực dân ra đi!

Suốt đêm chúng tôi không ngủ, thảo luận từng chi tiết nhỏ nhặt nhất về kế hoạch quay ngày giải phóng Thủ đô.

Sáng ra trời lại u ám, mưa phùn lác đác. Người Pháp tuyên bố tình trạng thiết quân luật. Dân chúng bị cấm không được ra khỏi nhà, cấm tất cả các loại giao thông hoạt động.

6 giờ 30 phút sáng. Theo phố Duy Tân (nay là Phố Huế), đi từ trung tâm thành phố về phía Nam, xe chúng tôi tới địa điểm gặp gỡ của sĩ quan hai bên. Giữa phố là những chiếc xe mang hai cờ - cờ Việt Nam và cờ Pháp. Các sĩ quan thảo luận các chi tiết cuối cùng của cuộc bàn giao khu vực lớn của thành phố. Đầu đằng kia ngã tư là những chiếc xe chở binh lính Việt Nam.

Đầu đằng này - là những chiếc xe bọc sắt chở binh lính “P.M”.

Hai sĩ quan nhìn đồng hồ. 6 giờ 55 phút, viên chỉ huy đoàn xe bọc sắt Pháp nói gì vào máy bộ đàm. Đưa bàn tay đi găng da cầm loa lên, ông ta ra một lệnh cho đoàn xe bọc sắt của mình. Tiếng máy rồ lên, đoàn xe chuyển bánh và dần dần tăng tốc độ, lăn về phía bắc.

Qua mấy phút, đúng 7 giờ, đoàn xe chở bộ binh Việt Nam vượt qua ngã tư và lăn bánh theo những chiếc xe bọc sắt. Tiếp theo sau đoàn xe là bộ đội Việt Nam đi thành hàng giữa lòng đường.

Và đến lúc này đã diễn ra điều kỳ lạ - phố xá hoang vắng hầu như đang chết đi bỗng nhộn nhịp tưng bừng. Tiếng động cơ những chiếc xe bọc sắt ra đi còn chưa lặng, hàng nghìn cờ đỏ đã tung bay trên cửa sổ, cửa ra vào, trên các mái nhà. Và lập tức trên đường phố trở nên chật hẹp bởi những con người hoan hỉ, reo mừng, vẫy tay, nâng bổng trẻ lên trên đầu, vỗ tay, khóc lên vì sung sướng, ca hát, cười. Chiếc xe chở các sĩ quan Việt Nam tươi cười và viên thiếu tá Pháp đứng tuổi đầu cúi gục khó khăn lách đi giữa đám người này. Còn làn sóng hoan hỉ cứ lan đi mãi đến trung tâm, bám theo sát những chiếc xe bọc sắt ra đi.

Trong đám người hân hoan niềm hạnh phúc giải phóng, tôi nhìn thấy bộ mặt tư lự của nhà điện ảnh Mỹ. Ông ta đứng cạnh chiếc xe của mình, buông thõng máy quay phim. Ông ta không quay.

Ranh giới tiếp theo của khu vực được vạch trên bản đồ bằng một tuyến màu xanh, bộ đội vượt qua vào lúc 8 giờ sáng. Chúng tôi vượt trước, vào lúc 7 giờ 30 phút và lại rơi vào thành phố đang chết lặng. Những chiếc xe tăng bò đi trên đường phố không người, ở ngã tư đường là những đội tuần phòng của cảnh sát quân đội trang bị súng cối. Những chiếc xe “gíp” lao đi. Từng đoàn xe tải chở bộ binh hướng về phía cầu qua sông Hồng.

Những người lính Pháp cuối cùng trên phố Hàng Bông, Hà Nội.

Những người lính Pháp cuối cùng trên phố Hàng Bông, Hà Nội.

Đông đảo nhân dân chờ đón bộ đội tiến về Hà Nội trước cổng đền Ngọc Sơn.

Đông đảo nhân dân chờ đón bộ đội tiến về Hà Nội trước cổng đền Ngọc Sơn.

Sáng ngày 10 tháng 10, Hà Nội long trọng đón chào các đơn vị chủ lực của quân đội nhân dân. Từ hai hướng, các đơn vị cơ giới và pháo binh của Đại đoàn 308 quang vinh tiến vào Thủ đô.

Mặt trời chói lọi chiếu sáng phố xá và quảng trường Hà Nội, tràn đầy những người dân ăn mặc quần áo ngày hội. Trong cái buổi sáng tuyệt vời này chẳng có một người nào ngồi nhà. Mọi người đều đổ ra đường phố rực rỡ những khẩu hiệu, màu xanh, những bó hoa, dây hoa.

Trung đoàn Thủ Đô tiến vào Hà Nội từ phía tây. Một trận mưa hoa đổ xuống những chiến sĩ của trung đoàn vừa bước chân qua ranh giới thành phố. Trận mưa hoa không ngớt kéo dài suốt đường hành quân của trung đoàn. Hà Nội đã chào đón những người giải phóng của mình bằng những tiếng reo hào hùng, bằng lời ca và những tràng vỗ tay.

Quang cảnh ngã năm Bờ Hồ (nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) trước lúc đoàn quân tiếp quản tới.

Quang cảnh ngã năm Bờ Hồ (nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) trước lúc đoàn quân tiếp quản tới.

Dẫn đầu trung đoàn là anh hùng Nguyễn Quốc Trị, chỉ huy trung đoàn. Trên đầu anh phấp phới lá cờ trung đoàn đã bạc màu vì mưa, gió, khói súng và bụi, mang theo năm tấm huân chương. Anh bộ đội Trung đoàn Thủ Đô chiến đấu ở đâu đi nữa cũng tin tưởng sẽ trở về với những bức tường cổ kính của Thủ đô thân yêu. Nhiều cái ôm hôn nồng thắm. Nhiều suối lệ mừng vui trên đường phố Hà Nội trong những giờ phút tươi sáng trở về.

Lá cờ lụa kiêu hãnh bay phấp phới trên tháp cổ của thành Hà Nội. Từ mọi nơi xa nhất của thành phố vĩnh viễn được tự do đều nhìn thấy lá cờ...

Thuý Toàn dịch, đăng trên Báo "Người Hà Nội",
ngày 10/10/2003
Trình bày: T. Lâm
Ảnh tư liệu: Nhipsonghanoi.hanoimoi.vn