HÀ NỘI - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG:

12 ngày đêm oanh liệt

Đế quốc Mỹ liên tiếp thực hiện hai cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc mà đỉnh cao là cuộc tập kích đường không chiến lược cuối tháng 12/9172 hòng “đưa miền bắc về thời kỳ đồ đá”. Trong 12 ngày đêm, giặc Mỹ muốn biến Hà Nội thành bãi chiến trường của cuộc đọ sức cuối cùng mà chúng tưởng nắm chắc phần thắng trong tay. Nhưng, tất cả mọi tính toán điên cuồng đó đều bị đảo lộn hoàn toàn. Quân và dân Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số địa phương miền bắc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên một chiến công vô cùng chói lọi!

Diễn biến chiến dịch

10 giờ 30 phút ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh mở cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền bắc Việt Nam.

Một máy bay ném bom B-52 cất cánh từ căn cứ không quân Andersen của Mỹ tham gia chiến dịch Linebacker II (chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không). (Ảnh: Không quân Mỹ)

Một máy bay ném bom B-52 cất cánh từ căn cứ không quân Andersen của Mỹ tham gia chiến dịch Linebacker II (chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không). (Ảnh: Không quân Mỹ)

Sáng 18/12/1972, Phủ Thủ tướng điện chỉ đạo các bộ, cơ quan và một số địa phương: “Địch có thể ném bom Hà Nội-Hải Phòng, cần thực hiện tốt kế hoạch sơ tán nhân dân của thành phố".

Bộ Tổng Tham mưu điện chỉ đạo các đơn vị: “Đề phòng địch dùng B-52 đánh phá các mục tiêu trọng điểm. Các binh chủng: pháo cao xạ, tên lửa, ra-đa, không quân, pháo binh sẵn sàng chiến đấu, kịp thời đánh trả máy bay, tàu chiến địch. Tổ chức quan sát, báo động, sơ tán, đào hầm hào, phối hợp với Công an và nhân dân làm tốt công tác bảo vệ an ninh, bảo vệ tài sản...”.

18 giờ 50 phút, ngày 18/12/1972, Quân chủng Phòng không-Không quân chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 1.

19 giờ 10 phút, ngày 18/12/1972, Đại đội ra-đa 16 phát hiện nhiễu B-52.

19 giờ 15 phút, ngày 18/12/1972, Trung đoàn 291 phát hiện B-52 và báo cáo: “B-52 đang vào miền bắc”.

Chiến sĩ Đơn vị tên lửa X, dũng cảm, lập nhiều chiến công, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

Chiến sĩ Đơn vị tên lửa X, dũng cảm, lập nhiều chiến công, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

19 giờ 25 phút, ngày 18/12/1972 không quân ta được lệnh cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật của địch.

Từ 19 giờ 25 phút đến 20 giờ 18 phút, ngày 18/12/1972, nhiều tốp B-52 (mỗi tốp 3 chiếc) liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm.

19 giờ 44 phút, ngày 18/12/1972, quả đạn tên lửa đầu tiên của Tiểu đoàn 78 thuộc Trung đoàn Tên lửa 257 được phóng lên - cuộc chiến đấu 12 ngày đêm của lực lượng phòng không ba thứ quân bảo vệ Hà Nội bắt đầu.

Trung đoàn Tên lửa 261 được lệnh đánh tập trung, tiêu diệt tốp máy bay 671 từ hướng Tam Đảo đánh phá các kho tàng ở Đông Anh, Cổ Loa. Một kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 59 đã phóng 2 quả đạn từ cự ly thích hợp, hạ 1 máy bay B-52. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội, cách trận địa chưa đầy 10km.

Thắng lợi hạ gục tại chỗ “Siêu pháo đài bay B-52” ngay trong đêm đầu tiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về tư tưởng và tác chiến, giải tỏa những lo lắng, băn khoăn của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh và tất cả cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu bảo vệ Hà Nội.

Đêm 18 rạng ngày 19/12, Mỹ huy động 90 lần chiếc B-52 ném 3 đợt bom xuống Thủ đô Hà Nội, xen kẽ có 8 lần chiếc F-111 và 127 lần chiếc máy bay cường kích; ném khoảng 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm thuộc Thủ đô Hà Nội, 85 khu vực dân, làm chết 300 người. Quân và dân ta anh dũng chiến đấu, bắn rơi 6 máy bay các loại, trong đó có 3 máy bay B-52 (2 chiếc rơi tại chỗ).

Xác 1 máy bay B-52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn rơi đêm 18, rạng sáng 19/12/1972. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Xác 1 máy bay B-52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn rơi đêm 18, rạng sáng 19/12/1972. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sáng 19/12/1972, Bộ Chính trị họp, chỉ đạo về đánh máy bay B-52.

Đêm 19/12/1972, máy bay B-52 tiếp tục ném bom Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên, Nam Định.

Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 87 lần chiếc B-52 và hơn 200 lần chiếc máy bay cường kích ném 3 đợt bom xuống 68 điểm thuộc nội và ngoại thành. Các lực lượng phòng không ba thứ quân của ta đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 1 máy bay B-52; 1 máy bay F-4.

Đêm 20/12/1972 (bắt đầu từ lúc 19 giờ 27 phút), địch sử dụng 93 lần chiếc B-52 và hơn 100 lần chiếc máy bay cường kích các loại vào đánh phá Hà Nội và một số mục tiêu ở khu vực Hải Phòng, Thái Nguyên.

Rút kinh nghiệm các trận đánh trước, quân và dân ta đã anh dũng, mưu trí, lập công xuất sắc: chỉ với 35 quả đạn đã bắn rơi 7 chiếc B-52 (có 5 chiếc rơi tại chỗ). Đại đội tự vệ của 3 nhà máy (Cơ khí Mai Động, Gỗ Hà Nội và Cơ khí Lương Yên), bằng 19 viên đạn 14,5 mm đã bắn rơi 1 máy bay F-111 “cánh cụp cánh xòe” của địch.

Ngày 21/12/1972, địch sử dụng 180 lần chiếc máy bay chiến thuật; ban đêm địch huy động 24 lần chiếc B-52, 36 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá các mục tiêu trọng yếu của ta tại Hà Nội và một số khu vực tại Bắc Giang, Hải Phòng.

Phát huy khí thế chiến thắng của 3 ngày trước, quân và dân ta đã bắn rơi 11 máy bay, trong đó có 3 chiếc B-52; 2 chiếc F-4; 2 chiếc A-7; 1 chiếc F-111; 1 chiếc A-6; 1 chiếc RA-50; 1 chiếc F-105.

Ngày 22/12/1972, ban ngày, địch sử dụng 56 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá các mục tiêu quanh Hà Nội; ban đêm, địch sử dụng 24 lần chiếc B-52 và 30 máy bay chiến thuật hộ tống, cùng 9 máy bay F-111 đánh các mục tiêu tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh.... Chúng dội bom xuống Bệnh viện Bạch Mai - bệnh viện lớn nhất miền bắc...

Lực lượng pháo phòng không nổ súng quyết liệt đánh trả máy bay Mỹ, bảo vệ Hà Nội ngay từ những ngày đầu trong trận 12 ngày đêm tháng 12/1972. (Ảnh: TTXVN)

Lực lượng pháo phòng không nổ súng quyết liệt đánh trả máy bay Mỹ, bảo vệ Hà Nội ngay từ những ngày đầu trong trận 12 ngày đêm tháng 12/1972. (Ảnh: TTXVN)

Bom B-52 dội xuống Bệnh viện Bạch Mai đã làm 28 bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ và người bệnh bị chết và bị thương.

Bệnh viện Bạch Mai bị B-52 ném bom tàn phá rạng sáng ngày 22/12/1972. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng B-52)

Bệnh viện Bạch Mai bị B-52 ném bom tàn phá rạng sáng ngày 22/12/1972. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng B-52)

Ngày 23/12/1972, ban ngày, địch sử dụng 54 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá các khu vực ngoại thành Hà Nội; ban đêm, địch sử dụng 33 chiếc B-52 đánh Đồng Mỏ (Lạng Sơn) và khu vực Bắc Giang; 30 máy bay F-4 và F-105 và 7 máy bay chiến thuật của Hải quân, 11 máy bay F-111 đánh phá các sân bay: Nội Bài, Yên Bái, Kiến An (Hải Phòng) và một số mục tiêu tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Ta bắn rơi 4 máy bay, trong đó có 2 chiếc B-52; 1 chiếc F-4; 1 chiếc A-7.

Ngày 24/12/1972, ban ngày, địch sử dụng 44 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá khu vực Thái Nguyên, Hà Bắc; ban đêm, địch sử dụng 33 lần chiếc B-52, 39 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá ác liệt Ga Kép, Bắc Giang, các sân bay Yên Bái và khu vực Vĩnh Tuy (Hà Nội). Quân và dân miền bắc đã bắn rơi 5 máy bay: 1 chiếc B-52; 2 chiếc F-4; 2 chiếc A-7.

Trước những thất bại nặng nề, 24 giờ 00 ngày 24/12/1972, lấy cớ nghỉ lễ Noel, địch tạm ngừng tập kích để củng cố tinh thần, lực lượng và tìm thủ đoạn đánh phá mới.

Ngày 25/12/1972, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhận định: địch sẽ đánh phá trở lại Hà Nội ác liệt hơn, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng các địa phương miền bắc cần rút kinh nghiệm các trận đánh trước, tiếp tục củng cố tinh thần, lực lượng đánh địch trong những ngày tới. Tranh thủ thời gian địch ngừng đánh phá, cán bộ, chiến sĩ lực lượng phòng không ba thứ quân của các địa phương, nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã khẩn trương rút kinh nghiệm, tìm cách đánh, kịp thời ứng phó với các thủ đoạn đánh phá của địch.

Ngày 26/12/1972, từ 13 giờ 00 đến tối, địch sử dụng 56 lần chiếc máy bay cường kích các loại ném bom dữ dội các khu vực trận địa tên lửa và trạm biến thế Đông Anh.

Từ 22 giờ 05 phút đến 23 giờ 20 phút, địch sử dụng 105 lần chiếc B-52 và 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống đánh phá ồ ạt, liên tục vào nhiều mục tiêu khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, ném bom rải thảm dữ dội tàn phá tất cả các mục tiêu nội, ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là khu phố Khâm Thiên và khu phố Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ga Hàng Cỏ (Hà Nội) - Điểm giao thông quan trọng của Thủ đô - bị máy bay Mỹ ném bom phá hủy trưa ngày 21/12/1972. (Ảnh: Minh Trường/TTXVN)

Ga Hàng Cỏ (Hà Nội) - Điểm giao thông quan trọng của Thủ đô - bị máy bay Mỹ ném bom phá hủy trưa ngày 21/12/1972. (Ảnh: Minh Trường/TTXVN)

Xác máy bay B-52 của giặc Mỹ bị quân dân Thủ đô bắn rơi hồi 23 giờ ngày 27/12/1972 tại thành phố Hoàng Hoa Thám. (Ảnh: Minh Trường/TTXVN)

Xác máy bay B-52 của giặc Mỹ bị quân dân Thủ đô bắn rơi hồi 23 giờ ngày 27/12/1972 tại thành phố Hoàng Hoa Thám. (Ảnh: Minh Trường/TTXVN)

Khu phố Khâm Thiên, Hà Nội, bị máy bay B-52 của Mỹ ném bom tàn phá (26/12/1972). (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

Khu phố Khâm Thiên, Hà Nội, bị máy bay B-52 của Mỹ ném bom tàn phá (26/12/1972). (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

Khu phố Khâm Thiên, Hà Nội, bị máy bay B-52 của Mỹ ném bom tàn phá (26/12/1972). (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

Khu phố Khâm Thiên, Hà Nội, bị máy bay B-52 của Mỹ ném bom tàn phá (26/12/1972). (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

Khu phố Khâm Thiên, Hà Nội, bị máy bay B-52 của Mỹ ném bom tàn phá (26/12/1972). (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

Khu phố Khâm Thiên, Hà Nội, bị máy bay B-52 của Mỹ ném bom tàn phá (26/12/1972). (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

Hàng nghìn quả bom trút xuống khu phố Khâm Thiên, san bằng hàng trăm ngôi nhà, phá tan cả dãy phố dài gần 1km và ăn sâu vào hai bên tới 300m.

287 người bị giết hại và hơn 290 người bị thương.

Đáp trả tội ác của giặc Mỹ, trong 1 giờ chiến đấu, các lực lượng phòng không Thủ đô đã bắn rơi 5 máy bay B-52, trong đó có 4 chiếc rơi tại chỗ.

Hơn một giờ chiến đấu anh dũng trong đêm 26/12/1972, lực lượng phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã bắn rơi 8 máy bay B-52 và 10 máy bay chiến thuật khác.

Đây là trận đánh then chốt, quyết định nhất, bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất trong 9 ngày chiến đấu. Trong trận này, lần đầu tiên Trung đoàn 252, Quân khu Việt Bắc đã bắn rơi 1 chiếc B-52 bằng pháo cao xạ 100mm.

Ngày 27/12/1972, buổi sáng, địch huy động 100 lần chiếc máy bay chiến thuật; ban đêm, địch tăng cường huy động 36 lần chiếc B-52, 66 lần chiếc máy bay chiến thuật yểm hộ, xen kẽ, địch dùng 17 lần chiếc F-111 tập trung đánh phá dữ dội vào khu vực Hà Nội.

Ngày và đêm 27/12/1972, quân và dân miền bắc đã bắn rơi 14 máy bay trong đó có 5 chiếc B-52; 5 chiếc F-4; 02 chiếc A-7; 1 chiếc A-6; 1 máy bay lên thẳng HH-53.

Ngày 28/12/1972, ban ngày địch huy động 131 lần chiếc máy bay chiến thuật; ban đêm, địch sử dụng khoảng 60 lần chiếc B-52 đánh vào các mục tiêu ở khu vực nội, ngoại thành Hà Nội. Quân và dân ta tiếp tục chiến đấu dũng cảm, bắn rơi 3 máy bay, trong đó có 2 chiếc B-52 (1 chiếc do phi công Vũ Xuân Thiều lái chiếc máy bay MiG-21 tiêu diệt và đã anh dũng hy sinh); 1 chiếc RA-5C.

Máy bay B-52 của giặc Mỹ bị quân dân Thủ đô bắn rơi đang bốc cháy dữ dội ngày 27/12/1972. (Ảnh: Minh Trường/TTXVN)

Máy bay B-52 của giặc Mỹ bị quân dân Thủ đô bắn rơi đang bốc cháy dữ dội ngày 27/12/1972. (Ảnh: Minh Trường/TTXVN)

Ðúng 21 giờ 45 phút ngày 28/12, phi công Vũ Xuân Thiều được lệnh cất cánh, gần đến tốp máy bay địch, anh được chỉ thị cho máy bay quay vòng phải, hướng bay 30 độ và lách qua lực lượng tiêm kích của địch để tiếp cận B-52. Chiếc MiG bay xuyên vào giữa đội hình máy bay địch, Sở chỉ huy Trung đoàn 927 nhắc Thiều bình tĩnh tiếp tục tiếp cận B-52, vì địch đông mà chỉ có một chiếc máy bay ta, chúng sẽ khó phát hiện mà nếu có cũng không dám bắn vì sợ bắn vào nhau. Ở độ cao 11 nghìn mét, Vũ Xuân Thiều báo cáo về Sở chỉ huy: "Tôi đã phát hiện được mục tiêu. Xin phép công kích". Cả Sở chỉ huy hồi hộp hướng về phía loa, đợi tiếng Thiều hô "cháy rồi".

Với bản lĩnh kiên cường, quả cảm, kỹ thuật bay giỏi, ai cũng tin tưởng Vũ Xuân Thiều sẽ lập công xuất sắc. Nhưng một phút, hai phút vẫn không nghe thấy tiếng Thiều, chỉ có tiếng sĩ quan dẫn đường liên tục gọi "có nghe thấy không" nhưng anh Thiều vẫn "bặt vô âm tín". Trên màn hình ra-đa, hai vệt sáng của MiG và B-52 chặp lại với nhau phát ra một chấm sáng to lạ thường, rồi tóe ra thành những chấm nhỏ rơi xuống. Vũ Xuân Thiều đã mãi hòa cùng bầu trời để ngăn chặn B-52 trước khi chúng kịp vào ném bom quê hương anh...!

Ngày 29/12/1972, do bị tổn thất nặng nề trong 11 ngày liên tiếp, máy bay B-52 của địch chỉ đánh một số địa phương vòng ngoài, không dám tập trung lực lượng ở toạ độ lửa Hà Nội nữa.

Ban ngày, địch sử dụng 36 lần chiếc máy bay chiến thuật; ban đêm, địch huy động 60 lần chiếc B-52, 70 lần chiếc máy bay chiến thuật công kích các mục tiêu ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, Vĩnh Phú, Thanh Hóa và ngoại vi Hải Phòng, Quảng Ninh.

Các đơn vị phòng không vòng ngoài của ta (tiểu đoàn 72, 78, 79) đã bắn rơi 2 máy bay (1 chiếc B-52, 1 chiếc F-4). Đây là trận đánh kết thúc thắng lợi 12 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội nói riêng và miền bắc nói chung cuối tháng 12/1972.

7 giờ sáng ngày 30/12/1972, Richard Nixon tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng, ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tiếp tục đàm phán, ký kết Hiệp định Paris.

Các lực lượng phòng không Hà Nội tạo thành lưới lửa trên bầu trời Thủ đô, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong trận 12 ngày đêm tháng 12/1972. (Ảnh: TTXVN)

Các lực lượng phòng không Hà Nội tạo thành lưới lửa trên bầu trời Thủ đô, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong trận 12 ngày đêm tháng 12/1972. (Ảnh: TTXVN)

Xuất bản ngày: 29/12/2022
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH-HỒNG VÂN
Thực hiện: BÔNG MAI
Nguồn tư liệu: Quân chủng Phòng không-Không quân, Bảo tàng Chiến thắng B-52, Báo Nhân Dân, Website Bộ Công an, sách Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (1930-2000)
Ảnh minh họa: TTXVN, Bảo tàng Chiến thắng B-52
*(Hình ảnh đồ họa trong bài viết mang tính chất minh họa)