Cuộc đời của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác là hình tượng cao đẹp về người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, sự tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Di sản về đạo đức, nhân cách, y học của Đại danh y để lại đã góp phần xây dựng nền y học nhân văn, lấy người bệnh làm trung tâm và trở thành kim chỉ nam cho nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam nói chung và ở Hà Tĩnh nói riêng tu dưỡng, rèn luyện.
Lê Hữu Trác (hiệu: Hải Thượng Lãn Ông), sinh ngày 10/11/1724, là con của Thị lang Bộ Công, Tiến sĩ Lê Hữu Mưu, người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) và bà Bùi Thị Thưởng, người làng Bàu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
Hiệu “Hải Thượng” của ông ghép từ chữ “Hải” của tên trấn Hải Dương quê cha, và chữ “Thượng” của tên làng Bàu Thượng quê mẹ. Lãn Ông có nghĩa là ông lười, người không ham danh lợi.
Ông mất ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (năm 1791). Linh mộ của Hải Thượng Lãn Ông được an táng tại chân núi Minh Từ, nhân dân thường gọi là “Rú Cồn dài”, nằm bên bờ suối chảy ra sông Ngàn Phố, thuộc xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đây cũng chính là quê ngoại của ông.
Ông không chỉ là một nhà y dược học vĩ đại mà còn là nhà thơ, nhà văn, nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc. Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc "Y thánh của Việt Nam". Cuộc đời và sự nghiệp của ông được kết tinh bởi tri thức uyên thâm, tư tưởng tiến bộ, đạo đức trong sáng, thể hiện qua những tác phẩm đồ sộ mà giá trị còn mãi đến ngày nay. Ông đã để lại cho hậu thế một kho tàng thư y học, một tấm gương sáng về y đạo, y đức, y lý, y thuật vô giá trong di sản văn hoá Việt Nam và được coi là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam.
Ngày 21/11/2023, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025”, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của danh y Hải thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác. Đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về những đóng góp của cá nhân danh y đối với xã hội, cộng đồng, nhất là tư tưởng nhân văn "sống vì mọi người" và tinh thần "học tập suốt đời", là những giá trị mà tổ chức đang thúc đẩy, đồng thời khẳng định những đóng góp to lớn của người Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội; sự lan tỏa tài năng, trí tuệ của người Việt Nam trên trường quốc tế.
HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG - NGỌN CỜ ĐỎ THẮM GIỮA Y TRƯỜNG
Triết lý đạo làm thầy và y đức cao quý
Cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông như một viên ngọc quý, càng mài càng thấy sáng. Hơn 40 năm ẩn cư, mặc dù tự nhận mình là “Lãn Ông” – ông già lười, nhưng thật sự đó là những năm tháng lao động, làm việc cần cù nhất, tâm huyết nhất và cũng đầy sức sáng tạo của Hải Thượng.
Ông phấn đấu không mệt mỏi để thực hiện điều tâm niệm cao cả của mình: “Tôi đã hiến thân cho nghề thuốc nên lúc nào cũng dồn hết khả năng trước thuật rộng rãi để dựng nên ngọn cờ đỏ thắm giữa y trường”.
Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của con người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình không được mưu lợi, kể công.
(Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác)
Ông luôn tâm niệm: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của con người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình không được mưu lợi, kể công” (1)
Tấm gương sáng về y đức được thể hiện ngay trong chín điều “Y huấn cách ngôn” ở phần đầu của bộ sách “Y tông tâm lĩnh” chứng tỏ ông rất chú trọng đến y đức. Đó chính là khuôn phép, nguyên tắc của người hành nghề y dược nhằm răn dạy người thầy thuốc vẫn còn nguyên giá trị đến hiện nay.
Người thầy thuốc chân chính cần tuân thủ tám chữ: “Nhân-Minh-Đức-Trí-Lượng-Thành-Khiêm-Cần” (tức là nhân ái, sáng suốt, đức độ, hiểu biết, rộng lượng, thành thực, khiêm tốn, cần cù), đồng thời tránh 8 tội: lười biếng, keo kiệt, tham lam, dối trá, dốt nát, bất nhân, hẹp hòi, thất đức.
Tâm niệm của ông: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật” (2) được thể hiện trong nhiều tập sách. Theo ông “nhân” là một đức tính cơ bản của người làm nghề y. Đức tính cơ bản ấy nên là điều kiện tiên quyết để vào nghề y: nếu không có lòng nhân, không biết quan tâm đến người khác thì không nên hành nghề y.
Ông luôn phê phán những người lợi dụng ngành y để trục lợi, lừa dối: “bắt bí người ta trong đêm mưa gió khó khăn... bệnh dễ thì trộ là bệnh khó, bệnh khó thì dọa là bệnh chết, dối mình để mưu cầu cho mình... Đối với kẻ giàu sang thì sốt sắng để mong được lợi; đối với người nghèo khó thì lạnh nhạt, thờ ơ...” (3)
Ông phàn nàn rằng: “Than ôi đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn, không thể tha thứ được”.
Có thể nói “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề y cứu sống người”, cũng có thể nói “không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”. (4)
Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề y cứu sống người”, cũng có thể nói “không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức.
(Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác)
Từ cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với thực tế xã hội, với những điều kiện đương thời của mình, Hải Thượng Lãn Ông còn để lại những giá trị lớn về tư tưởng. Ðó là quan điểm về cuộc sống, quyết tâm vứt bỏ “cái chí bon chen trong trường danh lợi” để theo đuổi chí hướng “Nghề y thiết thực lợi ích cho mình, giúp đỡ mọi người”. Bệnh là đối tượng số một. Bệnh nguy cần chữa trước, bệnh chưa nguy có thể để chậm lại sau, tuỳ trường hợp mà giải quyết kịp thời và chu đáo. Do xác định được đối tượng số một đó mà Lãn Ông đặt sang bên những điểm khác như giàu nghèo, quyền uy, định kiến, sở thích, thuật số…
9 Điều Y huấn cách ngôn của Hải thượng Lãn Ông:
1- Phàm người học thuốc, tất phải hiểu thấu lý luận đạo Nho, có thông lý luận đạo Nho thì học thuốc mới dễ. Khi có thời giờ nhàn rỗi, nên luôn luôn nghiên cứu các sách thuốc xưa nay. Luôn luôn phát huy biến hóa, thu nhập được vào Tâm, thấy rõ được ở mắt thì tự nhiên ứng vào việc làm mà không phạm sai lầm.
2- Được mời đi thăm bệnh: nên tùy bệnh cần kíp hay không mà sắp đặt đi thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hoặc nghèo hèn mà nơi đến trước chỗ tới sau hoặc bốc thuốc lại phân biệt hơn kém khi lòng mình có chỗ không thành thật, thì khó mong thu được kết quả.
3- Khi xem bệnh cho phụ nữ, góa phụ, ni cô... cần phải có người nhà bên cạnh mới bước vào phòng để thăm bệnh để tránh hết sự nghi ngờ. Dù cho đến con hát, nhà thổ cũng vậy, phải đứng đắn coi họ như con nhà tử tế, không nên đùa cợt mà mang tiếng bất chính, sẽ bị hậu quả về tà dâm.
4- Phàm thầy thuốc nên nghĩ đến việc giúp đỡ người, không nên tự ý cầu vui như mang rượu lên núi, chơi bời ngắm cảnh, vắng nhà chốc lát, lỡ có bệnh cấp cứu làm cho người ta sốt ruột mong chờ, nguy hại đến tính mạng con người. Vậy cần biết nhiệm vụ mình là quan trọng như thế nào.
5- Phàm gặp phải chứng bệnh nguy cấp, muốn hết sức mình để cứu chữa, tuy đó là lòng tốt, nhưng phải nói rõ cho gia đình người bệnh biết trước rồi mới cho thuốc. Lại có khi phải cho không cả thuốc, như thế thì người ta sẽ biết cảm phục mình. Nếu không khỏi bệnh cũng không có sự oán trách và tự mình cũng không hổ thẹn.
6- Phàm chuẩn bị thuốc thì nên mua giá cao để được loại tốt. Theo sách Lôi Công để bào chế và bảo quản thuốc cho cẩn Thận. Hoặc theo đúng từng phương mà bào chế, hoặc tùy bệnh mà gia giảm. Khi lập ra phương mới, phải phỏng theo ý nghĩa của người xưa, không nên tự lập ra những phương bữa bãi để thử bệnh. Thuốc sắc và thuốc tán nên có đủ. Thuốc hoàn và thuốc đơn nên chế sẳn. Có như thế mới ứng dụng được kịp thời, khi gặp bệnh khỏi phải bó tay.
7- Khi gặp bạn đồng nghiệp, cần khiêm tốn, hòa nhã, giữ gìn thái độ kính cẩn, không nên khinh nhờn. Người lớn tuổi hơn mình thì kính trọng; người học giỏi thì coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng; người kém mình thì dìu dắt họ. Giữ được lòng đức hậu như thế, sẽ đem lại nhiều hạnh phúc cho mình.
8- Khi đến xem bệnh ở những nhà nghèo túng hoặc những người mồ côi, góa bụa, hiếm hoi, càng nên chăm sóc đặc biệt. Vì những người giàu sang không lo không có người chữa, còn người nghèo hèn thì không đủ sức đón được thầy giỏi, vậy ta để tâm 1 chút họ sẽ được sống 1 đời. Còn như những người con thảo, vợ hiền, nghèo mà mắc bệnh, ngoài việc cho thuốc, lại còn tùy sức mình chu cấp cho họ nữa. Vì có thuốc mà không có ăn thì cũng vẫn đi đến chỗ chết. Cần phải cho họ được sống toàn diện mới đáng gọi là nhân thuật. Còn những kẻ vì chơi bời phóng đãng mà nghèo và mắc bệnh thì không đáng thương tiếc lắm.
9-Khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi, chớ có mưu cầu quà cáp vì những người nhận của người khác cho thường hay sinh ra nể nang, huống chi đối với những kẻ giàu sang, tính khí bất thường mà mình cầu cạnh, thường hay bị khinh rẻ. Còn việc tâng bốc cho người ta để cầu lợi thường hay sinh chuyện. Cho nên nghề thuốc là thanh cao, ta càng giữ khí tiết cho trong sạch. Tôi xét lời dạy bảo của các bậc tiên hiền về lòng tử tế và đức hàm dục, rèn luyện cho mình rất chặt chẽ và đầy đủ. Đạo làm thuốc là 1 nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người và vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi, kể công. Tuy không có sự báo ứng ngay nhưng để lại âm đức về sau. Phương ngôn có câu : "Ba đời làm thuốc có đức thì đời sau con cháu tất có người làm nên khanh tướng" đó phải chăng là do có công vun trồng từ trước chăng". Thường thấy người làm thuốc, hoặc nhân bệnh cha mẹ người ta ngặt nghèo hoặc bắt bí người ta lúc đêm tối, trời mưa, có bệnh nguy cấp: bệnh dễ chữa bảo là khó chữa, bệnh khó bảo là không trị được, giở lối quỷ quyệt đó để thỏa mãn yêu cầu, rắp tâm như thế là bất lương. Chữa cho nhà giàu thì tỏ tình sốt sắng, mong được lợi nhiều, chữa cho nhà nghèo thì ra ý lạnh nhạt, sống chết mặc bay. Than ôi! Đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng mua bán, như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn không thể tha thứ được!".
Đối với học trò, ông thường răn dậy: “Làm thầy thuốc mà không có lòng thương, giúp đỡ người khác làm hằng tâm, không nghiền ngẫm sâu sắc tìm cách cứu sống người mà chỉ chăm chăm kể lợi tính công, lấy của hại người thì còn khác gì bọn giặc cướp” (5).
Suốt đời, Hải Thượng Lãn Ông tận tụy với người bệnh, ngay cả khi bản thân đang mệt mỏi, ốm đau, đêm hôm mưa gió, đường sá xa xôi cách trở... ông đều đến tận nơi, xem bệnh cụ thể rồi mới cho phương thuốc, không kể là bệnh có thể lây lan hay bệnh dễ. Bệnh nặng cần mua thuốc tốt, ông sẵn sàng bỏ tiền để cứu bệnh nhân dù biết rằng sau này bệnh nhân có thể sẽ không hoàn trả. Ông luôn nghiêm khắc với bản thân mình, giữ tâm hồn luôn trong sáng, tôn trọng người bệnh.
Hải Thượng Lãn Ông là tấm gương về lòng cương trực, thanh cao, không màng công danh, phú quý, không xu nịnh kẻ giàu sang “Ngay cả khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi chớ có mưu cầu quà cáp, vì nhận quà của người ta thường sinh ra nể nang huống hồ đối với kẻ giàu sang tính khí thất thường, mình cầu cạnh dễ bị khinh thường. Nghề thuốc là thanh cao nên phải giữ phẩm chất cho trong sạch” (6) .
Đồng thời, ông luôn là người biết tự trọng, khiêm tốn học hỏi, không tự cao tự đại, luôn tôn trọng giúp đỡ đồng nghiệp.
Những cống hiến vĩ đại cho nền y học cổ truyền
Ngoài việc đề cao y đức, Hải Thượng Lãn Ông còn là người đầu tiên trong lịch sử Y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng Y thuật. Trong suốt cuộc đời làm thuốc của mình, ông đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và Y Dược cổ truyền Việt Nam. Ông đã để lại cho nền y học Việt Nam một di sản quý giá, bộ sách “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển khắc in vào năm 1885.
Trong tác phẩm đồ sộ này, Hải Thượng đã đúc kết tinh hoa y học cổ truyền Phương Ðông và y học cổ truyền Việt Nam, thông qua những kinh nghiệm thực tiễn phong phú của bản thân, xây dựng thành hệ thống toàn bộ Lý, Pháp, Phương, Dược của nền y học nước nhà.
Những trước tác mà đại danh y để lại chính là bộ giáo khoa kinh điển mẫu mực, góp phần đào tạo, bồi dưỡng về y đức, y đạo, y thuật cho các thầy thuốc đời sau. Trong đó, ông đã đề cập đến toàn bộ các vấn đề nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa, thương khoa, truyền nhiễm, cấp cứu, y đức, vệ sinh phòng bệnh, phương pháp nuôi dưỡng, chế biến các món ăn kể cả việc nuôi tằm dệt vải...
Ông đã thu thập tổng hợp 2.854 phương thuốc kinh nghiệm hay của các bậc tiền bối lưu truyền trong dân gian và phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc Nam. Ông cho rằng, muốn làm thầy thuốc giỏi phải học tập không ngừng. Ông tiếp thu kinh nghiệm của người xưa một cách có chọn lọc, linh hoạt, sáng tạo, không hề rập khuôn máy móc. Từ đó, ông có quan điểm về nhận định bệnh tật và phương pháp điều trị sáng tạo phù hợp với đặc điểm phong thổ, khí hậu và đặc điểm của con người Việt Nam.
Trong y học cổ truyền, việc không chỉ chữa trị mà còn phòng ngừa bệnh tật luôn được coi trọng. Lê Hữu Trác đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sức khỏe thông qua lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân bằng và điều hòa tinh thần.
Điều này cũng phù hợp với y học phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh thời đại ông, khi kiến thức y học còn nhiều hạn chế và việc phòng bệnh chưa được coi trọng đúng mức. Tư tưởng về y học dựa trên sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên của ông vẫn có giá trị đến ngày nay, trong cả y học hiện đại lẫn y học cổ truyền.
Về trước tác và truyền thụ, ông muốn “thâu tóm toàn bộ hàng trăm cuốn sách, đúc thành một pho để tiện xem, tiện đọc” và xem đây như là một yêu cầu của thời bấy giờ. Ông cũng rất thận trọng trong việc viết sách: “Tôi nghĩ việc trước thư lập ngôn không phải dễ. Ngạn ngữ có câu “cho thuốc không bằng cho phương”, vì thuốc chỉ cứu được một người, cho phương thì giúp đỡ người ta vô tận.
Về kế thừa và học tập, ông nêu cao tinh thần khổ học. Học có phương pháp, ông nói: “học được rộng, biết được nhiều điều xa lạ mà quy hẹp lại cho thật đơn giản và sát đúng mới là đặc sắc trong y thuật”. Giữa học và hành, ông khuyên phải có sự “biến thông linh hoạt”. Học với tinh thần suy nghĩ độc lập cao.
Góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc
Ngoài những cống hiến lớn lao trong y học, Lê Hữu Trác còn có đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Ông đã viết nhiều tác phẩm không chỉ về y học mà còn về văn hóa, xã hội và lịch sử.
"Thượng kinh ký sự", một trong những tác phẩm văn học quan trọng của ông, không chỉ là cuốn nhật ký ghi lại cuộc hành trình của ông từ Hương Sơn ra Thăng Long chữa bệnh cho hoàng gia mà còn là bức tranh sống động về xã hội, con người và văn hóa thời bấy giờ. Tác phẩm này đã góp phần mô tả những giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn cuối thời Lê-Trịnh.
Lê Hữu Trác cũng đóng góp vào việc xây dựng và phát triển ngôn ngữ y học cổ truyền bằng tiếng Việt, giúp phổ biến kiến thức y học đến với người dân rộng rãi hơn. Thay vì chỉ sử dụng các thuật ngữ y học cổ bằng tiếng Hán như nhiều thầy thuốc thời bấy giờ, ông đã sáng tạo nhiều thuật ngữ y học mới, dễ hiểu và phù hợp với người dân Việt Nam. Điều này không chỉ giúp y học cổ truyền phát triển mà còn làm giàu thêm ngôn ngữ và văn hóa dân tộc.
Tầm ảnh hưởng toàn cầu của tư tưởng y học và nhân đạo
UNESCO vinh danh Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới vì những giá trị mà ông để lại không chỉ giới hạn trong biên giới Việt Nam mà còn có ý nghĩa toàn cầu. Tư tưởng y học của ông, với trọng tâm là y đức và lòng nhân ái, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của y học cổ truyền không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các nước Á Đông. Hệ thống lý luận và phương pháp chữa bệnh của ông đã trở thành nguồn cảm hứng và tài liệu tham khảo quý giá cho nhiều thế hệ thầy thuốc ở khu vực và trên thế giới.
Tư tưởng của ông về việc chữa bệnh bằng lương tâm và trách nhiệm đã tạo nên một chuẩn mực đạo đức cho nghề y, không chỉ trong y học cổ truyền mà còn trong y học hiện đại.
Nhiều nguyên tắc mà ông đề ra, như việc cá nhân hóa điều trị cho từng bệnh nhân hay việc coi trọng phòng ngừa bệnh tật, vẫn được áp dụng rộng rãi và là cơ sở lý luận trong y học hiện đại. Điều này cho thấy sự vượt thời gian và không gian của những giá trị mà Lê Hữu Trác đã xây dựng và để lại cho hậu thế.
Việc UNESCO vinh danh ông là một sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp vượt bậc của ông trong cả lĩnh vực y học và văn hóa. Đây không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà còn là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với một con người đã cống hiến trọn đời cho sự phát triển của y học, văn hóa và nhân loại.
BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN CỦA HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG VỚI Y HỌC CỔ TRUYỀN TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY
Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông đã được Đảng, Chính phủ chú trọng. Tại Quyết định 2166/QĐ-Ttg, ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020 nêu: "Hiện đại hóa và phát triển mạnh y, dược cổ truyền trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; củng cố và phát triển tổ chức, mạng lưới y, dược cổ truyền. Xây dựng Đề án xây mới, nâng cấp và đầu tư thiết bị y tế cho các bệnh viện y dược cổ truyền theo hướng đa khoa y dược cổ truyền. Xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ sở đào tạo y dược cổ truyền; phát triển nuôi trồng dược liệu theo quy mô công nghiệp, sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên một cách hợp lý, bảo đảm lưu giữ, tái sinh và phát triển nguồn dược liệu; Bố trí y dược cổ truyền chủ trì hoặc cùng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng thuốc nam, thuốc dân gian, thuốc gia truyền để đưa vào sản xuất với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu".
Tại Quyết định 1893/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 nêu: “Y dược cổ truyền Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong hệ thống y tế, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Phát triển nền y dược cổ truyền là góp phần bảo tồn bản sắc, phát huy và phát triển một bộ phận văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần độc lập và tự cường của dân tộc Việt Nam. Tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền”.
Thực hiện đường lối chỉ đạo của Trung ương, trong thời gian qua, ngành y học cổ truyền cả nước đã không ngừng cũng cố và phát triển, góp phần tích cực cùng Ngành Y tế Việt Nam hoàn thành sư mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 68 bệnh viện y học cổ truyền tuyến tỉnh, Trung ương và có Trường đại học chuyên ngành Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam.
Các bệnh viện cơ bản đang được đầu tư và hoạt động theo hướng đa khoa y học cổ truyền. Ngành y học cổ truyền đang được hiện đại hóa với đội ngũ thầy thuốc được đào tạo cơ bản, chất lượng.
Các chế phẩm có nguồn gốc từ dược liệu ngày càng phong phú đa dạng, thuận tiện, dễ sử dụng sánh ngang với chế phẩm tân dược. Đây chính là sự kế thừa và phát triển những giá trị di sản quý báu trong nghề thuốc mà Đại danh y đã để lại, nó vừa phù hợp với đặc thù địa lý, khí hậu, con người Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của xã hội hiện đại.
NGÀNH Y TẾ HÀ TĨNH PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA ĐẠI DANH Y
Là quê hương của Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác, tỉnh Hà Tĩnh luôn xác định đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để phổ biến, phát triển tinh hoa y học cổ truyền Việt Nam kết hợp với y học hiện đại. Bên cạnh đẩy mạnh việc kế thừa và nhân rộng các bài thuốc quý của Đại danh y, Hà Tĩnh đã quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông, đặc biệt là việc phát huy giá trị y đức, y thuật của Đại danh y.
Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Nguyễn Minh Đức cho biết, phát huy giá trị y đức của Đại danh y cùng với việc thực hiện tư tưởng y đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, ngành Y tế Hà Tĩnh đã luôn “đoàn kết”, “thật thà”, “yêu thương người bệnh”, cụ thể hóa lời răn của Đại danh y và lời dạy của Bác Hồ thành những việc làm thiết thực, sáng tạo.
Vận dụng và thực hiện tốt bốn nguyên lý cơ bản của y đức bao gồm: Tôn trọng quyền tự quyết của người bệnh, có lòng nhân ái; không gây tổn hại cho người bệnh; bảo đảm công bằng và bốn nguyên lý cơ bản của y nghiệp đó là: Đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết, rèn luyện tay nghề và trau dồi kiến thức, tự điều chỉnh bản thân, có trách nhiệm với xã hội.
“Ngành đã thực hiện có hiệu quả Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người dân” gắn với việc xây dựng chuẩn mực đạo đức người cán bộ y tế Hà Tĩnh theo các tiêu chí “ba xây, ba chống và ba biết” và phát động thành phong trào thi đua.
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân cốt lõi để ngành Y tế Hà Tĩnh thực sự tạo được mối đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần dân chủ trong xây dựng và phát triển. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sáng “giỏi chuyên môn, giàu y đức”, gương “người tốt việt tốt”, những nghĩa cử cao đẹp của người thầy thuốc dành cho bệnh nhân.
Chỉ tính riêng phong trào hiến máu trong 5 năm gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có hơn 1.000 lượt cán bộ y tế hiến máu cứu sống người bệnh, trong đó có hàng chục người hiến máu từ 5 lần trở lên.
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Mai Hương, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh chia sẻ: Là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh trên quê hương của Đại danh y Lê Hữu Trác, đây vừa là niềm tự hào vừa là nỗi trăn trở làm sao có thể phát huy được hết những giá trị, những di sản quý báu mà Hải Thượng Lãn Ông đã để lại cho hậu thế. Vì thế, suốt nhiều năm qua, mỗi một cán bộ nhân viên bệnh viện luôn thầm nhuần y đức, y đạo, y thuật của Đại danh y, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với thực tiễn. Bệnh viện luôn lấy 9 Điều y huấn cách ngôn làm kim chỉ nam cho hành động.
Song song với việc học tập, phát huy di sản y đức của Đại danh y, để thiết thực Kỷ niệm 300 năm ngày sinh của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác, ngành Y tế Hà Tĩnh đã chỉ đạo triển khai xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hải Thượng Lãn Ông tại các cơ sở y tế, bao gồm các nội dung dựng tượng Hải Thượng Lãn Ông tại vườn hoa trong khuôn viên cơ sở y tế; xây dựng phòng truyền thống/phòng lưu niệm bổ sung tượng, ảnh chân dung Hải Thượng Lãn Ông, trưng bày các tư liệu, trước tác, di sản, đồng thời thiết kế, in ấn, gắn bia 9 điều y huấn cách ngôn và các lời răn của Đại danh y.
Không gian văn hóa Hải Thượng Lãn Ông là sự tri ân những công lao, cống hiến to lớn, là nơi lưu giữ, lan tỏa giá trị di sản của Đại danh y, đồng thời là nơi giáo dục, bồi đắp truyền thống lịch sử dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước. Mỗi một cán bộ nhân viên y tế khi đến dâng hương, tham quan, nghiên cứu tại không gian văn hóa Hải Thượng Lãn Ông càng thấm nhuần y đức, y đạo, y thuật của Đại danh y, từ đó để vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với thực tiễn trong quá trình hành nghề.
Hoạt động xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hải Thượng Lãn Ông đã được nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh triển khai gắn với việc xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp.
Điển hình trong xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hải Thượng Lãn Ông là các đơn vị: Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn, Trung tâm Y tế huyện Lộc Hà, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh, Trạm Y tế xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh), Trạm Y tế xã Sơn Kim I (huyện Hương Sơn),…
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Mai Hương, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh cho biết, thực hiện vai trò của một bệnh viện chuyên khoa tuyến, thời gian qua, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh đã ứng dụng và kết hợp y học hiện đại vào công tác khám, chữa bệnh nhưng vẫn giữ vững và phát huy thế mạnh của y học cổ truyền trong điều trị; xây dựng nhiều bài thuốc nam bằng nguồn dược liệu sẵn có trên địa bàn; qua đó làm phong phú các bài thuốc quý trong chữa bệnh nhằm thực hiện tốt phương châm “Nam dược trị nam nhân”.
Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm bệnh viện điều trị cho trên 10.000 lượt bệnh nhân nội trú, trong đó nhiều diện bệnh là thế mạnh của bệnh viện như: Điều trị di chứng tai biến mạch máu não, liệt do các nguyên nhân khác, bệnh lý xương khớp, thần kinh ngoại vi…
Bà Nguyễn Thị Đào, 78 tuổi (trú tại Đà Lạt) khi về quê ngoại thăm gia đình thì được người em giới thiệu đến điều trị bệnh xương khớp tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh. Bà Đào chia sẻ: Đến nay, sau 2 đợt điều trị 25 ngày bằng các phương pháp y học cổ truyền tại đây, sức khỏe của bà đã được cải thiện hơn rất nhiều. Bệnh viện không chỉ sạch sẽ, chuyên môn giỏi mà thái độ phục vụ cũng rất tận tâm, xứng danh “thầy thuốc là mẹ hiền”.
Theo chia sẻ của đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh, với phương châm “Phát triển nền y, dược cổ truyền kết hợp với y học hiện đại”, những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã có sự quan tâm đầu tư xây dựng mới và nâng cấp về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện đã được Cục Quản lý Dược công bố đủ tiêu chuẩn chế biến, bào chế vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền theo quy định của Bộ Y tế.
Kế thừa sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông, Bệnh viện đã sử dụng hơn 150 vị thuốc, bào chế hàng chục bài thuốc, sản xuất được các loại thuốc dưới dạng viên hoàn mềm, trà túi lọc, thuốc bột, thuốc bột xông hơi,…
Bệnh viện đồng thời hợp tác với Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh trong việc nghiên cứu, bào chế và ứng dụng các sản phẩm mới trong điều trị bệnh nhân di chứng tai biến mạch máu não, liệt do các nguyên nhân, bệnh lý xương khớp, thần kinh ngoại vi. Nhiều bài thuốc cổ phương được sử dụng có hiệu quả như Lục vị, Bát vị, Bổ trung ích khí, Thiên ma câu đằng ẩm, Độc hoạt tang ký sinh,…
Theo chia sẻ của Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Nguyễn Minh Đức, ngoài Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh là bệnh viện chuyên khoa hạng II với quy mô 160 giường bệnh, đến nay, hệ thống khám, chữa bệnh y dược học cổ truyền tỉnh Hà Tĩnh được củng cố, phát triển từ tuyến tỉnh đến tuyến xã.
Toàn tỉnh hiện có 17 bệnh viện/trung tâm y tế có khoa Y học cổ truyền; 79 phòng khám Y học cổ truyền tư nhân, 10 phòng khám đa khoa tư nhân có khoa y học cổ truyền, 31 cơ sở kinh doanh thuốc thành phẩm y học cổ truyền tư nhân; tuyến xã có 168/216 trạm y tế triển khai khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Tổng số cán bộ y tế trong lĩnh vực khám, chữa bệnh y học cổ truyền là 1.172 người, trong đó có 15 bác sĩ chuyên khoa II, 76 thạc sĩ/bác sĩ chuyên khoa I, 174 bác sĩ, 514 hội viên Hội Đông y bảo đảm đủ năng lực, trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh về y học cổ truyền cho nhân dân.
Qua tìm hiểu, được biết, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 13/13 địa phương cấp huyện xây dựng quy hoạch phát triển vùng nuôi trồng dược liệu với hơn 1.000 héc-ta để trồng các dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng như Kim tiền thảo, Mộc hoa trắng, Sâm bố chính, Mã đề, Ích mẫu, Diệp hạ châu, Xạ can,…; các trạm y tế đều có vườn thuốc nam với chủng loại trên 40 cây thuốc để chữa bệnh thông thường theo quy định của Bộ Y tế.
Tại huyện Hương Sơn, quê ngoại của Hải Thượng Lãn Ông đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch “Chăm sóc sức khỏe gắn với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Lê Hữu Trác - Danh nhân văn hóa thế giới” thành sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.
Huyện đã đầu tư, phát triển các vườn dược liệu trong quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (nhà thờ, khu mộ và tượng đài); tái hiện không gian phòng khám chữa bệnh, chế biến thuốc, cắt thuốc, bốc thuốc; giới thiệu các bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông; hình thành một số cơ sở khám chữa bệnh đông y, cơ sở cung cấp dịch vụ kết hợp với du lịch chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo các bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông.
Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông tại Hương Sơn đã trở thành sự kiện văn hóa tâm linh hấp dẫn thu hút du khách vào dịp mùa xuân hằng năm.
Giám đốc Công ty Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh (HADIPHAR) Lê Quốc Khánh cho biết, với nhà máy sản xuất đông dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, GLP, GSP, hàng năm, Công ty đã ký kết hợp tác với các địa phương trong tỉnh triển khai trồng, thu mua dược liệu để bào chế các sản phẩm. Nhờ nguồn nguyên liệu được nuôi trồng, thu hái tại địa phương theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của GACP-WHO và được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, nhiều sản phẩm đông dược của Hà Tĩnh được đánh giá cao về chất lượng, được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận, một số sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài; tiêu biểu như: Mộc hoa trắng, Hoàn xích hương, Viên ngậm thông phế HADIPHAR, Ích trí HADIPHAR, Viên nang Sâm nhung, Phong tê thấp HT,.... trong đó các sản phẩm Mộc hoa trắng, Hoàn Xích Hương, Phalintop và Sirnakarang được Bộ Y tế công nhận sản phẩm thuốc đạt danh hiệu "Ngôi sao thuốc Việt".
Kế thừa các phương thuốc cổ truyền của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, những năm qua, Hội Đông y Hà tĩnh đã vận động hội viên sưu tầm, nghiên cứu, ứng dụng nhiều bài thuốc hay, cây thuốc quý, phổ biến sử dụng trong nhân dân và đạt hiệu quả cao, tiêu biểu như các bài thuốc: Ngân kiều tán gia giảm, Sài hỗ sơ can thang gia giảm, Tiêu giao thang gia giảm, Kinh phòng bại độc tán gia giảm. Đặc biệt, bài thuốc "Ngân kiều tán gia giảm" điều trị hiệu quả cho hơn 20.000 bệnh nhân COVID -19...góp phần đắc lực trong quá trình hồi phục, chăm sóc sức khỏe cho người dân trong và ngoài địa bàn Hà Tĩnh.
Quần thể di tích Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990. (Ảnh: baohatinh.vn)
Quần thể di tích Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990. (Ảnh: baohatinh.vn)
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: NGÔ TUẤN, HOÀNG LINH ĐAN
Biên tập, trình bày: BIỆN DIỆU