![](./assets/SoEif9Bez3/hcm-voi-chien-dich-dbp-2560x1440.jpg)
Một trong những nhân tố quyết định làm nên chiến thắng trong Đông-Xuân 1953-1954, với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đó là sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, linh hồn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, người chỉ huy tối cao của chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức rất rõ mối quan hệ dân tộc và giai cấp, chính trị và quân sự, chiến tranh và hòa bình… đặc biệt là những nhân tố tạo nên sức mạnh quyết định thắng lợi kháng chiến cũng như của Chiến dịch Điện Biên Phủ, đó là: Đường lối chính trị và quân sự đúng đắn của Đảng; đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân và toàn diện; chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự đồng lòng và lòng tin của nhân dân…
Nhưng để những nhân tố ấy phát huy tạo thành sức mạnh chiến thắng kẻ thù thì phải có chủ trương, biện pháp cụ thể và cần có những con người - nhân dân, cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần, biết vận dụng sáng tạo vào trong thực tiễn quân sự. Vì vậy, Người cùng Trung ương Đảng nghiên cứu kỹ tình hình, âm mưu của địch và lực lượng quân sự của ta ở các chiến trường, nhất là ở Bắc Bộ để xác định chủ trương, giải pháp quân sự trong Thu-Đông 1953, đặc biệt là những việc cần làm để phá tan âm mưu mới của địch; đề ra kế hoạch hoạt động quân sự của ta... Đồng thời, tiếp tục tạo động lực vật chất, tinh thần để nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ta tin tưởng, phấn khởi, nỗ lực hiện thực hóa trong thực tiễn.
![](./assets/kdY82YMQ7w/chu-tich-ho-chi-minh-lam-viec-tai-an-toan-khu-dinh-hoa-thai-nguyen-trong-cuoc-khang-chien-chong-phap.-anh-ttxvn-1000x827.jpg)
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Pháp. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Pháp. (Ảnh: TTXVN)
Cuối tháng 9/1953, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp tại Định Hóa (Thái Nguyên) bàn về nhiệm vụ quân sự Đông-Xuân 1953-1954, kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Tổng Quân ủy phải có kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, sau đó phải có kế hoạch đẩy mạnh những hoạt động du kích ở đồng bằng Bắc Bộ. Về hướng hoạt động lấy tây bắc là hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng hoạt động thì có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa”.
Người chỉ đạo Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh trên cơ sở tư tưởng và phương hướng chiến lược cơ bản đã được Hội nghị lần thứ tư của Trung ương Đảng vạch ra, cần tiếp tục giữ vững quyền chủ động đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp trên phạm vi cả nước và phối hợp trên toàn Đông Dương để điều động các đơn vị chủ lực đánh địch ở những hướng chúng tương đối sơ hở, tiêu diệt nhiều sinh lực địch trong những điều kiện thuận lợi, buộc địch phải phân tán đối phó; trong khi đó thì đẩy mạnh chiến tranh du kích trên khắp các chiến trường sau lưng địch trên phạm vi cả nước...
![](./assets/SlrQrekXCZ/bh.3473_resize-1417x945.jpg)
Tháng 12/1953, tại chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Tháng 12/1953, tại chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Đặc biệt, trên chiến trường chính Bắc Bộ, sử dụng bộ đội chủ lực tiến công hướng tây bắc, tiêu diệt quân địch còn chiếm đóng Lai Châu, giải phóng hoàn toàn địa bàn hướng này; các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân giải phóng Pathét Lào mở cuộc tiến công vào vùng Trung Lào, tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng. Bố trí bí mật một bộ phận quan trọng bộ đội chủ lực tại một địa điểm cơ động sẵn sàng hành động khi địch tăng viện binh lên Tây Bắc để tiêu diệt sinh lực chúng.
Trong trường hợp địch đánh sâu vào một hướng nào đó của căn cứ địa Việt Bắc nhằm cắt đứt giao thông, tiếp tế, phá hoại các tuyến chi viện tiền tuyến và gây tổn thất cho vùng tự do của ta, buộc chủ lực ta ở Tây Bắc rút về thì phải tìm cách nhử địch vào thế trận bày sẵn của ta rồi sử dụng một bộ phận chủ lực tiêu diệt chúng. Ở đồng bằng cần đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch; củng cố và phát triển các căn cứ du kích, khu du kích, phối hợp đắc lực với các khu, tiêu diệt và tiêu hao một bộ phận sinh lực của địch khi chúng tiến ra vùng tự do.
![](./assets/TWSI52pNmY/dbp-web-02-4001x2251.jpg)
Ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, biến vùng lòng chảo Điện Biên thành một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có nhằm giăng cái bẫy thu hút, tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta hòng đi đến kết thúc chiến tranh có lợi cho Pháp.
Trước tình hình đó, Bộ Tổng tư lệnh nhận định “Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ cơ bản có lợi cho ta”, kịp thời nhận định lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta bám sát địch, điều tra tìm hiểu rõ ý định của địch, tuyên truyền, giải thích cho nhân dân và có kế hoạch bảo vệ tài sản nhân dân, động viên nhân dân phục vụ bộ đội diệt địch, trừ gian... Đồng thời, cùng Trung ương và Bộ Chính trị điều chỉnh phương án và thông qua kế hoạch tác chiến Đông-Xuân của Tổng Quân ủy để giành thắng lợi.
Ngày 6/12/1953, chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định tình hình chiến sự Đông-Xuân 1953-1954 và thống nhất quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, đòn quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được.
Trên cương vị thống soái tối cao, Người chỉ rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được”.
Để bảo đảm công tác chuẩn bị và chỉ huy chiến dịch, Người cùng Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận.
![](./assets/s94Cxt0IHf/bh.3513_resize-1417x970.jpg)
Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Hồ Chủ tịch trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Hồ Chủ tịch trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Để bảo đảm đầy đủ mọi nhu cầu cung cấp cho Chiến dịch, Người kêu gọi “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”; thành lập Hội đồng cung cấp Mặt trận do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị làm Chủ tịch; cử đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào Thanh Hóa là vùng tự do đông dân, nhiều gạo và đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng về chiến trường đồng bằng Liên khu 3 quen thuộc để phổ biến nhiệm vụ, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương này huy động nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đồng thời, Người cùng Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo các chiến trường trên khắp cả nước đẩy mạnh tiến công địch để chia lửa với mặt trận Điện Biên Phủ…
Khi đồng chí Võ Nguyên Giáp chào Người lên đường đi Chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau” và Người nhắc: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Chính nhờ sự tin tưởng cao độ của Người mà Đại tướng đã có một “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời làm tướng, đó là quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” thành “đánh chắc, tiến chắc”, và thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng minh tính đúng đắn của quyết định này.
Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh
Ngay từ trong quá trình chuẩn bị Chiến dịch, nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội, Người cùng Trung ương Đảng điều chỉnh, bố trí công tác cho một số vị trí cán bộ lực lượng vũ trang theo đề án Tổng Quân ủy trình; chỉ đạo các địa phương từ Bình Trị Thiên trở ra đẩy mạnh công tác tuyển thêm hơn 4 vạn quân mới để nâng tổng quân số của ta lên khoảng 23 vạn và tăng cường trang bị cho bộ đội.
Đặc biệt, trước tình hình bộ đội ta tuy đã trưởng thành một bước khá rõ rệt về chất lượng chính trị và quân sự, gây cho địch nhiều thiệt hại nhưng đã bộc lộ nhiều khuyết điểm lớn, Người cùng Trung ương Đảng chỉ thị Tổng Quân ủy tiến hành kế hoạch xây dựng quân đội theo nguyên tắc chủ lực thì phát triển bộ binh nhưng đồng thời phát triển thêm các binh chủng mới như pháo, cao xạ, công binh; tăng cường chất lượng bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương đi đôi với việc phát triển thêm số lượng, đẩy mạnh hoạt động của chủ lực và du kích chiến tranh sau lưng địch để giữ các cơ sở lực lượng vũ trang địa phương và chuẩn bị cho tổ chức thêm bộ đội chủ lực…
![](./assets/wP2KHWBefi/bk.1461_resize-1510x944.jpg)
Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. (Ảnh: TTXVN)
Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. (Ảnh: TTXVN)
Cùng với việc tiếp tục cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đẩy mạnh tác chiến trên các chiến trường kìm chân, phân hóa quân chủ lực địch không cho chúng chi viện cho chiến trường chính Bắc Bộ và Điện Biên Phủ, Người còn tập trung chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng các đoàn thể cách mạng, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, xây dựng quân đội.
Đẩy mạnh công cuộc cải cách ruộng đất, phát triển văn hóa, giáo dục và giác ngộ, giúp đỡ nông dân thi đua sản xuất. Tăng cường kỷ luật, sự giác ngộ chính trị, lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng trong cán bộ, chiến sĩ. Cải tiến công tác hằng ngày nhất là về lề lối làm việc, nắm và báo cáo tình hình, khắc phục các khuyết điểm của các tổ chức đảng và Chính phủ.
Đồng thời, dành nhiều tâm huyết giải quyết vấn đề giao thông, cầu đường là điều mà Người coi là công việc rất quan trọng, cũng là chiến dịch mà cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia là những người chiến sĩ.
Đối với những kẻ lầm đường theo giặc, Người chỉ đạo các đoàn thể cách mạng phải giải thích và kêu gọi họ quay về với Tổ quốc, làm cho họ tin tưởng rằng Chính phủ và đồng bào ta sẵn sàng khoan hồng với những người con biết cải tà quy chính.
![](./assets/pHGhYT97fj/anh-4-dsc_3069-1980x1320.jpg)
![](./assets/VQ4boj7AKe/anh-5-dsc_3088-1980x1320.jpg)
Mặc dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn dành thời gian chấn chỉnh cách viết, chỉ rõ do trình độ của đại đa số đồng bào ta lúc đó không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thì giờ của ta là dành cho đánh giặc, lao động, không cho phép xem lâu… nên việc viết phải ngắn, càng ngắn chừng nào càng tốt chừng ấy. Người cũng yêu cầu mỗi khi viết phải xác định rõ mục đích viết để làm gì? Viết cho ai? Viết cái gì? Trong viết, phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù thì viết mới đúng. Đặc biệt, để giáo dục, thức tỉnh người dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên về chế độ mới, về Đảng, về cuộc đấu tranh, về đường lối cách mạng và các tổ chức cách mạng; vấn đề giai cấp, phong kiến, tư bản, đế quốc chủ nghĩa và chế độ dân chủ, cách thực hiện dân chủ mới, chủ nghĩa xã hội và cộng sản… Người đã viết một tác phẩm lớn: Thường thức chính trị.
![](./assets/WJS8igWTbd/thuong-thuc-chinh-tri-1-1600x900.jpg)
Với tất cả những việc làm trên đây, Người đã góp phần phá bỏ nền tảng kinh tế, xã hội của chế độ cũ, đưa nhân dân lên làm chủ. Giúp người dân, đặc biệt là nông dân chiếm hơn 90% dân số lúc ấy nắm được đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ; nhận rõ Đảng, Chính phủ luôn luôn săn sóc đến lợi ích của họ và giúp họ nhận rõ nguồn gốc sự nghèo khổ, biết cách đấu tranh chống lại sự nghèo khổ, thức tỉnh lòng căm thù của họ đối với áp bức bóc lột.
Cũng thông qua việc Người làm mà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ta tin vào Người, đi theo Người. Mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, chiến sĩ có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, biết vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ. Ở bất kỳ địa vị nào, hoàn cảnh nào, dù làm việc to việc nhỏ, đều đoàn kết một lòng chung quanh Đảng, cách mạng, đem hết tinh thần, lực lượng phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Đồng thời, luôn tin tưởng vào lực lượng vô cùng to lớn của giai cấp, của nhân dân, vào tương lai vẻ vang của dân tộc, vào kháng chiến nhất định thắng lợi nhưng phải trường kỳ gian khổ tự lực cánh sinh, vào chính sách đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và của Chính phủ ta cũng như tin tưởng vào chính mình, luôn luôn cố gắng…
Nhờ có tinh thần ấy và luôn thấm nhuần tinh thần ấy, mỗi người dân, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ ta đã tìm ra cho mình chìa khóa để hiểu và giải quyết các vấn đề; để cố gắng cho xứng đáng là một chiến sĩ cách mạng, một người thợ xây dựng xã hội mới hạnh phúc và tự do, góp phần tạo nên lực lượng vô cùng to lớn và sức mạnh vô địch để đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc, đem đến cho người lính, người dân công, nhân dân yên tâm chiến đấu, phục vụ và là tinh thần, lực lượng, động lực, sức mạnh để Chiến dịch thắng lợi.
![](./assets/fvPNc4J6vn/bhdbp-1365x945.jpg)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một số đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một số đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc nhưng Người luôn sâu sát, tỉ mỉ, gần gũi với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ. Trong suốt quá trình diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, Người không chỉ cùng Đảng, Chính phủ, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch kịp thời đề ra những quyết sách mà còn luôn quan tâm, kịp thời chỉ đạo, động viên, hướng dẫn cán bộ, nhân dân, chiến sĩ ta về mọi việc.
Trong thư gửi cán bộ và chiến sĩ lên đường ra mặt trận, Người nhắc nhở “Thu-đông năm nay, các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào bị giặc đè nén... các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh... Bác và Chính phủ chờ tin thắng lợi để khen thưởng các chú”.
![](./assets/4ILGS9lTqL/bk.1508_resize-1417x971.jpg)
Các vị trí của địch trên đồi Him Lam bị trúng đạn pháo của ta đang bốc cháy, các vị trí trên đồi này đã bị tiêu diệt ngay trong ngày 13/3, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)
Các vị trí của địch trên đồi Him Lam bị trúng đạn pháo của ta đang bốc cháy, các vị trí trên đồi này đã bị tiêu diệt ngay trong ngày 13/3, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)
Sau chiến thắng Him Lam ngày 14/3/1954, Người có thư gửi cán bộ, chiến sĩ Điện Biên Phủ; tiếp đó, sau chiến thắng Đồi Độc Lập, ngày 15/3/1954, Người cùng Trung ương Đảng điện khen ngợi, động viên, cổ vũ và căn dặn cán bộ, chiến sĩ mặt trận, nhắc lại tầm quan trọng của chiến dịch này và tin tưởng cán bộ, chiến sĩ ta sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới: “Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang”; “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”. Người yêu cầu cán bộ và đảng viên ở các đơn vị, cơ quan và Mặt trận “phải nhận rõ vinh dự và trách nhiệm nặng nề trong Chiến dịch lịch sử này, đồng thời làm cho toàn thể chiến sĩ thấu triệt quyết tâm của Trung ương, tích cực phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng và chịu đựng gian khổ, giành toàn thắng cho Chiến dịch”; “phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”.
Ngày 8/5/1954, một ngày sau khi kết thúc Chiến dịch, Người có Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ. Trong thư, Người khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang nhưng không quên nhắc nhở: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”.
Sau đó, Người lại có bài thơ Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ để ghi nhận ý chí, quyết tâm, tinh thần chiến đấu, chiến thắng của quân và dân ta. Ngoài ra, Người còn viết nhiều bài báo, trả lời phỏng vấn nhiều tờ báo nước ngoài khẳng định thắng lợi tất yếu của chiến dịch và cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
![](./assets/5aDT8feTrc/bh.3114_resize-1417x1619.jpg)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ lập nhiều chiến công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ lập nhiều chiến công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Với chiến thắng Điện Biên Phủ “vang dội năm châu, chấn động địa cầu”, quân và dân ta đã giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương, mở ra giai đoạn cách mạng mới - tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc, đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội và góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại.
Trong chiến thắng đó và trong cả thắng lợi của sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đã đem đến cho đồng bào, chiến sĩ cả nước ta con đường đúng đắn, niềm tin sắt đá, sức mạnh phi thường để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ đi đến thắng lợi hoàn toàn, để “Quân ta vui hát khải hoàn ca”.
Sách xuất bản từ Hội thảo Khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954 - 7/5/2019)”
Nội dung: Đại tá, TS ĐỖ NGỌC TUYÊN
Trình bày: PHƯƠNG NAM