Năm 2022, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; trở thành điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn hơn khi kinh tế toàn cầu suy giảm.
Chuyên đề "Dự báo năm 2023" gồm chuỗi bài phỏng vấn lãnh đạo bộ, ngành, địa phương và chuyên gia các lĩnh vực, nhằm nhận diện thách thức, cơ hội, đồng thời gợi mở các giải pháp để Việt Nam tiếp tục vượt khó, bứt phá.

Hoạt động đầu tư kinh doanh năm 2022 ghi nhận những biến động chưa từng có với số liệu doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường tăng kỷ lục nhưng doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản cũng tăng rất cao. Trong bối cảnh đó, cần nuôi dưỡng và thúc đẩy tinh thần kinh doanh để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, tương xứng với vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Phóng viên Báo Nhân Dân điện tử đã trao đổi với Tiến sĩ Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam về vấn đề này.

Đã qua giai đoạn
doanh nghiệp phát triển dựa vào vốn

Phóng viên: Sau đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng về số lượng nhưng quy mô, tiềm lực tài chính và sức cạnh tranh có gì thay đổi, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Duy Bình: Sự gia tăng mạnh mẽ của doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong năm 2022 vừa qua cho thấy sức sống mãnh liệt của tinh thần kinh doanh. Với những cải cách mạnh mẽ của Luật Doanh nghiệp, tinh thần kinh doanh đã được nuôi dưỡng, động viên, thúc đẩy thành phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ trong cả nước những năm gần đây.

Nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó có kinh tế tư nhân đã tăng trưởng rất nhanh, từ 0,8 triệu tỷ đồng năm 2010 lên gần 29 triệu tỷ đồng năm 2021. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân đóng góp vô cùng lớn, tương ứng lần lượt là 0,3 triệu tỷ đồng và 1,7 triệu tỷ đồng.

Về hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR), năm 2010 khu vực kinh tế nhà nước cần 9,8 đồng để tạo ra 1 đồng GDP thì khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần sử dụng 4,3 đồng để tạo ra 1 đồng GDP. Con số này cho thấy trong vào thời gian này, khu vực tư nhân sử dụng vốn hiệu quả hơn.

Tuy nhiên xu hướng này đã đảo ngược trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Khu vực tư nhân hiện cần đến 23 để tạo ra 1 đồng GDP trong khi khu vực kinh tế nhà nước vẫn duy trì mức cũ. Sự suy giảm của hệ số ICOR đầu tư tư nhân trong hai năm vừa qua có thể là chỉ dấu báo hiệu thời kỳ gia tăng sản lượng chỉ bằng cách gia tăng nguồn vốn đầu tư đã qua. Trong giai đoạn mới, khu vực kinh tế tư nhân cần tìm kiếm các động lực khác để đóng góp cho gia tăng sản lượng, gia tăng tăng trưởng như công nghệ và nguồn nhân lực.

Hệ số ICOR kém đi của đầu tư tư nhân trong hai năm qua cũng có tác động của đại dịch Covid-19, của quy luật hiệu quả lợi nhuận cận biên giảm dần và cũng là điểm tới hạn của mô hình dựa chủ yếu vào đóng góp của yếu tố đầu vào là vốn mà không chú trọng tới các yếu tố khác.

Đồng thời cũng làm dấy lên câu hỏi liệu các nguồn vốn đầu tư tư nhân như đã đăng ký, thống kê đã thực sự đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra sản lượng và giá trị gia tăng cho nền kinh tế hay không; cách thức phân bổ, bơm vốn như thời gian qua đã hợp lý chưa, đã đến được các doanh nghiệp cần vốn nhất hay chưa.

Item 1 of 4

Phóng viên: Điều này có ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu phát triển 1,5 doanh nghiệp vào năm 2025, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Duy Bình: Đây là mục tiêu rất thách thức. Thời gian gần đây, mỗi năm cả nước có khoảng 120.000-130.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng tỷ lệ doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể lên đến khoảng 60% so với số doanh nghiệp mới. Vì vậy, muốn có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 thì mỗi năm phải có thêm ít nhất 400.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, gấp gần 3 lần tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp.

Hiện nay để nhà đầu tư bỏ vốn thành lập doanh nghiệp không khó nhưng để doanh nghiệp đó sống được và phát triển lâu dài là vấn đề còn rất nhiều việc phải làm.

Trong thực tế, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã chậm lại về số lượng và lao động từ trước khi có đại dịch Covid-19. Trong đại dịch, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn hơn, tỷ lệ doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng lên rất cao là vấn đề đáng phải lưu ý.

Tôi cho rằng đã đến lúc cần chú trọng đến mục tiêu phát triển doanh nghiệp đang hoạt động thay vì hướng đến mục tiêu là số lượng doanh nghiệp đăng ký mới. Cần có các cải cách mang tính đột phá trong Luật Doanh nghiệp, các luật về quản lý thuế, thuế và một số luật có liên quan nhằm hình thành một hình thức pháp lý phù hợp, một khung pháp lý thuận lợi, phù hợp với loại hình doanh nghiệp một chủ, doanh nghiệp cá thể.

Đây là biện pháp căn cơ để khuyến khích hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp và xa hơn là 2 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. 

Tôi cho rằng đã đến lúc cần chú trọng đến mục tiêu phát triển doanh nghiệp đang hoạt động thay vì hướng đến mục tiêu là số lượng doanh nghiệp đăng ký mới. Cần có các cải cách mang tính đột phá trong Luật Doanh nghiệp, các luật về quản lý thuế, thuế và một số luật có liên quan nhằm hình thành một hình thức pháp lý phù hợp, một khung pháp lý thuận lợi, phù hợp với loại hình doanh nghiệp một chủ, doanh nghiệp cá thể.
Tiến sĩ Lê Duy Bình

“Đón đại bàng”,
đừng quên
“dọn tổ cho chim sẻ”

Phóng viên: Ông đang đề cập đến một bài toán khó, vì vấn đề này từng được kỳ vọng sẽ có lời giải khi đề xuất đưa hộ kinh doanh vào luật khi Quốc hội sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2020?

Tiến sĩ Lê Duy Bình: Trong tỷ trọng đóng góp gần 40% vào GDP của kinh tế tư nhân thì 75% đến từ khu vực kinh tế tư nhân không chính thức, bao gồm khoảng 5,2 triệu hộ sản xuất, kinh doanh, cá nhân kinh doanh, thực thể kinh tế cá thể và gần 30 nghìn hợp tác xã. Mức đóng góp của khu vực chính thức với gần 900.000 doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 25%.

Kinh nghiệm cho thấy khó có thể có một khu vực kinh tế tư nhân có năng lực cạnh tranh cao với khả năng đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế nếu như phần lớn sản phẩm trong nước và việc làm của kinh tế tư nhân được tạo ra bởi khu vực không chính thức.

Cho nên, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp vẫn là hướng đi phù hợp và giúp tiệm cận dần tới mục tiêu phát triển doanh nghiệp bền vững. Vấn đề quan trọng là cách làm phải dựa trên thực tiễn hoạt động của các hộ kinh doanh cá thể. Nếu xuất phát từ ý chí muốn có số lượng doanh nghiệp nhiều lên để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, thì kết quả như chúng ta đã thấy là không thành công.

Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp vẫn là hướng đi phù hợp và giúp tiệm cận dần tới mục tiêu phát triển doanh nghiệp bền vững.
- Tiến sĩ Lê Duy Bình -

Hai đối tượng có tiềm năng nhất có thể chuyển đổi lên doanh nghiệp là các hộ kinh doanh cá thể và cá nhân kinh doanh. Đây chính là “dự bị” của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam.

Muốn chuyển đổi thành công hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp cần phải có các đề xuất thực sự hợp lý, thực sự phù hợp, được dựa trên bằng chứng, các nghiên cứu thực tế, số liệu thống kê, trên thực tiễn và khoa học pháp lý cũng như thông lệ quốc tế khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp để hình thành một khung khổ pháp lý thực sự phù hợp với hộ kinh doanh cá thể.

 Phóng viên: Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa ông?

 Tiến sĩ Lê Duy Bình: Để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh tham gia chính thức vào cộng đồng doanh nghiệp dưới ngôi nhà chung của Luật Doanh nghiệp, cần thay đổi mạnh mẽ tư duy sửa đổi Luật Doanh nghiệp và cải cách các quy định để hình thành loại hình doanh nghiệp một chủ, doanh nghiệp cá thể theo đúng bản chất.

Cần đổi mới hình thức “doanh nghiệp tư nhân” trong Luật Doanh nghiệp và trong các quy định pháp luật có liên quan nhằm hình thành một khung khổ pháp lý phù hợp cho hình thức doanh nghiệp một chủ hay cá nhân kinh doanh. 

Cụ thể, Luật Doanh nghiệp và các luật có liên quan cần tách bạch các quy định áp dụng với cá nhân kinh doanh và loại hình doanh nghiệp một chủ trong Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác. Việc đầu tiên cần làm là thay đổi thuật ngữ “doanh nghiệp tư nhân” trong Luật Doanh nghiệp thành doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ, nhằm phản ánh đúng hơn bản chất pháp lý của loại hình doanh nghiệp này. 

Bên cạnh đó, cần dành một chương riêng trong Luật Doanh nghiệp cho các doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ (sau khi đổi tên theo quy định mới). Trong đó quy định rõ khu vực doanh nghiệp này sẽ áp dụng các chế độ về kế toán, báo cáo tài chính theo các nguyên tắc đơn giản, chi phí thấp và các quy định pháp luật khác, phù hợp với bản chất của doanh nghiệp một chủ, thay vì họ phải tuân thủ toàn bộ các quy định giống như các công ty khác như hiện nay. 

Các quy định về quản lý thuế, mức thuế phải đóng cũng cần được điều chỉnh để sắc thuế, mức thuế đối với loại hình doanh nghiệp một chủ hay doanh nghiệp cá thể này sẽ gần giống như mức hộ kinh doanh cá thể phải đóng như hiện nay.

Họ sẽ không phải chịu cùng mức, sắc thuế hay chế độ quản lý thuế giống như các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có hàng chục thành viên, hàng trăm, hàng ngàn cổ đồng như quy định hiện nay. Bằng cách đó, chi phí tuân thủ quy định pháp luật, chi phí thuế của các hộ kinh doanh sau khi chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ không bị thay đổi quá nhiều so với mức họ đang chi trả hiện nay.   

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh tham gia chính thức vào cộng đồng doanh nghiệp dưới ngôi nhà chung của Luật Doanh nghiệp, cần thay đổi mạnh mẽ tư duy sửa đổi Luật Doanh nghiệp và cải cách các quy định để hình thành loại hình doanh nghiệp một chủ, doanh nghiệp cá thể theo đúng bản chất.
Tiến sĩ Lê Duy Bình

Phóng viên: Kinh tế tư nhân là “ngôi sao hy vọng” trong hành trình đến một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045 nhưng dường như cơ chế, chính sách cho khu vực kinh tế này vẫn kém thuận lợi so với khu vực kinh tế nhà nước và FDI, thưa ông?

 Tiến sĩ Lê Duy Bình: Thúc đẩy bởi khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, các nỗ lực nhằm “xây tổ đón đại bàng” thu hút nhà đầu tư chiến lược được đẩy mạnh triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước, giúp nền kinh tế thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thúc đẩy hình thành nhiều tập đoàn tư nhân lớn của đất nước.

Những kết quả đó có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế nhưng đồng thời cũng lấn át mối quan tâm đến “bầy chim sẻ” là cộng đồng doanh nghiệp trong nước gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, cá nhân kinh doanh. Hệ quả là khu vực kinh tế này rất khó tiếp cận đất đai, vay vốn tín dụng cũng như nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới để lớn lên.

Cần lưu ý rằng 98% doanh nghiệp tư nhân trên cả nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính khu vực này tạo ra hơn 90% số việc làm trong doanh nghiệp tư nhân và các tập đoàn lớn chỉ tạo ra 10% việc làm còn lại. Do đó, “xây tổ đón đại bàng” cũng đừng quên “dọn tổ cho bầy chim sẻ” bằng cách cải thiện môi trường kinh doanh, tạo khả năng tiếp cận bình đẳng hơn đến các nguồn lực cho doanh nghiệp trong nước phát triển.

Các giải pháp này cùng với việc nâng cao tính chính thức của kinh tế tư nhân sẽ đóng góp trực tiếp cho mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%... như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Khi đó, kinh tế tư nhân sẽ có đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng của nền kinh tế.

- Xin cảm ơn ông!

Ngày xuất bản: 5/1/2023
Chỉ đạo: NGỌC THANH - VIỆT ANH
Thực hiện: TÔ HÀ - KHÁNH GIANG
Trình bày: DIỆU THU