Dù Ban Cán sự Đảng Lai Châu mới thành lập (10/10/1949) và đi vào hoạt động chưa lâu, địa bàn lại ở vùng núi non hiểm trở, song ngay khi nhận Chỉ thị của Trung ương và Khu ủy Tây Bắc về việc chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Ban Cán sự Đảng tỉnh Lai Châu đã nhận rõ tầm quan trọng của chiến dịch, để từ đó quyết tâm cùng nhân dân góp sức thực hiện chiến dịch. 

Với trọng trách này, Ban Cán sự Đảng tỉnh xác định nhiệm vụ quan trọng là động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh với nỗ lực cao nhất góp phần cùng cả nước thực hiện bằng được quyết tâm của Đảng; công tác trọng tâm của tỉnh lúc này là phục vụ tiền tuyến, xây dựng vùng mới giải phóng và tăng gia sản xuất.

Thi hành chỉ thị “Chuẩn bị chiến trường” của Bộ Tư lệnh Khu Tây Bắc, Lai Châu đã thành lập Ban Chuẩn bị chiến trường cấp tỉnh và các huyện, với nhiệm vụ là đi sâu vào vùng địch hậu vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch.

Cụ thể, ở cấp tỉnh, Ban chuẩn bị chiến trường gồm 4 đồng chí: Trần Quốc Mạnh (Ban Cán sự Đảng tỉnh), Lê Tinh (bộ đội chủ lực E 148), Phạm Duy Tiến (Tỉnh đội dân quân), Lê Sinh (Bộ đội quân khu Tây Bắc); đồng chí Trần Quốc Mạnh được giao phụ trách Ban.

Thi hành chỉ thị “Chuẩn bị chiến trường” của Bộ Tư lệnh Khu Tây Bắc, Lai Châu đã thành lập Ban Chuẩn bị chiến trường cấp tỉnh và các huyện, với nhiệm vụ là đi sâu vào vùng địch hậu vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch.

Tại các huyện: Điện Biên, Tuần-Lai, Quỳnh-Hồ do các đồng chí phó ban cán sự đảng huyện phụ trách. Cụ thể, huyện Điện Biên do đồng chí Trần Đính; đồng chí Nguyễn Xuân Giảng phụ trách huyện Tuần-Lai; huyện Quỳnh-Hồ do đồng chí Dương Hữu Lưu phụ trách.

Số cán bộ, chiến sĩ được tỉnh điều động về tổ chức thành 9 tổ công tác, gồm: Điện Biên có 2 tổ; Sình Hồ có 3 tổ; thị trấn Lai Châu có 4 tổ. Ở hướng Điện Biên, các tổ công tác hoạt động tương đối thuận lợi, đã kết hợp tốt với E 148 gây dựng cơ sở ở 12 bản, huy động đủ lương thực phục vụ kháng chiến.

Ngày 2/1/1954, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy Tây Bắc, Hội nghị Đảng ủy Mặt trận Lai Châu được triệu tập. Trong số các nhiệm vụ được đề ra tại hội nghị, có nhiệm vụ vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất để có thêm nguồn lực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời chủ động đề phòng nạn đói tại địa phương.

Để có nguồn lương thực bảo đảm đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn, đồng thời có nguồn lương thực, thực phẩm góp cùng nhân dân cả nước thực hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 2/1954 tỉnh Lai Châu đã ra chỉ thị cho các huyện nhiệm vụ tiết kiệm, đẩy mạnh tăng gia sản xuất; vận động nhân dân không nấu rượu bằng gạo mà thay bằng sắn, chuối, hoa quả khác; chăn nuôi cũng không nên dùng lương thực mà tận dụng cây rừng, rau rừng; cán bộ các cơ quan, bộ đội thì ăn độn để làm gương cho nhân dân. Việc huy động dân công cũng phải tính toán cụ thể, tránh lãng phí nhân lực bởi lúc này nhân lực ưu tiên cao nhất cho nhiệm vụ tăng gia sản xuất.

Ở tỉnh, huyện phân công các đồng chí ủy viên Ban Cán sự theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tăng gia sản xuất; ở xã thì thành lập Ban tăng gia sản xuất gồm các trung kiên và thành phần tích cực trong các đoàn thể, có đại biểu của Ủy ban Kháng chiến hành chính xã tham gia.

Theo nhiệm vụ, cán bộ được phân công đã về từng bản, xã điều tra khả năng lương thực còn lại để vận động bà con cho Nhà nước vay phục vụ chiến dịch. Kết quả trong năm 1954, tỉnh đã thu được 2.476,787 tấn thóc; nhân dân các huyện: Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên, Thuận Châu đã cho Chính phủ vay 2.663,312 tấn gạo, đồng thời bán cho chính phủ 106,098 tấn thịt, 134,658 tấn rau. Ngoài ra, nhân dân Lai Châu còn góp sức chặt 25.070 cây gỗ lát đường, góp 147.524 ngày công phục vụ chiến trường. Riêng tuyến cung cấp Pa Nậm Cúm đã huy động được 3.000 dân công, 100 thuyền và 600 ngựa đi phục vụ chiến dịch.

Đồng bào các dân tộc Lai Châu tham gia tiếp lương tải đạn phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: Đảng ủy Lai Châu)

Đồng bào các dân tộc Lai Châu tham gia tiếp lương tải đạn phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: Đảng ủy Lai Châu)

Trước đòi hỏi cấp bách của chiến trường, Ban Cán sự Đảng Lai Châu đã đề ra chương trình, kế hoạch công tác, xác định nhiệm vụ của tỉnh lúc này là dồn lực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, gắn với xây dựng vùng mới giải phóng, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nhưng trọng tâm là phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ thể nhiệm vụ này, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã phân công các đồng chí ủy viên về từng huyện, xã trọng điểm để chỉ đạo phong trào, huy động nhân lực vật lực để phục vụ chiến dịch.

Theo chỉ đạo của tỉnh, các ngành: Công an, lương thực, y tế tuy mới thành lập, còn nhiều non yếu song đã gắng sức phục vụ chiến dịch với tinh thần quyết tâm cao nhất. Với ngành Công an, một mặt tăng cường đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phá hoại của địch song cũng đồng thời bảo đảm an toàn cho các cuộc hành quân, vận chuyển vũ khí, khí tài, lương thực, thực phẩm.

Ngành lương thực đã cùng bộ đội đi vận động nhân dân cho chính phủ tạm vay thóc gạo, thực phẩm, làm kho chứa lương thực để cung cấp cho bộ đội, dân công. Ngành y tế thì tổ chức các trạm quân y phục vụ dân công hỏa tuyến, để các đồng chí quân y chuyên phục vụ bộ đội, đảm nhiệm công tác tải thương ở tuyến 3 sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ.

Đoàn ngựa thồ vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ)

Đoàn ngựa thồ vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ)

Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” từ cuối năm 1953 đến suốt những ngày chuẩn bị, diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, khắp các địa phương trong tỉnh từ vùng thấp đến vùng cao, từ vùng tự do dến vùng mới giải phóng, đồng bào các dân tộc: Thái, H’Mông, Hà Nhì, Mảng Ư, Khơ Mú… đã nô nức tham gia tiếp lương tải đạn phục vụ chiến dịch.

Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao còn mang cả ngựa đi chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm nhiều tháng liền; nhiều người dù hết thời gian phục vụ theo quy định vẫn tình nguyện ở lại, ngày đêm cùng bộ đội lăn lộn trên khắp các tuyến đường. Ngay cả phụ nữ các dân tộc thiểu số-những người vốn chỉ quen với công việc quay sợi, dệt vải, nội trợ gia đình thế mà theo tiếng gọi của Đảng đã hăng hái lên đường, chẳng quản bom đạn, hy sinh vất vả mà gánh gạo, tải thương.

Đường vận chuyển trên sông Nậm Na cũng được khai thông. Dân công đã đóng được 11.600 bè gỗ, tổ chức vận chuyển được 1.700 tấn gạo. (Ảnh: TTXVN)

Đường vận chuyển trên sông Nậm Na cũng được khai thông. Dân công đã đóng được 11.600 bè gỗ, tổ chức vận chuyển được 1.700 tấn gạo. (Ảnh: TTXVN)

Để có đủ gạo cho bộ đội ăn no đánh thắng, những ngày ấy, khắp các bản làng vùng cao, vùng thấp hầu như cả ngày lẫn đêm đều rộn vang tiếng cối, tiếng chày phầm phập giã gạo suốt canh thâu. Trên tuyến đường sông Nậm Na chuyển tiếp lương thực, thực phẩm từ Phong Thổ về Lai Châu-Điện Biên Phủ, nhân dân và du kích địa phương ở hai bờ sông đã không quản ngại vất vả, ngày đêm đều dốc hết tâm trí cùng bộ đội và các đoàn vận tải phá gần 100 cái thác với hơn 100km đường sông được khai thông, bảo đảm an toàn cho hàng nghìn chuyến bè mảng vận chuyển lương thực, thực phẩm cung cấp cho mặt trận.

Ở huyện Điện Biên-nơi chiến trường diễn ra ác liệt, Ban cán sự Đảng tỉnh Lai Châu chủ trương phân huyện làm vùng ngoài (tức vùng giải phóng) và vùng địch chiếm đóng, đồng thời phân công từng đồng chí ủy viên phụ trách từng vùng để bảo đảm mọi chỉ đạo được kịp thời, thông suốt.

Trong vùng địch tạm chiếm, mặc dù đời sống của nhân dân vô cùng gian khổ, nhưng trước khi bị địch dồn về các nơi tập trung thì đồng bào đã đuổi gia súc, gia cầm vào rừng và báo cho bộ đội cứ bắt lấy nuôi quân chứ nhất định không để địch cướp. Phía tây huyện Điện Biên, khi cán bộ đến mua thóc thì đồng bào tự nguyện góp thóc để cho bộ đội ăn no đánh giặc; đồng bào dân tộc H’Mông ở vùng cao huyện Điện Biên đi bộ cả ngày để mang lợn về bán cho bộ đội. Nhiều ngày, bộ đội ta tiếp nhận từ nhân dân hàng trăm tấn gạo, tấn thịt.

Tuần Giáo là huyện nằm kề với mặt trận, có hệ thống giao thông huyết mạch để vận chuyển hậu cần, vũ khí, lương thực vào “tuyến lửa”. Được giao nhiệm vụ đón tiếp các đoàn dân công từ Pa Nậm Cúm, Sình Hồ, Mường Lay qua lại, chỉ với các phương tiện thô sơ, nhưng dân công Tuần Giáo đã đón và gánh tiếp lương thực, thực phẩm đến các địa điểm quy định, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng Lai Châu, đồng bào và nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp cho chiến dịch Điện Biên Phủ 2.666 tấn gạo (vượt 64 tấn); 226 tấn thịt (vượt 43 tấn); 210 tấn rau xanh. Lai Châu cũng huy động được 16.972 dân công (bằng 568.139 ngày công), 348 ngựa thồ, 62 thuyền, hàng trăm mảng, góp 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đôi vượt qua. Những cân gạo, thịt, rau được huy động tại các huyện trong tỉnh Lai Châu-nơi chiến dịch diễn ra ác liệt, đã góp phần quan trọng trong bảo đảm lương thực, tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội ta chiến đấu và chiến thắng. Dẫu biết là, so với sự đóng góp của nhân dân cả nước cho chiến dịch Điện Biên Phủ thì đóng góp của nhân dân Lai Châu còn nhỏ bé, nhưng đó là sự cố gắng vượt bậc của Ban Cán sự Đảng tỉnh và đồng bào các dân tộc Lai Châu.

Bởi thế, tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn tỉnh Lai Châu ngày đó có 700 cá nhân xuất sắc, 9 xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương và Khu ủy Tây Bắc tặng Bằng khen có thành tích phục vụ chiến dịch.

Tỉnh Lai Châu có 700 cá nhân xuất sắc, 9 xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương và Khu ủy Tây Bắc tặng Bằng khen có thành tích phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày nay, khi chiến dịch Điện Biên Phủ đã đi qua 70 năm, nhưng các tập thể, cá nhân được khen thưởng có đóng góp phục vụ chiến dịch vẫn luôn là những điển hình để nhân dân các dân tộc 2 tỉnh Điện Biên, Lai Châu soi rọi, học tập và làm theo. Đó là bài học về tinh thần đoàn kết, cống hiến, không quản ngại gian khổ cùng góp sức thực hiện công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng mà các thế hệ cha anh đã cống hiến dựng xây…

Nội dung: LÊ LAN
Trình bày: PHƯƠNG NAM