Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng hiện nay diễn ra ngày càng tinh vi và nhắm vào nhiều nhóm đối tượng khác nhau, từ người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, đến công nhân, nhân viên văn phòng… thông qua phương thức chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản. Báo Nhân Dân xin giới thiệu đến bạn đọc thông tin về 24 hình thức lừa đảo trực tuyến do Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố, nhằm giúp bạn đọc nhận biết các dấu hiệu, đối tượng nhắm đến và biện pháp phòng tránh cho từng chiêu thức lừa đảo này.

Đánh vào tâm lý hoang mang của những người vừa bị lừa đảo qua mạng, kẻ xấu lại cung cấp dịch vụ lấy lại tiền bị lừa để tiếp tục chiếm đoạt tài sản nạn nhân.

Gần đây không chỉ nở rộ các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội, mà còn có hình thức "thừa nước đục thả câu", đánh vào tâm lý hoang mang của những người vừa bị mất tiền. Các đối tượng xấu đã đóng vai luật sư, nhân viên ngân hàng, kỹ sư công nghệ thông tin...cung cấp "dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa" nhưng thực chất là để đưa nạn nhân "vào tròng" thêm một lần nữa.

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT

Nghiên cứu danh tính để giả mạo

Các đối tượng lừa đảo sẽ tìm kiếm những cá nhân hoặc tổ chức có danh tiếng thật và đáng tin cậy để thu thập thông tin.

Tạo một nhân vật giả trên danh tính thu thập

Trên nền những thông tin thu thập, các đối tượng lừa đảo xây dựng một nhân vật tin tưởng và đáng tin cậy thông qua việc tạo các hồ sơ giả, trang web giả hoặc tài liệu giả.

Thiết lập liên lạc

Các đối tượng lừa đảo tiếp cận nạn nhân hoặc những người liên quan dưới danh tính giả đã được xây dựng. Sau đó các đối tượng lừa đảo sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý để thuyết phục và xây dựng lòng tin của nạn nhân.

Trình bày cơ hội

Các đối tượng lừa đảo thuyết phục nạn nhân rằng họ có khả năng khôi phục lại số tiền đã mất thông qua việc đề cao khả năng chuyên môn, mối quan hệ hoặc phương pháp độc quyền mà nạn nhân là ứng cử viên lý tưởng cho nhiệm vụ này.

Yêu cầu thanh toán

Sau khi nạn nhân tin tưởng vào khả năng, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu thanh toán dưới dạng phí xử lý, phí pháp lý, hoặc bất kỳ lý do hợp lý nào khác.

Tạo tình huống xử lý giả để giục nạn nhân thanh toán

Nêu nạn nhân vẫn chưa chuyển tiền, các đối tượng lừa đảo tiếp tục giả mạo, cung cấp thông tin đang cập nhật, xử lý tình huống cho nạn nhân qua đó thúc giục nạn nhận chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.

BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH

Không chuyển tiền ngay lập tức

Hãy luôn kiểm tra và xác nhận rõ ràng nguồn gốc và mục đích của giao dịch chuyển tiền trước khi thực hiện. Không chuyển tiền dựa trên các yêu cầu đột xuất, không xác định hoặc không rõ ràng.

Kiểm tra thông tin chuyển khoản

Kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến người nhận và số tài khoản trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền. So sánh thông tin với nguồn tin chính thức hoặc thông qua ngân hàng chủ quản để đảm bảo tính xác thực.

Xác minh danh tính

Khi bạn nhận được cuộc gọi, tin nhắn hoặc yêu cầu thông tin cá nhân qua điện thoại, hãy xác minh danh tính của người gọi bằng cách yêu cầu thông tin địa chỉ, số điện thoại liên hệ hoặc liên lạc lại qua một kênh tin cậy khác.

Báo cáo sự việc

Nếu bạn nghi ngờ hoặc trở thành nạn nhân của lừa đảo chuyển nhầm tiền, giả danh thu hồi nợ, hãy ngay lập tức báo cáo sự việc cho cơ quan chức năng, như cảnh sát hoặc ngân hàng, để họ tiến hành điều tra và cung cấp sự hỗ trợ.

Bảo vệ thông tin tài chính cá nhân

Luôn luôn giữ cảnh giác và không đồng ý thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào mà không có đầy đủ thông tin và xác minh. Bảo vệ thông tin tài chính cá nhân của bạn và tìm hiểu thêm về các hình thức lừa đảo phổ biến để tránh trở thành nạn nhân.

Đồ họa:
HÀ ANH