Phát biểu tại nhiều sự kiện lớn trong nước và quốc tế thời gian gần đây, đặc biệt là trong bài viết rất quan trọng với nhan đề “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.
Bài viết “Chống lãng phí” của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm như một lời hiệu triệu, một hiệu lệnh “tuyên chiến” của Đảng với những chủ thể đã và đang gây ra lãng phí cho đất nước, cho dân tộc. Vì vậy, trong chuyên đề này, Báo Nhân Dân sẽ cùng bạn đọc phân tích, luận giải về một số thực trạng, nguyên nhân và giải pháp đối với “hiệu lệnh” phòng, chống lãng phí; góp phần tích cực cùng với hệ thống báo chí cả nước trong việc tuyên truyền, cụ thể hóa quyết tâm trong đường lối, chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trước cơ hội lịch sử đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bài 3:
Luận giải một số “gốc rễ” của lãng phí
Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra rằng, ngoài những nguyên nhân dẫn đến từng dạng thức lãng phí, còn do thực thi các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về phòng, chống lãng phí trong thực tế vẫn còn hạn chế; hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; xử lý lãng phí chưa được đề cao, thường gắn với xử lý tham nhũng như hệ lụy kéo theo…
Việc thực thi các văn bản pháp luật về phòng, chống lãng phí trong thực tế vẫn còn hạn chế
Đánh giá rất cao khẳng định này của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội) dẫn chứng thêm, nhiều Luật chúng ta xây dựng có chất lượng rất cao, áp dụng trong thực tế rất tốt, xử lý rất nghiêm như Luật Phòng, chống tham nhũng và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thời gian qua với việc đưa ra điều tra, truy tố, xét xử hàng chục vụ đại án với số tiền chiếm đoạt, thất thoát lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Viết Chức, trong khi đó, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa có chế tài xử lý nghiêm. Cùng với đó, việc áp dụng, thực thi Luật này trong thực tế vẫn còn nhiều hạn chế khiến công tác phòng, chống lãng phí trong thời gian qua chưa đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024 mới đây), thay mặt cơ quan thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của Chính phủ, đồng chí Lê Quang Mạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác tiết kiệm, chống lãng phí còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Theo đó, về công tác hoàn thiện thể chế, chỉ đạo, điều hành: Công tác hoàn thiện thể chế còn có những tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục. Một số Bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh tiếp tục diễn ra. Tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2023 cho thấy, kiến nghị sau giám sát của các cơ quan của Quốc hội chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ: Một số quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ không còn phù hợp với thực tế, chậm được sửa đổi, bổ sung; tình trạng vi phạm các định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn xảy ra tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đổi mới, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập chưa kịp thời. Một số quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ chưa rõ ràng, không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước: Tình trạng chậm phân bổ ngân sách, đặc biệt là phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 đến gần cuối năm mới được thực hiện. Chi chuyển nguồn còn lớn, chậm được khắc phục, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại một số Bộ, ngành, địa phương chậm do nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra trong các báo cáo, trong nhiều năm vừa qua, nhưng chưa có giải pháp kiên quyết và biện pháp khắc phục triệt để, hữu hiệu. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cho thấy 91/115 Bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả nước, có đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn.
Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục chậm, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình; tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương nhất là kinh phí sự nghiệp thấp. Trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, có một số mục tiêu chưa đạt yêu cầu; đến 31/01/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình mới đạt bằng khoảng 59% kế hoạch vốn.
Mặc dù công tác quản lý thuế đã được tăng cường, song vẫn còn bất cập; tình trạng gian lận, trốn thuế còn lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử; tình hình nợ đọng thuế có xu hướng tăng so với năm 2022.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công: Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công chưa đầy đủ; còn nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước; công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm; còn tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương để hoang hóa, lãng phí; việc xử lý, sắp xếp sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập, nhất là tại các huyện, xã khu vực miền núi còn lãng phí do thiếu cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên: Kết quả xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu đất đai không đạt tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất tại một số địa phương còn chậm; việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu; chất lượng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương chưa cao.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước: Tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến trì trệ, kém hiệu quả trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước ở một số cơ quan, tổ chức mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng chậm được khắc phục.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp: Công tác cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ chậm.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, bà Vũ Thanh Hồng – Tổ trưởng Tổ dân phố số 7, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội bày tỏ: “Những người dân như chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi sau khi được đọc bài viết “Chống lãng phí” của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm. Đọc xong bài viết, chúng tôi thấy được quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh, “tuyên chiến” với vấn nạn lãng phí. Chúng tôi thấy hiện nay, lãng phí đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Nhiều dự án, công trình để hoang hóa trong khi nhiều phường, nhiều quận thì thiếu trường, thiếu lớp học, các cháu phải thay nhau học luân phiên cả ngày thứ 7, rất vất vả cho cả nhà trường, thầy cô, học sinh và phụ huynh. Vì vậy, chúng tôi rất phấn khởi, ủng hộ và mong muốn Đảng và Nhà nước đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống lãng phí để góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển, người dân chúng tôi được thụ hưởng nhiều dịch vụ tốt hơn như vấn đề học tập của các cháu, vấn đề khám bệnh, chữa bệnh, giá thuốc, bảo hiểm y tế... để chúng tôi yên tâm hơn”.
Xử lý lãng phí chưa được đề cao
Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí đó chính là vấn đề xử lý lãng phí chưa được đề cao, thường gắn với xử lý tham nhũng như hệ lụy kéo theo.
“Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, tổng số vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí đã kết luận điều tra là gần 1.300 vụ, trong đó đã đưa ra xét xử khoảng 1.100 vụ. Tổng giá trị thiệt hại tại các vụ án này khoảng 31.800 tỷ đồng, trong đó tại địa phương 19.500 tỷ đồng, trung ương là 12.300 tỷ đồng. Số tiền đã được thu hồi gần 26.500 tỷ đồng. Thông qua điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, các cơ quan khối Tư pháp đã phát hiện những sơ hở trong quản lý kinh tế, từ đó tham mưu, kiến nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục, chấn chỉnh. Các lĩnh vực chủ yếu gồm giao thông, xây dựng, mua sắm đầu tư các trang, thiết bị y tế, giáo dục, cho vay ngân hàng, lĩnh vực thuế, trục lợi bảo hiểm xã hội...”.
Quan điểm chỉ đạo này của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là minh chứng rất rõ nét cho việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kế thừa, nâng tầm mức và cụ thể hóa quan điểm của Người, tư tưởng của Đảng vào trong lý luận, đường lối chỉ đạo, tiến tới thể chế hóa một cách bài bản, chặt chẽ và nghiêm khắc hơn trong luật để phục vụ cho công cuộc phòng, chống lãng phí.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý khi Bác coi lãng phí là có tội với đất nước và Nhân dân. Vì vậy, Bác yêu cầu cán bộ phải “chống tham ô, lãng phí, quan liêu”.
Theo TS Nhị Lê – nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, thực tế đang cho thấy, lãng phí là cái “ô” để tham nhũng núp bóng và là “lô cốt” để tham nhũng cố thủ và tiêu cực len lỏi, hoành hành.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, lãng phí được hiểu là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên khác của quốc gia một cách không hiệu quả.
Cùng với đó, đối với các lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ấn định thì lãng phí được hiểu là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước và các nguồn tài nguyên khác mà vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định.
Khi người lãng phí chủ ý mưu lợi cá nhân (sĩ diện hoặc lợi dụng lãng phí để tham nhũng) thì rất tinh vi và không kém nguy hại bởi đổ cho lãng phí, họ sẽ “biển thủ” ngân sách quốc gia, không thể tính hết được
TS Nhị Lê cho biết, theo nghĩa đó, dưới góc độ quản trị xã hội, lãng phí - một “khuyết tật” trong quản lý, có mối liên hệ tự nhiên với tham nhũng và tiêu cực. Đặc biệt, trong quản lý công (trong hệ thống chính trị), lãng phí là một hiện tượng khá phổ biến, diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực của hoạt động quản lý.
“Khi người lãng phí chủ ý mưu lợi cá nhân (sĩ diện hoặc lợi dụng lãng phí để tham nhũng) thì rất tinh vi và không kém nguy hại bởi đổ cho lãng phí, họ sẽ “biển thủ” ngân sách quốc gia, không thể tính hết được” – TS Nhị Lê nhìn nhận.
“Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, hàng trăm dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, gây thất thoát, lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư (tổng hợp chưa đầy đủ của các bộ ngành, địa phương). Hơn 3.000 dự án có thất thoát, lãng phí. Trong đó, năm 2016 là 590 dự án, 2017 (840), năm 2018 (422), năm 2019 (125), năm 2020 (923) và 2021 (185).
Cùng với đó, hàng nghìn dự án chậm tiến độ và xu hướng tăng dần qua các năm; hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn, trọng điểm đều chậm tiến độ. Điển hình là dự án tuyến đường sắt đoạn Nhổn - ga Hà Nội; tuyến đường sắt số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên; tuyến đường sắt số 2 Bến Thành - Tham Lương...”.
Một trong số những thủ đoạn mà các chủ thể tham nhũng thường nhắm tới đó là núp bóng vào sự thất thoát, lãng phí. Rất nhiều vụ, việc tham nhũng được xét xử đã qua đều cho thấy, mục đích của tội phạm là lấy tiền của công làm tài sản riêng cho bản thân hay nhóm người, nhưng được ẩn náu vào chi phí công hoặc mượn cớ thất thoát, lãng phí, thậm chí đổ vào các lý do bất khả kháng như thiên tai, động đất, hỏa hoạn… để “đục khoét” ngân sách Nhà nước.
“Điều đáng nói, sự giả dối, lừa lọc, xảo trá nảy nòi, và đây là sự băng hoại về đạo đức. Từ sự tiêu cực, núp vào lá bài lãng phí đến “âm mưu” lãng phí, lợi dụng khe hở kỷ luật, pháp luật và đi tới tham nhũng chỉ là một bước chuyển ngắn, thậm chí rất ngắn và hậu quả khôn lường. Đây là một trong những “lỗ hổng” tuyệt đối, cần phải tiếp tục nhận diện và bịt kín” – TS Nhị Lê kiến nghị.
"Chắc chắn rằng, công cuộc phòng, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước ta tới đây sẽ ở một tầm mức mới".
Có thể nói, muốn công tác phòng, chống lãng phí đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu lực, hiệu quả, trước tiên, chúng ta cần phải nghiêm túc nhận diện, nghiên cứu phân tích nguyên nhân và đề ra được các giải pháp căn cơ, bài bản. Thật may mắn, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước của Đảng, đặc biệt là trong thời gian gần đây, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã cụ thể hóa, công khai một cách rõ ràng những giải pháp quyết liệt mà Đảng, Nhà nước ta sẽ triển khai trong thời gian tới đối với công tác phòng, chống lãng phí, trong đó nhấn mạnh việc chú trọng thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Đảng đã có đường lối, quyết tâm và giải pháp tổng thể, bài bản, khoa học như vậy, chắc chắn rằng, công cuộc phòng, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước ta tới đây sẽ ở một tầm mức mới, góp phần quan trọng cùng với kết quả thực hiện các nhiệm vụ khác, quyết tâm đưa đất nước ta vượt qua khó khăn, trở ngại, khơi thông các nguồn lực, nắm lấy cơ hội, sẵn sàng tâm thế bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
NGÀY XUẤT BẢN: 30/10/2024
TỔ CHỨC THỰC HIỆN: KIM PHƯƠNG BÌNH
NỘI DUNG: TRỊNH MAI ANH - VŨ CẢNH
ẢNH: VŨ CẢNH, BÁO NHÂN DÂN, BÁO THANH TRA, TTXVN, BÁO ĐIỆN TỬ TỔ QUỐC
TRÌNH BÀY: HOÀI THU