Ngày 4/11, vượt qua hơn 1.000 hồ sơ và nhiều vòng thẩm định khắt khe, hai nền tảng số của MISA đã được công nhận là sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024. Đây là dấu mốc mới của Công ty Cổ phần MISA trên hành trình sáng tạo những giải pháp số đột phá, góp phần xây dựng nền kinh tế số vững mạnh và sự phồn thịnh cho đất nước.
KHỞI NGUỒN TỪ KHÁT VỌNG "PHỤNG SỰ XÃ HỘI"
Năm 1994, khi việc tin học hóa còn rất mới mẻ tại Việt Nam, MISA đã ấp ủ giấc mơ tạo ra những sản phẩm phần mềm hữu ích cho xã hội, bắt đầu từ ước mơ khởi nghiệp của hai nhà sáng lập là ông Lữ Thành Long và ông Nguyễn Xuân Hoàng. Hai chàng sinh viên công nghệ khi ấy đã có cùng quyết tâm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin với khát vọng duy nhất là làm ra những sản phẩm phần mềm hữu ích cho xã hội. Khát vọng ấy đã thổi bùng ngọn lửa đam mê, trở thành nguồn cảm hứng để MISA kiên định theo đuổi sứ mệnh: Phụng sự xã hội. Chính sứ mệnh này đã trở thành động lực mạnh mẽ, giúp MISA vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu công nghệ thông tin trong nước, khai phá cho thị trường phần mềm đóng gói tại Việt Nam.
Khởi nguồn từ khát khao phụng sự, phải phục vụ được cho số đông, MISA đặt mục tiêu tạo ra những sản phẩm phổ biến, được cộng đồng đón nhận rộng rãi. Bằng việc chọn phần mềm kế toán là công cụ thiết yếu cho mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, MISA đã đặt nền móng vững chắc cho những sản phẩm mang thương hiệu MISA ra đời.
Sau 3 thập kỷ phát triển, MISA đã không ngừng đổi mới sáng tạo để cung cấp các giải pháp công nghệ Make in Vietnam trên cả 3 trụ cột Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, đóng góp vào công cuộc kết nối và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia toàn diện; đồng thời, phục vụ cho 350.000 khách hàng tổ chức, doanh nghiệp và 3,5 triệu khách hàng cá nhân, hỗ trợ giải quyết các bài toán về tài chính-kế toán và quản trị trong nước.
Sau 3 thập kỷ phát triển, MISA đã không ngừng đổi mới sáng tạo để cung cấp các giải pháp công nghệ Make in Vietnam trên cả 3 trụ cột Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, đóng góp vào công cuộc kết nối và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia toàn diện.
… ĐẾN CHIẾN LƯỢC DÀI HƠI, TẬP TRUNG VÀO NHU CẦU VÀ TRẢI NGHIỆM NGƯỜI DÙNG
Nhìn lại hành trình 30 năm đã qua, ông Lê Hồng Quang – Tổng Giám đốc MISA đúc kết bí quyết thành công với 3 chiến lược chính:
Thứ nhất, MISA chủ trương làm phần mềm đóng gói để phục vụ được cho thị trường lớn, tức là nỗ lực để tạo ra duy nhất một bản phần mềm. Sản phẩm khi đã chạy cho hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp, tổ chức thì tính ổn định rất cao. Nếu không tốt thì không thể chạy cùng lúc cho hàng trăm ngàn khách hàng được. Đấy chính là điểm khó mà các công ty khác không dễ gì làm được. MISA luôn ý thức về việc làm ứng dụng cho hàng trăm ngàn khách hàng, thậm chí hàng triệu người truy cập cùng lúc, do đó công ty đã xây dựng một quá trình sản xuất và kiểm định khắt khe trước khi trình làng sản phẩm.
Thứ hai, MISA áp dụng tư duy Design thinking trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm, tập trung vào việc hiểu rõ nhu cầu và trải nghiệm của người dùng. Từ đó, MISA tạo ra các giải pháp phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tế và mang lại giá trị bền vững cho khách hàng, giúp họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng sản phẩm. Sau khi sản phẩm được đưa ra thị trường, MISA tạo ra cơ chế giao tiếp để có thể lặp đi lặp lại việc tiếp thu hàng nghìn ý kiến đóng góp mỗi tháng từ đó liên tục cải tiến sản phẩm, đáp ứng kỳ vọng của khách hàng.
Thứ ba, MISA tiên phong ứng dụng các công nghệ tiên tiến và hiện đại để phát triển nhanh chóng trong kỷ nguyên số. Ngay từ khi thời kỳ sơ khai của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, MISA tích cực chuyển đổi các phần mềm desktop sang phần mềm online trên nền tảng điện toán đám mây. Và hiện tại, trong thời kỳ AI nở rộ, MISA cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong phát triển các sản phẩm tích hợp AI toàn diện để hỗ trợ khách hàng của MISA chuyển đổi số nhanh và hiệu quả. Trên thực tế triển khai, nhờ các sản phẩm tích hợp AI, khách hàng của MISA có thể tự động hóa các nghiệp vụ thủ công, để tập trung hơn vào các hoạt động cốt lõi, tạo ra giá trị mới như phân tích và dự báo.
“Ba hướng chiến lược này đã giúp MISA tạo nên các sản phẩm đáp ứng được 3 tiêu chí Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong. Chính điều đó đã giúp 2 giải pháp của MISA là Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS và Nền tảng quản trị tài chính Nhà nước MISA FinGov đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024. Đồng thời, khẳng định vị thế tiên phong của MISA trong ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam”, ông Lê Hồng Quang tiết lộ.
Thông tin thêm về 2 sản phẩm được vinh danh trong sự kiện Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024 vừa qua, ông Quang cho biết:
MISA AMIS là nền tảng quản trị doanh nghiệp toàn diện đã và đang hỗ trợ 250.000 doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số với 4 phân hệ: tài chính-kế toán, marketing-bán hàng, quản trị nhân sự và văn phòng số, đáp ứng mọi quy mô và ngành nghề.
Với chi phí thấp - dễ triển khai - nhanh có kết quả, MISA AMIS đặc biệt phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) giúp tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa hiệu quả quản lý.
Bên cạnh MISA AMIS, nền tảng MISA FinGov cũng được công nhận là Thương hiệu quốc gia. Đây là giải pháp tiên phong thúc đẩy Chính phủ số trong việc quản trị tài chính Nhà nước tại Việt Nam.
MISA FinGov là hệ sinh thái hợp nhất các nghiệp vụ quản trị tài chính trên cùng 1 hệ thống: Lập phê duyệt, tổng hợp dự toán theo nhu cầu của toàn ngành, toàn địa phương; phân bổ và giao dự toán; chấp hành dự toán ngân sách; quản lý theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện thu – chi ngân sách; quyết toán ngân sách Nhà nước; quản lý tài sản; tính lương và quản lý dự toán tiền lương.
MISA FinGov chia thành nhiều nghiệp vụ nhỏ và dễ dàng liên thông dữ liệu giữa các nghiệp vụ để tự động hóa quy trình tác nghiệp, tăng năng suất, tránh chồng chéo, có thể triển khai độc lập từng nghiệp vụ để các Bộ ngành và các Địa phương dễ dàng sử dụng nghiệp vụ phù hợp với nhu cầu.
Tích hợp các nghiệp vụ trên một hệ thống duy nhất, MISA FinGov tự động hóa quy trình ngân sách cho cơ quan Nhà nước, giúp tăng 70% năng suất, giảm 80% công sức và 50% chi phí hàng năm, đảm bảo quy trình vận hành trơn tru. Nền tảng còn hỗ trợ quản lý thông tin tài chính tập trung từ Cơ quan tài chính đến đơn vị trực thuộc, đóng góp vào cơ sở dữ liệu tài chính quốc gia. Hiện tại, MISA FinGov đang hỗ trợ chuyển đổi số cho 50.000 đơn vị hành chính tại 63 tỉnh thành.
BỆ PHÓNG MỞ RỘNG RA THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ
Về danh hiệu Thương hiệu quốc gia năm 2024 mới đây, ông Lê Hồng Quang khẳng định: Đây là bệ phóng quan trọng giúp MISA tự tin mở rộng và cung cấp sản phẩm ra thị trường quốc tế. Chứng nhận này khẳng định chất lượng và uy tín đối với các nền tảng của MISA, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng niềm tin với đối tác và khách hàng.
“Đối với MISA, danh hiệu Thương hiệu quốc gia là một cam kết về chất lượng. Vì vậy, chúng tôi luôn cần duy trì cam kết, nỗ lực để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe và sẵn sàng phục vụ các thị trường nước ngoài có yêu cầu cao”, ông Quang nói.
Hiện nay, MISA đang xuất khẩu phần mềm quản lý nhà hàng MISA CukCuk ra thị trường nước ngoài và bước đầu nhận được sự đón nhận của khách hàng tại 22 quốc gia trên thế giới. Đây là một giải pháp thuộc Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS - sản phẩm vừa được vinh danh là Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024.
Trong thời gian tới, với bệ phóng MISA AMIS đạt Thương hiệu quốc gia, MISA càng củng cố niềm tin về hành trình “Go Global” của mình. Không chỉ dừng lại ở sản phẩm MISA CukCuk, MISA sẽ tiếp tục nghiên cứu các phần mềm khác thuộc nền tảng để xuất khẩu ra thị trường quốc tế, góp phần khẳng định thương hiệu và trí tuệ Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.
Đối với MISA, danh hiệu Thương hiệu quốc gia là một cam kết về chất lượng. Vì vậy, chúng tôi luôn cần duy trì cam kết, nỗ lực để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe và sẵn sàng phục vụ các thị trường nước ngoài có yêu cầu cao.
Nhận định thêm về hành trình khẳng định vị thế của sản phẩm Thương hiệu Quốc gia tại Việt Nam và mở rộng ra các thị trường quốc tế, ông Quang nhấn mạnh tới hai thách thức lớn, bao gồm:
Thứ nhất là thích ứng với nhu cầu đa dạng của thị trường: Ở mỗi quốc gia và khu vực, nhu cầu và hành vi của khách hàng có sự khác biệt đáng kể. Để sản phẩm có thể tồn tại và phát triển, MISA phải liên tục nghiên cứu và điều chỉnh để phù hợp với đặc thù của từng thị trường. Điều này bao gồm việc đáp ứng các quy định pháp lý tại địa phương, cũng như tùy chỉnh các tính năng, giao diện, và trải nghiệm người dùng sao cho phù hợp với văn hóa và thói quen sử dụng của khách hàng.
Thí dụ, một tính năng có thể hiệu quả tại thị trường Việt Nam nhưng phải cần điều chỉnh đáng kể khi triển khai tại thị trường Mỹ, nơi khách hàng có yêu cầu rất cao về hệ thống thanh toán và tính tự động hóa.
Thêm vào đó, các quy định về bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư tại một số thị trường như châu Âu yêu cầu MISA phải đầu tư mạnh mẽ vào việc tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe của GDPR (Quy định chung về bảo vệ dữ liệu), để bảo đảm sản phẩm không chỉ đáp ứng mà còn vượt qua các quy chuẩn này.
Đối với các thị trường Đông Nam Á như Philippines, MISA cần đáp ứng tiêu chuẩn về dữ liệu và thuế do Cục Thuế Nội địa (BIR) của nước này yêu cầu… Điều này tạo ra áp lực lớn cho đội ngũ phát triển sản phẩm của MISA, buộc họ phải cân bằng giữa tính chuẩn hóa (đảm bảo sản phẩm có một cấu trúc chung, dễ mở rộng) và khả năng tùy biến linh hoạt cho từng thị trường. Thách thức này đòi hỏi MISA không chỉ cải tiến công nghệ mà còn cần có sự nhạy bén trong nghiên cứu thị trường để không ngừng hoàn thiện và đáp ứng nhu cầu của khách hàng toàn cầu.
Thứ hai, xây dựng lòng tin và uy tín thương hiệu: Tại Việt Nam, MISA đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc với 350.000 doanh nghiệp, tổ chức đang sử dụng sản phẩm, trở thành Thương hiệu quốc gia với sự tin cậy cao từ các khách hàng trong nước. Tuy nhiên, khi bước chân vào các thị trường nước ngoài, MISA vẫn là một cái tên khá mới mẻ.
Do đó, xây dựng lòng tin ở thị trường quốc tế đòi hỏi một quá trình dài hạn với sự kiên nhẫn và nỗ lực nhất quán. Để tạo dựng uy tín, MISA phải không ngừng chứng minh khả năng của mình thông qua chất lượng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng, và các cam kết về hiệu quả, hiệu suất. Từng bước một, MISA cần thuyết phục khách hàng rằng sản phẩm của mình đáp ứng hoặc thậm chí vượt qua các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như có thể mang lại giá trị thực tế cho khách hàng.
Bên cạnh đó, việc xây dựng uy tín còn đòi hỏi MISA đầu tư vào công tác truyền thông, hợp tác với các đối tác địa phương; tham gia vào các sự kiện, triển lãm, các cuộc thi giải thưởng, chứng nhận quốc tế để tăng cường sự hiện diện và được công nhận về vị thế thương hiệu. Những nỗ lực này giúp MISA dần dần thâm nhập vào tâm trí khách hàng quốc tế, từ đó xây dựng nền tảng lòng tin và tạo cơ hội phát triển bền vững tại các thị trường nước ngoài.
“Mặc dù hành trình này có thể kéo dài và đầy thử thách, nhưng MISA tin rằng với sự kiên nhẫn, nỗ lực không ngừng và cam kết mạnh mẽ, thương hiệu sẽ từng bước khẳng định được uy tín của mình, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên trường quốc tế”, Tổng Giám đốc MISA khẳng định.
Hai thách thức về thích ứng với nhu cầu đa dạng và xây dựng uy tín thương hiệu chính là nền tảng giúp MISA không ngừng phát triển và khẳng định vị thế Thương hiệu quốc gia. Đây là động lực để MISA tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, xây dựng lòng tin vững chắc từ khách hàng và đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của thương hiệu trên trường quốc tế.
Trong thời gian tới, MISA sẽ triển khai chiến lược phát triển toàn diện nhằm duy trì vị thế của các sản phẩm Thương hiệu quốc gia như MISA AMIS và MISA FinGov, đồng thời tạo nền tảng để các sản phẩm khác của công ty đạt được danh hiệu này. Chiến lược sẽ tập trung vào các trụ cột chính, bao gồm: Đổi mới sáng tạo liên tục; Mở rộng thị trường quốc tế; Nâng cao trải nghiệm khách hàng cũng như Bảo vệ và phát triển sở hữu trí tuệ và Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bằng cách thực hiện các chiến lược này, MISA không chỉ duy trì và củng cố vị thế của mình trong ngành mà còn tạo cơ hội để nhiều sản phẩm khác được công nhận là Thương hiệu quốc gia, góp phần đưa thương hiệu Việt Nam vươn xa trên trường quốc tế.
Ngày xuất bản: 10/11/2024
Chỉ đạo: KIM PHƯƠNG BÌNH
Thực hiện: NHÓM PHÓNG VIÊN
Trình bày: BẢO MINH