
Trong nền báo chí thế giới, báo chí nước ta ra đời khá sớm. Ngày 15/4/1865, Gia Định báo là tờ quốc ngữ Việt Nam đầu tiên ra số 1 tại Sài Gòn. Và rồi 60 năm sau, báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập ra số đầu, khai sinh nền Báo chí cách mạng Việt Nam.

Từ mốc son lịch sử
Sau nhiều năm hoạt động tại Pháp, Liên Xô, cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc bí mật đến Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động cách mạng. Tại đây, Người chuẩn bị, tổ chức xuất bản báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tiền thân quan trọng nhất của Đảng ta. Số đầu của báo ra ngày 21/6/1925 và được xuất bản đều đặn hằng tuần.
Kể từ mốc son lịch sử đó, báo chí nước nhà luôn đi cùng dân tộc. Điều này thấy rõ nhất, minh chứng hào hùng nhất qua các cuộc kháng chiến vì mục tiêu giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước trong thế kỷ 20. Đội ngũ những người cầm bút thật sự là những người lính đã có mặt ở các mặt trận, dưới mưa bom bão đạn, phản ánh mọi diễn biến của cuộc chiến đấu, lao động sản xuất. Hàng nghìn lượt cán bộ, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí đã lên đường ra trận và phục vụ chiến đấu.
Đội ngũ những người cầm bút thật sự là những người lính đã có mặt ở các mặt trận, dưới mưa bom bão đạn, phản ánh mọi diễn biến của cuộc chiến đấu, lao động sản xuất.
Hàng trăm nhà báo - liệt sĩ đã ngã xuống trên chiến trường. Trước lúc hy sinh (12/1950), nhà báo - nhà thơ Thôi Hữu (Báo Nhân Dân), đã viết bài Lên Cấm Sơn với những câu thơ đậm chất trữ tình cách mạng, toát lên vẻ đẹp trong sáng, lạc quan: “Ở đây những mặt buồn như đất/Bộ đội cười lên tươi như hoa”.
Một nhà báo - nhà thơ nữa của Báo Nhân Dân, anh Nguyễn Trọng Định (hy sinh Tết Mậu Thân, 1968, khi mới 26 tuổi tại chiến trường Quảng Đà) trong đêm hành quân, xúc động viết bài Nước vối quê hương nhớ về Mẹ, về người bạn gái: “Chúng con đi giữa đêm rừng mưa xối/Lòng vẫn ngọt ngào vị nước vối quê hương/ Súng chắc trong tay, gạo cuốc bên sườn”.
Quả đúng như một nhà báo lão thành đã viết: Những phóng viên báo chí ra trận thời chống Mỹ đã viết bằng cả mực và chính giọt máu hồng chảy trong huyết quản. Riêng ở Thông tấn xã Việt Nam đã có gần 260 nhà báo hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, cùng lớp lớp thế hệ những người làm báo đã xả thân, cống hiến cho đại nghĩa của dân tộc. Họ sẵn sàng “xé vải chôn ta - để may cờ chiến thắng” (thơ Chế Lan Viên) vì một thông tin nóng bỏng, một tấm ảnh, một thước phim chân thực nhất, có giá trị nhất, gửi về tòa soạn từ mặt trận.
Người làm báo là người làm sử đương đại. Bước ra từ chiến tranh, đội ngũ nhà báo Việt Nam lại nhanh chóng có mặt trên các mặt trận mới. Trong công cuộc Đổi mới gần 40 năm qua, báo chí Việt Nam đã cùng lúc vươn lên vừa làm tốt công việc tuyên truyền, cổ vũ sự nghiệp cách mạng, vừa đổi mới chính mình. Đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế là đòi hỏi tất yếu của cuộc sống. Báo chí lúc này cần phải thay đổi cách thức tuyên truyền, đi thẳng vào đời sống, tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời có những tác phẩm nóng hổi tính thời sự, minh định cho đường lối đó.
Cái mới của báo chí trong Đổi mới là được “cởi trói”, coi trọng cả hai mặt: tuyên truyền nhân tố mới, điển hình tiên tiến và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. “Cởi trói” được hiểu là tháo gỡ về cơ chế quản lý, tạo điều kiện để nhà báo tự do hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Và chính mỗi người làm báo, làm văn nghệ tự tháo cởi những dây dợ vô hình để vượt thoát, sáng tạo. Từ đây, hàng loạt bài xã luận, chuyên luận, điều tra, đặc biệt là phóng sự (báo chí và văn học) ra đời trong những năm 1987-1993, được coi là “tiếng sấm đầu mùa” của sự phát triển báo chí đỉnh cao - những tác phẩm chuyên nghiệp, hiện đại, thấm mồ hôi, nước mắt của người viết.
Khi nhắc đến đổi mới và đổi mới báo chí, điều đầu tiên chúng tôi xin được nhắc đến là loạt bài “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Hồi đó, khi đọc những bài bình luận ngắn trên Báo Nhân Dân, bạn đọc rất thích thú và chờ đón. Người ta đoán bút danh NVL là “Nói và làm”, hay “Nhảy vào lửa” (!). Những bài báo ngắn gọn, thường chỉ từ 400 đến 600 âm tiết, văn phong giản dị của NVL đã nói thẳng, khơi dậy và dẫn dắt công cuộc đấu tranh chống tiêu cực, lãng phí. Qua các bài viết ôn tồn, thuyết phục, không giống như những chỉ thị, răn dạy, đã thể hiện quyết tâm rất cao nhằm chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi cái xấu, không cho phép một ai, một tập thể nào “có quyền đứng ngoài vòng pháp luật và kỷ cương của chúng ta”.
Bài viết đầu tiên của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong chuyên mục Những việc cần làm ngay trên Báo Nhân Dân, đăng ngày 25/5/1987.
Bài viết đầu tiên của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong chuyên mục Những việc cần làm ngay trên Báo Nhân Dân, đăng ngày 25/5/1987.
Bắt đầu là những con sóng nhỏ dần hình thành những vòng sóng, đợt sóng lớn. Báo chí cả nước, từ những tờ báo lớn ở Trung ương, đến các báo ngành, đoàn thể, báo chí địa phương, báo chí thông tấn đến báo chí văn nghệ đồng loạt “nổ súng”. Những phát “đại bác” rung chuyển là những bài xã luận, bình luận kinh tế, điều tra về chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; về thực hiện tốt Ba chương trình mục tiêu phát triển lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát; về bước đột phá nhằm chuyển đổi cơ bản cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới, giải phóng được lực lượng sản xuất, tạo ra động lực phát triển mới. Hấp dẫn nhất, sôi động nhất là những loạt bài về “Khoán 100” rồi đến “Khoán 10” theo Chỉ thị và Nghị quyết của Trung ương, tiếp tục hoàn thiện cơ chế để giải phóng mọi năng lực sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp.
Những năm đầu đổi mới, báo chí đã coi trọng cả hai mặt tuyên truyền nhân rộng điển hình và đấu tranh chống tiêu cực. Báo chí cảnh báo, tự phát hiện được nhiều sai lầm, khuyết tật, cùng những rơi rớt của cơ chế cũ quan liêu, bao cấp. Báo chí xông pha muôn mặt đời thường, từ nông thôn, đến thành thị, từ chuyện có tác động lớn, nhức nhối xã hội đến những góc khuất đời thường, không ngần ngại, né tránh khi nói đến nạn “cường hào mới” ở nông thôn đang lộng hành. Dấu ấn cá nhân của nhiều nhà báo, bản sắc nhiều tờ báo thể hiện rõ trong giai đoạn này.
Ngày 21/6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khai sinh ra tờ báo Thanh Niên, mở đầu cho dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: baotangtuoitre.vn
Ngày 21/6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khai sinh ra tờ báo Thanh Niên, mở đầu cho dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: baotangtuoitre.vn
Ngôi nhà trên đường Văn Minh ở Quảng Châu (Trung Quốc), nơi báo Thanh Niên ra đời. Ảnh: TTXVN
Ngôi nhà trên đường Văn Minh ở Quảng Châu (Trung Quốc), nơi báo Thanh Niên ra đời. Ảnh: TTXVN
Bác Hồ đọc Báo Nhân Dân ở chiến khu Việt Bắc, năm 1951. Ảnh: TTXVN
Bác Hồ đọc Báo Nhân Dân ở chiến khu Việt Bắc, năm 1951. Ảnh: TTXVN
Bài viết Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của Bác đăng trên Báo Nhân Dân, số 5409, ngày 3/2/1969.
Bài viết Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của Bác đăng trên Báo Nhân Dân, số 5409, ngày 3/2/1969.
Bác Hồ với cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân, năm 1957. Ảnh: TTXVN
Bác Hồ với cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân, năm 1957. Ảnh: TTXVN


... đến “phép thử” với báo chí hiện đại
Sau giai đoạn xông pha cùng cả nước, kiên định chức năng, vai trò của báo chí là xây đi liền với chống. Xây dựng cái mới, cái thật, cái điển hình. Chống cái xấu, cái ác, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Kể từ khi internet ra đời, khoa học công nghệ đã có những bước tiến như vũ bão, nhất là từ khi trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng vào đời sống xã hội.
Các “Robot viết tin” như ChatGPT có khả năng tạo ra các bản tin có cấu trúc rõ ràng, có mô-típ hành văn quen thuộc, như tin tức ngắn, bản tin thể thao, dự báo thời tiết, báo cáo tài chính,v.v. Tuy nhiên, hỡi các robot tinh khôn, bạn không thể thay thế các nhà báo tài năng khi cần thể hiện các bài báo mang tính phân tích chuyên sâu, bình luận sắc sảo, cảm xúc tinh tế, vì những bài đó đòi hỏi sự hiểu biết bối cảnh, tư duy phản biện, và cái nhìn trong chiều sâu nhân văn.
Chiến dịch tuyên truyền 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đa nền tảng của Báo Nhân Dân thu hút đông đảo độc giả quan tâm. (Ảnh: THẾ ĐẠI)
Chiến dịch tuyên truyền 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đa nền tảng của Báo Nhân Dân thu hút đông đảo độc giả quan tâm. (Ảnh: THẾ ĐẠI)
Sự kiện không đồng nghĩa với sự thật. Một bối cảnh hoàn hảo nhất ẩn chứa những điều đáng ngờ nhất. Nhưng lại phải có tài năng, “ngón nghề” để nhanh chóng tìm ra sự thật. Bạn chậm hơn tôi vài phút, bạn sẽ bán hàng ế. Giải báo chí Pulitzer năm 2025 vừa công bố đầu tháng 5 vừa qua đã chứng minh điều đó. Những phân tích sắc sảo phản ánh các vấn đề nóng bỏng của xã hội, từ cuộc khủng hoảng fentanyl (loại ma túy cực độc, còn được gọi là “thuốc xác sống”), gây nhức nhối, những góc khuất trong hoạt động của quân đội Mỹ và vụ ám sát hụt Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa hai tờ báo New York Times và The New Yorker lên vị trí đầu bảng tại Giải báo chí uy tín nhất thế giới. Chúng ta học được những gì? Phải chăng là ở phong cách điều tra sâu, phân tích sắc bén và cách viết có chiều sâu văn học? Các nhà báo không chỉ thông tin mà còn đặt ra những câu hỏi, tạo ra những tranh luận, khám phá gốc rễ của vấn đề.
Một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày tờ Thanh Niên ra đời, khởi đầu cho nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc, dũng cảm và say mê, lặng lẽ và bền bỉ, nhiệt huyết và sáng tạo, báo chí không chỉ là chứng nhân lịch sử, mà chính là một phần máu thịt của lịch sử dân tộc. Các bạn trẻ nói với nhau giản dị hơn: Không có con đường nào trải toàn thảm lụa, phải biết chịu đau và vượt bão!
Một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc, dũng cảm và say mê, lặng lẽ và bền bỉ, nhiệt huyết và sáng tạo, báo chí không chỉ là chứng nhân lịch sử, mà chính là một phần máu thịt của lịch sử dân tộc.
Ngày nay, trong thời đại số hóa và toàn cầu hóa, khi công nghệ biến đổi từng giây, khi thông tin lan truyền theo cấp số nhân, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia chính là “phép thử” đối với báo chí. Ngày nay, mỗi người làm báo khi ngồi trước máy tính, khi tác nghiệp trên thực địa hay qua nền tảng số, đều đang tiếp bước một hành trình vẻ vang, tuyệt đối trung thành với lý tưởng và lợi ích của dân tộc. Câu hỏi “Viết cho ai xem, viết để làm gì, viết như thế nào” mà Bác Hồ căn dặn chúng ta vẫn vẹn nguyên giá trị, vẫn nóng hổi tính thời sự.
