Đóng góp của quân và dân Nam Định

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, gần 19.000 người con quê hương Nam Định đã lên đường nhập ngũ, cùng hơn 20.000 thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Từ hậu phương, Nam Định đóng góp 70.000 tấn lương thực, hàng nghìn tấn thực phẩm, hàng triệu mét vải cùng nhiều vật chất, tiền của, hàng hóa cho kháng chiến; góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi vẻ vang.
Trong những tháng đầu năm 1954, nắm bắt thời cơ thuận lợi, nhân dân trong tỉnh Nam Định đã tích cực chuẩn bị mọi mặt phối hợp với chiến trường chính tiến công tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch. So với Thu Đông năm 1953, đến đầu năm 1954, lực lượng du kích ở Nam Định đã tăng lên gấp đôi, đồng thời tin tức chiến thắng Đông Xuân trên khắp các chiến trường và những thắng lợi thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức... đã động viên mạnh mẽ tinh thần của quân dân trong tỉnh.
Ở hầu hết các địa phương, lực lượng vũ trang và bán vũ trang liên tiếp tổ chức tiến công địch và giành thắng lợi. Tháng 2/1954, Đại đội 45 và Đại đội 91 của bộ đội tỉnh thọc sâu, vận động nhanh, đánh địch đóng quân ở Trà Trung và Hành Thiện (Xuân Trường). Ở huyện Giao Thủy, chỉ trong 10 ngày, bộ đội địa phương tỉnh đã tổ chức đánh sáu trận phục kích quân địch từ Bùi Chu đi cứu viện cho vị trí Thức Hóa. Trận nội ứng chiến, kết hợp với cường tập tiêu diệt vị trí Quy Phú (Nam Trực) và trận vận động phục kích một đơn vị địch giải vây cho Đông Biên (Hải Hậu), tiêu diệt một đại đội ở Cầu Đôi là những tiến bộ mới về chiến thuật, kỹ thuật và cách đánh mới của bộ đội ta trong điều kiện địch có trang bị vũ khí tốt hơn và có công sự cố thủ kiên cố.

Bộ đội địa phương huyện đã vươn lên độc lập tác chiến trong nhiều trận, bao vây thường xuyên, chặt chẽ các vị trí còn lại trong khu du kích, hạn chế các cuộc sục sạo của địch, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực, bộ đội tỉnh tập trung tiêu diệt các vị trí trọng điểm. Ngày 7/2, địch điều hai tiểu đoàn cơ động số 4 và số 5 càn quét, truy lùng chủ lực ta. Ngay hôm đó, tại Duy Tân (Vụ Bản), Tiểu đoàn Bến Hiệp (Đại đoàn 320) cùng du kích các thôn Phú Thôn, Bàn Kết chiến đấu suốt một ngày, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Cùng ngày, tại thôn Thái La (xã Quang Trung, Vụ Bản), Đại đội 60 (Tiểu đoàn 71) và Đại đội 26 huyện Vụ Bản, phục kích tiêu diệt 300 tên, khiến địch đã phải dùng cả máy bay để chở xác đồng bọn.
Cũng trong thời gian này, dân quân du kích ở các địa phương có bước trưởng thành nhanh chóng, chẳng những phối hợp nhịp nhàng, có hiệu quả với bộ đội trong các trận đánh lớn mà còn phát triển được nhiều hình thức tác chiến rất linh hoạt, thay thế bộ đội huyện vây hãm các vị trí; độc lập tác chiến quấy rối, đánh mìn, nghi binh địch trên các tuyến giao thông huyết mạch. Du kích các xã Xuân Bắc, Xuân Thủy (Xuân Trường) táo bạo đột kích vào Bùi Chu, Phú Nhai, Thủy Nhai diệt vọng gác; vũ trang tuyên truyền sát vị trí địch. Du kích Nghĩa Hưng, sau khi địch rút khỏi huyện đã chủ động qua sông Đáy phối hợp với lực lượng vũ trang Ninh Bình, vũ trang tuyên truyền gây cơ sở trong vùng tạm chiếm, diệt vị trí Hòa Lạc...

Bộ đội ta đang kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Nam Định)
Bộ đội ta đang kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Nam Định)
Nhân tinh thần địch hoang mang, Tỉnh ủy đã chỉ đạo chặt chẽ các cuộc đấu tranh chính trị, chống địch bắt lính và công tác binh vận. Ta đã vận động, tổ chức nhiều gia đình ngụy binh đi thăm hỏi và đòi chồng, con trở về. Một số huyện có từ 600 đến 700 gia đình hưởng ứng. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 1954, trên địa bàn Nam Định đã có hàng nghìn ngụy binh và hương dũng đào ngũ, hàng nghìn thanh niên bị bắt lính bỏ trốn trở về, hàng chục lính Âu-Phi ra hàng. Hàng ngũ ngụy quân và hệ thống ngụy quyền rệu rã, suy sụp thảm hại.
Trước những thất bại ngày càng to lớn trên chiến trường Đông Dương và nhất là thất bại không thể tránh khỏi ở Điện Biên Phủ, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ buộc phải chấp nhận đàm phán hòa bình với Chính phủ ta. Ngày 4/5/1954, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, đã đến Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) để tham dự Hội nghị bàn về vấn đề hòa bình ở Đông Dương.
Cùng với quân dân cả nước, ở Nam Định, các cuộc đấu tranh chính trị lên án chính sách, tội ác của thực dân Pháp, đòi lập lại hòa bình ở Đông Dương dấy lên sôi nổi từ vùng căn cứ du kích tới vùng bị tạm chiếm. Ngay ở thành phố Nam Định, nhiều cuộc diễn thuyết xung phong nổ ra liên tiếp ở Nhà máy sợi, chợ Rồng... tiếp theo đó là phong trào lấy chữ ký và kiến nghị đòi độc lập và hòa bình được tổ chức sâu rộng (có cả cảnh binh tham gia) ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nhiều truyền đơn kêu gọi phản chiến, bỏ ngũ đã bay vào các trại lính của giặc.
Các cuộc đấu tranh chính trị sâu rộng, mạnh mẽ của nhân dân ở khắp nơi trong tỉnh làm thực dân Pháp và tay sai thêm hoang mang lo sợ. Sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang trong giai đoạn này, đã làm cho hệ thống ngụy quân, ngụy quyền ở địa phương càng thêm rệu rã. Thắng lợi to lớn của quân và dân Nam Định trên mặt trận chính trị, quân sự đã đưa cuộc chiến tranh nhân dân ở địa phương đến đỉnh cao, góp phần giam chân hai binh đoàn cơ động số 4 và số 5 cùng binh đoàn cơ động ngụy số 31, tạo thuận lợi cho quân và dân ta ở mặt trận Điện Biên Phủ tiêu diệt địch.
Vừa đẩy mạnh đấu tranh chính trị, quân sự ở địa phương, Đảng bộ và quân dân trong tỉnh vừa tích cực sản xuất, đấu tranh kinh tế với địch để có đủ sức người, sức của chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Địch tăng cường phá hoại sản xuất của nhân dân ta, nhất là ở các vùng quanh đồn bốt và ven các đường giao thông; thả côn trùng gây sâu bệnh, phá hoại mùa màng, hòng làm suy yếu tiềm lực kinh tế của kháng chiến. Chúng cấm dân cày, làm hàng nghìn mẫu ruộng bị hoang hóa; cho xe cóc quần nát gần 1.000 mẫu lúa đang lên xanh tốt...
Tỉnh ủy Nam Định đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch bằng nhiều hình thức để bảo vệ sản xuất. Ban ngày địch kiểm soát, không cho làm, ta chuyển làm đêm; tổ chức nhân dân cản xe cóc của địch phá hoại lúa; điều hòa nhân công, mạ cấy cho những nơi thiếu giống, vốn; khơi luồng trâu bò từ vùng tự do về bán cho những người thiếu sức kéo; phòng, chống sâu bệnh cho lúa...
Vì vậy, mặc dù còn bị hoang hóa 5.739 mẫu ruộng, nhưng so năm trước, Nam Định đã cấy thêm được 3.529 mẫu, đưa diện tích vụ chiêm năm 1954 lên 115.973 mẫu. Cuối tháng 5/1954, Nam Định đã đóng được 9.348 tấn thóc thuế nông nghiệp, đạt 80% mức huy động cả năm và vượt mức chỉ tiêu Liên khu giao. Riêng huyện Giao Thủy vượt mức 180 tấn. Cùng với thắng lợi trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cơ quan mậu dịch Nam Định còn tổ chức tốt việc lưu thông hàng hóa giữa vùng tạm chiếm với khu căn cứ du kích và thị trường ở vùng tự do bên ngoài.

Sư đoàn 312 hành quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Nam Định)
Sư đoàn 312 hành quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Nam Định)
Mặc dù địch ra sức ngăn cấm không cho đưa nhu yếu phẩm quan trọng như thuốc chữa bệnh, sợi, dầu hỏa, thóc gạo, vải vóc... từ vùng tạm bị chiếm ra vùng tự do, nhưng chúng ta vẫn khơi thêm nguồn hàng, hướng dẫn hoạt động cho những người buôn bán, điều hòa giá cả thị trường, nhập và xuất từ vùng tự do được nhiều hàng hóa phục vụ kháng chiến và đời sống nhân dân.
3 tháng đầu năm 1954, ngành mậu dịch Nam Định đã xuất được 217 triệu đồng và nhập 276 triệu đồng hàng hóa, trong đó nhập 79 triệu đồng dược phẩm, 25 triệu đồng sợi bông, 13 triệu đồng dầu hỏa..., đồng thời xuất được nhiều sản phẩm chủ yếu do nhân dân trong vùng du kích sản xuất với giá cao như: gạo 81 triệu đồng; muối 5,4 triệu đồng, đem lại quyền lợi cho nông dân và diêm dân. Từ năm 1953, phong trào thanh niên xung phong tòng quân phát triển sôi nổi, đều khắp ở các thôn, xã. Nhiều thanh niên ở thành thị ra vùng căn cứ nộp đơn tòng quân. Nhiều địa phương đã vượt chỉ tiêu giao quân. Việc đóng góp sức của, chi viện cho tiền tuyến cũng bừng lên, sôi nổi trên nhiều mặt trận.
Với tất cả tinh thần vì Điện Biên Phủ chiến thắng, nhân dân Nam Định đã huy động hàng trăm ki-lô-gam đậu, lạc, vừng, hàng nghìn bánh thuốc lào... đóng gói chu đáo gửi tới các chiến sĩ đang ngày đêm vây, lấn cứ điểm. Hàng nghìn ki-lô-gam muối, cá, tôm khô qua bàn tay diêm dân, ngư dân ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng lên đường ra mặt trận.
Tháng 5/1954, khi trên mặt trận chính Điện Biên Phủ, cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra rất quyết liệt, hàng chục nghìn dân công Nam Định tấp nập thồ lương, tải đạn ra phía trước. Với tất cả tinh thần vì Điện Biên Phủ chiến thắng, nhân dân Nam Định đã huy động hàng trăm ki-lô-gam đậu, lạc, vừng, hàng nghìn bánh thuốc lào... đóng gói chu đáo gửi tới các chiến sĩ đang ngày đêm vây, lấn cứ điểm. Hàng nghìn ki-lô-gam muối, cá, tôm khô qua bàn tay diêm dân, ngư dân ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng lên đường ra mặt trận.
Từ vùng địch tạm chiếm, hàng chục nghìn ống thuốc tiêm, thuốc viên, hàng nghìn lá thư tình nghĩa gửi tới các chiến sĩ đang ngày đêm bám địch bên chiến hào. Nhiều cụ già mang tiền nhờ cán bộ ta mua quà gửi tặng bộ đội Điện Biên. Nhiều bà con làm nghề chài lưới trên sông tình nguyện đi chở hàng dài ngày phục vụ tiền tuyến... Đó là những biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước, của tinh thần tất cả vì kháng chiến, tất cả vì chiến thắng ở Điện Biên Phủ của nhân dân trong tỉnh.

Bộ đội ta đang vượt qua cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm. (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội ta đang vượt qua cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm. (Ảnh: TTXVN)

Cán bộ quân y của ta đang cứu chữa bọn thương binh địch trong các hầm ngầm. (Ảnh: TTXVN)
Cán bộ quân y của ta đang cứu chữa bọn thương binh địch trong các hầm ngầm. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 7/5/1954, lá cờ đỏ sao vàng của ta phần phật bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát-tơ-ri khẳng định sự thất bại hoàn toàn của quân đội Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ. Đại thắng Điện Biên Phủ đã giáng một đòn quyết định vào ý đồ xâm lược của thực dân Pháp và có tác dụng quyết định thúc đẩy sự tiến triển của Hội nghị Giơ-ne-vơ bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Chiến thắng Điện Biên Phủ cùng với việc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Giơ-ne-vơ làm nức lòng quân dân cả nước nói chung và quân dân trong tỉnh nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy cuộc kháng chiến ở địa phương lên một bước mới. Thấm nhuần tinh thần Nghị quyết Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra ngày 17/12/1953 là: “Hòa bình ở Việt Nam có được lập lại hay không, chủ yếu là do quân và dân ta quyết định”, quân dân Nam Định không ngồi chờ hòa bình, mà càng nắm chắc tay súng thừa thắng xốc tới.
Đêm 25/5/1954, bộ đội chủ lực đã phối hợp với bộ đội địa phương, tiêu diệt hoàn toàn vị trí Thức Hóa (Giao Thủy), bắt 650 tên, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Ngày 4/6, quân ta tiếp tục tiêu diệt vị trí Đông Biên (Hải Hậu) do 2 tiểu đoàn “khinh quân”, 4 đại đội địa phương quân đóng giữ. Sau 12 giờ chiến đấu, ta đã giành thắng lợi, tiêu diệt một số tên, bắt sống 500 tên. Chiến thắng vang dội này đã đập tan mắt xích cuối cùng của vành đai cứ điểm phòng vệ vùng duyên hải phía nam Nam Định của địch, buộc chúng phải rút bỏ các vị trí Cựa Gà (Trực Ninh); Phú Gia, Giáp Tư, Cao Long (Nam Trực).

Quân địch bị thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ được bộ đội cho uống nước. (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Nam Định)
Quân địch bị thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ được bộ đội cho uống nước. (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Nam Định)
Tới đây, căn cứ du kích của ta đã lấn sát “thị xã Bùi Chu” và thành phố Nam Định. Trong nửa đầu năm 1954, với quyết tâm giành thắng lợi trong Chiến dịch Đông Xuân, quân và dân Nam Định nỗ lực đẩy mạnh mọi mặt hoạt động kháng chiến, nhất là trên mặt trận quân sự. Bộ đội địa phương và dân quân du kích Nam Định đánh hơn 1.600 trận (trong đó du kích đánh 800 trận) diệt và làm bị thương hơn 3.000 tên địch.
Ngay sau ngày thắng lợi, Đảng bộ và quân dân Nam Định bắt tay ngay vào nhiệm vụ của vùng mới giải phóng. Tỉnh ủy khẩn trương tổ chức hội nghị các bí thư huyện ủy, trưởng các ngành, giới để bàn việc củng cố ổn định tổ chức; có kế hoạch chặt chẽ thu hồi thành phố Nam Định và một số thị trấn; đồng thời duy trì hoạt động kinh tế, xã hội từ thành phố tới các vùng nông thôn.

Các tầng lớp nhân dân tuần hành chào mừng ngày giải phóng thành phố Nam Định, ngày 1/7/1954. (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Nam Định)
Các tầng lớp nhân dân tuần hành chào mừng ngày giải phóng thành phố Nam Định, ngày 1/7/1954. (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Nam Định)
Cùng nhân dân cả nước, quân dân Nam Định hân hoan trong không khí đón mừng ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng và hăng hái bắt tay vào giải quyết những hậu quả do chiến tranh để lại; duy trì, đẩy mạnh sản xuất và các hoạt động văn hóa, xã hội, tạo tiền đề cho quá trình xây dựng một xã hội mới. Cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền còn non trẻ và kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta nói chung và nhân dân Nam Định nói riêng đã giành thắng lợi vẻ vang.
Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đạt được những thành quả to lớn trong buổi đầu kiến tạo cuộc sống mới; vừa góp sức chi viện cho các chiến trường, vừa trực tiếp đánh trả quân thù, bảo vệ quê hương, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc đấu trí, đấu lực với kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp.