HỎI - ĐÁP VỀ KIẾN THỨC DINH DƯỠNG CƠ BẢN

Mỡ lợn và mỡ một số động vật khác vẫn có thể được sử dụng xen kẽ với các loại dầu thực vật, nhất là khi chiên, rán thì nên sử dụng mỡ động vật vì chúng có nhiệt độ nóng chảy cao hơn dầu thực vật. Việc sử dụng dầu ăn hay mỡ động vật với liều lượng hợp lý, phù hợp với từng lứa tuổi và giai đoạn của cơ thể đều mang lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe người dùng.

Dầu thực vật chứa nhiều acid béo chưa no (chưa bão hòa) và vitamin E, vitamin K. Chúng không chứa cholesterol.

Còn mỡ động vật thì lại chứa khá nhiều acid béo no (bão hòa), nhưng cũng chứa nhiều vitamin quan trọng như vitamin A, vitamin D. Tuy nhiên chúng lại có khả năng tạo cholesterol trong máu (ngoại trừ mỡ cá thu, cá hồi và cá trích).

Khi kết hợp các chất béo động vật và dầu thực vật mới tạo ra được chất béo có giá trị sinh học cao, tốt cho sức khỏe. Cụ thể: trong mỡ động vật có chứa vitamin A và D nhưng ít acid arachidonic (trừ mỡ cá) và nghèo loại acid béo chưa no khác. Ngược lại, dầu thực vật mặc dù không chứa vitamin
A hay D nhưng lại chứa nhiều acid béo chưa no linoleic, phosphatid, tocopherol...

Tỷ lệ chất béo theo nguồn gốc động vật hay thực vật cần được dùng theo đúng lứa tuổi: ở trẻ em nên cần acid arachidonic (chất béo không no có trong mỡ động vật) - do đó cần bổ sung 70% chất béo động vật và 30% thực vật. Còn người ở lứa tuổi thanh niên chất béo động vật không quá 60%, người ở độ tuổi trung niên hoặc người cao tuổi thì nên ưu tiên dùng dầu thực vật, hạn chế mỡ động vật ở mức 30%.

NGÀY XUẤT BẢN: 03/10/2024
NGUỒN: BAN BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE CÁN BỘ TRUNG ƯƠNG
SÁCH: HỎI - ĐÁP DINH DƯỠNG NHỮNG ĐIỀU THIẾT YẾU VỚI SỨC KHỎE (NHÀ XUẤT BẢN Y HỌC)
TRÌNH BÀY: HOÀI ANH