Ngỏ ý được trò chuyện với chị về Hà Nội những năm 1972, và dấu ấn vai diễn “Em bé Hà Nội”, NSND Lan Hương cười duyên bảo “trí nhớ về cô bé 10 tuổi khi ấy, như mới hôm qua”. Người phụ nữ ở tuổi lục tuần, vẫn yêu nghệ thuật tha thiết và chưa một lần từ chối bất kỳ nhà báo nào hỏi về vai diễn để đời của mình.   

Hà Nội vào thu, bên hông quán cà-phê Mộc ở phố Tô Hiệu, được chạm vào mạch cảm xúc, đôi mắt to tròn của người đàn bà không tuổi như bừng sáng, chị thao thao nói về nghề, về đam mê điện ảnh và cả những ấp ủ còn đang dở dang. “Em nhớ nói giúp tôi một điều, tôi chưa từng từ giã nghề sân khấu, điện ảnh nhé”, NSND Lan Hương nhắc điều này vài lần trong suốt cuộc trò chuyện.

Em nhớ nói giúp tôi một điều, tôi chưa từng từ giã nghề sân khấu, điện ảnh nhé...

Mẹ ngăn đến cùng việc tôi nhận vai Em bé Hà Nội

Phóng viên: Cô bé Hà Nội ngày ấy và bây giờ có gì khác nhau không?

NSND Lan Hương: Có lẽ, khác nhau ở chỗ tăng nhiều cân hơn và có thêm những nếp nhăn. Còn lại tôi thấy mình vẫn giữ được nét cô bé Hà Nội, vẫn đôi mắt như xưa, vẫn yêu điện ảnh mê mệt. (Cười)

Phóng viên: Đôi mắt hẳn là thế mạnh để chị vượt qua hàng trăm các bạn nhỏ, thuyết phục những nhà làm phim khó tính như Hải Ninh, Hoàng Tích Chỉ, Vương Đan Hoàng để được nhận vai “Cô bé Hà Nội”?

NSND Lan Hương: Tuổi thơ của tôi lớn lên trong xưởng phim, khi có bà ngoại và bác trai là NSƯT Lưu Xuân Thư công tác ở đây. Mẹ bận theo đuổi công việc khoa học, nên hầu hết thời gian, tôi sống với bà ngoại và bác. Có lẽ vì thế, tình yêu điện ảnh đã ngấm vào tôi từ tấm bé, khi mới 3-4 tuổi. Từ khi đó, có nhiều đạo diễn đã thích và ngỏ ý cho tôi đi diễn, nhưng ông bà ngoại không đồng ý. Mẹ tôi thì càng kiên quyết không. Bà muốn bứt ra khỏi môi trường nghệ thuật và đã làm được, nên cũng không muốn con cái theo nghệ thuật.

Poster phim "Em bé Hà Nội". (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Poster phim "Em bé Hà Nội". (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Thuở ấy, những đạo diễn kỳ cựu như các cô Bạch Diệp, Đức Hoàn đi học ở Nga về rất thích tôi. Các cô, chú luôn ấn tượng về tôi là một cô bé gầy gò, ốm yếu, 2 mắt thô lố nhưng lại hay mặc áo người lớn dài lụng thụng, đứng ở cửa sổ nhìn ra trời, mặt buồn rười rượi. Mọi người gọi tôi là “con Côdét” (nhân vật cô bé mồ côi trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của Victor Hugo).

Một ngày, đạo diễn Hải Ninh đến nhà bà ngoại chơi. Thấy ánh mắt tôi cứ nhìn chằm chằm, ông bảo với bà ngoại: “Con bé này có cái nhìn rất điện ảnh, ánh mắt buồn sâu”. Đến năm 1972, sau khi cấp tốc xây dựng xong kịch bản “Em bé Hà Nội”, đạo diễn Hải Ninh nhớ tới tôi cho vai em bé Hà Nội 10 tuổi.

Khoảng tháng 1/1973, ông đến nhà thuyết phục mẹ tôi. Mẹ tôi – một người phụ nữ kiên quyết không cho con theo nghề diễn viên, giãy nảy lên phản đối. Bà nói: “Nghệ thuật bạc lắm, còn trẻ thì được tung hô, về già cô quạnh, em không thích. Em thích con theo nghề gì mà yên tâm làm việc tới già”. Thuyết phục mãi, rồi mẹ tôi cũng xuôi lòng. Có lẽ, bà nghĩ là tôi có thi tuyển cũng sẽ trượt thôi vì vốn trong mắt bà, tôi yếu ớt và nhút nhát. Thế nhưng, bà không ngờ tới, một Lan Hương ở nhà nhút nhát bao nhiêu, ra ngoài lại mạnh dạn bấy nhiêu.

Hôm tuyển vai diễn, câu hỏi chung đặt ra cho tất cả chúng tôi là về gia đình và sở thích. Tôi thao thao nói về đam mê điện ảnh và mơ được diễn, được nổi tiếng như cô Trà Giang khi vừa đóng xong phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Tôi cũng kể cho các bác nghe về các bộ phim: Sông Đông êm đềm, Giải phóng châu Âu, Chiến tranh và hòa bình… mà tôi được xem khi mới 5 tuổi.

Mẹ tôi ngạc nhiên lắm. Bà bảo, ở nhà cạy mồm con cũng không nói gì, mà tới đây thì nói vanh vách. Tôi qua sơ tuyển vòng 1 như vậy, một cách hồn nhiên, dù có hàng trăm bạn cùng lứa cũng có đôi mắt to tròn như mình.

Tôi qua sơ tuyển vòng 1 như vậy, một cách hồn nhiên, dù có hàng trăm bạn cùng lứa cũng có đôi mắt to tròn như mình.
Nghệ sĩ Lan Hương

Đến vòng 2, tự dưng trong lòng tôi rộn lên quyết tâm phải giành bằng được vai diễn. Nhưng có một điều hơi buồn ở thời điểm đó, tôi lại không có lợi thế lên hình. Tôi nhớ như in, chú Thế Dân nói với bác Hải Ninh: “Con bé này ở ngoài trông “tây” lắm mà lên hình mặt lại không “lai tây” như bên ngoài”. Bác Hải Ninh gạt đi bảo, trẻ con thời này phải nhếch nhác, mặt lên nuột nà và nét là không hợp.

Bẵng đi nửa tháng không thấy được gọi, cả nhà yên tâm rằng tôi trượt vai. Mẹ cắt phăng mái tóc dài của tôi lên quá mang tai, để làm tôi nhụt chí. Tôi triền miên khóc và dỗi hờn, ngày nào cũng vục đầu vào chậu gội đầu để mong tóc nhanh dài.

Ngày đoàn chốt vai, chuẩn bị quay, khi tới nhà tôi, bác Hải Ninh mới ngã ngửa ra khi mái tóc dài của tôi đã biến mất, trong khi tạo hình vai diễn em bé Hà Nội bấy giờ là tết tóc đuôi sam hai bên, đội mũ rơm. Bác Hải Ninh đành bảo, thôi chờ nửa tháng, tóc dài qua tai thì sẽ khởi quay. Mẹ vẫn kiên quyết không cho đi đóng phim. Bác Ninh lại phải thuyết phục mẹ tôi rằng: “Cách diễn của con bé Hương này rất dữ dội, như lên đồng, khác hẳn những đứa trẻ khác”.

Nhưng phải tới khi ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội viết một bức thư tay cho mẹ tôi, đại ý nói đây là bộ phim kỷ niệm về Hà Nội mà đoàn làm phim thấy mỗi cháu Lan Hương có khả năng diễn được vai đó, khi ấy mẹ tôi mới đồng ý.

Tôi vẫn luôn cảm thấy mình làm không tốt. Kể cả trong thời gian làm nghề sau này, tôi cũng chưa bao giờ thấy mình ưng ý hoàn toàn.

Phóng viên: “Cô bé Côdét” đã làm thế nào để diễn cho ra được vai em bé Hà Nội?

NSND Lan Hương: Phim quay hồi tháng 5/1973, lại chọn quay vào thời điểm nắng to nhất trong ngày. Tôi bị bệnh hen cứ khò khè suốt vì phải mặc trang phục áo len, áo khoác để diễn. Càng nắng to, tôi càng ốm, mặt cứ sưng lên vì thuốc hen. Ốm o là vậy, nhưng các bác bảo diễn, là diễn được ngay.

Tôi nhớ, bác Hải Ninh rất có biệt tài dỗ dành. Trước mỗi cảnh quay, ông lại ngồi nói chuyện riêng với tôi, hướng dẫn, bồi đắp cảm xúc, phân tích từng cảnh chỗ này cần phải diễn như thế nào, tâm trạng ra sao… Dù yêu điện ảnh nhưng vì còn là trẻ con nên lúc diễn, tôi cũng hay dằn dỗi, chán nản hoặc mải chơi, có lúc còn cãi phăng cả đạo diễn.

Hôm duyệt phim, tôi cứ cúi gằm mặt, không dám ngẩng lên xem vì xấu hổ. Tôi vẫn luôn cảm thấy mình làm không tốt. Kể cả trong thời gian làm nghề sau này, tôi cũng chưa bao giờ thấy mình ưng ý hoàn toàn.

 Tôi tự thấy mình không đẹp khi lên màn ảnh

Phóng viên: Em bé Hà Nội là một vai diễn để đời của NSND Lan Hương. Gần như sau này, chị chỉ xuất hiện trên sân khấu kịch, thi thoảng mới lên màn ảnh. Cái bóng của vai diễn em bé 10 tuổi có tạo ra một áp lực nào với chị về nghề?

NSND Lan Hương: Em bé Hà Nội là vai diễn mà lần đầu tiên tôi được gia đình đồng ý cho đi diễn. Bởi vậy, nó gây ra hưng phấn, sung sướng, hạnh phúc vô tận. Từ thời điểm đó, tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ đi làm việc gì khác ngoài diễn viên điện ảnh. Và hẳn nhiên, tôi không còn tập trung cho học tập nữa.

Mẹ sợ tôi sa đà vào nghệ thuật, mỗi năm lại nhử để tôi cố gắng học hành, cho tôi học đàn, múa… Yêu cầu nào về học tập, tôi cũng đáp ứng với hy vọng có ngày bà cho tôi theo nghệ thuật. Nhưng bà cứ lần lữa, cho tới chừng 14-15 tuổi, tôi tức tối, phản ứng vì sợ hết tuổi được tuyển vào các trường nghệ thuật. Mẹ tôi cũng giận mắng tôi: “Chỉ những đứa học dốt mới làm diễn viên”, thế là tôi bê trễ luôn việc học. Một tuần, tôi chỉ đến trường 2-3 buổi, không làm bài tập.

Em bé Hà Nội là vai diễn mà lần đầu tiên tôi được gia đình đồng ý cho đi diễn. Bởi vậy, nó gây ra hưng phấn, sung sướng, hạnh phúc vô tận.

Năm 1977, tôi lại nhận một vai trong phim “Mối tình đầu”. Bác Hải Ninh bảo tôi, muốn làm diễn viên thì bản năng chưa đủ, phải được đào tạo thì mới có tư duy tốt cho vai diễn. Khi đó, Nhà hát Tuổi trẻ tuyển diễn viên, lại không đặt ra yêu cầu phải có chiều cao trên 1m55 như các trường nghệ thuật, nên tôi quyết cưỡng lại lời mẹ, theo nghề sân khấu.

Khi lớn hẳn lên, tôi tự thấy mình lên màn ảnh không đẹp. Thời điểm ấy, Nhà hát Tuổi trẻ và nhiều nhà hát khác cũng rất hạn chế cho diễn viên đi đóng phim. Vì thế, tôi cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội. Bác Hải Ninh có nói, nếu thích thì theo phim của bác, nhưng thật sự có nhiều cái không theo được. Rồi cuộc đời cuốn mình đi với những vai diễn, nhưng không phải trên truyền hình, mà là ở sân khấu.

Phóng viên: Trong nhiều cuộc trò chuyện của chị với báo chí, chị không giấu niềm đam mê với nghệ thuật múa. Và rồi chị đã nuôi dưỡng niềm đam mê ấy khi thành lập Đoàn Kịch hình thể tại Nhà hát Tuổi trẻ. Trong hơn 10 năm bôn ba tìm nhà tài trợ, lao tâm khổ tứ xây dựng các vở diễn, chị cũng đã tạo ra một số cuộc tranh luận trong giới sân khấu về sân khấu nghệ thuật đương đại. Một số vở kịch hình thể của chị gây tiếng vang, mang đi diễn cả ở nước ngoài. Chị đã thật sự thỏa mãn với niềm đam mê của mình chưa?

NSND Lan Hương: Từ năm 3-4 tuổi, tôi đã dám nhảy lên các sập hầu đồng, múa quay cuồng. Lúc đó, múa chỉ là bản năng, chưa hiểu gì. Sau vào làm việc ở Nhà hát Tuổi trẻ, chúng tôi được học múa, nhưng rồi cũng không sử dụng nhiều vì ưu tiên dành thời gian cho tập kịch.

Tôi nhớ, vào năm 1998, trong thời gian giải lao giữa giờ tập, tôi cứ đứng bên cánh gà tập múa cơ bản. Trưởng đoàn kịch của tôi là cố NSND Anh Tú thấy vậy bảo: “Hương thích múa, hay làm vở gì có múa đi”. Mắt tôi sáng rực. Tôi bàn với đạo diễn Lê Hùng và “Giấc mơ hạnh phúc” là sản phẩm đầu tiên của tôi mang dáng dấp của kịch hình thể. Trên đà phấn khích ấy, năm 2005 tôi xin mạnh dạn thành lập một Đoàn Kịch hình thể, thu hút được gần 50 người.

Thế giới đã có kịch đương đại lâu rồi, nhưng ở Việt Nam, tôi chọn một cách làm kịch hình thể rất riêng.

Thế giới đã có kịch đương đại lâu rồi, nhưng ở Việt Nam, tôi chọn một cách làm kịch hình thể rất riêng. Ở các sân khấu thế giới, các đạo diễn chỉ đưa vũ đạo thông thường, chuyển tải nội dung vở diễn; nhưng sự độc đáo của tôi là đã đưa được văn hóa dân tộc của mình như nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, kịch câm, kịch nô… lồng ghép vào từng vở diễn. Tôi đã mang vở diễn đến Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc, mang sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Thái Lan… và được nhiều bạn bè quốc tế khá thích thú.

Phóng viên: Tôi nhớ khi đó, vở nào của chị ra mắt cũng tạo ra một cuộc tranh luận trong giới sân khấu. Người thì ủng hộ đổi mới, người thì cho rằng sự phá cách của kịch hình thể, không nhiều thoại gây khó hiểu cho khán giả. Vở diễn nào khiến chị nhớ nhất đến giờ?

NSND Lan Hương: Có lẽ là vở “Kiều”, nói về nỗi lòng của Nguyễn Du khi viết về thân phận nàng Kiều. Không hiểu bằng một sự linh cảm nào đó, tôi đưa cả nhân vật Hồ Xuân Hương lên sân khấu. Tôi muốn tạo ra một cuộc đối thoại về thân phận phụ nữ, giữa một bà chúa Thơ Nôm sắc sảo, rất đời với một nhà thơ Nguyễn Du tinh tế.

Vở ấy gây tranh cãi ghê lắm. Hội đồng duyệt bảo hai nhân vật không liên quan gì tới nhau. Trong buổi bảo vệ vở diễn, tôi đã báo cáo Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương là hai con người ở cùng một giai đoạn lịch sử. Vở diễn tạm dừng ra mắt vì gây nhiều tranh cãi.  

Một hôm vào nửa đêm, anh Trương Nhuận (Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ) gọi điện cho tôi: “Hương ơi, anh gai hết người. Anh vào Hà Tĩnh, đọc một bài báo thì biết hóa ra giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du từng có một  mối tình. Trước đây, anh nghĩ em liều quá, nhưng bây giờ thì anh yên tâm. Anh sẽ in bài báo gửi cho em”. Không hiểu sao, lúc ấy tôi cũng gai người. Với hiểu biết của mình, tôi chỉ biết họ sống cùng một thời, chứ không hề biết nhân duyên của họ. Sau đó, vở diễn trình làng khán giả và không ít người rất thích thú với việc tôi tạo ra sự đối thoại của hai nhân vật này.

Gần 20 năm làm kịch hình thể, mỗi vở diễn của tôi và anh Lê Hùng ra mắt đều gây tiếng vang. Năm 2017, tôi làm vở cuối cùng về ngành công an. Từ khi nghỉ hưu năm 2018, Đoàn Kịch hình thể không còn hoạt động nhiều nữa. Tôi chỉ tiếc, giá như mình còn được tiếp tục làm kịch hình thể, thì giờ sẽ có nhiều vở diễn hoàn chỉnh hơn, theo sát gu khán giả hơn.

Phóng viên: Gần đây, khán giả thấy chị xuất hiện ở 1-2 phim truyền hình rồi “lặn mất tăm”. Có người bảo chị giải nghệ, lui về ở ẩn; có người thì bảo Lan Hương vẫn hoạt động miệt mài nhưng kín tiếng? Đã đành chị là người kén vai, nhưng phải chăng cái duyên với nghề đã không còn được như xưa?

NSND Lan Hương: Nghỉ hưu, tôi vẫn dạy chuyên ngành Đạo diễn, lễ hội sự kiện tại trường Đại học Sân khấu điện ảnh. Tròn 10 năm giảng dạy, từ năm 2012-2022, rồi tôi xin nghỉ. Phần vì sau dịch Covid-19 thấy mệt mỏi, phần vì thấy mình không còn hoạt động nghệ thuật nữa, dạy không còn thực tiễn, làm giảm nhiệt huyết dạy dỗ học trò.

NSND Lan Hương- đạo diễn, đóng các vai Hồ Xuân Hương, Hoạn Thư, sư Giác Duyên trong vở. (Nguồn: Báo Lao động)

NSND Lan Hương- đạo diễn, đóng các vai Hồ Xuân Hương, Hoạn Thư, sư Giác Duyên trong vở. (Nguồn: Báo Lao động)

Sau khi nghỉ hưu, tôi cũng có nhận vai trong phim: Trần Thủ Độ, Sống chung với mẹ chồng, Ngược chiều nước mắt… nhưng sau đó thì không thấy đạo diễn nào mời, có lẽ mình già rồi, chẳng có vai nào hợp.

Thi thoảng, hai vợ chồng tôi vẫn đi xem các vở kịch của nhiều sân khấu. Có những vở, đi xem rồi thì lại nghĩ, nếu là mình, mình sẽ làm kịch bản thế này, thổi hồn vai diễn thế kia. Mọi người cứ loan tin mình từ giã nghề, nhưng tôi chưa giải nghệ được.

Tôi nghĩ, đời người có lúc may mắn, có lúc hết may. Hoặc có thể ông trời nghĩ mình quá ư vất vả, nên cho mình làm đến thế thôi. Nhưng trong trái tim tôi còn bao nhiêu dự định, bao nhiêu kịch bản muốn làm, chỉ tiếc bây giờ khó hơn xưa khi mình không có tiền, cũng không có quyền quyết định. Mệt rồi, thì tạm nghỉ đã. Nếu có duyên, tôi sẽ lại quay trở lại sân khấu, điện ảnh và lúc ấy có khi lại làm điên cuồng.   

Phóng viên: Chị có thấy mình là một người cầu toàn không, khi luôn cho rằng mình chưa thật sự làm tốt các vai diễn, kể cả khi làm đạo diễn?

NSND Lan Hương: Lúc nào tôi cũng thấy mình làm chưa được tốt. Hồi đóng “Em bé Hà Nội”, tối về tôi lại gác tay lên trán, nghĩ xem, ngày mai sẽ diễn như thế nào, phát âm thế nào. Làm đạo diễn cũng vậy, một năm dựng một vở, nhưng luôn luôn không hài lòng. Ngay cả khi tôi tranh luận với ai, cũng thấy mình có lỗi. Tôi chỉ tiếc là khi còn chưa hài lòng với chính mình thì đã nghỉ hưu. Rồi tiếc khi nghỉ hưu, chính mình đã không vượt qua được áp lực của rất nhiều năm để tiếp tục có nhiều tranh đấu, để làm nghề. Chắc tôi phải tên là “giá như”! (Cười)

“Hà Nội với tôi đặc biệt lắm”

Phóng viên: Hà Nội năm diễn ra trận Điện Biên Phủ trên không là nỗi ám ảnh, sợ hãi như thế nào với một cô bé vốn luôn mộng mơ, yêu điện ảnh?

NSND Lan Hương: Năm 3 tuổi, tôi đã biết sợ chiến tranh khủng khiếp. Cứ nghe tiếng máy bay là sợ rét người, nghe tiếng bom là run lên cầm cập. Bởi vậy, khi nhập vai em bé Hà Nội, mình diễn bằng nét hồn nhiên như chính tuổi thơ của mình vậy.

Lớn lên ở khu Xưởng phim ở 72 Hoàng Hoa Thám, đối diện Nhà máy Da Hà Nội, ám ảnh nhất tuổi thơ của tôi là mùi nước thải từ nhà máy. Ấy thế mà đến cuối năm 1972, biết tin trận Điện Biên Phủ trên không thắng lợi, Mỹ buộc phải ngừng ném bom, từ khu sơ tán ở Bình Đà, Hà Tây, tôi và anh con nhà bác trốn nhà, dắt nhau đi bộ về khu Hoàng Hoa Thám.

Về đến gần Nhà máy Da Hà Nội, ngửi thấy mùi cống, tôi òa lên khóc bảo: “Anh Vinh ơi, mình sắp về đến nhà rồi”. Tự dưng, tôi thấy mùi cống nồng nặc ấy lại thành thân thương.

Trải qua những năm tháng chiến tranh rồi mới thấy được hòa bình hôm nay là điều tuyệt vời.

Trải qua những năm tháng chiến tranh rồi mới thấy được hòa bình hôm nay là điều tuyệt vời. Tôi đi nhiều nơi, thấy Hà Nội vẫn là thủ đô an ninh, thủ đô của hòa bình.

Phóng viên: Trong sự nghiệp sân khấu, điện ảnh của mình, chị dành tình yêu với Hà Nội thế nào qua những vai diễn, cũng như khi làm đạo diễn sân khấu?

NSND Lan Hương: Ngoài phim “Em bé Hà Nội”, thú thật là tôi chưa làm cái gì thật lớn cho Hà Nội. Sau này, do mê mẩn hình ảnh các chiến sĩ cảnh sát giao thông và thích bài hát “Từ một ngã tư đường phố”, tôi xin nhà văn Hữu Ước làm một vở kịch về ngành công an. Xây dựng vở kịch về chiến sĩ cảnh sát giao thông rất khó, nhưng tôi lại làm được thành cực kỳ đáng yêu.

Tôi cũng muốn làm vở kịch chính thống về Hà Nội, nhưng chưa có điều kiện. Tôi vẫn đang chờ một cơ hội nào đó đến với mình.

Xin cảm ơn NSND Lan Hương!

Ngày xuất bản: 1/10/2024
Tổ chức thực hiện: Nam Đông - Hữu Việt
Nội dung: Hồng Vân - Thiên Lam
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: NVCC, Hà Nam,
Báo Lao Động, Báo Văn nghệ quân đội