Nghệ thuật Xòe Thái
Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Đúng 17 giờ 11 phút ngày 15/12, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với sự kiện này, những ngày cuối năm 2021, văn hóa Việt một lần nữa tỏa sáng cùng văn hóa thế giới.
Hồn cốt văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc
Là hình thức kết nối ước vọng của con người với thế giới thần linh, xòe lâu nay đã là hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa, đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái. Xòe phản ánh vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Thái gồm thế giới ở trên trời, ở mặt đất và của thần linh, thể hiện ước vọng của con người, cầu mong sự trợ giúp, phù hộ của thần linh có một cuộc sống no đủ, bình an.
“Xòe” có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Xòe được trình diễn trong nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng.
Nghệ nhân Lò Văn Biến (bản Căng Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái), người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Thái cho biết, do sống giữa thiên nhiên hùng vĩ, cùng với sự cần cù, tinh thần sáng tạo trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, nên mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, người Thái lại nắm tay nhau quanh đống lửa nhảy múa ăn mừng. Những điệu Xòe hình thành phát triển từ đó. Múa Xòe còn có tên khác là “Xe khăm khen” (múa cầm tay), nảy sinh trong quá trình lao động, trong sinh hoạt, phong tục tập quán, lễ hội…
Nhiều điệu nhảy trong múa Xòe mô phỏng những bước đi của cha ông, khai phá đất đai, phát rẫy, trồng lúa, lấy nước, tung khăn, mời rượu…, tất cả đều diễn tả sinh động thực tế cuộc sống, thể hiện những ước mơ, khát vọng của người Thái Tây Bắc.
Người Thái quan niệm "Không Xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ". Múa Xòe là biểu tượng tình yêu của dân tộc Thái, từ yêu cuộc sống lao động cần cù đến tình yêu đôi lứa. Bởi vậy, mỗi dịp lễ, Tết hay trong ngày vui của dòng họ, gia đình, của bản làng, nhất là khi nhà đón khách quý…, vòng Xòe thường được tổ chức như một nghi lễ dân gian để đón mừng. Người Thái cũng thường tổ chức múa Xòe trong hội xuân, hội mùa và hội cưới.
Múa Xòe do người dân sáng tạo, được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ, sau này được chỉnh lý và cải biên thành các điệu múa biểu diễn, nhưng vẫn giữ những nét văn hóa đặc sắc của người Thái trong đó.
Các thành viên cộng đồng chia sẻ trách nhiệm và đóng vai trò khác nhau trong tổ chức một cuộc Xòe. Trong các nghi lễ có múa Xòe như Kin Pang Then, Xên Lẩu Nó, Hết Chá, thầy cúng thực hiện các nghi lễ, hát, đệm tính tẩu và hướng dẫn cho các con nuôi làm đồ lễ, mâm cúng, múa tạ ơn và mừng thần linh. Thầy cúng truyền dạy cho thành viên trong gia đình, bản hội và chọn người kế nghiệp.
Trong các cuộc vui, lễ hội mang tính cộng đồng như Xên bản, tuần văn hóa các dân tộc, tất cả thành viên cộng đồng đều tham gia chuẩn bị đồ cúng, trang trí bàn thờ, chế biến món ăn, chuẩn bị đạo cụ, tham gia Xòe vòng, tiếp đón và mời những người ngoài cộng đồng cùng Xòe.
Các nhạc công nam thường thổi pí pặp, khèn bè, kèn loa, tính tẩu, còn phụ nữ đánh chũm chọe, gõ bẳng bu, lắc quả nhạc. Họ cũng là những người hát đệm cho các điệu Xòe và là thầy dạy đánh đàn và hát cho các thành viên của đội văn nghệ.
Hạt nhân của các đội văn nghệ là các nghệ nhân, nhiệt tình truyền dạy cho các thành viên của đội và học sinh ở trường phổ thông và các trường nghệ thuật.
Ý nghĩa điệu Xòe trong văn hóa của dân tộc Thái (Nguồn: Truyền hình Nhân Dân-sản xuất tháng 5/2020)
Ý nghĩa điệu Xòe trong văn hóa của dân tộc Thái (Nguồn: Truyền hình Nhân Dân-sản xuất tháng 5/2020)
Những điệu Xòe còn giữ lại
Theo Hồ sơ Di sản trình UNESCO, Xòe có ba loại chính: Xòe nghi lễ, Xòe vòng, Xòe biểu diễn. Các điệu Xòe nghi lễ và Xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa…
Xòe vòng phổ biến nhất, là màn đồng diễn mà người Xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người. Xòe vòng là múa tập thể, mở rộng dần vòng Xòe, cuốn hút mọi người hòa cùng niềm vui mỗi dịp Tết đến, Xuân về hay trong lễ hội, cuộc vui liên hoan. Họ nắm tay nhau, bước chân nhịp nhàng theo điệu nhạc trong không khí thân thiện, vui vẻ, hòa đồng.
Trong các dịp lễ hội, các thành viên gia đình, cộng đồng, mỗi người một việc, cùng nhau tham gia chuẩn bị đồ cúng, tổ chức các hoạt động tế lễ, trò chơi dân gian, và cùng Xòe. Qua đó, Xòe thể hiện sự kết nối giữa các thế hệ, tăng cường mối quan hệ thân thiết giữa các thành viên cộng đồng, giữa các thế hệ trong và ngoài cộng đồng.
Nghệ thuật Xòe Thái tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng những giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục, ẩm thực và quan trọng hơn là sự ứng xử văn hóa của cộng đồng người Thái. Ngày nay Nghệ thuật Xòe đã trở thành biểu tượng của lòng cởi mở, hiếu khách, là dấu ấn văn hóa tộc người, và bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam.
Các động tác múa cơ bản của Xòe là tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm lấy tay người bên cạnh cùng bước chân nhịp nhàng, người hơi ưỡn ngực, lưng ngả về phía sau. Các nhạc cụ tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm choẹ, pí pặp, bẳng bu, mák hính, đệm cho múa theo nhịp chẵn 2/4, 4/4 trong những âm điệu đặc trưng của những quãng 2 trưởng, 3 trưởng, thứ, quãng 4,5 đúng. Các động tác múa tuy đơn giản nhưng mang ý nghĩa biểu tượng cho một cuộc sống tốt đẹp và sự đoàn kết của tất cả thành viên cộng đồng.
Những động tác múa uyển chuyển hòa với âm nhạc, bài hát, trang phục áo cóm bó chặt người, âm thanh phát ra từ trang sức bạc đeo quanh thắt lưng của người phụ nữ Thái tạo nên một loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái ở vùng Tây Bắc.
Người Thái có 6 điệu xòe cổ, là khởi nguồn của nghệ thuật dân vũ đồng bào Thái. Điệu xòe cơ bản nhất là “Khắm khăn mơi lẩu”- nghĩa là “nâng khăn mời rượu”. Đây là điệu xòe thể hiện nét văn hóa trong giao tiếp ứng xử của đồng bào dân tộc Thái. Theo quan niệm của người Thái thì bất cứ ai đến chơi nhà đều được đón tiếp rất trân trọng và hết sức chân tình.
Điệu xòe thứ hai là điệu “Phá xí”, nghĩa là xòe bổ bốn, điệu múa thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng người Thái. Điệu xòe này có ý nghĩa biểu hiện tình cảm của mỗi cá nhân trong cộng đồng, dù có đi 4 phương trời nhưng không bao giờ quên được nguồn cội.
Điệu Xòe tưng bừng và rộn rã nhất là điệu “Nhôm khăn”, hay còn gọi là điệu Tung khăn. Ra đời cùng với sự phát triển của nghề trồng bông dệt vải, xòe Nhôm khăn có ý nghĩa biểu hiện niềm vui của con người trước những thành qua lao động của mình, đồng thời thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay các thiếu nữ dân tộc Thái bằng những nét hoa văn tinh tế trên các sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm truyền thống. …
Điệu xòe thứ 4 là “Khắm khen” nghĩa là cầm tay nhau, nắm tay cùng xòe. Đây là điệu xòe cơ bản trong nghệ thuật dân vũ của dân tộc Thái, được hình thành trong quá trình lao động từ thuở sơ khai. Khi săn được con thú, mỗi khi có niềm vui trong gia đình, cộng đồng mọi người nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa. Đây cũng là những động tác cơ bản đầu tiên làm tiền đề để phát triển thành những điệu xòe tiếp theo và phát triển thành những tác phẩm múa dân gian đặc sắc. Đồng thời có ý nghĩa là biểu hiện sự gắn kết cộng đồng mỗi khi có niềm vui cùng nhau nhảy múa và cả khi gặp khó khăn hoạn nạn, cộng đồng vẫn nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua.
Điệu xoè thứ 5 là “Đổn hôn”, nghĩa là Xòe bước tiến lùi. Điệu xòe đổn hôn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cho dù cuộc sống có lúc buồn, lúc vui, có khi chao đảo trước sóng gió, khó khăn. Song mọi người vẫn chung lòng hướng tới một niềm tin son sắt, cho dù vật đổi sao dời nhưng lòng người không bao giờ thay đổi.
Điệu xoè cuối cùng là “Ỏm lọm tốp mư” (Đi vòng tròn vỗ tay). Xòe "Ỏm lọm tốp mư" kết thúc mỗi cuộc vui. Khi mọi người đã trao nhau những tình cảm chân thành, thì điệu xòe này biểu hiện niềm hân hoan, sự thỏa mãn, đó cũng là những bước chân chếnh choáng men say của rượu nồng và tình người ngây ngất, tiếng vỗ tay cũng nhỏ dần, thưa dần cùng ánh lửa le lói báo hiệu đêm sắp tàn, mọi người chia tay và chào đón một ngày mới.
Trao truyền và gìn giữ
Nghệ thuật Xòe Thái được trao truyền trực tiếp giữa các thế hệ, các thành viên cộng đồng, không kể tuổi, giới tính. Mọi người tham gia Xòe đều có thể học hỏi từ nhau, người này chỉ cho người khác, nhịp nhàng cùng bước theo điệu nhạc.
Trong gia đình người Thái, trẻ em học Xòe từ ông bà, cha mẹ khi cùng họ tham dự nghi lễ ở điện thờ của thầy cúng, trong đám cưới, các cuộc vui, lễ hội. Các thầy cúng truyền lại cho các con, các cháu, người kế nghiệp nghi thức cúng và các điệu Xòe nghi lễ.
Ở cộng đồng, trong các nghi lễ, các thầy cúng truyền dạy Xòe cho các con nuôi. Ở các cuộc Xòe cộng đồng, những nghệ nhân, bậc cao niên có năng khiếu, thuần thục Xòe hướng dẫn cách bước chân, vung tay, nhún chân theo nhịp điệu nhạc, cách sử dụng các đạo cụ như nón, khăn, gậy, quạt, v.v. Tham gia dạy múa Xòe, còn có sự hợp tác giữa các nghệ nhân và nghệ sĩ múa người Thái. Họ phối hợp, trực tiếp hướng dẫn các điệu Xòe trong các đội văn nghệ, lớp học ở các trường phổ thông, trường nghệ thuật.
Xòe được thực hành tại các bản của người Thái ở 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên, trong đó có các huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ ở tỉnh Yên Bái; các huyện Mộc Châu, Tam Đường, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên,thành phố Lai Châu ở tỉnh Lai Châu; các huyện Mường Ảng, Điện Biên, Mường Chà,Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ, thị xã Mường Lay, thành phố Điện Biên Phủ ở tỉnh Điện Biên;các huyện Thuận Châu, Yên Châu, Sốp Cộp, Vân Hồ, Mường La, Sông Mã, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Bắc Yên, Phù Yên, thành phố Sơn La ở tỉnh Sơn La. Trung tâm của Xòe có thể được coi ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La).
Từ những năm 1990 đến nay, cộng đồng người Thái ở 4 tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La đã thực hiện các biện pháp bảo vệ Nghệ thuật Xòe như: thành lập các đội sinh hoạt Xòe Thái, các nghệ nhân dân gian, các nhà nghiên cứu địa phương phương ghi chép và xuất bản tài liệu về sự sáng tạo và phát triển, cách thức Xòe, các điệu Xòe, bối cảnh diễn xướng, và những loại hình văn hóa liên quan, các thầy cúng hướng dẫn cho các con nuôi cách thức Xòe mừng và tạ ơn thần linh trong các nghi lễ. Các nghệ nhân dân gian, những thành viên cộng đồng am hiểu về Xòe Thái tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ ở các lớp mầm non, trường phổ thông, trường nghệ thuật.
Ngoài ra, còn có vai trò của một số cá nhân tích cực khôi phục các điệu Xòe Thái do ông bà, cha mẹ lưu truyền lại, truyền dạy Xòe Thái như ông Lò Văn Biến (86 tuổi, Yên Bái), mở lớp dạy tính tẩu, khèn; Bà Đỗ Thị Tấc (56 tuổi, Lai Châu) tự đầu tư xây dựng dãy nhà sàn phục vụ trưng bày các di sản văn hóa người Thái và truyền dạy Xòe cho cộng đồng tại thị trấn Than Uyên.
Số lượng đội văn nghệ sinh hoạt Xòe Thái ở cộng đồng: Yên Bái có khoảng 180 đội, Điện Biên có 1.273 đội, Lai Châu có hơn 100 đội, và Sơn La có khoảng 1.700 đội. Các thành viên của những đội văn nghệ này là lực lượng nòng cốt trong việc trình diễn, trao truyền và sinh hoạt Xòe Thái.
Năm 2013, 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2015 và năm 2019 Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho 9 nghệ nhân ở 4 tỉnh trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn liên quan đến Nghệ thuật Xòe Thái.
Đồng thời, UBND 4 tỉnh đã phê duyệt cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch một số dự án sưu tầm và phổ cập một số điệu Xòe và hỗ trợ về mặt tài chính tập luyện, mua nhạc cụ cho các đội văn nghệ. Hàng năm, UBND 4 tỉnh tổ chức tuần văn hóa, ngày hội văn hóa các dân tộc, hội diễn, hội thi trong đó có Nghệ thuật Xòe Thái.
Hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái đã đáp ứng toàn bộ 5 tiêu chí do UNESCO đề ra: (i) Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể theo định nghĩa tại Điều 2 của Công ước 2003; (ii) Việc ghi danh sẽ góp phần bảo đảm tính phổ biến của Xòe Thái và nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể; (iii) Các biện pháp bảo tồn được đề xuất có khả năng bảo tồn và phát huy di sản; (iv) Xòe Thái đã được đề cử với sự tự nguyện và đồng thuận của cộng đồng có liên quan; (v) Xòe Thái đã được đưa vào một danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật của Quốc gia thành viên đề cử di sản, như được quy định tại Điều 11 và 12 của Công ước 2003.
Giây phút Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại đầu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hà Nội. (Ảnh: Bộ VHTTDL)
Giây phút Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại đầu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hà Nội. (Ảnh: Bộ VHTTDL)
Lễ công bố ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo hình thức trực tuyến (Ảnh: Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO)
Lễ công bố ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo hình thức trực tuyến (Ảnh: Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO)
Các nghệ nhân trình diễn điệu xòe Thái tại lễ ghi danh (Ảnh: TTXVN)
Các nghệ nhân trình diễn điệu xòe Thái tại lễ ghi danh (Ảnh: TTXVN)
Các nghệ nhân vui mừng tại lễ ghi danh Xòe Thái được UNESCO là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: Bộ VHTTDL)
Các nghệ nhân vui mừng tại lễ ghi danh Xòe Thái được UNESCO là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: Bộ VHTTDL)
Những đánh giá của chuyên gia
Sự kiện Xòe Thái trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh là một đóng góp nữa của Việt Nam cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy.
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhấn mạnh, Xòe Thái đã góp phần vào bức tranh văn hóa đa sắc màu và đầy cuốn hút của dân tộc, góp phần củng cố và nâng cao sức mạnh mềm của Việt Nam.
Điều này thể hiện vinh dự của Việt Nam, đóng góp thêm một di sản vào kho tàng văn hóa của nhân loại và góp phần thực hiện các mục tiêu chung của Liên hợp quốc, trong đó có Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Từ đây, Xòe Thái không chỉ là nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Thái vùng Tây Bắc, của dân tộc Việt Nam, mà còn trở thành di sản của nhân loại toàn cầu, được cộng đồng quốc tế bảo vệ và phát huy giá trị.
Chia sẻ tin vui về việc nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO bày tỏ vui mừng cho biết, việc ghi danh không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Thái ở vùng núi Tây Bắc, mà còn là niềm vui chung của Việt Nam, góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam phát triển năng động, nhưng vẫn giàu truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với di sản này, đối với những giá trị văn hóa Việt Nam.
Đây là thành quả của những nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của cộng đồng, chính quyền các địa phương có di sản với sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia về di sản, sự chỉ đạo tích cực và hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và vai trò điều phối của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO trong việc đề xuất, lựa chọn ý tưởng, hoàn thiện và vận động hồ sơ.
Chứng kiến giây phút hai tiếng Việt Nam được xướng lên đầy trang trọng với các nghi thức đánh dấu sự kiện Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh, không giấu khỏi niềm xúc động, nghệ nhân Lò Văn Biến chia sẻ: “Chúng tôi rất xúc động và tự hào khi Xòe Thái được quốc tế vinh danh. Vào trong vòng Xòe, già trẻ gái trai, giàu nghèo sang hèn đều trở nên bình đẳng. Tất cả mọi người đều hân hoan nắm tay nhau hòa mình trong vòng Xòe”.
Việc UNESCO chính thức ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại” mang lại ý nghĩa và cơ hội lớn để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của loại hình múa truyền thống đặc sắc này, cũng như góp phần vào khẳng định sự đa dạng, giá trị và bản sắc của văn hóa Việt Nam trong bức tranh văn hóa chung của nhân loại.
Ngày xuất bản: 16/12/2021
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: TUYẾT LOAN - NGUYỄN TRANG
Trình bày: NGUYỄN TRANG - ĐĂNG PHI
Ảnh: THÀNH ĐẠT - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO - TTXVN - VOV - Báo Yên Bái.