Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội, trong phần “Gia đình có thành tích đặc biệt” ghi thông tin hai cha con cụ Nguyễn Văn Đoan (1909) và ông Nguyễn Văn Nhung (1932) bị địch bắt cùng 1 năm, cùng ở nhà tù Phú Quốc và cùng được trao trả năm 1954.
Phía sau những dòng ngắn gọn này là câu chuyện về lịch sử gia đình, làng mạc và đặc biệt là những nỗ lực vun đắp cho lịch sử một làng nghề gốm cổ từng được khảo cổ học chứng minh đầu những năm 2000.

Lời cha dặn trên chuyến tàu ra đảo

Cuốn Lý lịch cán bộ, bản khai năm 1965 của ông Nguyễn Văn Nhung vẫn lưu những dòng chữ sắc nét: “Sinh năm 1932 tại xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội, phụ trách thiếu nhi thôn từ tháng 8/1945, du kích xã từ năm 1948....” cho thấy một lịch sử hoạt động cách mạng dày dặn của ông.

Là cán bộ được Ty Công an Bắc Ninh điều về xây dựng cơ sở công an xã tại 3 huyện của Bắc Ninh, nhưng năm 1952, trong bối cảnh quân Pháp mở nhiều đợt càn quy mô lớn nhằm tiêu diệt lực lượng của ta, đội công an lưu động của ông được lệnh giải tán. Không cam lòng rời đi vì “cơ sở vừa xây dựng xong, đi thì vỡ mất nên chúng tôi bàn nhau ở lại” nhưng rồi cũng lạc nhau. Ông Nhung tham gia chiến đấu trong trận chống càn, thoát vây lịch sử của Trung đoàn 98 tại Bắc Ninh khi đó. Trung đoàn 98 kết thúc chống càn, ông Nhung tìm cách băng qua đê vượt sông, thoát vòng vây địch đang ngày càng siết chặt, người lính trẻ phát hiện một đồng đội đang nằm sốt rét. Bơi giỏi, nhưng dự định động viên đồng đội bám vào thân một cây chuối để cùng vượt sông không thành, chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Nhung ở tuổi 20 quyết định ở lại cùng đồng đội bàn cách đối phó, cách khai nếu bị địch bắt.

“Sau này có thì giờ nhớ lại tôi mới nghĩ lúc đó mình đã thực hiện đúng điều 2 trong 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân: Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ”, ông Nhung bồi hồi.

Cũng trong ký ức của ông: “Nằm dưới ruộng lúa chiêm cánh đồng làng La Miệt (Võ Giàng, Bắc Ninh) bấy giờ đã lấp ló lên cao, thấy rõ địch giăng thành hàng tiến tới…”

Ông bị bắt ngày 20/4/1952 và từ đó trải qua những tháng ngày tù đày khắc nghiệt. Điểm đầu tiên là camp 51 ở Hải Dương: “Mưa rào, địch đóng cống, nước ngập đến đầu gối, rồi đuổi tù ra tắm nước mưa, phơi nắng. Tôi bắt đầu kiết lị, tê tay chân. Tù chết hàng loạt mới có lệnh chuyển tù Hải Dương về Hà Nội chữa. Rất may có anh bạn tù cõng tôi ra sát cửa, nhà tù mở cửa là đẩy tôi ra ngoài thoát về Hà Nội. Cuối 1953 tôi bắt đầu đi lại được, thì bị cho vào trại D1-Hà Nội, D1 tức là nguy hiểm số 1, cấm cố không được ra ngoài. Tết xong, thì bị chuyển ra đảo Phú Quốc”.

Chuyến ra đảo này cũng là thời gian đặc biệt khi ông tình cờ được gặp cha mình - cụ Nguyễn Văn Đoan, khi đó là Chủ tịch xã Quang Minh (gồm Kim Lan, Giang Cao, Bát Tràng), bị địch bắt tháng 7/1952 do bị chỉ điểm. Quang Minh lúc đó, lực lượng kháng chiến rút gần hết, giặc từng treo thưởng bắt được nhân vật Nguyễn Văn Đoan là dẹp được cơ sở cách mạng ở xã.

Đêm trong trại giam tại Hải Phòng chuẩn bị ra đảo. Xe đỗ, nhận ra cha, tôi nhảy xuống ôm bọc quần áo đuổi theo gọi: Bố ơi! Bố ơi! Mấy lần lính da đen lấy báng súng đánh ngã văng cả bọc quần áo, tôi đành dừng lại đợi đêm xuống để tìm cha. Nhón chân đi qua anh em đang nằm ngủ, nhận ra cha đang ngồi hút thuốc lào, tôi ôm chầm lấy cha mà gọi khẽ...

“Đêm trong trại giam tại Hải Phòng chuẩn bị ra đảo. Xe đỗ, nhận ra cha, tôi nhảy xuống ôm bọc quần áo đuổi theo gọi: Bố ơi! Bố ơi! Mấy lần lính da đen lấy báng súng đánh ngã văng cả bọc quần áo, tôi đành dừng lại đợi đêm xuống để tìm cha. Nhón chân đi qua anh em đang nằm ngủ, nhận ra cha đang ngồi hút thuốc lào, tôi ôm chầm lấy cha mà gọi khẽ...”, ông Nhung xúc động kể.

Trên chuyến tàu ra Phú Quốc, cha giường tầng dưới, con tầng trên, người cha dặn: “Nếu còn sống trở về, phải tìm cách đưa gia đình đi tìm cách cứu đói”. Bởi tình thế Kim Lan khi đó giống như nhiều làng quê trong những năm chống Pháp, triền miên đói kém, từng nổi tiếng với câu ca “vo gạo bằng rổ, mổ cá bằng gai” (tức là ăn cơm bột ngô với những đòng đong cân cấn). Gia đình nào có người thân theo cách mạng, anh em không dám qua lại tránh rắc rối. Bà nội ông Nguyễn Văn Nhung là người Công giáo yêu nước, cũng liên tục chịu sức ép, quản thúc của phía Pháp…

Ra đảo, cuộc sống người tù ở nơi “địa ngục trần gian”, không phải thi thoảng được gặp cha như lúc còn hoạt động ở quê nhà. Nhưng trong ký ức của ông Nguyễn Văn Nhung vẫn sống động câu chuyện tình cha con, ý chí và kỹ năng sinh tồn của người cách mạng. Những người tù tìm cách nhận dọn vệ sinh để ra ngoài, rồi tìm được hạt rau muống đem gieo trên vùng cát mà vẫn cho thu hoạch tốt. Ông giải thích, sinh vật biển phân hủy đã tạo nên lớp chất nuôi dưỡng tốt cho cây rau trên cát…

Năm 1954, Hiệp định Geneva mang lại tự do cho hai cha con, cha ông trong được trở về trong chuyến đầu tiên, còn ông thuộc lực lượng tiếp tục đấu tranh và được trao trả trong đợt cuối cùng. Trước khi cha rời đi, ông chỉ kịp nhắn: “Nếu được đi công tác thì con chưa thể trở về ngay”.

Trọn vẹn nhiệm vụ cứu nước, cứu nhà

Và đúng là, sau khi được trao trả, ông tiếp tục công tác, học tập, lần lượt trải qua nhiều nhiệm vụ, trong đó có cán bộ Tuyên huấn ở Bắc Ninh đến Hiệu phó, Hiệu trưởng nhiều trường THPT ở Quảng Ninh.

Luôn đau đáu lời người cha dặn trên chuyến ra đảo lịch sử năm nào, khi về hưu năm 1982, ông bày tỏ với Chi bộ: “Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ cứu nước, bây giờ tôi phải tập trung làm nhiệm vụ cứu nhà”. Ông học hỏi để mở lò gốm mong cải thiện đời sống gia đình. Khi đó, lịch sử 1000 năm liên tục nghề gốm ở Kim Lan (từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVIII) chưa được phát lộ. Nhưng trong hơn 200 năm (từ thế kỷ XVIII đến những năm 1980) không còn đỏ lửa lò gốm, người Kim Lan vẫn bằng sợi dây liên hệ quá khứ nào đó mà duy trì nghề xưa qua việc tham gia sản xuất ở làng gốm Bát Tràng nổi tiếng kế bên.

Ông Nguyễn Văn Nhung chia sẻ với nhà báo, nhà văn Trần Chiến về việc ghi chép gia phả dòng họ Nguyễn.

Ông Nguyễn Văn Nhung chia sẻ với nhà báo, nhà văn Trần Chiến về việc ghi chép gia phả dòng họ Nguyễn.

“Mục tiêu của tôi và làng tôi là giải quyết nạn đói, mà sản xuất gốm sứ thì cơ bản không bao giờ khê hết, sống hết, vẫn còn có hàng để bán. Khoảng nửa năm thì nạn đói bắt đầu được đẩy lùi, bữa ăn được cải thiện, rồi được ăn no, mua được cái đậu, mớ cá. Đến năm thứ hai thì thực sự được ổn định. Gạo 25-30.000/kg thỉnh thoảng có việc mới dùng đến, còn bình thường thì dùng loại gạo khác”.

Vì lý do sức khỏe, mặc dù không còn trực tiếp làm gốm, nhưng nghề vẫn ở lại trong gia đình ông qua nỗ lực làm nghề của con trai ông. Trong sân ngôi nhà khang trang mà con cháu xây dựng hôm nay, ông Nhung vẫn giữ lò gốm bằng gạch - một chứng nhân thời kỳ phát triển kinh tế thời đổi mới ở Kim Lan. Kế bên vườn nhà là 3 gian nhà gỗ mà người cha đã dựng từ quãng những năm 1960. Dù qua những lần tu sửa, nhưng đây vẫn là một trong những nếp nhà xưa còn lại ở Kim Lan.

Trọn vẹn nhiệm vụ cứu nước, cứu nhà, nhưng người chiến sĩ cách mạng và người thầy giáo ấy suốt hơn 25 năm qua cùng với các bạn hưu trí của mình (nay người còn, người mất) vẫn đau đau việc phát huy lịch sử, văn hóa một làng gốm cổ ngoại thành Hà Nội.

Người cựu tù Phú Quốc bên ngôi nhà khang trang của gia đình.

Người cựu tù Phú Quốc bên ngôi nhà khang trang của gia đình.

Nhóm “Tìm về nguồn cội của làng” ra đời năm 1999 mà ông là một trong hai nhân tố chính, đã có những đóng góp to lớn cho việc gìn giữ vốn văn hóa, tạo nguồn lực phát triển cho làng. Năm 2013, nhóm cùng TS Nishimura (Nhật Bản) đã được trao giải Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội.

Cụ thể, là thầy giáo nên ông Nhung được nhóm phân công là người chắp bút cho toàn bộ tài liệu của nhóm. Ngày 4/1/2000, ông Nhung là người thay mặt nhóm soạn lá thư quan trọng gửi tới Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội kèm báo cáo khá chi tiết về các hiện vật gốm do trưởng nhóm Nguyễn Việt Hồng tập hợp nhiều năm. Bên cạnh đó là thông tin, tư liệu quý nhằm làm sáng tỏ những vấn đề về lịch sử của làng từ tên gọi, biến động dân cư, biến động nghề gốm. Đặc biệt, lá thư tha thiết đề nghị các nhà khoa học vào cuộc xác minh niên đại các hiện vật nhằm khẳng định bằng khoa học về lịch sử nghề gốm cổ của làng.

4 tháng sau, cán bộ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Viện Khảo cổ học về làng khảo sát. Từ 2001 đến 2003 liên tục 3 đợt khai quật tại di chỉ bãi Hàm Rồng của làng được công bố gây “chấn động” với Kim Lan và giới khảo cổ về một làng nghề gốm cổ nghìn năm bên sông Hồng, có nhiều vật liệu xây dựng, trang trí trùng với hiện vật tìm thấy ở Hoàng Thành Thăng Long.

Dựa trên kết quả 3 lần khai quật, các nhà khảo cổ kết luận: Kim Lan có lịch sử sản xuất gốm suốt 10 thế kỷ liên tục, là trung tâm sản xuất gốm sứ cổ vào thế kỷ XIII-XIV. Khu vực Hàm Rồng, xã Kim Lan chính thức được công nhận là Di chỉ khảo cổ học.

Đến nay “người lính già đầu bạc” vẫn tâm huyết với việc làng bằng cách gìn giữ tất cả những tư liệu liên quan đến làng gốm cổ Kim Lan mà ông cùng nhóm “Tìm về nguồn cội của làng” đã tập hợp.

Năm 2010, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Kim Lan là làng nghề truyền thống (cùng với Bát Tràng, Giang Cao, Kiêu Kỵ, Ninh Giang của huyện Gia Lâm). 5 năm sau, xã Kim Lan đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2023 thì trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đồng thời khánh thành Nhà trưng bày gốm sứ, mở cửa trở lại Bảo tàng Gốm sứ Kim Lan. Ngày 2/8 vừa qua, làng Kim Lan của ông đã được Ủy ban nhân dân thành phố công nhận là điểm đến du lịch của Thủ đô.

Những đổi thay mới mẻ trên quê hương Kim Lan khiến cho người chiến sĩ cách mạng, người thầy giáo Nguyễn Văn Nhung thêm phấn khởi. Tuổi cao nhưng ông vẫn dành thời gian trò chuyện, chia sẻ thông tin giúp các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu về Kim Lan tìm hiểu về làng.

Có thể nói, nếu như cuộc kháng chiến vệ quốc giúp rèn luyện bản lĩnh người cách mạng, mái trường Đại học Sư phạm cho ông kiến thức, cốt cách làm thầy thì làng quê ngoại thành của Thủ đô cho ông cội rễ văn hóa. Những hiện vật gia đình được lưu giữ cẩn thận, cuốn sổ tay của người cha - nguyên Chủ tịch xã qua nhiều giai đoạn, giấy tờ cá nhân học tập và công tác vẫn vẹn nguyên… bộc lộ rõ “nết” người cán bộ.

Cho đến nay, ngẫm lại tôi thấy suốt cuộc đời mình đã sống theo 6 điều Bác Hồ dạy chiến sĩ Công an nhân dân, và những điều căn cốt của người làm thầy.

Không ít lần ông bày tỏ: “Cho đến nay, ngẫm lại tôi thấy suốt cuộc đời mình đã sống theo 6 điều Bác Hồ dạy chiến sĩ Công an nhân dân, và những điều căn cốt của người làm thầy”.

Tôi thích nghe ông kể chuyện làng, những gửi gắm nhân sinh quan của một người đã đi qua hơn 90 năm cuộc đời, và đôi khi cảm nhận rõ lịch sử của đất nước, của Thủ đô đã đọng lại trong lịch sử một cộng đồng, một gia đình, một con người.

Người cán bộ lão thành cách mạng, cựu tù Phú Quốc, người thầy của nhiều thế hệ học trò vẫn thường xuyên đạp xe trong làng giúp đỡ các nhà nghiên cứu tìm hiểu về làng Kim Lan

Người cán bộ lão thành cách mạng, cựu tù Phú Quốc, người thầy của nhiều thế hệ học trò vẫn thường xuyên đạp xe trong làng giúp đỡ các nhà nghiên cứu tìm hiểu về làng Kim Lan

Ngày xuất bản: 20/9/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: HẢI GIANG
Trình bày: PHƯƠNG NAM