HỎI - ĐÁP VỀ KIẾN THỨC DINH DƯỠNG CƠ BẢN

Có nhiều cách phân loại chất béo khác nhau. Tất cả các chất béo đều có cấu trúc hóa học tương tự nhau: một chuỗi các nguyên tử carbon liên kết với các nguyên tử hydro. Điều làm cho chất béo này khác với chất béo khác là chiều dài và hình dạng của chuỗi carbon cũng như số lượng nguyên tử hydro liên kết với các nguyên tử carbon. Những khác biệt nhỏ trong cấu trúc sẽ dẫn đến những khác biệt quan trọng về hình thức và chức năng.

Trong cuộc sống hằng ngày, cách hiểu về chất béo tốt, xấu và trung gian sẽ giúp ta có thực hành bảo vệ sức khỏe.

Chất béo xấu nhất

Chất béo xấu nhất: đó là chất béo chuyển hóa (trans fat).

Ăn thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa làm tăng lượng cholesterol LDL có hại trong máu và làm giảm lượng cholesterol HDL có lợi. Chất béo chuyển hóa tạo ra tình trạng viêm, có liên quan đến bệnh tim, đột quỵ, đái tháo đường và các tình trạng mạn tính khác. Chúng góp phần kháng insulin, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường typ 2. Ngay cả một lượng nhỏ chất béo chuyển hóa cũng có thể gây hại cho sức khỏe.

Chất béo bão hòa

Chất béo bão hòa (saturated fat) được gọi là "bão hòa" vì cấu trúc hóa học chuỗi nguyên tử carbon chứa bão hòa tối đa nguyên tử hydro.

Nhóm thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa bao gồm thịt bò, thịt cừu, thịt heo, sữa nguyên chất và các thực phẩm từ sữa nguyên chất khác, phô mai, dầu dừa, dầu cọ, cũng như các thực phẩm khác (các loại thịt đã chế biến gồm xúc xích, hotdog và thịt xông khói, đồ ăn vặt như snack, khoai tây chiên, bánh quy, bánh nướng và bánh ngọt).

Chất béo bão hòa hiện rất phổ biến trong chế độ ăn uống của người Âu - Mỹ. Chúng rắn ở nhiệt độ phòng, ví dụ mỡ ở thịt xông khói đã nguội.

Chất béo bão hòa có hại vì làm tăng lượng cholesterol toàn phần và làm tăng lượng cholesterol LDL có hại, khiến hình thành tắc nghẽn trong các động mạch ở tim và các nơi khác trong cơ thể. Vì thế, nên hạn chế chất béo bão hòa ở mức dưới 10% năng lượng mỗi ngày.

Một số thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa

Một số thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa

NGÀY XUẤT BẢN: 10/2/2025
NGUỒN: BAN BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE CÁN BỘ TRUNG ƯƠNG
SÁCH: HỎI - ĐÁP DINH DƯỠNG NHỮNG ĐIỀU THIẾT YẾU VỚI SỨC KHỎE (NHÀ XUẤT BẢN Y HỌC)
TRÌNH BÀY: HOÀI THU