
Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn
Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, Biệt động Sài Gòn-Gia Định là lực lượng vũ trang đặc biệt tinh nhuệ, hoạt động chiến đấu giữa lòng thành phố Sài Gòn khi đó, ngay giữa trung tâm đầu não của địch. Ra đời từ nhân dân, bám dân, hòa mình vào đời sống người dân để xây dựng lực lượng, những chiến sĩ Biệt động quả cảm, mưu trí đã lập nên nhiều chiến công vang dội, làm lung lay ý chí của địch và góp phần không nhỏ trong sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
50 năm sau khi đất nước hòa bình, xây dựng và phát triển, giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, một số cơ sở hoạt động bí mật năm xưa của lực lượng Biệt động được phục dựng, nhiều tư liệu, hiện vật quý được sưu tầm và trưng bày, trở thành "địa chỉ đỏ" hấp dẫn du khách. Đó là quán cà-phê Đỗ Phủ-cơm tấm Đại Hàn – nơi từng là trạm giao nhận tài liệu mật; hầm vũ khí phục vụ cuộc Tổng tiến công ngay dưới nhà dân; quán phở Bình từng là Sở chỉ huy tiền phương phân khu 6 Đặc khu Sài Gòn-Gia Định, hay Bảo tàng Biệt động Sài Gòn với nhiều hình ảnh, tư liệu giá trị,…
Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn không chỉ là chuyến tham quan tìm hiểu về lịch sử, mà hơn thế, đó là hành trình về nguồn để biết ơn thế hệ cha anh, ngưỡng mộ lòng quả cảm, sự thông minh, mưu trí và đặc biệt là tinh thần sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc của các chiến sĩ Biệt động năm xưa.
Giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại với những tòa cao ốc mọc lên ngày càng nhiều và nhịp sống sôi động của một đô thị năng động nhất cả nước, vẫn còn đó những chứng tích lịch sử nằm ẩn mình bên những con phố cũ. Tại số 145 Trần Quang Khải (phường Tân Định, Quận 1), một ngôi nhà 3 tầng khiêm nhường, mang dáng dấp đồng điệu với các căn nhà ống cổ chung quanh, đã từng là nơi hội họp, trú ẩn an toàn, trạm trung chuyển thông tin, tài liệu của lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định.
Trải qua nhiều biến động, nơi họp bàn năm xưa, giờ đây đã trở thành Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định, nơi mở cửa hằng ngày cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về lịch sử oai hùng của Thành phố Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỷ trước.
Từ nơi hội họp của người lính Biệt động...
Năm 1963, giữa thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn cam go, ngôi nhà 3 tầng tại số 145 Trần Quang Khải được xây dựng làm cơ sở của Nghiệp đoàn đóng mới, sửa chữa xích lô và Nghiệp đoàn trang trí nội thất do ông Mai Hồng Quế (Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai) gây dựng.
Nhờ nằm ở vị trí thuận lợi - gần trung tâm, dân cư đông đúc, gần các tuyến đường huyết mạch - nơi này dễ dàng “ẩn mình” trong nhịp sống thường nhật của thành phố.
Bởi vậy, lực lượng biệt động, cụ thể là gia đình ông Trần Văn Lai (Năm Lai), với vỏ bọc là cơ sở gia công đồ nội thất cho Dinh Độc Lập, đã cải tạo bên trong ngôi nhà thành cơ sở bí mật, phục vụ hoạt động cách mạng ngay trong lòng địch, nơi từng chứng kiến nhiều trận đánh táo bạo, những cuộc đấu trí căng thẳng giữa lòng đô thị Sài Gòn.
Căn nhà đóng vai trò là nơi họp bàn, trạm trung chuyển thông tin giữa các cơ sở ngầm của lực lượng Biệt động như số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 (Kho chứa vũ khí của ông Trần Văn Lai); Quán cà-phê Đỗ Phủ-Cơm tấm Đại Hàn, số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, Quận 1 (trạm giao liên trao đổi thư từ, tài liệu mật); Quán Phở Bình số 7, Lý Chính Thắng, Quận 3 (điểm liên lạc và nuôi giấu cán bộ biệt động)…
Các chiến sĩ biệt động ngụy trang trong những bộ đồ vest đến đây để trao đổi công việc làm ăn, nhưng thực chất là trao đổi, hội họp báo cáo tình hình hoạt động của tổ chức.
Một căn nhà phố cứ ngỡ bình thường, nhưng bên trong được thiết kế đặc biệt với hệ thống cửa sổ thoát hiểm đặt bí mật phía sau tầng 1, tạo nên những đường rút lui an toàn khi có dấu hiệu nguy hiểm. Căn nhà là một trong những “cơ sở lõi” quan trọng, giác mạch cho các hoạt động nội thành và chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Qua cánh cửa sắt chạm khắc hoa văn tinh xảo, du khách bước vào chiếc thang máy cổ từ thời Pháp thuộc lên tầng 1-nơi trưng bày các hiện vật của lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Một góc phòng lưu niệm còn giữ nguyên những vật dụng sinh hoạt của gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai.
Bảo tàng có nhiều nhất là các hiện vật về vũ khí, bom mìn, súng đạn được lực lượng Biệt động Sài Gòn sử dụng trong hai thời chống Pháp và chống Mỹ.
Tấm bản đồ cỡ lớn mô tả các mũi tấn công của Biệt động trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Tấm bản đồ cỡ lớn mô tả các mũi tấn công của Biệt động trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
…đến Bảo tàng lưu giữ ký ức cho muôn đời sau
Sau năm 1975, trải qua nhiều biến động, ngôi nhà được chia thành 3 phần và bán lại cho nhiều người khác nhau. Tuy nhiên, tiếp nối sự nghiệp của ba, anh Trần Vũ Bình (con trai cả anh hùng Trần Văn Lai) cùng gia đình đã nỗ lực để mua lại phần trệt và 2 tầng còn lại nhằm giữ nguyên giá trị lịch sử của ngôi nhà. Nơi họp bàn của những chiến sĩ Biệt động năm xưa, giờ đây đã trở thành Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định.
Hành trình xây dựng Bảo tàng, lưu giữ ký ức Biệt động ấy là những tháng năm dài anh Bình cùng gia đình ngược xuôi khắp nơi để tìm kiếm, thu thập hiện vật, phục dựng căn nhà nhằm tái hiện không gian và hình ảnh của một thời kỳ kháng chiến hơn 50 năm về trước. Từng món đồ, từng chi tiết trong căn nhà đều được bảo quản và phục hồi tỉ mỉ, từ chiếc bàn họp, những tài liệu cũ kỹ đến không gian nội thất, bàn uống nước, tủ quần áo,… đều mang đậm dấu ấn lịch sử.
Chiếc máy đánh chữ mang hiệu Olympia splendid 33 (sản xuất tại Đức, thập niên 1960) là hiện vật thuộc sở hữu của thư ký riêng của Thiếu tướng Trần Hải Phụng, Tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Gia Định, Nguyễn Thị Phương, người chuyên đảm nhận đánh máy, viết các văn bản, hồ sơ mật dưới quyền của Tư lệnh Quân khu.
Chiếc máy đánh chữ mang hiệu Olympia splendid 33 (sản xuất tại Đức, thập niên 1960) là hiện vật thuộc sở hữu của thư ký riêng của Thiếu tướng Trần Hải Phụng, Tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Gia Định, Nguyễn Thị Phương, người chuyên đảm nhận đánh máy, viết các văn bản, hồ sơ mật dưới quyền của Tư lệnh Quân khu.
Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến Khối Vũ trang-Biệt động Sài Gòn-Gia Định cho biết, biệt động Sài Gòn là lực lượng vũ trang đặc biệt trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Lực lượng này tác chiến ở chiến trường đặc biệt (ngay trong Sài Gòn) với thành phần đặc biệt từ nhiều độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp khác nhau. Họ là lực lượng vũ trang nhưng sau một trận đánh lại trở về với cuộc sống như một người bình thường. Đây là sự phát huy đến mức cao nhất của nghệ thuật chiến tranh nhân dân.
Nhưng cũng vì quá đặc biệt nên sau mỗi trận đánh, mọi dấu vết đều bị xóa sạch. Do vậy, việc tìm kiếm và phục dựng lại các kỷ vật trở thành công việc rất khó khăn, ông Nguyễn Quốc Độ chia sẻ.
Năm 2023, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định chính thức ra mắt tại số 145 Trần Quang Khải, trở thành địa chỉ đỏ giàu giá trị giáo dục lịch sử và trải nghiệm thực tế cho thế hệ trẻ. Với diện tích khoảng hơn 100m2, bảo tàng trưng bày hơn 300 hiện vật lịch sử, từ các đồ vật quen thuộc như bàn ghế, tủ kệ cho đến những tài liệu quý giá về lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Bước vào tầng trệt của ngôi nhà, du khách sẽ qua một cánh cửa sắt chạm trổ hoa văn tinh xảo để vào thang máy cổ lên tầng 2, nơi trưng ảnh và ban thờ Bác Hồ, sau đó, đi thang bộ xuống tầng 1.
Xưa kia, tầng 2, được sử dụng như 1 điểm dừng để kéo dài thời gian xuống tầng 1. Khách đến thăm Nghiệp đoàn phải đi lên tầng 2 trước khi vào tầng 1 để gặp ông Năm Lai. Trong thời gian đó, các chiến sĩ Biệt động có thể dễ dàng thoát ra an toàn bằng các cửa sổ thoát hiểm được đặt tại tầng 1.
Tầng 1, nơi từng là địa điểm họp bàn của lực lượng Biệt động, nay là không gian trưng bày hơn 300 hiện vật gồm vũ khí, công cụ làm việc và phương tiện phục vụ quá trình đi lại, giao liên của lực lượng biệt động Sài Gòn; bảng thông tin khổ lớn với câu chuyện ngắn gọn và hình ảnh minh họa kể về các trận đánh quan trọng của lực lượng biệt động… Mỗi hiện vật đều gắn liền với một câu chuyện, một nhân chứng của thời khắc lịch sử.
Bảo tàng không chỉ đơn thuần chỉ là nơi trưng bày hiện vật mà là khách tham quan đến còn có thể chạm tận tay những đồ vật gắn với những chiến công, câu chuyện lịch sử để thấu cảm sâu sắc hơn.
Khánh thành năm 2023, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định là thành quả sau hành trình dài đầy tâm huyết của gia đình anh Trần Vũ Bình nhằm đưa quá khứ trở lại hiện tại.







Chiếc thang máy cổ từ thời Pháp thuộc đặt ở tầng trệt, đưa du khách lên tham quan không gian trưng bày.
Hình ảnh tưởng niệm những cán bộ chiến sĩ lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định.
Lực lượng Biệt động giấu vũ khí trong các thân gỗ đục rỗng ruột.
Một số vũ khí lực lượng Biệt động Sài Gòn từng sử dụng trong những trận đánh.
Các loại vũ khí, bom đạn lực lượng Bệt động từng sử dụng trong suốt 2 thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ.
Một số pano khổ lớn tóm tắt nội dung và hình ảnh minh họa một số trận tập kích vào đối phương của lực lượng biệt động Sài Gòn.
Một số pano khổ lớn tóm tắt nội dung và hình ảnh minh họa một số trận tập kích vào đối phương của lực lượng biệt động Sài Gòn.
Tâm huyết của người "kết nối lịch sử"
Nhớ về những năm tháng khó khăn, anh Bình trầm tĩnh: “Trong suốt thời gian ba tôi hoạt động trong lực lượng Biệt động, gia đình tôi phải sống trong bóng tối, không dám công khai danh tính, mẹ tôi phải chịu tiếng người phụ nữ không chồng, trong con mắt bà con lối xóm, anh chị em tôi là những đứa trẻ không cha”.
Trong một thời gian dài, nhắc đến ba, trong đầu anh chữ “hận” luôn nảy lên đầu tiên nhưng sau này hiểu chuyện, anh đồng cảm và thương ba nhiều hơn. Chính bởi vậy, anh muốn biến ngôi nhà số 145 Trần Quang Khải thành Bảo tàng tái hiện và giữ gìn lại những ký ức về lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Xây dựng bảo tàng với anh Bình không chỉ là xây dựng một di tích mà còn là mong muốn sưu tầm lại kỷ vật của ba, là tình cảm của anh dành cho ba và niềm tự hào của gia đình anh với những người lính Biệt động.
“50 năm đã trôi qua kể từ ngày giải phóng, những đứa con của các chiến sĩ biệt động như tôi khi đó giờ đã chớm lục tuần. Ngày Bảo tàng mở cửa đón khách thăm quan, tôi nghĩ mình đang đến đích. Nhưng đến giờ, tôi lại thấy mình như đang bắt đầu một hành trình mới, gắn liền với những sự kiện lịch sử ở thành phố mang tên Bác này”, ông Trần Vũ Bình chia sẻ.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, may mắn được trưởng thành khi đất nước đã thống nhất, non sông nối liền một dải, anh Trần Vũ Bình luôn chất chứa tình yêu lịch sử, niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm đối với những người đã hy sinh thầm lặng để tạo nên hòa bình hôm nay.
Trong nhiều năm, anh miệt mài tìm mối liên hệ với các cựu chiến binh, tìm mua lại hiện vật, tìm tài liệu, hình ảnh để khôi phục các cơ sở Biệt động. Hành trình gây dựng các địa chỉ đỏ theo dấu chân Biệt động của anh Bình không chỉ là đam mê, mà anh còn luôn đau đáu làm sao để lịch sử trở nên gần hơn với người trẻ.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định đã ra đời như vậy. Một bảo tàng ngay giữa nhà dân, giữa lòng đô thị, nơi chỉ cần bước vào đã thấy cả một thời kỳ lịch sử hào hùng bên trong. Và người con trai của chiến sĩ biệt động năm nào đang giắt cầu cho quá khứ và hiện tại gặp nhau, để những câu chuyện oai hùng không bị lãng quên, mà trở thành hành trang cho thế hệ hôm nay tiếp bước.
Giữa thời đại công nghệ, việc kể lại câu chuyện lịch sử theo cách mới, hấp dẫn và trực quan là vô cùng cần thiết. Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định đã chứng minh điều đó. Đây không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật, mà còn là nơi truyền cảm hứng.
Em Trần Thanh Phương, sinh viên tại một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh hứng khởi: “Đến thăm Bảo tàng, được chạm tay vào hiện vật, xuống hầm bí mật, nghe các nhân chứng kể chuyện trực tiếp, việc học sử với chúng em trực quan hơn bao giờ hết. Không còn là những con số, dòng chữ khô khan trong sách giáo khoa nữa, mà là trải nghiệm thực sự”.
Cùng với các địa chỉ từng là cơ sở Biệt động khác trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Lý Chính Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, anh Trần Vũ Bình cùng gia đình đang xây dựng mạng lưới “bảo tàng sống” mà mỗi địa chỉ là một mảnh ghép, một câu chuyện khi kết nối lại sẽ tái hiện toàn cảnh một giai đoạn lịch sử bi hùng nhưng rất đỗi tự hào.
“Tôi mong muốn sau này khi người trẻ đi ngang qua bất kỳ con phố nào của Sài Gòn, nếu thấy tấm biển “Bảo tàng Biệt động”, họ sẽ dừng lại, bước vào và biết rằng ngay tại nơi họ đang sống, từng có những con người từng âm thầm chiến đấu, không màng tính mạng vì sự nghiệp giải phóng non sông, thống nhất đất nước”, anh nhoẻn cười tâm huyết.
Bộ dụng cụ ông Lâm Quốc Dũng sử dụng làm giấy tờ giả, giúp cán bộ, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đi lại hợp pháp.
Bộ dụng cụ ông Lâm Quốc Dũng sử dụng làm giấy tờ giả, giúp cán bộ, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đi lại hợp pháp.
Bộ dụng cụ ông Lâm Quốc Dũng sử dụng làm giấy tờ giả, giúp cán bộ, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đi lại hợp pháp.
Bộ dụng cụ ông Lâm Quốc Dũng sử dụng làm giấy tờ giả, giúp cán bộ, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đi lại hợp pháp.
Khẩu cối 82mm từng được sử dụng để bắn vào trụ sở làm việc của tướng Westmoreland ngày 13/2/1967, người từng giữ chức Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền nam Việt Nam từ năm 1964-1968.
Khẩu cối 82mm từng được sử dụng để bắn vào trụ sở làm việc của tướng Westmoreland ngày 13/2/1967, người từng giữ chức Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền nam Việt Nam từ năm 1964-1968.
Nhiều vật dụng sinh hoạt như đồ dựng thức ăn, bình nước, đèn Manchon được chiến sĩ biệt động tận dụng để cất thư mật, tiền vàng, thuốc men trong kháng chiến.
Nhiều vật dụng sinh hoạt như đồ dựng thức ăn, bình nước, đèn Manchon được chiến sĩ biệt động tận dụng để cất thư mật, tiền vàng, thuốc men trong kháng chiến.
Những chiếc máy ảnh các chiến sĩ biệt động sử dụng trong suốt thời gian hoạt động.
Những chiếc máy ảnh các chiến sĩ biệt động sử dụng trong suốt thời gian hoạt động.
Ngôi nhà-Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định số 145 Trần Quang Khải không chỉ là một địa chỉ đỏ, một điểm tham quan, mà còn là biểu tượng cho lòng yêu nước và ý chí bất khuất của những người lính Biệt động năm xưa. Trong dòng chảy hối hả của đô thị hóa, nơi đây như một nốt trầm cần thiết để người dân, thế hệ trẻ, khi dừng chân có thể lắng lại suy ngẫm.
Lịch sử sống trong từng viên gạch, từng vết nứt, từng hiện vật xưa cũ, từng câu chuyện thì thầm từ lòng đất. Và Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định chính là nơi lưu giữ những điều ấy-chân thực, giản dị nhưng vô cùng thiêng liêng.
Xuất bản: 4/2025
Thực hiện: Nhóm phóng viên
