Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, cả nước đã có hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP. Qua chương trình, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn. Đặc biệt, chương trình đã ghi dấu ấn về bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống; hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Đó là chia sẻ của ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân.

Chương trình OCOP đã được các địa phương và người dân đón nhận

Phóng viên: Thưa ông Phương Đình Anh, ông có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) giai đoạn 2021-2025 đến thời điểm này? Những mục tiêu đặt ra của Chương trình đã đạt được ra sao?

Ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương: Với vai trò là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, chú trọng phát huy các nguồn lực tại chỗ làm động lực phát triển kinh tế (đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý, văn hóa và tri thức bản địa, khả năng sáng tạo và lòng tự hào của người dân...), Chương trình OCOP đã được các địa phương và người dân đón nhận, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất các các địa phương.

Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, cả nước đã có 10.322 sản phẩm OCOP, trong đó có: 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao của 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là hợp tác xã, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm.

Bên cạnh đó, Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Cụ thể là:

Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn. Đặc biệt, chương trình đã ghi dấu ấn về bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống; hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Đó là những câu chuyện như: sản phẩm trà Phìn Hồ mang hương sắc, văn hóa của đồng bào người Dao của vùng núi Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang; sản phẩm từ sen - thể hiện những giá trị về văn hóa, con người xứ sở Sen hồng ở Đồng Tháp...

Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn. Đặc biệt, chương trình đã ghi dấu ấn về bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống; hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Đó là những câu chuyện như: sản phẩm trà Phìn Hồ mang hương sắc, văn hóa của đồng bào người Dao của vùng núi Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang; sản phẩm từ sen - thể hiện những giá trị về văn hóa, con người xứ sở Sen hồng ở Đồng Tháp...
Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Phương Đình Anh

Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường; góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.

Thực tế cho thấy, hơn 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%.

Chương trình OCOP thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế, như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ. Kết quả sau hơn 5 năm triển khai cho thấy, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ giữ ổn định với khoảng 40%, đặc biệt, ở khu vực miền núi, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ rất cao.

Có thể nhận thấy điều này qua những con số như: ở Bắc Trung Bộ lên đến 50,6%, miền núi phía bắc là 43,4% và Tây Nguyên là 45,2%. Hay tỷ lệ chủ thể là người dân tộc thiểu số khu vực khó khăn, miền núi chiếm tới 17,1%, đặc biệt là ở khu vực miền núi phía bắc lên đến 37,3%.

Như vậy, đến nay có thể khẳng định, Chương trình OCOP đã đi đúng hướng, theo các mục tiêu đặt ra, đặc biệt, Chương trình OCOP rất phù hợp về định hướng để phát huy thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa của các địa phương, nhất là với các địa phương còn nhiều khó khăn về phát triển sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung, nhưng lại có sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và văn hóa đặc trưng…

Đa phần các sản phẩm OCOP đã phát huy được lợi thế, thúc đẩy trách nhiệm và năng lực của các chủ thể, đặc biệt là các hợp tác xã, doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm OCOP.


Phát huy tinh thần sản phẩm OCOP Việt Nam

Phóng viên: Ông có nhận định gì khi Chương trình OCOP được triển khai trên bình diện quốc gia, nhưng kết quả có sự khác nhau ở mỗi địa phương. Có nơi, các chủ thể tận dụng rất tốt sự hỗ trợ của Chương trình, nhưng có chỗ, các chủ thể cũng không mấy mặn mà?

Ông Phương Đình Anh: Trên thực tế, trong hơn 5 năm triển khai, không ít địa phương còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất, mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống.

Bên cạnh đó, có thể thấy, sự chỉ đạo và quan tâm chưa quan tâm đúng mức của lãnh đạo một số địa phương, dẫn đến tinh thần OCOP chưa được truyền tải một cách đầy đủ và thường xuyên.

Cần quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống.

Cần quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống.

Do đó, bên cạnh nhiều địa phương rất thành công trong triển khai Chương trình, như: Hà Nội, Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Tháp,... thì vẫn còn nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, bằng chứng là sản phẩm OCOP còn hạn chế.

Một số địa phương còn chạy theo thành tích, mới chỉ tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành, không phải là các sản phẩm có lợi thế; thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia vào chương trình, chưa hiểu đúng và thấm nhuần về tinh thần Chương trình OCOP, nên tham gia Chương trình còn mang tính thụ động, chưa mặn mà.

Phóng viên: Vậy chúng ta đã rút ra được những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chương trình OCOP thời gian qua, thưa ông?

Ông Phương Đình Anh: Trong quá trình triển khai Chương trình OCOP hơn 5 năm qua, nhiều bài học kinh nghiệm đã được đúc kết, từ công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai, đến các bài học thành công ở cấp địa phương, trong đó, nổi bật là:

Thứ nhất, sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao năng lực trong triển khai Chương trình OCOP là yếu tố then chốt để Chương trình OCOP phát triển.

Thứ hai, để thúc đẩy Chương trình phát triển tốt, thì phải đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng; phát huy tinh thần sản phẩm OCOP Việt Nam "Phát triển sản phẩm OCOP không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn khai thác tài nguyên bản địa và khơi dậy niềm tự hào về quê hương xứ sở".

Thứ ba, nâng cao vai trò chủ thể, sự chủ động của người dân, đặc biệt là phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể và cộng đồng. Phải khơi dậy niềm tự hào, sự chủ động của các chủ thể tham gia vào Chương trình OCOP, đặc biệt là phát huy sự sáng tạo của các hợp tác xã, doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm, thúc đẩy thị trường.

Thứ tư, tăng cường vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách của Nhà nước, đặc biệt là sự chủ động của các cơ quan quản lý Chương trình cấp tỉnh trong việc đề xuất, tham mưu các cơ chế, chính sách, giải pháp. Mạnh dạn triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để tạo được sự quan tâm, hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn;

Xúc tiến thương mại là nền tảng, chuyển đổi số là động lực nhằm phát triển hiệu quả và bền vững sản phẩm OCOP.

Xúc tiến thương mại là nền tảng, chuyển đổi số là động lực nhằm phát triển hiệu quả và bền vững sản phẩm OCOP.

Thứ năm, xác định xúc tiến thương mại là nền tảng, chuyển đổi số là động lực nhằm phát triển hiệu quả và bền vững sản phẩm OCOP; hoạt động kết nối cung- cầu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm là trọng tâm, nhằm tạo sự lan tỏa của sản phẩm OCOP trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả trong sản xuất đối với các chủ thể OCOP.

Hình thành các sản phẩm tích hợp “đa giá trị”, lấy văn hóa là nền tảng, động lực để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Sản phẩm OCOP là “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.

Sản phẩm OCOP là “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền

Phóng viên: Để hạn chế phát triển Chương trình OCOP theo phong trào, cần những khuyến cáo gì với các địa phương?

Ông Phương Đình Anh: Tôi cho rằng, bước sang giai đoạn 2021-2025, Chương trình OCOP đã đặt ra các yêu cầu rất rõ ràng làm định hướng, tiếp cận trong quá trình triển khai. Đó là:

Một là, xác định rõ sản phẩm OCOP là các sản phẩm gắn với các tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương; các sản phẩm OCOP phải cạnh tranh trên thị trường bằng lợi thế về đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý, văn hóa và tri thức bản địa… Hình thành các sản phẩm tích hợp “đa giá trị”, lấy văn hóa là nền tảng, động lực để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Sản phẩm OCOP là “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.

Sản phẩm OCOP là “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.

Sản phẩm OCOP là “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.

Đặc biệt, chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương, bao gồm: Các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu địa phương, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; các sản phẩm mới hình thành dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng lợi thế của địa phương, có chất lượng nổi trội, đặc sắc, trong đó ưu tiên sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống được nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo; sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương và tri thức bản địa; sản phẩm có đóng góp vào bảo tồn văn hóa truyền thống.

Hai là, phát huy sự sáng tạo và sức mạnh cộng đồng để tổ chức sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững các sản phẩm hàng hóa. Truyền tải mạnh mẽ giá trị, tinh thần OCOP đối với các chủ thể, nâng cao niềm tự hào và năng lực của các chủ thể OCOP, thay vì chỉ quan tâm đến việc đánh giá, công nhận các sản phẩm OCOP.

Ba là, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, phân hạng ở cấp địa phương theo Bộ tiêu chí, nhằm xây dựng các sản phẩm OCOP thực chất, có chất lượng gắn với giá trị của từng địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của UBND cấp huyện trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo phân cấp tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý sản phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng.

m là, tập trung các giải pháp hỗ trợ về năng lực và khả năng mở rộng thị trường cho chủ thể OCOP, tăng cường chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại sản phẩm, khai thác lợi thế về du lịch để tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Phóng viên: Vậy theo ông, trong thời gian tới, định hướng phát triển của Chương trình OCOP sẽ ra sao và cần khắc phục những bất cập gì trong thực tế?

Ông Phương Đình Anh: Để phát triển và định vị sản phẩm OCOP trên thị trường, trong thời gian tới, Chương trình OCOP sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như sau.

Trước hết, tập trung nâng cao chất lượng, giá trị, hình ảnh sản phẩm OCOP gắn với các thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, tức là tập trung khai thác các bản sắc, lợi thế đặc trưng của các sản phẩm để tạo sự khác biệt với các sản phẩm có tính phổ biến. Trong đó, tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa.

Cùng với đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, xây dựng thương hiệu OCOP Việt Nam. Mục tiêu là để nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm OCOP, đưa biểu trưng OCOP trở thành dấu hiệu nhận diện đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, xây dựng hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP, góp phần tạo sự ổn định và khẳng định sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm.
Tiếp đó, ưu tiên thị trường trong nước, phát huy các yếu tố về văn hóa, cộng đồng gắn với đặc trưng của sản phẩm OCOP, khai thác tối gia các giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP, hình thành các sản phẩm tích hợp “đa giá trị”. Bên cạnh đó, tổ chức hệ thống các sự kiện, chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP thường niên, đồng bộ và kết nối từ trung ương đến địa phương.

Cần đưa biểu trưng OCOP trở thành dấu hiệu nhận diện đối với người tiêu dùng.

Cần đưa biểu trưng OCOP trở thành dấu hiệu nhận diện đối với người tiêu dùng.

Hơn nữa, cần nâng cao năng lực và sự tham gia của các chủ thể OCOP vào hệ thống thương mại điện tử, hình thành các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến (online), đặc biệt là cho với các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương;…

Thêm vào đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các diễn đàn, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế. Đặc biệt, tập trung xây dựng để hình thành các “Điểm đến” về sản phẩm OCOP (Điểm OCOP, cà-phê OCOP, tuyến phố OCOP, công viên sáng tạo OCOP,…) gắn với các trung tâm du lịch, các hoạt động văn hóa; nâng cao năng lực hệ thống logistics về nông sản và OCOP nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Cuối cùng, chú trọng và đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao gắn với quà tặng OCOP ở các cấp (quốc gia, bộ, ngành và địa phương); tổ chức các sự kiện, diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP với các đại sứ, cơ quan, đại diện quốc tế tại Việt Nam, hình thành các “sứ giả OCOP” để hội tụ giá trị, lan tỏa văn hóa Việt Nam.

Trong bối cảnh yêu cầu về phát triển kinh tế, cần phải xác định phát triển sản phẩm OCOP phải gắn với bối cảnh chung về mục đích, yêu cầu của “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Sản phẩm OCOP phải trở thành niềm tự hào của người dân, cộng đồng của từng địa phương, bên cạnh mục tiêu nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nông thôn Việt Nam.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Quyết định số 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đặt ra là đến năm 2025: Ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400-500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Ngày xuất bản: Tháng 10/2023
Tổ chức sản xuất: XUÂN BÁCH
Nội dung: NGÂN LÊ
Ảnh: THÀNH ĐẠT- NAM NGUYỄN...
Trình bày: PHƯƠNG NAM