Nhu cầu sử dụng dược liệu để làm thuốc và bào chế thành các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Trước sự cạnh tranh của nhiều sản phẩm bào chế từ dược liệu nhập ngoại, làm thế nào để tận dụng lợi thế từ nguồn dược liệu quý trong nước, giữ thương hiệu cho những sản phẩm truyền thống, bảo đảm giữ được hoạt chất dược liệu từ việc trồng trọt, thu hái nguyên liệu, chế biến, bảo quản đạt tiêu chuẩn GACP-WHO… là bài toán mà nhiều doanh nghiệp dược đã và đang đi tìm lời giải.
Với các vùng trồng dược liệu như Kim tiền thảo, Vông nem, Lá sen… đạt tiêu chuẩn GACP-WHO, Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC không chỉ làm chủ nguyên liệu sạch, xây dựng chuỗi sản xuất khép kín cho các sản phẩm theo công nghệ hiện đại, mà còn tạo kế sinh nhai bền vững cho hàng triệu lao động.
TÌM HƯỚNG SẢN XUẤT SẢN PHẨM TỪ DƯỢC LIỆU QUÝ
Nền y dược học cổ truyền được hình thành và phát triển cho tới ngày nay ghi nhận sử dụng 5.117 loài dược liệu thuộc 1.823 chi của 362 họ thực vật có giá trị làm thuốc chữa bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong số 13.766 loài thực vât được ghi nhận ở Việt Nam.
Trước những tác dụng phụ không mong muốn ngày càng phổ biến và đa dạng của tân dược, con người có xu hướng quay về với sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược thiên nhiên. Tuy nhiên, có rất nhiều loại dược liệu quý trong dân gian nhưng chưa được sử dụng đúng cách, chưa tận dụng được hết hoạt chất trong dược liệu. Nguồn dược liệu trong nước rất quý, nhưng Việt Nam phải nhập khẩu dược liệu tới 80%. Đó là điều mà rất nhiều các chuyên gia y học cổ truyền đau đáu để làm sao vừa phát triển được nguồn dược liệu trong nước, vừa tạo ra những sản phẩm đông dược tốt cho sức khỏe người bệnh.
Là loại cây dễ thân thảo, phát triển tốt ở các vùng núi, thu hái chủ yếu vào mùa hè - thu, dùng tươi, phơi hoặc sao khô, cây kim tiền thảo còn gọi là Vẩy rồng có tác dụng: lợi tiểu, kháng viêm, giãn mạch, hạ huyết áp. Công dụng chủ yếu thông tiểu tiện, thường dùng chữa sỏi thận, sỏi mật, sỏi bàng quang, phù thũng, viêm đường tiết niệu. Mặc dù có tác dụng rất tốt, nhưng không phải người dân nào cũng biết sử dụng kim tiền thảo như một vị thuốc tại nhà để bảo đảm tối ưu được các hoạt chất của dược liệu.
Bên cạnh đó, Ích mẫu, Vông nem, Lá sen, Trinh nữ… cũng là nguồn dược liệu quý để sản xuất những sản phẩm đông dược có tác dụng điều trị bệnh hiệu quả. Nếu tự sử dụng tại nhà, người dân chỉ tận dụng được rất ít hoạt chất từ dược liệu cổ truyền sẵn có.
Theo các chuyên gia về y học cổ truyền, nhiều người dân hiện nay áp dụng bài thuốc dân gian tự điều trị tại nhà nhưng chủ yếu là các bệnh thông thường. Bởi vì, việc chữa bệnh cần phải bảo đảm tính khoa học, phải hiểu về công dụng của từng loại dược liệu và liều lượng sử dụng sao cho hợp lý.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng các bài thuốc dân gian đã khiến nhiều người bệnh phải trả giá. Không ít người bệnh mắc những di chứng về mặt sức khỏe, phải nhập viện cấp cứu vì tin vào sản phẩm đông dược gia truyền, trôi nổi. Không ít sản phẩm được quảng cáo là đông dược, nhưng sử dụng dược liệu “rởm” không rõ nguồn gốc xuất xứ. Có những loại thảo dược, thực phẩm không độc nhưng dùng không đúng lúc, dùng quá liều lại trở nên độc hại với sức khoẻ người bệnh.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, ngành Dược Việt Nam vẫn bị phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, trung bình mỗi năm tiêu thụ khoảng 60.000 tấn nguyên liệu dược phẩm các loại, trong đó 80-90% nguyên liệu dược phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành dược chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá, nguồn hàng cung cấp; thêm vào đó là chi phí nhập khẩu.
Theo nhận định thì ngành công nghiệp dược Việt Nam chỉ mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sử dụng thuốc tân dược của người dân còn lại phải nhập khẩu. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa phát triển được công nghệ hóa dược hiện đại và chưa có được nguồn cung ứng dược liệu bảo đảm tiêu chuẩn, chưa kể chi phí đầu tư công nghệ và nghiên cứu tốn kém.
Mặc dù có tiềm năng về nguồn dược liệu song ngành dược nước ta chưa có sự kết hợp quy hoạch vùng trồng và khai thác dược liệu với sản xuất thuốc. Đó là vấn đề mà Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC đã dành nhiều tâm huyết để theo đuổi, sản xuất các sản phẩm từ dược liệu cổ truyền Việt Nam. Được thành lập ngày 24/10/1977 trên cơ sở sáp nhập từ 8 viện bào chế tư nhân tại Sài Gòn trước đây, Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC đã kiên định phát triển trong việc tạo ra dòng sản phẩm chủ lực được bào chế từ dược liệu trên nền tảng kết hợp với công nghệ tiên tiến hiện đại nhằm định lượng hoạt chất trong dược liệu và tối ưu hóa chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý, thuận tiện trong sử dụng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng.
CHUẨN HÓA VÙNG NGUYÊN LIỆU SẠCH
Vùng trồng Kim tiền thảo đạt chuẩn GACP-WHO của OPC tại Bắc Giang được Cục Quản lý Y Dược Cổ truyền, Bộ Y tế cấp vào năm 2015 là “vựa” dược liệu lớn cho OPC sản xuất sản phẩm chủ lực điều trị sỏi thận, sỏi đường tiết niệu. Không chỉ tăng thu nhập, người dân nơi đây còn được đào tạo, hướng dẫn trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO, thực hành nuôi trồng xanh và sạch. Hơn 8 năm qua, vùng trồng này đã tạo nên sinh kế cho nhiều người dân bản địa đổi đời, góp phần phát triển kinh tế địa phương và bảo vệ môi trường.
Bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC cho hay, hiện nay thị trường trong và ngoài nước có rất nhiều sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ dược liệu thiên nhiên. Nhưng có nhiều sản phẩm không rõ được nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, không trồng theo đúng tiêu chuẩn sạch.
“Dược liệu trong nước rất quý nhưng chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng. Và làm thế nào để có được nguồn nguyên liệu đầu vào sạch, bảo đảm tiêu chuẩn GACP-WHO là điều chúng tôi rất trăn trở”, bà Hương tâm sự.
GACP-WHO là Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO). GACP-WHO là một xu thế tất yếu, có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra nguồn nguyên liệu sạch đạt chuẩn và đảm bảo chất lượng của ngành dược. Nhằm chuẩn hóa và mang những sản phẩm chất lượng cao, thật sự an toàn, hiệu quả tới tay người tiêu dùng, Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC đã tiên phong xây dựng vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO trải dài ở nhiều địa phương trên mảnh đất hình chữ S.
Bà Hương kể lại, khi triển khai vùng trồng, OPC đã thông qua chính quyền để làm việc với các hộ nông dân từ đó triển khai các quy trình sản xuất, cung cấp giống (nếu có), triển khai các quy trình kỹ thuật và kiểm soát, bảo đảm thu mua cho người dân. “Chính vì vậy các sản phẩm chủ lực của OPC luôn tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào đạt tiêu chuẩn cũng như bảo đảm sản lượng cung ứng ra thị trường”, bà Hương nói.
Sau khi ký kết tham gia vào vùng trồng dược liệu, các hộ nông dân sẽ được OPC hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng và thu mua 100% sản phẩm đầu ra. Thời gian trồng đến khi thu hoạch khoảng hơn 3 tháng. Nếu thuận lợi trung bình, 1 sào trồng Kim tiền thảo sẽ cho năng suất đạt khoảng đạt trên 11 tấn dược liệu khô/ha/vụ.
Hiện thị trường 1kg Kim tiền thảo khô giá từ 12-15 nghìn đồng. Như vậy khi trồng 1ha cây Kim tiền thảo khi trừ thu nhập sẽ cho thu lãi khoảng 90 triệu đồng/vụ. Đây là con số giúp nhiều người dân vùng cao này đổi đời trong nhiều năm qua.
Sản phẩm Kim tiền thảo OPC nhãn hiệu "Ông già" ra đời năm 1998 được đánh giá là một hiện tượng trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm thuốc từ dược liệu trong nước và là sản phẩm nằm trong top 10 sản phẩm bán chạy nhất nhiều năm liền của Tổng Công ty Dược Việt Nam. Chất lượng trong điều trị, Kim tiền thảo OPC nhãn hiệu “Ông Già” đã vinh dự được chứng nhận là sản phẩm Thương hiệu Quốc gia nhiều năm liền và là sản phẩm Ngôi sao thuốc Việt (Giải thưởng duy nhất do Bộ Y tế tổ chức).
Sứ mệnh của Dược OPC là biến tiềm năng dược liệu Việt Nam trở thành những sản phẩm chất lượng mang tầm quốc tế và mang lại giá trị cho cộng đồng, kinh tế địa phương từ các vùng trồng dược liệu tạo nên chuỗi giá trị chặt chẽ cho nông sản Việt Nam. Từ đó công ty đã định hướng và kiên định theo hướng phát triển từ dược liệu bằng việc ứng dụng hiệu quả công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất. Bên cạnh đó, OPC luôn luôn tìm tòi, nghiên cứu, định lượng hoạt chất và phát huy nguồn dược liệu tiềm năng tại Việt Nam.
Theo CEO của OPC, chiến lược kinh doanh của công ty là phát huy những dược liệu của Việt Nam thành những vùng trồng đạt chuẩn GACP-WHO. Việc đầu tư cho vùng trồng này không chỉ giúp cho người dân có thu nhập bền vững, mà còn tạo ra sự phát triển bền vững với những vùng trồng, góp phần giúp kinh tế địa phương được phát triển, bảo vệ đảm môi trường sinh thái. “Đây cũng chính là điểm khác biệt của OPC trong việc nghiên cứu và sản xuất thuốc từ dược liệu”, bà Hương tự hào nói. Đến nay, công ty đã làm chủ vùng nguyên liệu đạt chuẩn GACP-WHO trải rộng khắp Việt Nam.
Phát triển vùng trồng dược liệu là chiến lược kinh doanh mang tính chất bền vững lâu dài của Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC. Điều này không chỉ giúp Dược phẩm OPC chủ động được nguồn nguyên liệu sạch đầu vào, mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết bài toán nhu cầu dược liệu sản xuất của nền y tế Việt Nam.
Đồng thời thông qua hợp tác phát triển vùng trồng dược liệu với các địa phương, đặc biệt ở các tỉnh vùng xa, đã góp phần tạo điều kiện cho nền kinh tế địa phương phát triển, mang lại việc làm cho người dân, phát huy tiềm năng đất đai, khai thác và bảo tồn nguồn dược liệu quý bản địa Việt Nam. Tất cả những điều này có ý nghĩa sâu sắc về an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và đề cao tính nhân văn!
Sản phẩm OPC được bào chế từ dược liệu thiên nhiên, trên nền tảng ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chiết xuất, định lượng hoạt chất, sản xuất và vận hành. Vì thế hơn 45 năm có mặt trên thị trường, sản phẩm của thương hiệu Dược OPC luôn được người tiêu dùng tín nhiệm.
TIÊN PHONG TRONG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ
Tám năm liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia, đó là một thành tựu lớn với một doanh nghiệp dược như OPC. Theo bà Phạm Thị Xuân Hương, ngoài việc xây dựng vùng trồng khép kín từ phát triển dược liệu trong nước, xây dựng những vùng trồng đạt chuẩn GACP-WHO thì việc ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu, vận hành của OPC rất được chú trọng.
Ngay từ những năm 2012, OPC là đơn vị đầu tiên trong cả nước sở hữu nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP-WHO.
Tại OPC, hệ thống ERP SAP đang được triển khai để tiếp cận nhanh nhất với người tiêu dùng, nắm bắt và sử dụng những dữ liệu từ thị trường, phản hồi của khách hàng trong nghiên cứu phát triển (R&D) và các quy trình vận hành. Khi ứng dụng ERP, các quy trình sẽ liên kết, chuẩn chỉnh và có thể kiểm soát về tiến độ cũng như quản trị rủi ro trong vận hành. OPC sẽ quản trị tốt từ việc nắm bắt thị trường và nhu cầu của khách hàng nhanh nhất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, sản xuất kinh doanh cho đến việc xây dựng trung tâm nghiên cứu (hướng đến số hóa, ứng dụng AI – là bước đột phá của OPC). Đây cũng là điểm khác biệt của dược OPC.
Dược OPC với hơn 45 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu sản xuất và kinh doanh thuốc có nguồn gốc từ dược liệu. Các sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia 2022 của Dược OPC, gồm: Dầu Khuynh diệp OPC nhãn hiệu "Mẹ Bồng Con"; Thuốc trị sỏi thận Kim tiền thảo OPC nhãn hiệu "Ông già"; Siro HoAstex; Viên xông EUCA OPC; Viên an thần Mimosa; Viên phong thấp Fengshi - OPC.
Trong nghiên cứu sản phẩm, OPC đang đầu tư công nghệ chiết xuất để cho ra đời những sản phẩm chất lượng, có cơ sở khoa học để người tiêu dùng an tâm, tin tưởng lựa chọn sản phẩm.
“Với việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong nghiên cứu và sản xuất, OPC đã định lượng được hoạt chất và giữ vẹn nguyên hàm lượng hoạt chất trong từng loại dược liệu. Làm chủ nhiều vùng trồng dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO, Dược OPC không chỉ làm chủ được nguồn cung, mà còn bảo đảm tối ưu chất lượng của từng sản phẩm”, CEO của OPC bộc bạch.
Với lợi thế công ty Dược sở hữu đội ngũ nghiên cứu và triển khai có trình độ và chuyên môn tốt, hàng năm OPC rất chú trọng vào việc đầu tư nghiên cứu phát triển về cả nhân lực, cập nhật các công nghệ mới, đầu tư trang thiết bị mới đến việc hợp tác mạnh mẽ với các Viện, Trường để cho ra đời những sản phẩm có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng rất có ý thức bảo vệ sức khỏe nhưng không có nhiều thông tin và niềm tin vào sản phẩm. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng lớn (nhất là sau đại dịch Covid-19), Dược OPC là thương hiệu lâu năm uy tín cùng với việc đầu tư mạnh mẽ vào những sản phẩm có chất lượng từ vùng trồng cho đến ứng dụng công nghệ cho nghiên cứu và sản xuất những dòng sản phẩm thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung từ dược liệu, hướng đến phân phối đa kênh để người tiêu dùng có thể tiếp cận và sử dụng.
Cùng với việc liên tục cập nhập công nghệ, phát huy thế mạnh trong nghiên cứu và việc làm chủ nhiều vùng dược liệu đạt chuẩn GACP - WHO đã giúp Dược OPC từng bước trở thành “Thương hiệu Dược phẩm Quốc dân” với nhiều sản phẩm được sử dụng ở nhiều thế hệ gia đình người Việt trong nước và kiều bào ở hải ngoại.
Bà Phạm Thị Xuân Hương tự hào nói, đến nay, sản phẩm OPC mang Thương hiệu Quốc gia đã có được “chỗ đứng” vững chắc trên thị trường dược Việt Nam.
Với việc đầu tư mạnh mẽ vào những sản phẩm có chất lượng từ vùng trồng cho đến ứng dụng công nghệ cho nghiên cứu và sản xuất những dòng sản phẩm thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung từ dược liệu, mà Dược OPC đang hướng đến phân phối đa kênh để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng.
Đến nay, sản phẩm OPC được phân phối rộng khắp trong hơn 22.150 cơ sở điều trị cho bệnh nhân. Sản phẩm cũng được bán cho nhu cầu tự sử dụng của người dân thông qua hệ thống 07 chuỗi nhà thuốc (Long Châu, An Khang, Pharmacity, Trung Sơn,…) và 2.086 nhà thuốc OTC.
Không những phát triển tốt ở thị trường nội địa, sản phẩm OPC đã xuất khẩu sang nhiều nước: Nigeria, Lào, Campuchia, Philippines, Nga… và đang phát triển sang thị trường mới như: Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Myanmar…
Là một trong những đơn vị sản xuất đông dược lớn nhất ngành y tế Việt Nam, OPC luôn duy trì tốc độ phát triển bình quân, đi đầu trong một số lĩnh vực hoạt động trong ngành như: Triển khai nhiều vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO; Ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nghiên cứu, sản xuất; Số hóa trong quản trị vận hành; Áp dụng tiêu chuẩn GMP-WHO trong sản xuất đông dược... Với tất cả các việc đã làm từ nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, chọn dược liệu có thế mạnh của Việt Nam đến việc triển khai vùng trồng, ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất, vận hành, tiếp cận khách hàng đa kênh là khẳng định của OPC về việc gây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cũng như cho thương hiệu OPC.
Với quan điểm kinh doanh của Dược OPC là: “Lấy khách hàng làm trung tâm và lợi ích của doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội là mục tiêu để phát triển bền vững”, trong nhiều năm qua, mọi hoạt động của OPC đều hướng đến thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Trong quản lý vận hành, bộ phận trước luôn là khách hàng của bộ phận sau. Lợi ích của doanh nghiệp luôn được bảo đảm hài hòa (cổ đông, nhà nước, người lao động, đối tác, xã hội).
Qua hơn 45 năm hình thành và phát triển, Dược OPC đã đầu tư đúng hướng về công nghệ, thiết bị, sản xuất nhiều sản phẩm phù hợp với các căn bệnh thường gặp tại Việt Nam. Dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công ty vẫn có doanh thu và lợi nhuận cao.
Trên hành trình từng bước khẳng định vị thế của ngành công nghiệp dược Việt Nam, bà Phạm Thị Xuân Hương cho hay, công ty sẽ tiếp bước thành công, giữ vững Thương hiệu Quốc gia, cùng sứ mệnh biến tiềm năng dược liệu Việt Nam trở thành những sản phẩm chất lượng mang tầm quốc tế.
Hiện tại OPC đang hợp tác với Hàn Quốc, Trung Quốc (2 quốc gia phát triển lâu đời về dược liệu, có nhiều kinh nghiệm cũng như các công nghệ hiện đại) về nguồn giống để tiến hành di thực những dược liệu quý (Theo tinh thần Quyết định 1165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển công nghiệp dược đến năm 2030 và tầm nhìn 2045). “Trong tương lai OPC cũng tìm kiếm cơ hội xuất khẩu dược liệu Việt Nam”, CEO của Dược OPC tự tin chia sẻ.