Hạnh phúc sau khi được vinh danh tại Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, Phó Giáo sư Svetlana Mojsov cho biết bà sẽ dành một phần giải thưởng cho quỹ dành cho phụ nữ trong ngành khoa học nơi mình công tác.

Phó Giáo sư Svetlana Mojsov đã có những đóng góp đột phá trong việc tìm ra các isoform chức năng của peptide giống glucagon 1 (GLP-1), mở ra hàng loạt công trình nghiên cứu và phát triển các liệu pháp dựa trên peptide này. Hãy cùng nghe bà kể về hành trình cống hiến cho nghiên cứu khoa học và lan tỏa cảm hứng cho các nhà khoa học nữ trẻ.

Tôi sẽ dành một phần thưởng tặng quỹ dành cho nhà khoa học nữ

*****

Phóng viên: Xin chúc mừng Giáo sư với Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, bà lan tỏa giải thưởng danh giá này thế nào?

Phó Giáo sư Svetlana Mojsov: Tại trường Đại học Rockfeller của tôi có quỹ Pearl Meister PrizeQuỹ dành cho phụ nữ trong ngành khoa học. Với phần thưởng từ VinFuture, tôi sẽ dành tặng một phần cho quỹ để có thể trả lương hoặc học bổng và các kinh phí nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học nữ.

Quỹ sẽ tài trợ cho các nhà khoa học nữ trẻ đang ở giai đoạn đầu nghiên cứu, còn gặp nhiều khó khăn. Với ngân sách như vậy, họ sẽ có nền tảng tài chính để có thể bắt đầu sự nghiệp một cách vững chắc.

Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về VinFuture có giải thưởng dành cho các nhà khoa học nữ. Đây là một giải thưởng đặc biệt, và trên thế giới đã có tổ chức hay đơn vị nào tổ chức giải dành riêng cho nhà khoa học nữ như VinFuture hay chưa?

Phó Giáo sư Svetlana Mojsov: Tôi nghĩ có một cơ chế giải thưởng riêng cho phụ nữ rất quan trọng vì sẽ khuyến khích phụ nữ có sự tự tin, can đảm hơn trong hành trình khoa học của mình. Quỹ Pearl Meister Prize tại trường chúng tôi do một nhà khoa học tên là Paul gây dựng. Hai vợ chồng ông giành được giải thưởng Nobel và cùng cống hiến toàn bộ tiền của giải thưởng Nobel để thành lập quỹ này nhằm khuyến khích các nhà khoa học nữ cho tất cả các ngành nghiên cứu và ở nhiều trường khác ngoài trường Đại học Rockfeller.

Tất nhiên trên thế giới có rất nhiều giải thưởng dành cho nhà khoa học nữ, tôi không biết được hết. Tôi nghĩ, nếu có những quỹ hoặc giải thưởng dành riêng cho nhà khoa học nữ để khuyến khích họ làm khoa học rất quan trọng.

Phó Giáo sư Svetlana Mojsov.

Phó Giáo sư Svetlana Mojsov.

Phóng viên: Là một nhà khoa học nữ, điều gì giúp bà có được sự kiên trì trên con đường nghiên cứu khoa học?

Phó Giáo sư Svetlana Mojsov: Tôi học đại học năm 1971, sau đó học sau đại học tại Mỹ. Tại Mỹ tôi theo ngành y học.

Thực ra lời khuyên tôi muốn dành cho nhà khoa học nữ trẻ là hãy theo đuổi những gì bạn đam mê. Để có bất cứ thành công trong ngành nào đòi hỏi chúng ta phải bỏ công bỏ sức, bỏ thời gian rất nhiều và khó khăn không ít. Nếu không chọn được ngành mình đam mê thì sau này sẽ rất khó khăn.

Thử nghiệm có thể khó, có thể không thành công nhưng không phải là thứ khiến cho mình thất vọng. Mình phải thật sự đối mặt với nó, dũng cảm bước qua nó.

--- Phó Giáo sư Svetlana Mojsov ---

Với tôi, khi theo đuổi ngành nghiên cứ khoa học về lĩnh vực sức khỏe, tôi cảm thấy tự hào vì mang lại nhiều giá trị cho mọi người. Tuy nhiên, không chỉ khoa học, ngành nào bây giờ cũng có thể tạo ra giá trị. Quan trọng là chúng ta cứ theo đuổi, cứ đam mê, cuối cùng chúng ta sẽ đóng góp được giá trị cho xã hội. Như hiện nay, có nhiều người theo ngành nghề năng lượng xanh, sạch.

Có hai điều để tôi có động lực theo đuổi ngành này, một là đam mê với khoa học và hai là thầy cô của tôi. Cha mẹ tôi không xuất thân là nhà khoa học. Niềm đam mê của tôi với Hóa học đến rất tự nhiên.

Tác động lớn nhất với tôi là hệ thống giáo dục quốc gia của tôi. Hệ thống giáo dục đó từ phổ thông đã thúc đẩy sự quan tâm đến khoa học. Giáo viên của tôi họ có điểm thú vị là họ cho chúng tôi những vấn đề thách thức nhưng thú vị để chúng tôi tìm hiểu, đào sâu. Bởi vậy, tôi nghĩ, các bạn cứ theo đuổi đam mê của mình nhưng hãy nhớ là “Cơ hội không có giới hạn, cơ hội luôn rộng mở”.

Phóng viên: Khoa học là con đường tìm ra cái mới, tỷ lệ thất bại cũng cao. Bà vượt qua những khó khăn, thách thức, và cả thất bại thế nào?

Phó Giáo sư Svetlana Mojsov: Khi nói đến thất bại thì quan trọng nhất thì chúng ta phải làm thế nào để nó không làm mất động lực của mình. Trong quá trình làm khoa học có nhiều thử nghiệm. Thử nghiệm nếu không thành công thì người làm nghiên cứu có thể thất vọng. Quan trọng là chúng ta phải ngồi lại suy ngẫm xem nó sai ở đâu, phải khắc phục như thế nào để đạt kết quả tốt hơn và xem cái gì nằm ngoài tầm kiểm soát của mình dẫn đến thất bại hay điều sai đó…

Điều này áp dụng cả trong nghiên cứu và khi chúng tôi nộp các hồ sơ xin tài trợ. Cũng có lúc tôi cũng cảm thấy buồn, hơi thất vọng và ngồi lại với nhau để tìm lý do, nhưng quan trọng là chúng ta không được mất động lực, phải tìm ra nguyên nhân để giải quyết tốt hơn.

Và những khó khăn tấy, tôi không xem là thất bại mà xem đó là những thử nghiệm trong quá trình nghiên cứu. Thử nghiệm có thể khó, có thể không thành công nhưng không phải là thứ khiến cho mình thất vọng. Mình phải thật sự đối mặt với nó, dũng cảm bước qua nó.

Hàng triệu người được hưởng lợi từ thuốc sản xuất từ GLP-1

*****

Phóng viên: Xin Giáo sư có thể chia sẻ hành trình tìm ra chất GLP-1?

Phó Giáo sư Svetlana Mojsov: Đây là một câu chuyện khá dài, liên quan đến phát triển một loại peptide (chất ở trong cơ thể người) có tên là GLP-1. Trong cơ thể người có rất nhiều loại peptide khác nhau, nhưng tôi tìm ra một đoạn của tổ hợp acid amin 7-37 của peptide đó trong hàng trăm, hàng nghìn peptide khác trong cơ thể. Thách thức thứ nhất là làm sao để phát hiện ra được trong ruột của con người tiết ra peptide đó, và lượng tiết ra trong ruột của con người thường rất nhỏ nên làm thế nào để có thể trích xuất ra được một lượng peptide 7-37 đủ lớn để làm thí nghiệm.

Sau khi đã đưa ra được phương pháp trích ra một lượng petide 7-37 đủ lớn thì tôi đưa vào trong cơ thể con thỏ để làm thí nghiệm điều tiết lượng đường trong máu.

GLP-1. Ảnh: bioanalytics.tcu.edu

GLP-1. Ảnh: bioanalytics.tcu.edu

Thách thức thứ hai là sau khi đã phát hiện ra peptide 7-37, chúng ta phải đưa ra một phương pháp sao cho khi tiêm peptide vào thỏ và vào cơ thể người sẽ sinh ra được kháng thể (antibody) để điều tiết lượng đường trong máu (kháng bệnh). Đó là câu chuyện tìm ra peptide 7-37.

Tôi mất 7 năm nghiên cứu, sau đó tôi mất 20 năm nữa để thí nghiệm lâm sàng để chứng tỏ an toàn cho người bệnh trước khi cấp phép cho các công ty dược phẩm đưa vào các loại thuốc. Quá trình đó mất 20 năm, đến tận năm 2010 thì các công ty dược phẩm mới thương mại hóa sản phẩm dựa trên GLP-1. Và từ đó đến bây giờ thì hàng triệu người bị tiểu đường đã được hưởng lợi từ thuốc này.

Phóng viên: Chất GLP-1 này đã có tác dụng gì trong việc điều trị bệnh so với phương pháp tiêm insulin?

Phó Giáo sư Svetlana Mojsov: Thực ra GLP-1 đã được kiểm chứng lâm sàng rất thành công và được chuyển giao cho rất nhiều công ty dược phẩm để sản xuất thành thuốc dựa trên GLP-1 (7-37). Hiện nay, hàng triệu người bệnh tiểu đường cũng đã sử dụng thuốc dựa trên cơ sở GLP-1 này để điều tiết lượng đường trong máu một cách rất hiệu quả.

Việc sử dụng GLP-1 có ưu điểm hơn so với việc tiêm Insulin. Thông thường, người bị tiểu đường phải tiêm Insulin, dẫn đến tăng cân, béo phì còn thuốc dựa trên GLP-1 vừa kiểm soát được lượng đường trong máu vừa giảm được cân, vì vậy tránh được tình trạng tăng cân không cần thiết. Hơn nữa, khi kết hợp giữa tiêm Insulin và thuốc dựa trên GLP-1 thì hiệu quả kiểm soát đường trong máu và trọng lượng cơ thể rất tốt bởi vì căn bệnh béo phì là tiền đề của rất nhiều căn bệnh khác, đặc biệt là tim mạch.

Tuy nhiên, sử dụng thuốc dựa trên GLP-1 vẫn giải quyết được bệnh béo phì lại kiểm soát được bệnh tim mạch. Hầu hết người dùng thuốc dựa trên GLP-1 có cải thiện rất tốt về bệnh tim mạch và tránh được tình trạng béo phì.

Tiểu đường là bệnh lý mạn tính, xảy ra khi tuyến tụy không có khả năng sản xuất đủ hormone insulin có vai trò kiểm soát đường huyết, khiến nồng độ đường trong máu tăng cao. (Ảnh: TTXVN/cpdonline.co.uk)

Tiểu đường là bệnh lý mạn tính, xảy ra khi tuyến tụy không có khả năng sản xuất đủ hormone insulin có vai trò kiểm soát đường huyết, khiến nồng độ đường trong máu tăng cao. (Ảnh: TTXVN/cpdonline.co.uk)

Phóng viên: Căn bệnh béo phì và tiểu đường đang ngày càng trở nên phổ biến, kể cả với giới trẻ. Bà đưa ra lời khuyên thế nào với mọi người?

Phó Giáo sư Svetlana Mojsov: Cảnh báo của tôi cho mọi người nói chung là chúng ta phải nhìn lại lối sống của mình, nhìn lại thói quen của mình. Thí dụ, chúng ta cần xem một ngày nạp vào cơ thể bao nhiêu năng lượng, bao nhiêu calo, các hoạt động thể dục thể thao ra sao… Thói quen này phải hình thành từ độ tuổi còn rất trẻ để làm sao trở thành thói quen lâu dài khi trưởng thành. Ở Mỹ hiện có nhiều người tìm đến các chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp.

Rất may mắn là hiện nay chúng ta đã có những công nghệ để mọi người phát hiện sớm bệnh tật của mình, giúp mọi người lập tức thay đổi lối sống để ngăn bệnh tật phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Phóng viên: Hiện nay có nhiều thực phẩm chức năng giảm béo nhưng hiệu quả không như kỳ vọng. Theo bà, đến bao giờ thế giới có thể có thuốc chữa cho bệnh béo phì?

Phó Giáo sư Svetlana Mojsov: Chúng ta luôn quan tâm xem thực phẩm chức năng có thực sự có giá trị không, việc sử dụng cẩn trọng thế nào. Tôi không khuyên mọi người khi đối mặt béo phì thì sử dụng thực phẩm chức năng. Mọi người nên tìm đến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng.

Ở Mỹ, chuyên gia dinh dưỡng là nghề rất phổ biến. Bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng sẽ đưa ra lời khuyên về điều chỉnh chế độ ăn và lối sống. Ngoài ra, việc tập thể dục thể thao rất quan trọng. Chúng ta nên dành thời gian 2-3 lần/tuần để tập thể dục. Ở Mỹ, giới trẻ trong lịch sẽ có thời gian tập thể dục thể thao trước/sau khi đi làm. Trẻ nhỏ cũng thế, ngay từ khi còn nhỏ cũng tập.

Các thuốc và thực phẩm chức năng đang được giới thiệu hỗ trợ giảm béo mới ở giai đoạn đầu. Là tôi, tôi sẽ tránh xa các thực phẩm chức năng và các loại thuốc như vậy.

Trong thời gian làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts vào năm 1986, Phó giáo sư Mojsov đã hợp tác cùng các nhà nghiên cứu trong việc tìm ra hàng loạt các các isoform của GLP-1, bao gồm: GLP-1 (1-37), GLP-1 (1-36), GLP-1 (7-37) và GLP-1 (7-36), điều chỉ có thể đạt được nhờ nỗ lực của bà trong việc phân lập các kháng thể đặc hiệu cho loại peptide này.

Cùng năm, bà cũng công bố nghiên cứu mang tính nền tảng trong tiến trình phát triển của lĩnh vực khi tìm thấy GLP-1 (1-37) trong dạ dày chuột. Sau đó vào năm 1987, bà tiếp tục cùng Giáo sư Habener và Tiến sĩ Gordon Weir công bố quan sát đầu tiên về tác động kích thích sản sinh insulin của GLP-1 (7-37) trong mô hình tuyến tụy ở chuột. Những phát kiến trong việc xác định vai trò sinh lý - nội tiết của GLP-1 bởi Phó giáo sư Svetlana Mojsov đã đặt nền tảng cho các nỗ lực sản xuất thuốc và thử nghiệm lâm sàng sử dụng GLP-1 nhằm chống lại các bệnh béo phì và tiểu đường, mở ra cơ hội cải thiện sức khỏe cho hàng trăm triệu người trên thế giới.

Định hướng phát triển nghiên cứu GLP-1 thế hệ 2

*****

Phóng viên: Bà có thể chia sẻ định hướng nghiên cứu trong thời gian tới?

Phó Giáo sư Svetlana Mojsov: Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu về GLP-1 và các thế hệ tiếp theo để tìm ra các phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

GLP-1 thế hệ 1 hoạt động dựa trên cơ chế miễn dịch hoặc cơ chế điều tiết tự nhiên của cơ thể và nó giống như một peptide đưa vào trong cơ thể để điều tiết việc tiết Insulin để tăng hoặc giảm lượng đường trong máu. Từ GLP-1 thế hệ 1, tôi hướng tới việc tăng diện tiếp cận lên đến các quốc gia đang phát triển và hạ chi phí sao cho người nghèo cũng có thể tiếp cận được. Vì thế, trong tương lai, tôi dự kiến phát triển GLP-1 thế hệ 2.

Với thế hệ thứ 2, nó không còn thuần túy dựa trên những cơ chế hoạt động tự nhiên nữa mà nghiên cứu việc kết hợp GLP-1 với receptor - chất trên màng tế bào trong tuyến tụy. Khi kết hợp GLP-1 với receptor trong tuyến tụy sẽ tạo ra cơ chế kiểm soát tốt hơn. Hiện nay tôi đang kết hợp với đồng nghiệp sử dung siêu máy tính gọi là AlphaFold để dự báo khả năng “bind”- khả năng kết hợp GLP-1 với receptor trong tuyến tụy để nâng cao hiệu quả của thuốc này. Tất nhiên đó chỉ mới là định hướng nghiên cứu, chưa có gì để nói lên kết quả này cả, và cũng hy vọng nó sẽ diễn ra tốt đẹp.

Phó Giáo sư Svetlana Mojsov.

Phó Giáo sư Svetlana Mojsov.

Phóng viên: Cảm nhận của bà khi đến Việt Nam như thế nào?

Phó Giáo sư Svetlana Mojsov: Trước khi đến Việt Nam lần này tôi đã xem nhiều phim tài liệu về Việt Nam. Tôi đến từ Slovakia nên rất hứng thú khi lần đầu tiên đến Việt Nam. 

Anthony Bourdain là một đầu bếp nổi tiếng ở Mỹ, từng làm nhiều video về ẩm thực của Việt Nam. Tôi xem tất cả video đó, trong lòng rất háo hức muốn đến để cảm nhận ngay. Khi xem tôi thấy đất nước bạn rất ấm áp và đầy tình người, cho thấy ranh giới giữa các quốc gia dường như đã bị xóa nhòa.

Rất tiếc thời gian tôi ở Việt Nam lần này khá ngắn nhưng tôi hy vọng đây sẽ là khởi đầu cho nhiều chuyến đi hơn nữa trong tương lai, được thăm nhiều nơi tại Việt Nam để khám phá, trải nghiệm.

Xin cảm ơn Phó Giáo sư Svetlana Mojsov!

Tổ chức thực hiện: HỒNG VÂN
Nội dung: THIÊN LAM
Trình bày: NGÔ HƯƠNG
Ảnh: THÀNH ĐẠT