“Trước năm 2007, cơ hội hồi phục hoàn toàn với bệnh nhân đột quỵ không nhiều. Nhưng điều này ở những nước tiên tiến ngược lại, họ hồi phục gần như không để lại di chứng. Tôi nghĩ, mình cần phải học kỹ thuật can thiệp đột quỵ, để mang lại sự thay đổi ngoạn mục cho bệnh nhân”, PGS, TS Mai Duy Tôn mở đầu hành trình đặt những viên gạch đầu tiên trong cuộc đời gắn bó với chuyên ngành đột quỵ.
Năm 2022, PGS, TS Mai Duy Tôn đã được Hội Đột quỵ Thế giới đề cử vào nhóm các cá nhân xuất sắc vì những đóng góp to lớn cho chuyên ngành đột quỵ của Việt Nam và thế giới. Khiêm tốn nói về những đóng góp của mình, PGS, TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ phần nhiều về chuyện nghề và những câu chuyện đã làm được và đang hướng tới để chăm sóc sức khỏe người dân một cách tốt nhất.
“Cần phải học kỹ thuật mới tạo ra sự thay đổi ngoạn mục cho bệnh nhân”
Anh được biết tới là người đầu tiên triển khai kỹ thuật điều trị tiêu huyết khối cho bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Bạch mai. Ngày anh được cử đi học về kỹ thuật đột quỵ, khi đó, anh có nhiều tâm tư không?
PGS, TS Mai Duy Tôn: Khi được nhận làm việc chính thức tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, những bác sĩ trẻ như chúng tôi luôn có khao khát được đóng góp. Năm 2007, các thầy tin tưởng cử tôi sang học tập tại Bệnh viện Mayo clinic, Mỹ. Y học của họ quá phát triển, ngoài sức tưởng tượng của tôi. Bởi vậy, tôi quyết định lựa chọn một lĩnh vực có thể ứng dụng về Việt Nam mà mang lại sự thay đổi ngoạn mục cho bệnh nhân. Nói đến điều trị đột quỵ là nói về sự thay đổi đột biến cho người bệnh, giúp bác sĩ có đam mê điều trị. Những kỹ thuật mới, đặc biệt kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh ngày càng tiến bộ giúp hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh nhân đột quỵ có bước tiến đột phá. Đột quỵ não là lĩnh vực tôi đã chọn. Nói
Bệnh viện Bạch Mai là tuyến đầu về cấp cứu, thế nhưng, để cứu sống bệnh nhân đột quỵ rất thách thức, khả năng sống sót manh manh hoặc nếu có sẽ chịu cảnh tàn phế cả đời. Trong khi đó, tại Mỹ, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu, điều trị tốt và ít để lại di chứng. Họ ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu vào lĩnh vực đột quỵ, giúp cải thiện kết quả điều trị, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chỉ thời gian ngắn, người đột quỵ gần như mong manh cuộc sống, họ có thể trở lại hoạt động sinh hoạt bình thường.
Sự ngoạn mục đó khiến tôi quyết tâm theo đuổi học tập kỹ thuật này. Tôi đề xuất lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu A9 cho đi nghiên cứu chuyên sâu về đột quỵ. Từ năm 2009, kỹ thuật tiêu huyết khối được áp dụng trên bệnh nhân đột quỵ và cho kết quả rất ngoạn mục. Nhiều bệnh nhân được điều trị kịp thời, sau khi sử dụng thuốc 1 tiếng đã hồi phục hoàn toàn, nói năng, sinh hoạt bình thường, 2-3 ngày sau đã có thể ra viện.
Năm 2009, tôi làm nghiên cứu sinh đề tài về đột quỵ và năm 2014 tôi xin được học bổng học thạc sĩ của Hội đột quỵ châu Âu. Sang Áo học, tôi thấy hệ thống đột quỵ phát triển ngang tầm Mỹ, những gì kỹ thuật chuyên sâu nhất được áp dụng. Sau đó, được sự ủng hộ của Ban lãnh đạo Bệnh viện và Khoa Cấp cứu A9, Đơn vị Đột quỵ (thuộc A9) đã được thành lập, chuyên điều trị bệnh nhân đột quỵ cấp và ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu.
Những kiến thức anh học được đã được áp dụng ở Việt Nam như thế nào, để vừa phù hợp với người Việt Nam và phù hợp với kinh tế của người dân?
PGS, TS Mai Duy Tôn: Những kỹ thuật học ở Mỹ, khi về Việt Nam được tôi lựa chọn một cách ứng dụng phù hợp với cơ địa người Việt Nam và “túi tiền” của dân mình. Ở các số nước châu Âu và Mỹ, họ ứng dụng kỹ thuật tiêu huyết khối với liều cao (còn gọi là liều chuẩn), nhưng ở Việt Nam, tôi thấy việc áp dụng liều cao thậm chí có thể tăng chi phí, làm tăng giá thành điều trị nên lựa chọn liều thấp mà vẫn đạt được hiệu quả tương đương và có thể giảm tỷ lệ chảy máu.
Tôi đã dành thời gian nghiên cứu công trình “Điều trị tiêu huyết khối liều thấp alteplase 0.6 mg/cân nặng ở bệnh nhân nhồi máu não cấp trong 4,5 giờ đầu” mà vẫn bảo đảm hiệu quả, giảm những biến chứng và giá thành. Kỹ thuật này sau đó triển khai áp dụng cho rất nhiều các bệnh viện trên toàn quốc.
Cấp cứu bệnh nhân đột quỵ phải phối hợp đa chuyên khoa, đặc biệt chẩn đoán hình ảnh để áp dụng các kỹ thuật điện quang mới nhất trong chẩn đoán, điều trị lấy huyết khối cơ học cho bệnh nhân tắc mạch lớn, can thiệp mạch cho bệnh nhân vỡ phình mạch; Phối hợp với khoa phẫu thuật thần kinh để xử trí các ca cần phẫu thuật lấy máu tụ, kẹp túi phình mạch, mở sọ cho ca nhồi máu não lớn và việc phối hợp đã trở thành thường quy ở Bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời, bệnh nhân đột quỵ cũng được tập phục hồi chức năng sớm để hồi phục và hạn chế di chứng.
Chỉ trong 14 năm, anh cùng cộng sự trở thành “điểm tựa” cho các bác sĩ tuyến dưới và bệnh nhân bị đột quỵ. Từ dấu ấn đó, anh sẽ làm gì để đóng góp cho chuyên ngành đột quỵ Việt Nam?
PGS, TS Mai Duy Tôn: Trước đây, tỷ lệ hồi phục ở bệnh nhân đột quỵ chỉ 25%, có 25% bệnh nhân sẽ tử vong và 50% để lại di chứng tàn phế. Tuy nhiên khi áp dụng kỹ thuật mới, giống các nước đang phát triển, những bệnh nhân đột quỵ được tái tưới máu trong giờ vàng, người bệnh gần như trở lại trạng thái bình thường đạt trên 50%, thậm chí 60-70%.
Những bệnh nhân đến muộn, nhờ sự chuyên sâu về phương pháp điều trị tại các đơn vị đột quỵ, tỷ lệ biến chứng tử vong, di chứng tàn phế giảm đi rất nhiều. Nhiều bệnh nhân được điều trị phối hợp điều trị hồi sức chuyên sâu, tập phục hồi chức năng sớm giúp phục hồi tốt hơn so với trước đây.
Nhờ đó, việc điều trị đột quỵ ở Bệnh viện Bạch Mai càng ngày càng đạt được nhiều tiến bộ với các kỹ thuật ngang tầm khu vực. Ngày 9/11/2020, Bệnh viện Bạch Mai thành lập Trung tâm Đột quỵ trên cơ sở Đơn vị Đột quỵ thuộc Trung tâm Cấp cứu A9. Trong thời gian ngắn hơn 2 năm, Trung tâm ra đời đã có những đóng góp cho Bệnh viện Bạch Mai, đặc biệt cho chuyên ngành đột quỵ toàn quốc.
Hàng năm, Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân đột quỵ của miền bắc. Các kỹ thuật chuyên sâu nhất được bệnh viện phối hợp với các Trung tâm liên quan trong bệnh viện triển khai, mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh. Đây cũng là địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Trung tâm Đột quỵ đóng góp nhiều công trình nghiên cứu về đột quỵ của Việt Nam với thế giới. Chúng tôi tổ chức thường kỳ các bài báo cáo khoa học 2 tuần một lần và phát miễn phí trên zoom cho các đồng nghiệp trên toàn quốc cập nhật các kiến thức chuyên sâu về đột quỵ.
Đến nay, kỹ thuật này đã vươn xa tới tuyến huyện chưa?
PGS, TS Mai Duy Tôn: Với bệnh nhân đột quỵ, nếu phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì gần như không có ca nào kịp thời gian. Nhờ áp dụng kỹ thuật này, đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ, đào tạo xây dựng các đơn vị đột quỵ ở các trung tâm y tế huyện miền núi như Trung tâm Y tế Văn Yên, Yên Bái.
Từ thành công hỗ trợ chuyên môn cho tuyến huyện, chúng tôi được tổ chức Đột quỵ châu Âu vinh danh trên tạp chí của họ về việc triển khai kỹ thuật đột quỵ ở một bệnh viện tuyến huyện miền núi.
PGS, TS Mai Duy Tôn vẫn miệt mài nghiên cứu tài liệu hàng ngày.
PGS, TS Mai Duy Tôn vẫn miệt mài nghiên cứu tài liệu hàng ngày.
Khám cho bệnh nhân đột quỵ.
Khám cho bệnh nhân đột quỵ.
PGS, TS Mai Duy Tôn đi buồng thăm khám cho bệnh nhân nằm điều trị tại Trung tâm Đột quỵ.
PGS, TS Mai Duy Tôn đi buồng thăm khám cho bệnh nhân nằm điều trị tại Trung tâm Đột quỵ.
Đã từng định bỏ nghề y... đi buôn
Được biết anh có một thời sinh viên rất sôi nổi, “buôn đâu thắng đó”, cũng từng có ý định bỏ nghề y. Điều gì giữ chân anh ở lại ngành y tế, nhất là trong một lĩnh vực cấp cứu khó nhất như đột quỵ?
PGS, TS Mai Duy Tôn: Có lẽ ký ức về ông nội hay đau ốm ở quê, việc tìm bác sĩ tới thăm khám, tiêm thuốc rất khó khăn trong khi tôi là cháu đích tôn, nên nghĩ mình cần phải có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho gia đình. Lớp 10, tôi theo học khối B theo sự động viên của bố mẹ. Bạn bè thách nhau sau này xem ai vào được Bệnh viện Bạch Mai làm việc. Tôi đã theo đuổi thành công vào trường Đại học Y Hà Nội, sau đó tôi đã chọn học bác sĩ nội trú chuyên ngành hồi sức cấp cứu.
Học rồi mới thấy quá vất vả. Chúng tôi học nội trú đúng thời điểm dịch SAR, nhiều nhân viên y tế tử vong nhanh chóng trong thời gian rất ngắn. Cơ sở vật chất khó khăn, trang thiết bị không có, nguy cơ rình rập, tôi gần như co cụm lại không dám về nhà, trong lòng còn trách thầm vì sao bố mẹ bắt mình chọn ngành y. Đó cũng là thời điểm, tôi từng có ý định xin ra khỏi ngành.
Nhưng quả thật, những người thầy đi trước như thầy Vũ Văn Đính, cô Nguyễn Thị Dụ, PGS, TS Nguyễn Đạt Anh, PGS.TS.Đặng Quốc Tuấn, PGS, TS Nguyễn Văn Chi… đã cho tôi động lực rất lớn để trụ lại với nghề. Sau những năm học nội trú, tôi được nhận ở lại Bệnh viện Bạch Mai. Lúc đó, tôi vô cùng tự hào, không chỉ bởi thắng được lời thách đố của bạn bè, thành công trong sự hân hoan của gia đình, mà còn bởi tôi đã vượt qua được chính mình, để tin, ngành y thật sự là duyên phận của mình.
Có lúc nào anh hồ nghi về năng lực của mình, ở thời điểm đầu khi mang kỹ thuật điều trị đột quỵ về Việt Nam?
PGS, TS Mai Duy Tôn: Đã có lúc cũng khá hoang mang ở giai đoạn ứng dụng điều trị cho những ca đầu tiên. Có những ca chúng tôi đã làm đúng kỹ thuật, bệnh nhân được đánh giá toàn diện và chúng tôi chọn được đầy đủ các yếu tố tốt nhất can thiệp cho người bệnh, tiên lượng thành công 90% mà vẫn thất bại khiến bản thân rất nản trí.
Tôi nhớ nhất đó là một ca đột quỵ được thực hiện kỹ thuật tiêu sợi huyết đầu tiên vào năm 2009. Chúng tôi phối hợp với Trung tâm điện quang lấy huyết khối cho bệnh nhân đột quỵ và bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Nhưng chỉ 2 ngày sau, người bệnh lại tái phát đột quỵ. Rất may, chúng tôi cấp cứu lần 2 kịp thời, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng và vẫn sống khỏe mạnh đến bây giờ (sau 14 năm). Chính sự thành công của ca này giúp cho tôi có động lực để tiếp tục đứng vững với con đường mình đã lựa chọn.
Việt Nam còn thiếu 2/3 trung tâm can thiệp đột quỵ
Nhân lực trong lĩnh vực đột quỵ tại Việt Nam dường như vẫn còn khá mỏng? Các bác sĩ vốn rất e dè ngành hồi sức cấp cứu vì vất vả, đòi hỏi kiến thức chuyên khoa tổng hợp, đặc biệt là với ngành cấp cứu đột quỵ. Chúng ta cần làm gì để nhân rộng được nguồn nhân lực chất lượng cao?
PGS, TS Mai Duy Tôn: Trung tâm đột quỵ cần đội ngũ chuyên sâu điều trị về đột quỵ như ở nước ngoài vì hiện nay tại Việt Nam, các bác sĩ đột quỵ hầu hết chuyển từ chuyên ngành thần kinh, hồi sức cấp cứu, tim mạch.
Với mong muốn điều trị chuyên sâu hơn, chúng ta cần bác sĩ được đào tạo đúng chuyên ngành đột quỵ, giúp việc cấp cứu tốt hơn. Năm 2022, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập bộ môn Đột quỵ đầu tiên ở Việt Nam.
Chúng tôi cũng đang xây dựng đề án đào tạo tuyển sinh sau đại học cho chuyên ngành đột quỵ. Nếu được chấp thuận, năm 2023 sẽ tuyển sinh khóa thạc sĩ chuyên ngành đột quỵ đầu tiên.
Mặc dù kỹ thuật cao điều trị đột quỵ đã vươn tới tuyến huyện, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người bệnh?
PGS, TS Mai Duy Tôn: Với dân số 100 triệu người, hàng năm ước chừng có khoảng 200 nghìn bệnh nhân đột quỵ mới, việc quản lý theo dõi bệnh nhân đột quỵ rất quan trọng. Với người đột quỵ, thời gian là vàng và để can thiệp cấp cứu cần phải có các đơn vị chuyên sâu.
Ước tính của Việt Nam cần gần 400 đơn vị khoa/trung tâm đột quỵ nhưng đến năm 2022 mới có 125 bệnh viện có khoa/trung tâm đột quỵ. Nhu cầu thành lập đơn vị/ khoa đột quỵ trên toàn quốc còn rất nhiều mới đáp ứng được nhu cầu cấp cứu, điều trị của người bệnh.
Tôi hy vọng từ nay đến năm 2025, theo quy định của Bộ, các bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh thành lập khoa đột quỵ, tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân, để khi người bệnh không may đột quỵ được tiếp cận gần nhất, sử dụng các phương pháp điều trị tốt nhất, tránh những tàn phế.
Thời gian tới, chúng tôi đề xuất xây dựng quy trình triển khai kỹ thuật mới cho bệnh nhân đột quỵ. Kỹ thuật này giúp đánh giá theo dõi và hỗ trợ hồi sức và điều trị các bệnh nhân đột quỵ nặng được tốt hơn.
Nhìn lại hành trình học tập, mang kỹ thuật về Việt Nam và là người góp sức cùng các cộng sự nhân rộng các trung tâm đột quỵ trên toàn quốc, anh thấy mình gặt hái được những điều gì?
PGS, TS Mai Duy Tôn: Đến giờ, tôi thấy mình đã chọn con đường đi đúng đắn. Tôi tự hào vì mình đã đặt nền móng cho Trung tâm đột quỵ, đặt nền móng cho sự ra đời của bộ môn Đột quỵ và bệnh lý mạch máu não đầu tiên ở Việt Nam tại trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tôi cũng là người kết nối các bác sĩ đột quỵ của các trung tâm đột quỵ trên toàn quốc nghiên cứu các công trình về đột quỵ để họ cùng tham gia với mình trong những công trình có số liệu nghiên cứu lớn, đại diện cho quốc gia có thể công bố quốc tế.
Trung tâm chúng tôi chưa bao giờ từ chối bệnh nhân đột quỵ nào, kể trong đại dịch Covid-19. Có những ca đột quỵ nguy kịch, nhồi máu não tắc mạch lớn có chỉ định lấy huyết khối cơ học, chuyển từ Hải Dương (đang ở tâm dịch đợt dịch thứ 2) lên Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi vẫn nhận dù không có người nhà ký cam kết, không có người thanh toán viện phí.
Với tôi, điều gặt hái được lớn nhất, chính là sự hồi phục của người bệnh đột quỵ, tỷ lệ bệnh nhân sống và hồi phục sau đột quỵ rất cao, là lứa bác sĩ trẻ sẵn sàng lăn xả vì người bệnh, là những cộng sự ở các tuyến luôn trao đổi nghiệp vụ để có được chất lượng điều trị tốt nhất cho người bệnh. Đó còn là niềm tin từ lãnh đạo bệnh viện và các chuyên gia từ các trung tâm đột quỵ lớn trên thế giới luôn sẵn sàng giúp đỡ, cổ vũ tôi tiếp tục đi trên con đường này.
Xin cảm ơn PGS, TS Mai Duy Tôn!
Ngày xuất bản: 24/2/2023
Nội dung: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Trình bày: THIÊN LAM
Ảnh: THIÊN LAM - THẾ ANH