Khi sự sống chỉ còn được tính bằng tích tắc, những chiến sĩ áo trắng ở các khoa Cấp cứu luôn đứng “đầu sóng” để làm chỗ dựa cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Suốt mấy chục năm cống hiến cho ngành hồi sức cấp cứu, PGS, TS Nguyễn Văn Chi chưa cho phép mình ngơi nghỉ ngày nào. Ông vẫn tất bật hằng ngày trong khu Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, vẫn chong đèn hằng đêm nghiên cứu tài liệu, soạn bài giảng, trao đổi nghiệp vụ với các đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Điện thoại ông để chế độ chuông 24/24 vì rất nhiều ca hội chẩn khẩn cấp...

NƠI TÔI LUYỆN BẰNG ÁP LỰC

Phóng viên: Làm bác sĩ ngành hồi sức cấp cứu không chỉ cần có một cái đầu kiến thức tổng hợp các mặt bệnh, mà còn phải chịu được áp lực rất tốt. Những áp lực mà mỗi ngày đứng ở tuyến đầu phải chịu đựng, có làm cho các bác sĩ nản nghề không, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Văn Chi: Ngành hồi sức cấp cứu rất khắc nghiệt, đòi hỏi người bác sĩ phải có trách nhiệm cao, kiến thức tổng hợp tốt để có thể tiếp cận sớm với các vấn đề bệnh lý của bệnh nhân để giải quyết tốt nhất cho người bệnh khi tiếp nhận tại khoa Cấp cứu.

Người theo học ngành hồi sức cấp cứu phải hy sinh rất lớn về thời gian. Dù bạn có học bác sĩ nội trú loại xuất sắc thì sau ra trường 5 năm mới được trực chính – một yêu cầu đòi hỏi rất cao. Do đó, nếu bạn không hy sinh, không cống hiến, không nỗ lực theo nghề sẽ khó trụ lại tại những trung tâm lớn như A9. Bởi vậy, dù chịu nhiều áp lực, khó khăn, anh em A9 vẫn làm việc với nhiệt huyết, trách nhiệm, say mê, không có ai tỏ ra chán nản, nhụt chí mà chúng tôi luôn mang theo mình niềm tự hào là bác sĩ A9 Bạch Mai.  

Ngành hồi sức cấp cứu rất khắc nghiệt, đòi hỏi người bác sĩ phải có trách nhiệm cao, kiến thức tổng hợp tốt để có thể tiếp cận sớm với các vấn đề bệnh lý của bệnh nhân.

- PGS, TS Nguyễn Văn Chi -

Làm bác sĩ luôn phải chịu nhiều áp lực, ở A9 Bạch Mai, áp lực đó còn lớn hơn rất nhiều vì hầu hết các trường hợp vào đây đều nặng, nguy kịch, được chuyển từ các bệnh viện tuyến dưới lên. Thời gian cấp cứu rất khẩn trương, lượng bệnh nhân lớn, cơ hội sống phụ thuộc rất nhiều vào việc xử trí đúng, tích cực, trong khi đó chúng tôi còn phải cùng lúc trao đổi với người nhà bệnh nhân để họ yên tâm, hợp tác cùng với bệnh viện cứu chữa người bệnh. Người nhà cần được biết về cơ hội cứu chữa cho người bệnh và cũng hiểu về tính chất đặc biệt của cấp cứu là phải ưu tiên xử trí cho bệnh nhân nặng trước, bệnh nhân nhiều nguy cơ trước mà không theo thứ tự đến trước đến sau, để tránh người nhà có tâm lý lo lắng, thắc mắc.

Các bác sĩ trong A9 đều ý thức được những áp lực mình phải đối mặt hằng ngày nên luôn có thái độ ứng xử phù hợp, luôn tìm cách giải quyết một cách tốt nhất để tránh bức xúc của người dân. Khi người nhà bệnh nhân hiểu về tình trạng của người bệnh thì hầu hết sẽ hợp tác tốt.

Phóng viên: Điều gì giữ chân ông ở lâu tới thế với ngành, với A9 trong khi có nhiều cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng trả lương rất cao để mời ông tới làm chuyên môn?

PGS, TS Nguyễn Văn Chi: Anh em ở A9 luôn có sức làm việc phi thường, có thể thức 24/24 giờ không cần ngủ. A9 là một tập thể mạnh đoàn kết sáng tạo, nhiều sáng tạo được Bộ Y tế và các cơ quan ghi nhận. Các bác sĩ ở A9 hầu hết là bác sĩ nội trú, rất sáng tạo và rất thông minh.

Suốt mấy chục năm làm việc, tôi chỉ có một mong muốn được làm lâm sàng, làm chuyên môn, chưa từng mảy may nghĩ chuyển nghề, chuyển cơ quan. Bệnh viện Bạch Mai như ngôi nhà thân thuộc và rất gắn bó. Với những khó khăn trong trong nghề, tôi luôn nỗ lực vượt qua, biết xác định mục tiêu, xây dựng lộ trình và kiên trì phấn đấu cho mục tiêu đó. Tôi quyết liệt đối mặt với khó khăn, hết sức bình tĩnh vượt qua khó khăn, không bao giờ nản chí.

Mấy chục năm qua, tôi đã quen với một guồng làm việc liên tục như vậy, làm và học liên tục, đọc sách xuyên đêm. Tôi vẫn còn rất nhiều tâm huyết muốn gửi gắm ở thế hệ các đồng nghiệp, các học trò của mình, vẫn mong muốn được đóng góp cho ngành hồi sức cấp cứu nên dù có nhiều lời mời, nhưng tôi vẫn ở lại đây, vẫn là một thành viên trong gia đình A9 không thể tách rời.

PGS, TS Nguyễn Văn Chi khám cho bệnh nhân.

PGS, TS Nguyễn Văn Chi khám cho bệnh nhân.

Phóng viên: Càng trong gian khó, lại càng thể hiện được bản lĩnh của người Việt Nam. Ở thời điểm gian khổ ban đầu, ông và các đồng nghiệp khắc phục như thế nào?

PGS, TS Nguyễn Văn Chi: Trong những năm đầu công tác với vai trò là bác sĩ nội trú tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn thiếu thốn, một số trang thiết bị phải tận dụng, các bác sĩ đã suy nghĩ cải tiến các phương tiện đáp ứng yêu cầu điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân.

Do quá thiếu vật tư dùng cho người bệnh, cùng với các bác sĩ trẻ khác, tôi đã đề xuất sáng kiến làm canuyn mở khí quản từ ống nội khí quản tận dụng. Canuyn này đã sử dụng hiệu quả trên thực tế người bệnh.

Học chuyên ngành hồi sức cấp cứu là vô cùng vất vả, khó khăn, ngay từ lúc bước chân vào học chuyên ngành, tôi đã may mắn được thế hệ các thầy cô rất danh tiếng của A9 dẫn dắt, đào tạo như giáo sư Đỗ Đình Địch, giáo sư Vũ Văn Đính, giáo sư Nguyễn Thị Dụ, và các thầy cô, các bậc đàn anh xuất sắc như Phó Giáo sư Nguyễn Đạt Anh, Giáo sư Nguyễn Gia Bình, Phó Giáo sư Phạm Duệ, Phó Giáo sư Đặng Quốc Tuấn, Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn,..

Rất may mắn chúng tôi được theo học tại nhiều quốc gia có chuyên ngành hồi sức cấp cứu rất phát triển như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... Nhờ đó chúng tôi đã tiếp cận được nhiều kỹ thuật tiên tiến về hồi sức cấp cứu của thế giới để sớm áp dụng tại Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chi

Phát triển các kỹ thuật về cấp cứu đột quỵ cũng giống như các kỹ thuật khác, năm 2005 chúng tôi đã triển khai đề án tiêu sợi huyết cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não. Đến năm 2009 chúng tôi tiếp tục triển khai tiêu sợi huyết cho bệnh nhân đột quỵ với Alteplase. Đây là thời điểm nở rộ nhiều kỹ thuật mới, tiến bộ trên thế giới như kỹ thuật điều trị chảy máu não thất, can thiệp sọ não, các kỹ thuật hồi sức thần kinh cho bệnh nhân đột quỵ… đã được chúng tôi nghiên cứu, đưa vào thường quy và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

PGS, TS Nguyễn Văn Chi hội chẩn một trường hợp cấp cứu.

PGS, TS Nguyễn Văn Chi hội chẩn một trường hợp cấp cứu.

Phóng viên: Trong cuộc đời làm nghề, chắc ông không thể nhớ hết mình đã giành giật sự sống cho bao nhiêu người từ tay tử thần?

PGS, TS Nguyễn Văn Chi: Đúng là như vậy, nhưng có những bệnh nhân để lại những ấn tượng rất sâu sắc không quên được. 22 năm trước, chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân Ngô Thị Kim C. (Hải Dương 2001) bị mất máu nguy kịch sau sinh con. Bệnh nhân đã được bệnh viện địa phương khi cắt tử cung cầm máu nhưng do bị bị sốc nặng mất máu bệnh nhân đã được chuyển tới A9 Bạch Mai. Nhiều ngày nằm ở Bệnh viện Bạch Mai với nhiều nỗ lực mà không nâng được huyết áp, máu không đủ để truyền. Chúng tôi đã phải nhờ gia đình huy động họ hàng đến cho máu.

Các buổi đi buồng giao ban, các chuyên gia đều nhận định tình hình bệnh nhân không có huyết áp kéo dài chắc không còn khả năng sống. Nhưng tôi vẫn nỗ lực, cặm cụi từng ngày chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân với một niềm tin là bệnh nhân sẽ sống. Và như một phép màu, sau 151 ngày điều trị, bệnh nhân đã dần hồi phục và trở về cuộc sống bình thường.

Trong đợt dịch bùng phát tại Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt. Bệnh nhân chuyển đến A9 đã bị ngừng tim trước đó, việc cấp cứu ngừng tim đã kéo dài suốt 120 phút, trong tình cảnh Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa. Với một nỗ lực phi thường của cả tập thể, tim bệnh nhân đập trở lại. Bằng nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật tiên tiến của A9 được áp dụng, cuối cùng bệnh nhân đã tỉnh lại và được trở về gia đình một cách kỳ diệu.

GIỮ VỮNG “PHÊN DẬU” CHUYÊN NGÀNH HỒI SỨC CẤP CỨU

Phóng viên: Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta mới thấy sự thiếu và yếu của lực lượng bác sĩ trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu. Là người đưa lực lượng hồi sức đi nhiều trận chiến tại các tâm dịch, ông thấy điều đó có đúng?

PGS, TS Nguyễn Văn Chi: Trong điều kiện bình thường, lực lượng y tế và hồi sức cấp cứu đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Nhưng khi có điều kiện không bình thường như dịch dã, thảm họa, xuất hiện yêu cầu y tế đặc biệt thì đáp ứng bình thường không còn nữa.

Dịch Covid-19 là một phép thử quan trọng đối với hệ thống y tế, đánh giá khả năng đáp ứng tình thế y tế mới như thế nào. Hệ thống y tế của của chúng ta trong những năm chống dịch hết sức nỗ lực, kiên cường. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những khó khăn chung giống như các quốc gia khác trên thế giới. Tại thời điểm bước vào đỉnh dịch, các quốc gia giàu cũng thiếu bác sĩ, thiếu phương tiện trang thiết bị, cơ sở vật chất để chống dịch.

A9 nhiều năm qua đã luôn nỗ lực giữ vững VỊ TRÍ MŨI NHỌN của các khoa lâm sàng tại Bệnh viện Bạch Mai.

Khi xảy ra trận dịch lớn như đợt tháng 7/2021-10/2021 ở TP Hồ Chí Minh thì sự thiếu hụt càng bộc lộ rõ. Với sự hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai và nhiều bệnh viện các tỉnh thành mới bảo đảm được yêu cầu chống dịch. Sau dịch TP Hồ Chí Minh là dịch ở các tỉnh miền tây, hệ thống y tế ở đây cũng thiếu nhân lực, đặc biệt là chuyên khoa về hồi sức cấp cứu, thiếu cả về số lượng và chất lượng, còn ít bác sĩ được đào tạo chuyên khoa hồi sức cấp cứu.

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa tuyến cuối dù trong hoàn cảnh khó khăn nào chúng tôi vẫn luôn thực hiện trách nhiệm hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới trong mọi hoạt động chuyên môn. A9 nhiều năm qua đã luôn nỗ lực giữ vững vị trí mũi nhọn của các khoa lâm sàng của Bệnh viện Bạch Mai. Vừa là trách nhiệm được giao, vừa là những nỗ lực đặc biệt, A9 luôn là đội quân tiên phong trong công cuộc chống dịch covid từ Đà Nẵng, Hải Dương, Chí Linh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh, miền tây... Tinh thần đó đã đóng góp hiệu quả vào thành công chung của công cuộc chống dịch.

PGS, TS Nguyễn Văn Chi chỉ dẫn cho đội ngũ nhân viên y tế trẻ tại khoa phân biệt, chẩn đoán các ca bệnh.

PGS, TS Nguyễn Văn Chi chỉ dẫn cho đội ngũ nhân viên y tế trẻ tại khoa phân biệt, chẩn đoán các ca bệnh.

Phóng viên: Ông và các y, bác sĩ giữ được bức “phên dậu” ấy vững vàng thế nào qua những thời điểm khắc nghiệt nhất của làm nghề như đợt dịch Covid-19 vừa qua?

PGS, TS Nguyễn Văn Chi: Trong hoạt động chuyên môn hàng ngày, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ luôn nói: A9 là bức tường thành, phên dậu bảo vệ bệnh viện.

Trong công việc hàng ngày, A9 đơn vị tiếp nhận bệnh nhân rất nặng từ các nơi chuyển đến. Đây là nơi ban đầu có tác động ngay đến với người bệnh, tác động ngay đến gia đình người bệnh, do đó các bác sĩ vừa phải thực hiện tiếp nhận, khám đánh giá phát hiện sớm các vấn đề của bệnh nhân, thực hiện kịp thời các can thiệp chuyên sâu cho người bệnh, vừa phải thực hiện trách nhiệm trao đổi với gia đình người bệnh để gia đình yên tâm, tập trung mọi nỗ lực giải quyết các vấn đề bệnh lý cho người bệnh, hết lòng vì người bệnh, đó là tinh thần cốt lõi của thương hiệu A9 từ xưa đến nay. Do đó, A9 đã che chắn được các vấn đề chuyên môn, sớm phát hiện các vấn đề bệnh lý bất thường như bệnh nhân có bệnh dịch để thực hiện các can thiệp chuyên môn cho người bệnh, bảo đảm an toàn cho bệnh viện.

Trong hoạt động chuyên môn, A9 là đơn vị nhiều nỗ lực ở nhiều phương diện. Trong nghiên cứu khoa học A9 cũng là một đơn vị xuất sắc với nhiều đề tài cấp cơ sở, cấp Bộ Y tế, hợp tác quốc tế đã được thực hiện, có nhiều đóng góp cho bệnh viện và hệ thống y tế. Trong đào tạo, A9 là đơn vị phối hợp chặt chẽ với bộ môn Hồi sức cấp cứu đào tạo các bác sĩ chuyên khoa. Hoạt động hợp tác quốc tế, tập thểA9 cũng có nhiều hoạt động giáo dục-đào tạo phong phú, thường xuyên có nhiều đoàn bác sĩ, sinh viên y là các thực tập sinh của các bệnh viện đến từ Anh, Úc, Mỹ,.. nhiều chương trình hợp tác trao đổi với các bệnh viện và tổ chức quốc tế được thực hiện…

Kế tiếp với thế hệ A9 chúng tôi có rất nhiều bác sĩ rất xuất sắc như TS Nguyễn Anh Tuấn, TS Nguyễn Hữu Quân, PGS Mai Duy Tôn, PGS Đỗ Ngọc Sơn, TS Trần Hữu Thông,... và nhiều bác sĩ khác đã tạo nên một sự tiếp nối vững chắc của A9.

A9 cũng thường xuyên biên soạn sách và những tài liệu cho chương trình đào tạo bác sĩ và điều dưỡng hồi sức cấp cứu, tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề giúp các hội viên, giúp bác sĩ làm chuyên ngành hồi sức cấp cứu cập nhật kiến thức, đưa ra gợi ý phát triển.

PGS, TS Nguyễn Văn Chi trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp.

PGS, TS Nguyễn Văn Chi trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp.

Kiểm tra việc xử lý cấp cứu bệnh nhân của các học trò của mình.

Kiểm tra việc xử lý cấp cứu bệnh nhân của các học trò của mình.

Các nhân viên y tế tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai luôn đối mặt với nhiều áp lực.

Các nhân viên y tế tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai luôn đối mặt với nhiều áp lực.

Item 1 of 3

PGS, TS Nguyễn Văn Chi trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp.

PGS, TS Nguyễn Văn Chi trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp.

Kiểm tra việc xử lý cấp cứu bệnh nhân của các học trò của mình.

Kiểm tra việc xử lý cấp cứu bệnh nhân của các học trò của mình.

Các nhân viên y tế tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai luôn đối mặt với nhiều áp lực.

Các nhân viên y tế tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai luôn đối mặt với nhiều áp lực.

“CHUYỂN TUYẾN LÀ CÁC BẠN CHUYỂN ĐI LÒNG TIN CỦA BỆNH NHÂN”

Phóng viên: “Đừng chuyển lòng tin của bệnh nhân đi” – tôi rất ấn tượng câu nói này khi ông cùng các đồng nghiệp A9 chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Hiệu quả của chuyển giao kỹ thuật, chính là giảm tải cho tuyến trên, nâng lòng tin của bệnh nhân với y tế địa phương?

PGS, TS Nguyễn Văn Chi: Trong 10 năm gần đây, ngành y tế chúng ta thay đổi rất nhanh và sự phát triển hệ thống y tế đã cho thấy nhiều lĩnh vực chúng ta nỗ lực tiếp cận với thế giới.

Đến nay, nhiều kỹ thuật cao chuyên sâu như can thiệp đường thở, huyết động, lọc máu, hạ thân nhiệt được chuyển giao cho tuyến dưới, nhiều bệnh nhân được chữa bệnh kịp thời mà không cần phải chuyển tuyến. Hỗ trợ giúp tuyến dưới là giúp người dân và một phần giúp Bệnh viện Bệnh Mai không bị quá tải.

Tôi vẫn luôn nói với các đồng nghiệp tuyến dưới “Khi các em chuyển bệnh nhân đi là các em đã chuyển lòng tin của bệnh nhân đi. Nếu các em làm tốt chuyên môn, kỹ thuật cho người bệnh thì tất nhiên sẽ có lòng tin của người bệnh”. Và rõ ràng, với nhiều quy trình kỹ thuật được chúng tôi chuyển giao và thường xuyên hỗ trợ trực tuyến đã giúp cho tuyến dưới giải quyết được những bệnh nhân nặng, giúp cho các bác sĩ có đủ tự tin điều trị những bệnh nhân nặng thuận lợi hơn. Sự tự tin của bác sĩ rất quan trọng. Nếu làm mất sự tự tin thì rất khó vượt qua được.

Sự TỰ TIN của bác sĩ rất quan trọng.
Nếu làm mất sự tự tin thì rất KHÓ vượt qua được.

- PGS, TS Nguyễn Văn Chi -

Chúng tôi giúp cho các bác sĩ các bệnh viện tuyến dưới có sự tự tin, có kỹ thuật, có tư duy về bệnh học, có cách tiếp cận vấn đề phù hợp điều kiện của bệnh viện cơ sở để giải quyết vấn đề một cách tốt nhất. Khi các đồng nghiệp khó khăn, thiếu thốn, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ cho các bác sĩ tuyến dưới những vấn đề chuyên môn, kỹ thuật, những điều kiện để triển khai được kỹ thuật, để nâng cao chất lượng chuyên môn, tạo niềm tin cho người bệnh, tạo thương hiệu cho bệnh viện. Nếu không có lòng tin, không có thực lực chuyên môn để làm tốt cho người bệnh thì không thể có uy tín với người bệnh.

Các bệnh nhân đều được cấp cứu kịp thời, thông tin cho người nhà bệnh nhân nắm rõ tình hình bệnh lý của người bệnh.

Các bệnh nhân đều được cấp cứu kịp thời, thông tin cho người nhà bệnh nhân nắm rõ tình hình bệnh lý của người bệnh.

HỆ THỐNG Y TẾ TỐT PHẢI LÀ HỆ THỐNG Y TẾ CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH TỪ KHI CHƯA ĐẾN BỆNH VIỆN

Phóng viên: Hệ thống y tế tốt là phải là hệ thống y tế chăm sóc cho người bệnh trước khi người bệnh đến bệnh viện. Bao nhiêu năm qua, chúng ta vẫn loay hoay câu hỏi “Khi nào Việt Nam mới phát triển mạnh hệ thống cấp cứu ngoại viện?”.

PGS, TS Nguyễn Văn Chi: Hệ thống y tế tại các nước phát triển quan tâm chăm lo cho con người từ khi chưa ốm, hỗ trợ cho người dân kịp thời khi người dân có vấn đề về sức khỏe. Trong điều kiện bình thường, hệ thống này giúp người dân có những kiến thức dự phòng, tự chăm sóc sức khỏe như ăn ngủ cho đúng, tập luyện, kiểm tra sàng lọc dự phòng từ trước. Hệ thống y tế tốt là phải là hệ thống y tế chăm sóc tốt cho con người trước khi người bệnh đến bệnh viện.

Hiện nay, hệ thống cấp cứu ngoại viện của chúng ta còn rất khiêm tốn, mới chỉ phục vụ được một phần nhu cầu của người bệnh.

- PGS, TS NGUYỄN VĂN CHI -

Hiện nay, hệ thống cấp cứu ngoại viện của chúng ta còn rất khiêm tốn, mới chỉ phục vụ được một phần nhu cầu của người bệnh. So với thế giới, cấp cứu trước bệnh viện của chúng ta dường như còn rất nhỏ bé, còn một số nơi gần như chưa có. Khi có vấn đề sức khỏe, chỉ có gia đình chuyển người bệnh đến bệnh viện, chờ được đơn vị vận chuyển cấp cứu hỗ trợ là rất khó khăn. Do đó, từ khi xảy ra bất ổn sức khỏe cho tới khi đến được bệnh viện, người bệnh đã mất một khoảng thời gian rất quý giá cho việc chăm sóc sức khỏe.

Đối với cấp cứu tại bệnh viện, với điều kiện hiện tại dù đội ngũ nhân viên y tế có nỗ lực cao bao nhiêu cũng vẫn gặp rất nhiều khó khăn do phải đối mặt với lượng bệnh nhân đông, cơ sở vật chất còn chật chội, phương tiện còn thiếu hụt, cơ chế chính sách còn bất cập.

Hệ thống cấp cứu trước bệnh viện là vấn đề mà nhiều năm qua chúng tôi còn nhiều băn khoăn trăn trở, Bộ Y tế và chuyên ngành hồi sức cấp cứu đã rất nỗ lực cho việc xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa phát triển tương xứng với yêu cầu. Chúng ta rất cần một cơ chế chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo cơ hội tốt cho phát triển cấp cứu trước bệnh viện.

A9 luôn phấn đấu để ngày càng làm tốt hơn nữa, điều trị, chăm sóc bệnh nhân tốt hơn nữa để đáp ứng tốt nhất yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, chúng tôi mong luôn có đầy đủ mặt bằng, phương tiện, trang thiết bị tốt nhất, thuốc men tốt nhất, nhân lực được hưởng một chế độ đãi ngộ phù hợp nhất để có điều kiện tốt nhất dành cho người bệnh.

Năm 2008, Bộ Y tế đã ban hành quy chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc, đây là một trong những hành lang pháp lý quan trọng cho việc xây dựng và phát triển hệ thống hồi sức cấp cứu. Tôi chỉ mong ước Việt Nam có đủ nguồn lực tài chính, có một cơ sở vật chất tốt, điều kiện trang thiết bị tốt, điều kiện con người tốt để phát triển hệ thống hồi sức cấp cứu như quy chế đã ban hành. Đó cũng là mong ước của các bậc thầy chúng tôi trong việc xây dựng và phát triển hệ thống hồi sức cấp cứu hiện đại đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phóng viên: Xin cảm ơn PGS, TS Nguyễn Văn Chi!

Ngày xuất bản: 27/2/2023
Nội dung: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Ảnh: THIÊN LAM
Trình bày: NGỌC DIỆP