
Ở PHÍA TÂY ĐIỆN BIÊN PHỦ
Theo kế hoạch cũ thì lúc ấy chỉ còn khoảng 6 hay 7 tiếng đồng hồ nữa là đến giờ ta nổ súng đánh Điện Biên. Bộ binh đang gấp rút chuẩn bị để xuất kích. Còn các “binh chủng” cung cấp hỏa tuyến của chúng tôi thì cũng đã sắp xếp đâu vào đấy, đang chờ lệnh đi làm nhiệm vụ...
Đột nhiên, anh Văn gọi điện xuống bảo tôi lên nhận ngay công tác mới.
Đồng chí Nĩu, phó ban quân nhu chiến dịch, lo lắng:
- Hay có chuyện gì rồi, anh?
Tôi gạt đi:
- Chuyện gì! Chắc các anh lại gọi lên động viên thêm để làm nhiệm vụ cho tốt thôi. Anh Thản đâu?
- Anh ấy đến chỗ dân công...
Tôi vội đi ngay. Lên chỗ Bộ chỉ huy chiến dịch đóng, tự nhiên tôi cảm thấy không khí có cái gì khác khác thật. Mấy cán bộ đeo xà cột đi lại, dáng điệu vội vã, nét mặt đăm chiêu. Đồng chí chủ nhiệm cung cấp tiền phương đang ngồi bóp trán mải suy nghĩ chuyện gì xem bộ lung lắm.
Thấy tôi, anh nói ngay:
- Bộ chỉ huy vừa họp xong. Kế hoạch tác chiến thay đổi rồi. Tối nay chưa nổ súng đâu...
Tôi ngơ ngác:
- Thế là thế nào, anh?
Anh nắm tay tôi kéo đi:
- Sang bên kia anh Văn sẽ nói cụ thể.
Tôi gỡ tay anh ra:
- Thế thì cho tôi gọi điện về nhà “ách” cái chuyện này lại đã.
Tôi quay máy báo cho anh Thản khoan hãy động viên dân công xuất phát và dặn: “Cũng chưa biết đầu đuôi ra sao cả, có gì tối nay thức đợi tôi về, ta sẽ bàn thêm”.
Một lát sau, chúng tôi đã đến chỗ anh Văn.
Anh Văn nói:
- Thế nào? Tuyến cung cấp của anh đã sẵn sàng chưa?
Tôi nói:
- Báo cáo, sẵn sàng rồi.
Anh Văn hơi mỉm cười:
- Có chắc không?
- Chắc chứ ạ.
- Hơi chắc hay là chắc hoàn toàn?

Các đơn vị tham gia chiến dịch nghiên cứu các vị trí đánh địch trên sa bàn trước khi vào chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)
Các đơn vị tham gia chiến dịch nghiên cứu các vị trí đánh địch trên sa bàn trước khi vào chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)
Tôi hơi lúng túng. Lúc đó hỏa tuyến do tôi phụ trách là từ cây số 62 đổ vào. Từ ngã ba Nà Tấu này có ba con đường vận chuyển nối liền với hậu phương và các đơn vị tham chiến. Đường đi vào phía đông Điện Biên (tôi thường gọi là cánh tay trái) tương đối trơn tru. Chỉ có đường đi sang phía tây thì đang gay go. Có sao, tôi cứ đúng thế mà nói.
- Báo cáo anh, đại để cho đến nay tình hình là như vậy đấy. Cánh tay phải của tôi quả là hơi... yếu, chuẩn bị chưa được thật kỹ lắm. Phục vụ cho đơn vị đóng sâu tít trong Hồng Lếch, bình thường còn được, chứ nếu gay go thì...
Anh Văn ngắt lời:
- Thế nghĩa là chưa chắc, chưa sẵn sàng chứ gì? - Anh lại cười - Các anh báo cáo thế thì Bộ Chỉ huy cũng chịu không biết đâu mà hạ quyết tâm.
Nói đoạn, anh trải rộng tấm bản đồ ra trước chúng tôi, chậm rãi nói:
- Thôi chưa chắc thì ta chuẩn bị lại cho thật chắc rồi sẽ đánh.
Anh Văn bắt đầu phân tích tình hình mặt trận lúc đó. Về phía địch, chúng tăng cường hơn trước. Còn ta thì chuẩn bị chưa được thật đầy đủ. Để bảo đảm thắng lợi ít tổn thất nhất, phải làm thêm công tác chuẩn bị, phải thay đổi phương châm “Đánh nhanh giải quyết nhanh” bằng “Đánh chắc tiến chắc”. Tất nhiên, trong khi làm những việc đó, ta không để cho địch rảnh tay. Một đơn vị sẽ cấp tốc hành quân đi tiêu diệt những cánh quân của giặc đang thập thò ở phía tây, đẩy Điện Biên vào thế hoàn toàn bị cô lập, tạo điều kiện cho ta càng dễ dàng tiêu diệt chúng sau này.
Đồng chí chủ nhiệm cung cấp tiền phương ngồi bên đồng chí Văn vừa nghe, vừa đưa mắt nhìn tôi khẽ gật gật đầu như có ý bảo: “Đã thấy gay chưa?”.
Tôi rất thông cảm nỗi lo lắng của đồng chí. Có nhiều khi hai anh em ngồi tán với nhau, vẫn thường nói đùa:
- Chỉ cần ông quân sự trở đầu gậy chỉ bản đồ một cái là anh cung cấp tha hồ mà chạy!
Đằng này, lại thay đổi phương châm tác chiến thì càng không biết bao nhiêu là việc đặt ra phải giải quyết. Kho tàng phục vụ “Đánh nhanh giải quyết nhanh” thì chỉ cần lợp sơ sơ, dựng lên theo kiểu dã chiến cũng gọi là được rồi, nay “Đánh chắc tiến chắc”, “mùa mưa cũng đánh, đánh bao giờ thắng mới thôi” thì phải sửa lại hết. Hay như trước kia, quân nhu chạy được một ít mắm kem, thịt ướp - thế là yên trí, nhưng nay thì không ổn đâu... Đánh nhau dài ngày mà quanh đi quẩn lại chỉ có thức ăn khô, bộ đội nuốt sao được, vân vân và vân vân...


Anh Văn vuốt vuốt tấm bản đồ, nói:
- Tôi đã bàn kỹ rồi. Anh Bình sẽ đuổi theo đơn vị đi làm nhiệm vụ ở phía tây. Họ ở cách ta một ngày đường và sẽ đi ngay đêm nay. Cho nên đuổi kịp được cũng vất vả đấy.
Giao nhiệm vụ xong, anh Văn bảo tôi báo cáo lại một lần nữa tình hình kho tàng phía đó. Rồi anh cười, hỏi:
- Có nhớ Khâu Vác không đấy?
Không cần đồng chí Đại tướng nhắc thì cán bộ cung cấp, nhất là tôi, vẫn còn cứ là nhớ đời. Chẳng thế mà hồi còn sống, anh Trần Đăng Ninh vẫn thường gọi đùa là “Hận Khâu Vác”.
... Bấy giờ là chiến dịch Tây Bắc. Anh Ninh thì ở bên kia sông Hồng đốc gạo lên, còn tôi thì đi trước. Lúc ấy, kinh nghiệm tổ chức dân công của mình còn xoàng lắm, đã vậy lại chẳng có phương tiện chỉ huy gì. Chúng tôi cũng có vạch ra được một kế hoạch chở gạo. Đại khái: dân công chia làm mấy bộ phận; bộ phận thứ nhất chuyển đến đâu, xong đi đâu; bộ phận thứ hai nhận và chuyển thế nào... Ai ngờ sự việc lại không diễn ra như kế hoạch. Trời thì mưa, đèo thì cao, đường hành quân cứ trơn như đổ mỡ. Đến đỉnh đèo Khâu Vác thì ùn cả lại. Bộ binh, pháo binh, dân công xen vào nhau. Thế là quân của tôi mất liên lạc lung tung; cán bộ chịu không nắm được nữa.
Tôi thì lại đi theo anh Văn trên đường khác, sắp đến Sài Lương, anh Văn quay lại hỏi:
- Gạo của anh đâu?
Nào tôi có nắm được gì hơn! Chẳng qua cũng liên lạc với chỗ bộ phận phụ trách dân công bằng đường điện thoại của Bộ. Thành thử, trong hoàn cảnh khó khăn cung cấp chưa có đường dây riêng, cái mà tôi nắm được thì các anh cũng đã biết trước cả rồi. Anh Vân giục quá, tôi có bao nhiêu quân, tung đi nắm tình hình hết. Người nãy mới đi, một lúc không thấy về báo cáo, sốt ruột, lại tung người khác đi. Đến khi đánh Sài Lương, anh Văn lại hỏi:
- Gạo của anh đến đâu rồi?
Bí quá, tôi phải bứt đi trước, chạy nháo sang bên kia xem gạo thóc ra sao. Bấy giờ mới vỡ lẽ. Kết quả quân ta chiến thắng mà phải chịu đói. Bộ đội bên anh Bằng Giang tiếp tục truy kích, chỉ được phát tiền, đi được nửa đường hết gạo, phải dừng lại.
Thế là vì cung cấp làm ăn thiếu chu đáo mà ảnh hưởng đến tác chiến! Nhưng có dại rồi mới có khôn; từ chiến dịch Tây Bắc trở đi, chúng tôi rút được kinh nghiệm. Anh Trần Đăng Ninh thường hay dặn anh em:
- Cung cấp ta phải tìm cách giành được chủ động trong bị động.
Rồi từ đó, chúng tôi không phải là tham mưu nhưng cứ ngồi dự kiến với nhau, tình hình như thế như thế, sẽ đánh chiến trường nào, cứ dự kiến hết. Xong rồi, tung cán bộ đi chuẩn bị, nắm khả năng có thể huy động, đặt quan hệ với địa phương, chuẩn bị kho tàng trước... Như vậy đỡ bị động rất nhiều. Cho nên, trong chiến dịch này, ở phía tây Điện Biên, chúng tôi cũng đã làm như vậy. Ở đó, chúng tôi đã cử cán bộ đến từ trước và đã có được một ít cơ sở. Mới đây, nghe tin giặc càn xuống, đốt phá hết, chưa biết thực hư ra sao...
Anh Văn cười:
- Nghĩ ngợi gì mà lâu thế? Ý kiến anh thế nào?
Tôi nói:
Bộ chỉ huy đã giao việc thì chúng tôi xin hết sức cố gắng, còn tình hình thế nào, tôi sẽ báo cáo về hằng ngày bằng điện đài để xin chỉ thị.
Bàn bạc công việc xong thì cơm vừa dọn ra. Chúng tôi tranh thủ lúc ăn tán một chút cho vui vẻ rồi chia tay. Chúng tôi đi về sở chỉ huy cung cấp tiền phương, vừa đi vừa nói chuyện.
Tôi hỏi:
- Trên này có gì lạ không anh?
Đồng chí chủ nhiệm nói:
- Mình vừa được một cái tin không để đâu cho hết mừng...
- Tin gì thế?
- Bọn này đang khổ sở vì ô-tô. Phụ tùng, xăm lốp hỏng không có cái thay, cứ phải cắt đầu cá vá đầu tôm, tháo cái này, lắp vào cái kia cho xe chạy. Nguy nhất là các bình điện sắp cạn một loạt. Đang chưa biết tính thế nào thì có người báo cho biết trên Lai Châu địch rút đi bỏ lại một thùng axít tướng. Sướng nhá! Vội cho xe đi chở. Đánh đùng một cái có tin về ô-tô bị bom. Thôi! Cứ thế là tôi buồn xỉu đi, buồn lắm. Chợt lại có điện báo về không phải thế, ô-tô chở axít đang trên đường về. Mừng ơi là mừng...
Hai anh em tỉ tê tâm sự một lát nữa rồi mới đi vào bàn bạc công việc. Cũng chỉ mới phác qua được những nét lớn thôi.
Đồng chí chủ nhiệm cung cấp tiền phương mở hòm, trao cho tôi một bó bạc, nói:
- Nhiệm vụ của anh phức tạp lắm đấy. Nhất là nếu kho tàng bị nó đốt thật rồi. Anh cần bao nhiêu người, cứ lấy đi. Ở nhà, Tổng cục sẽ vươn ra hỏa tuyến, giúp anh em. Bây giờ, không chỉ axít mà còn thiếu nhiều thứ. Nhưng anh cứ yên tâm mà đi. Lúc về, nhất định anh sẽ thấy nhiều cái khác. Tình hình vận chuyển, cung cấp sẽ tốt hơn, tiến bộ hơn cho mà xem.
Tôi về đến nhà thấy anh Thản vẫn đang thức đợi. Tôi phổ biến tóm tắt tình hình và chủ trương của Bộ chỉ huy rồi hối hả giục anh em bắt tay chuẩn bị để đi được ngay. Anh em báo cáo là đơn vị làm nhiệm vụ lúc ra đi chỉ có hai, ba ngày gạo toòng teeng trên vai.
Chúng tôi cả thảy có mười người đi vòng xuống phía nam. Tại đây, cũng có một bộ phận làm nhiệm vụ “đóng chốt” ở Pom Lót trên đường Điện Biên đi Tây Trang. Khi chúng tôi đến thì bộ phận này cũng đã đi rồi. Chúng tôi vội vã tập hợp dân công, thu thập gạo thóc rồi ba chân bốn cẳng đuổi theo bộ đội.
Phải nói rằng dân công trong chiến dịch Điện Biên anh dũng lắm và được tổ chức khá chặt chẽ. Nhiều anh chị em ở quê nhà đang tham gia phát động quần chúng, nghe tin mở chiến dịch, tranh nhau xung phong, phải bình bầu và đề nghị mãi mới được đi. Cho nên tinh thần họ rất khá. Nghe nói được đi làm nhiệm vụ đặc biệt, anh chị em bật dậy ngay tất cả. Đoàn quân của chúng tôi nhiều “binh chủng” là thế nhưng hành quân rất gọn, tư thế chững chạc, nhất là khi tiến càng sâu vào phía tây.
Trong lòng mọi người, một tình cảm cao thượng cộng với lòng tự hào chính đáng đã được khơi lên.

Vâng lệnh Hồ Chủ Tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ, các đơn vị bộ đội ta băng rừng, lội suối tiến vào Điện Biên Phủ.
Vâng lệnh Hồ Chủ Tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ, các đơn vị bộ đội ta băng rừng, lội suối tiến vào Điện Biên Phủ.

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. Ảnh: TTXVN
Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. Ảnh: TTXVN
Mấy ngày liền cứ hết lên dốc rồi lại xuống dốc, có hôm lội suối suốt ngày, hai bàn chân trắng bệch ra. Vùng này địch đã đi qua nên chỗ nào cũng có dấu vết tàn phá. Nhiều bản bị đốt trụi. Có bản còn xác nhà nhưng dân đã chạy vào rừng hết, rất vắng lặng, không một tiếng gà gáy hay chó sủa. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng gặp những gốc đào vẫn đứng gan góc mà nở hoa rực rỡ giữa những đồi cỏ gianh đã bị bom đạn cầy lên hoặc đốt cháy. Quang cảnh đó nhắc tôi nhớ Tết nhất sắp đến nơi và cũng gợi lên trong tôi một cái gì mâu thuẫn và cũng thật hào hùng khó tả.
Một hôm, chúng tôi đang băng rừng đi, chợt thấy có một đồng chí từ xa chống gậy đi lại, dáng điệu hớt hải. Đến gần, hóa ra đồng chí cán bộ quân nhu được phái đi trước điều tra tình hình kho tàng. Thấy tôi, đồng chí chạy ngay lại:
- Báo cáo anh, đúng là nó đốt cháy hết kho rồi, chẳng còn lấy một hột gạo nào nữa.
Tuy trong bụng đã có dự kiến nhưng thoạt đầu tôi cũng suy nghĩ mất một lúc.

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. Ảnh: TTXVN
Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. Ảnh: TTXVN
Anh em quây lại, xôn xao, nỗi lo lắng hiện lên trên mọi nét mặt:
- Gay go quá, lại như Khâu Vác thì chết!
Quả tình, bao nhiêu dự trữ mất hết, lại hoạt động trên một chiến trường xa như thế này thì khó khăn lắm đây. Nhưng sau giây lát, tôi vẫn rất tin và nói:
- Cứ bình tĩnh các đồng chí ạ. Chúng ta chiến đấu vì chính nghĩa, vì nhân dân thì hễ còn dân là còn có cái nuôi được bộ đội. Cái chính là biết dựa vào dân, dựa vào cán bộ địa phương, sẽ gỡ dần được hết.
Chiều ba mươi Tết chúng tôi bỏ đường bộ, xuống thuyền. Lênh đênh suốt một đêm, chả có gì đón giao thừa nhưng anh em vẫn vui, vẫn hát. Sáng mồng một thì đuổi kịp bộ phận anh Nĩu đã đi với bộ đội trước chúng tôi một ngày. Tôi mừng quá, túm lấy áo anh Nĩu:
- Bộ đội đâu?
Anh Nĩu lau mồ hôi trán, chỉ lên những đỉnh núi cao vút phía trước mặt:
- Đang truy kích phía đó...
Tôi lại hỏi:
- Bộ phận dưới này được mấy ngày gạo
Anh Nĩu nói:
- Hơn Hồng Lếch một chút thôi, có năm ngày ăn.
Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi quyết định:
- ... Thôi được, tìm cái gì cho anh em ăn lấy sức rồi ta bôn luôn một lẻo.
May làm sao lại gặp được một cái bản còn có dân. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, nói như reo:
- Có dân là có ăn rồi'
Hôm sau, đi suốt ngày đường chỉ toàn dốc xuống. Đi một quãng, thấy chỗ nào cũng có nương thuốc phiện đang nở hoa sặc sỡ. Đi một hồi nữa lại thấy từng đàn ngựa đông có đến hàng mấy trăm con đang thong dong gặm cỏ, đỏ ối cả sườn đồi. Tiếp đến là ruộng, ruộng bát ngát, vừa mới gặt xong, chỗ nào cũng có thóc đánh đống như đống rơm.
Tôi buột miệng khen:
- Trù phú thật!
Anh Nĩu cũng hoan hỉ:
- Không lo nữa rồi, thế nào cũng có gạo cho bộ đội ăn.
Chúng tôi đi vào bản. Nhà nào cũng cao ráo, khang trang, gà, vịt, lợn đầy sân.
Ở bản này, chúng tôi tóm được cái 'đuôi" của bộ đội và sau đó theo anh em chỉ, tìm được đến chỗ anh X. và cơ quan đoàn bộ đóng.
Vừa trông thấy tôi, anh X. đứng phắt dậy reo lên: - A! Đây rồi. Thế nào "cụ"?
Tôi ngồi xuống sàn đỡ lấy chén nước trong tay anh X.
- Các kho gạo ta bố trí từ trước bị nó đốt cháy hết cả rồi...
Anh X. lo lắng, ngắt lời:
- Chết! Làm sao có gạo cho bộ đội tiếp tục truy kích bây giờ?
Tôi cười:
- Yên trí! Nằm trên kho lương thực mà lại lo à? Không có nhiều thì cũng có ít cho các anh... Nhưng hượm, để tôi đi bắt liên lạc với địa phương cái đã.
Sáng sau, tôi và anh Nĩu đi loanh quanh mất một lúc mới tìm được các đồng chí lãnh đạo địa phương. Không đợi chúng tôi trình bày lâu, các đồng chí đã sốt sắng hứa thế nào cũng có đủ gạo cho bộ đội ăn. Và ngay tối hôm ấy, cán bộ cơ sở các nơi đã nhận được công văn về họp đông đủ.
Hội nghị họp trên một căn nhà sàn rộng. Cán bộ cơ sở lần lượt kéo lên, tốp thì quây ngay lấy chúng tôi, tốp thì chụm lại chuyện trò líu ríu, tốp thì sà xuống quanh bếp chuyền tay nhau rít thuốc lào nghe nhộn nhịp, ấm cúng lạ.
Các đồng chí lãnh đạo bắt đầu nói chuyện bằng tiếng địa phương. Tôi để ý nhìn thấy vẻ mặt người nghe cứ rạng rỡ mãi lên, thỉnh thoảng, anh em lại vỗ tay ran như pháo cắt ngang, khiến người nói cứ phải xua xua tay mới giữ được trật tự.
Anh Nĩu rỉ tai tôi:
- Đúng quá, có dân, sẽ có hết. Tình hình này có lẽ không đến nỗi quá khó khăn như ta dự kiến, anh ạ...
Trong bụng, tôi cũng tin là như thế.
Sáng ra, anh em cán bộ cơ sở chia tay nhau, người thì cấp tốc chạy đuổi theo các đơn vị đang trên đường truy kích, một số khác thì xuống các đơn vị đang đóng ở đây, hướng dẫn cán bộ ta đi huy động gạo...
Chất phác, thật thà như nhân dân vùng này quả là rất quý. Nhiều người chạy tít vào trong rừng sâu, nghe tin có bộ đội đến, rủ nhau kéo về. Chúng tôi hỏi mua thóc gạo, bà con chỉ ra đong, bảo cứ đến chỗ ấy, chỗ nọ mà xúc. Bộ đội cứ việc gánh, còn định giá, trả tiền, đã có cán bộ cơ sở.
Chúng tôi trao tiền cho các đồng chí, cứ dặn đi dặn lại mãi:
- Đáng thế nào các đồng chí liệu mà trả. Dân càng tốt, bộ đội càng phải sòng phẳng, chớ có để cho ai thiệt, dù chỉ là một đồng hay một hào...
Chỉ trong một ngày, ta đã huy động được hàng trăm tấn thóc. Cái gay bây giờ là làm thế nào cho ra gạo. Bà con địa phương cứ quen ăn đến đâu, giã đến đó. Mỗi nhà có mỗi cái cối con con với mấy cái chầy tay. Giỏi lắm cũng chỉ có cái cối nước cót ca cót két suốt ngày mới được mẻ gạo. Với những loại công cụ thô sơ như vậy, làm sao bảo đảm được đủ gạo ăn cho bộ đội bây giờ?
Tôi về bàn với anh X.:
- Gạo không có, nhưng thóc thì huy động được nhiều đấy... Bây giờ phải nghĩ cách làm thế nào mà xay, giã hả anh?
Anh X. sốt sắng:
- Được thóc là quý rồi. Còn xay, giã các anh cứ để đấy chúng tôi bảo đảm cho. Bộ đội ta làm được hết...
Quả nhiên, khi tôi ở chỗ các đồng chí cán bộ địa phương về đã thấy nơi thì anh em đang vác dao vào rừng chặt cây, đẵn tre, nơi thì đang cưa gỗ xoèn xoẹt. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy các đơn vị đóng xong cối xay, cối giã, lại đan được cả giần, sàng, nong, nia nữa...

Cối xay gạo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cối xay gạo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bộ đội thì mấy khi được ăn gạo mới, lại tự tay mình làm lấy nên đơn vị nào cũng giã trắng xanh lên. Xôi đồ chín dỡ ra thơm phưng phức mấy gian nhà, chẳng thịt, chẳng cá cũng đã thấy ngon rồi.
Mấy hôm sau, anh Từ Giấy đi với một cánh quân truy kích địch từ trước, vòng về báo cáo tình hình.
Bác sĩ quân y nhìn mâm xôi, có ý kiến ngay:
- Gạo giã thế này thì mất hết cám!
Tôi đến, anh Từ Giây lại kỳ kèo anh Nĩu:
- Gạo trắng để được lâu. Nhưng ta có yêu cầu để lâu đâu.
Giã trắng quá thì hao, lại thiếu vitamin, nhỡ bộ đội làm sao thì ảnh hưởng đến chiến đấu to.
Anh Nĩu cười trừ:
- Khốn chết một nỗi là đơn vị nào cũng ưng thế kia... Mà thóc thì đã giao cho anh em rồi.
Anh Từ Giấy vẫn không chịu:
- Thế thì phải quy định. Chỉ được giã tám trăm hay nhiều lắm là nghìn chầy thôi.
Tôi nghe nói phải, hôm sau ra quy định luôn. Và bộ đội cũng chấp hành ngay. Bấy giờ, đồng chí nào cũng lo, nếu vì một lý do gì mà không được tiếp tục chiến đấu trên chiến trường này thì thật ân hận.
Ngoài thóc ra, dân còn đem lợn, rau đến bán cho chúng tôi, muốn mua mấy cũng có. Mà lợn ở vùng này thì tuyệt! Con nào cũng một tạ trở lên, lông mượt bóng, khổ mỡ dày có đến hàng tấc nhưng thịt ăn lại không ngấy. Thành thử, ăn ở đây còn tươi gấp mấy lần trong Điện Biên.
Thế nhưng đó mới là ăn. Ăn ngon mà để bộ đội bệnh tật thì cũng hóa như không. Cho nên, ngay khi vừa lên đường, đang tối mắt tối mũi chạy gạo, tôi vẫn không quên nắm tình hình vệ sinh phòng bệnh. Được cái công việc này, anh Từ Giấy làm đã lâu, rất quen, nên tôi cũng yên tâm.
Anh Từ Giấy nói:
- Phấn khởi lắm anh Bình ạ. Bộ đội ta truy kích dài ngày như thế mà hầu như không có ai tụt lại sau phải thu dung. Nền nếp ăn tốt, đi tốt, ngủ tốt, ta hành quân khẩn trương là thế, mà vẫn giữ được rất vững. Tôi nhớ có một buổi trưa, nắng to lắm, người nào cũng khát khô cả cổ. Thế mà khi bộ đội qua sông, tôi để ý nhìn, không thấy đồng chí nào uống nước lã cả. Mới hay ý thức giữ gìn sức khỏe để chiến đấu của bộ đội ta tốt lắm.

Không quản ngày đêm, dân công chuyển tải lương thực bằng đôi chân ra mặt trận. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Không quản ngày đêm, dân công chuyển tải lương thực bằng đôi chân ra mặt trận. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
(Sau này anh Từ Giấy còn kể cho tôi nghe một mẩu chuyện khá thú vị như sau:
... Trong hội nghị của Ủy ban liên hiệp đình chiến họp ở Trung Giã, một tên quan tư thầy thuốc ở Điện Biên hỏi anh Từ Giấy thế này:
- Tôi rất lấy làm lạ là tại sao sống kham khổ hàng mấy tháng ròng như thế mà các anh vẫn giữ vững được quân số. Trong những ngày chúng tôi bị bao vây, chúng tôi vẫn nuôi một hy vọng sẽ có một trận dịch lớn lan ra cho các đơn vị ông Võ Nguyên Giáp. Và như thế thì sẽ cứu chúng tôi. Anh nhớ là tôi ở Đông Dương này hai mươi năm rồi nhé. Tôi biết người Việt Nam lắm. Muốn họ đi tiêm chủng, phải có culít đến tận nhà bắt đi...
Anh Từ Giấy nghe nó nói chỉ nhếch mép cười, về anh có viết một bài báo, trong đó có nhắc đến công tác vệ sinh phòng bệnh chúng tôi tiến hành trong các đơn vị đang làm nhiệm vụ truy kích ở phía này).
Còn về thương binh thì bấy giờ chúng tôi không gặp khó khăn mấy. Địch đang mất tinh thần, chạm phải ta là cắm cổ chạy. Thương binh rất ít. Bà con địa phương đầy lòng yêu thương, quý mến bộ đội, đã giúp quân y rửa ráy, nâng giấc cho thương binh không nề hà gì cả.
Bộ đội ta truy kích ngày càng gấp rút. Việc tiếp tế gạo cho bộ đội gặp nhiều khó khăn. Bộ phận anh Nĩu phân tán đi theo các mũi gần hết. Địch chạy trước, nên khi ta đến thì dân đã chạy hết hoặc nếu có ở nhà thì cũng đã bị cướp bóc sạch. Tình hình gay go như thế, giá không có các cán bộ địa phương đi theo giúp đỡ thì thật lôi thôi to. Bộ đội dừng lại trú quân là cán bộ cơ sở vội vã đi tìm dân ngay, họp dân lại, giải thích những yêu cầu và những chính sách cụ thể. Cuối cùng, dân hiểu, lại dẫn ta vào rừng lấy thóc về.

Từng đoàn xe thồ, từng đoàn dân công vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Từng đoàn xe thồ, từng đoàn dân công vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Để đỡ vất vả cho các đồng chí cán bộ cơ sở, tôi bàn với anh Nĩu chia nhỏ bộ phận cung cấp ra làm nhiều tốp. Tốp thứ nhất theo đơn vị đi đầu, đến nơi, huy động được gạo, tổ chức phát luôn, nếu còn thừa thì giao lại cho tốp sau. Tốp sau phát còn thừa thì tổ chức chuyển đi theo. Cứ thế...
Nhưng cũng có hôm qua bản nào cũng thấy vừa bị đốt hết.
Đang chưa biết tính sao thì lại thấy dân ở các bản xung quanh, có khi cách hàng ngày đường, cũng đưa gạo, đánh hàng đàn bò đến tiếp tế cho bộ đội. Chúng tôi lại phải nói mãi bà con mới nhận tiền.
... Thế là những lực lượng địch thập thò ở phía tây đã bị quét sạch. Điện Biên hoàn toàn bị cô lập, đứng chơ vơ như một hòn đảo nhỏ giữa đại dương hậu phương mênh mông của ta. Bộ đội anh X. nhận được lệnh trở về nhận nhiệm vụ mới.
Chuyến đi này cũng rất vất vả nhưng không lo đói nữa (trước khi lui quân, chúng tôi còn thừa hàng chục tấn gạo giao lại cho địa phương).
Đoàn chúng tôi khi về lại có thêm anh Từ Giấy, một tay kể chuyện có duyên và lặn cũng tài. Hôm nào, hết cái ăn, lại dừng lại tìm chỗ kiếm cá. Tôi lóng ngóng chỉ tóm được những con gần bờ thôi. Còn dưới sâu lại phải đến tay anh Từ Giấy. Bác sĩ chỉ ngụp mấy hơi là đã tóm được hàng yến cá rồi.
Một hôm, đi qua một cái bản cheo leo trên sườn núi có khoảng vài ba chục nóc nhà. Anh Nĩu nhận ra, bảo:
- Tôi nhớ rồi... Lần trước ta đi qua đây, dân trông thấy bộ đội chạy hết. Chả biết lần này thì thế nào...
Nói chưa dứt thì chợt có tiếng người kêu rên từ giữa bản vẳng ra. “Dân có nhà”. - Tôi nghĩ thế.

Diễn biến chiến sự tại cứ điểm Him Lam, trận mở đầu ngày 13/3/1954 (từ 17 giờ đến 23 giờ 30 phút). Ảnh: Sách Sách Điện Biên Phủ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB Chính trị quốc gia, 2004
Diễn biến chiến sự tại cứ điểm Him Lam, trận mở đầu ngày 13/3/1954 (từ 17 giờ đến 23 giờ 30 phút). Ảnh: Sách Sách Điện Biên Phủ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB Chính trị quốc gia, 2004
Đến đầu bản, gặp một cụ già. Xem ý, ông cụ đứng đó chờ chúng tôi đã lâu, có lẽ đã trông thấy chúng tôi khi còn ở dưới chân núi.
Lát sau, chúng tôi theo ông cụ bước lên một căn nhà sàn lụp xụp. Một người đàn ông nằm mọp trên sạp, hai tay ôm lấy chân rên rỉ, thỉnh thoảng lại kêu thét lên.
Anh Từ Giấy nói:
- Anh ta lên bắp chuối. Phải chích. Thế nhưng đồng chí phẫu thuật lại đi với bộ đội mất rồi... Còn ta thì lại đang phải đi gấp...
Tôi hỏi:
- Anh có dụng cụ gì không?
- Dụng cụ không đủ nhưng dùng tạm cũng được.
Tôi giục:
- Thế thì chích cho anh ấy đi. Xong, anh em mình chịu khó rảo bước hơn một chút vậy.
Nửa giờ sau, được băng bó xong, anh ấy thiêm thiêp nằm yên. Còn ờ dưới sân thì dân bản kéo đến đông lắm, người mang trứng, người mang mía. Bà con đi theo chúng tôi lên đỉnh dốc, lưu luyến mãi mới chịu chia tay, mang quà trở lại.
Về đến gần Điện Biên, đã thấy quang cảnh đổi khác. Đường ô tô đã vươn vào được đến tận đây, to và bề thế lắm. Hôm đó, có sương mù nên mãi đến chín, mười giờ, ôtô vẫn kìn kìn chở gạo, chở đạn vào. Dân công, bộ đội thì cứ đi lại như mắc cửi, xế lên trên ít nữa bản nào cũng có vườn rau mới trồng để cung cấp cho bộ đội
- 'Chu đáo quá, Quy mô quá!” - Tôi thầm lẩm nhẩm như vậy, vừa nhớ lại chuyện thiếu axít và những lời đồng chí chủ nhiệm cung cấp nói lúc chia tay. Xem ý ra công tác chuẩn bị đã sắp kết thúc” - Tôi đoán thầm. Quả nhiên, chỉ mấy hôm sau tiếng súng tấn công Him Lam, Độc Lập - hai cánh cửa của Điện Biên Phủ, đã nổ ran, mở màn cho chiến dịch đại thắng của quân dân ta.

THIẾU TƯỚNG NGUYỄN THANH BÌNH (Hoàng Hà ghi)
Nguồn: "Sách Điện Biên Phủ - Trận thắng thế kỷ", (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2004) - trang 383
Ảnh: TTXVN
Trình bày: DUY LONG