Theo Cục Thống kê, Bộ Tài chính, quý I năm 2025, tăng trưởng kinh tế đạt 6,93%, phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức từ tình hình trong nước và thế giới. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương về kết quả kinh tế quý I và những giải pháp đặt ra để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trong năm 2025.

Phóng viên: Thưa Cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương, theo số liệu vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước GDP quý I/2025 ước đạt 6,93%. Xin bà cho biết bối cảnh, ý nghĩa của con số này trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm?

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 tăng 6,93%, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; Khu vực dịch vụ tăng 7,70%, đóng góp 53,74%.

 Kết quả trên là thành quả ban đầu của những nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ, sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi của các cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương thông báo số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý I/2025. Ảnh: QUỲNH TRANG

Cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương thông báo số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý I/2025. Ảnh: QUỲNH TRANG

Tăng trưởng quý I đã khẳng định đà phục hồi, phát triển của nền kinh tế, là minh chứng cho sự linh hoạt, khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế-chính trị toàn cầu có nhiều biến động khó lường.

Kết quả tăng trưởng ổn định và ở mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới cùng với sự ổn định chính trị đã tạo tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư, từ đó thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh kết quả tích cực đạt được, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức từ tình hình thế giới và trong nước.

Mặc dù nền kinh tế đạt tăng trưởng khá cao trong quý I nhưng kết quả này chưa đạt mục tiêu như kịch bản đề ra do vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cản trở sự phát triển của các ngành, lĩnh vực; cần phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành, lĩnh vực trong các quý tiếp theo.

Bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới vẫn đang tạo nhiều áp lực về chuỗi cung ứng, thị trường, giá cả, lạm phát, cạnh tranh. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do các yếu tố như xung đột địa chính trị, đại dịch và biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục gây ra những thách thức, lạm phát ở các nước tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, gia tăng áp lực lên giá cả trong nước, đặc biệt là giá năng lượng và nguyên vật liệu.

 Việc Mỹ áp dụng thuế đối ứng 46% đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu, giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và về lâu dài có thể dẫn tới dòng chuyển dịch vốn của các doanh nghiệp FDI sang các quốc gia khác trong thời gian tới.

Đầu tư công được thúc đẩy tích cực trong quý I so cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa có sự bứt phá mạnh, nhìn chung tiến độ vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao.

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng mới do thiếu thông tin thị trường, khả năng tiếp thị và quảng bá sản phẩm. Thị trường toàn cầu đang biến động mạnh mẽ, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong dự báo và thích ứng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước chưa cao.

Áp lực lạm phát do nhiều yếu tố như xung đột quân sự ở một số nước leo thang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, giá nguyên vật liệu trong nước có thể tăng theo giá thế giới, chi phí vận chuyển gia tăng.

Từ kết quả tích cực đạt được trong quý I, trước các khó khăn, thách thức, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong các quý còn lại của năm để đạt được mức tăng trưởng tốt hơn trong các quý tiếp theo nhằm đạt được kết quả cả năm như mục tiêu đã đề ra.

Từ kết quả tích cực đạt được trong quý I, trước các khó khăn, thách thức, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong các quý còn lại của năm để đạt được mức tăng trưởng tốt hơn trong các quý tiếp theo nhằm đạt được kết quả cả năm như mục tiêu đã đề ra.
Cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương

Phóng viên: Các động lực tăng trưởng chính như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, có tác động như thế nào đến tăng trưởng quý I của Việt Nam, thưa Bà?

Các động lực tăng trưởng chính như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu,... đang có tác động theo nhiều chiều, nhưng nhìn chung đều góp phần tích cực vào mức tăng trưởng 6,93% của GDP quý I/2025.

Tiêu dùng trong nước tăng khá đạt 7,45%. Mặc dù sức mua nội địa chưa hồi phục hoàn toàn nhưng quý I năm nay có Tết nguyên đán và các lễ hội xuân nên nhu cầu nội địa cũng được bù đắp từ du lịch của người dân và du khách quốc tế đến Việt Nam. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quy I/2025 ước đạt 1.708,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 6 triệu lượt khách, là mức cao nhất của một quý từ trước đến nay và tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2025 tiếp tục được cải thiện hơn với mức 8,3 triệu đồng, tăng 131 nghìn đồng so với quý trước và tăng 720 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tăng nên kỳ vọng tiêu dùng của hộ gia đình sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2025 theo giá hiện hành ước đạt 666,5 nghìn tỷ, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó khu vực nhà nước tăng cao nhất đạt 13,7%; khu vực ngoài nhà nước tăng 5,5%; khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 9,3%. Tích lũy tài sản được hỗ trợ lớn từ đầu tư công và FDI.

Vốn đầu tư thực hiện từ Ngân sách Nhà nước so với kế hoạch đạt 13,5%, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; thu hút FDI đến ngày 31/3/2025 đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt có 401 lượt dự án đang ký điều chỉnh vốn đạt 5,16 tỷ USD, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 10,6%; kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tăng 21,7% nhưng tốc độ tăng trị giá nhập khẩu hàng hóa vẫn cao hơn xuất khẩu và cán cân dịch vụ thâm hụt 1,64 tỷ USD.

Quý I/2025, Việt Nam tiếp tục xuất siêu hàng hóa 3,16 tỷ USD. Các sản phẩm xuất khẩu tăng mạnh như: mặt hàng điện tử máy tính và linh kiện, sản phẩm từ sắt thép, cà phê, cao su, hồ tiêu, hàng dệt may.

Mặc dù quý I/2025 Việt Nam vẫn đạt xuất siêu nhưng nguy cơ nhập siêu vẫn cao khi tốc độ tăng nhập khẩu hàng hóa luôn cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa và nhập siêu dịch vụ gia tăng trong 3 năm trở lại đây. Mặt khác, Mỹ áp thuế đối ứng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lên đến 46% sẽ làm trầm trọng thêm cán cân thương mại của Việt Nam trong thời gian tới.

Nhìn chung, tăng trưởng quý I năm 2025 chủ yếu vẫn dựa vào sức cầu còn yếu nên chưa thể bật mạnh như kỳ vọng phấn đấu đạt đạt 7,7% của kịch bản quý I theo Nghị quyết 01 (kịch bản cả năm 2025 tăng 8%).

Đầu tư công được nỗ lực giải ngân nhưng vẫn còn độ trễ lớn để hình thành tài sản cho sản xuất.

Cán cân thương mại hàng hóa thiếu chắc chắn do phụ thuộc nhiều vào Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ áp dụng thuế đối ứng 46% đối với 90% hàng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ khiến cán cân thương mại càng trở nên bấp bênh.

Cán cân dịch vụ vẫn nhập siêu cao chủ yếu do thâm hụt dịch vụ bảo hiểm và vận tải.

Phóng viên: Bên cạnh đó, những yếu tố nào của kinh tế đang chững lại hoặc suy giảm; gây tác động giảm đến GDP quý I, thưa Bà?

Bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế cũng đang phải đối mặt với những khó khăn ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng trong quý I.

Về góc độ sản xuất, sản xuất công nghiệp ở nhiều ngành, nhiều địa phương gặp khó khăn do số lượng đơn hàng mới giảm, hàng Việt Nam bị cạnh tranh mạnh, thiếu nguyên vật liệu, giá nguyên vật liệu đầu vào biến động ở mức cao…

Chi phí sản xuất trong nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới ở mức cao

Chi phí sản xuất trong nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới ở mức cao

Chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp trọng điểm giảm như: Sản xuất đồ uống (-0,7%); Sản xuất sản phẩm thuốc lá (-0,4%); Sản xuất thiết bị điện (-1,1%); Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (-9,6%)…

Chi phí sản xuất trong nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới ở mức cao; chi phí logistics và chi phí vận tải tăng, tỷ giá USD/VNĐ biến động theo xu hướng tăng; chi phí tuyển dụng lao động và đào tạo có thể tăng do nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng cao đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh về lao động; lãi suất vay vốn vẫn ở mức cao với nhiều điều kiện ràng buộc.

Kinh tế của một số nước đối tác chính của Việt Nam tiếp tục khó khăn, gặp nhiều rủi ro, thách thức như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc.

Về góc độ sử dụng, nhu cầu trong nước còn thấp, sức mua tuy đã gia tăng nhưng chưa đạt kỳ vọng. Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn ghi nhận mức tăng khá 9,9%, nhưng riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng chậm hơn (8,8%), cho thấy nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu và lâu bền vẫn còn dè dặt.

Xu hướng này phản ánh tâm lý tiết kiệm, thận trọng trong chi tiêu của người dân trước những bất ổn về kinh tế toàn cầu và thu nhập trong nước chưa phục hồi mạnh.

Một số mặt hàng có dấu hiệu chững lại: doanh thu nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình chỉ tăng 6,3%; nhóm phương tiện đi lại (trừ ô tô) chỉ tăng 1,7%​.

Nhu cầu thế giới còn ở mức khiêm tốn và có sự phân hóa giữa các khu vực. Nhu cầu ở các nước đối tác thương mại lớn với Việt Nam tăng chậm.

Tích lũy tài sản tăng khá nhưng tích lũy tài sản lưu động lại tăng rất cao, trên 15% do chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/3 tăng 5,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 15,1% so cùng thời điểm năm trước (cao hơn so với thời điểm 31/3/2024 tăng 14,1%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân quý I/2025 là 90% (cùng kỳ năm trước là 68,7%). Tỷ lệ tồn kho ở mức cao như vậy cũng là dấu hiệu báo động đối với luân chuyển dòng tiền trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn đầu tư công cũng chậm so với dự kiến, nhất là trong bối cảnh sáp nhập các Bộ ngành, địa phương thì việc trì hoãn giải ngân lại càng gia tăng, đặc biệt đối với các dự án liên quan đến chuyển đổi số, công nghệ cao nên việc thẩm định thường sẽ dài và khó khăn hơn cho tiến độ giải ngân.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân quý I/2025 là 90% (cùng kỳ năm trước là 68,7%). Tỷ lệ tồn kho ở mức cao như vậy cũng là dấu hiệu báo động đối với luân chuyển dòng tiền trong nền kinh tế.

Phóng viên: Quý I năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp có mức tăng ấn tượng với 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Bà có bình luận gì về chỉ số này?

Tiếp đà tăng trưởng từ năm 2024, sản xuất công nghiệp quý I năm 2025 tăng trưởng khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2025 ước tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 5,9%).

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp trong nước có xu hướng tích cực, tăng trưởng cao trong bối cảnh cạnh tranh thương mại toàn cầu giữa các nước lớn về thuế xuất, xuất nhập khẩu,... Sản xuất công nghiệp Quý I năm 2025 có bước phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong giai đoạn 2020-2025.

Có 3/4 số ngành công nghiệp cấp 1 tăng so với cùng kỳ năm trước (trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%); riêng ngành khai khoáng giảm do kế hoạch khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm hàng năm.

Có 59/63 (chiếm 93,7%) tỉnh, thành phố trong cả nước có chỉ số sản xuất công nghiệp Quý I/2025 tăng so cùng kỳ năm 2024 và có 04/63 (chiếm 6,3%)  tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm.

Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2025 tăng cao so cùng kỳ năm trước như: Sản xuất xe có động cơ tăng 36,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,1%; sản xuất trang phục tăng 14,6%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 12,9%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 12,7%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 11,8%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 11%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 10,6%; … Tuy nhiên, một số ngành sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất thiết bị điện giảm 1,1%; sản xuất đồ uống giảm 0,7%; sản xuất thuốc lá giảm 0,4%.

Ngành sản xuất và phân phối điện quý I/2025 tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 12,7%) nhưng nhìn chung ngành điện đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của dân cư.

Phóng viên: Quý II và những tháng tiếp theo của năm 2025 sẽ cần phải tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào để đạt tăng trưởng từ 8% trở lên theo mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra, thưa Bà?

Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, kinh tế quý I/2025 đạt mức tăng trưởng 6,93%. Đây là mức tăng trưởng rất tích cực, thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trước những biến động nhanh, bất thường của khu vực và trên thế giới.

Các chỉ tiêu thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá; khách quốc tế đến nước ta đạt mức tăng cao.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với mức tăng trưởng ổn định, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và tăng cường xuất khẩu; sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước; an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện hiệu quả.

Cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân. Ảnh: QUỲNH TRANG

Cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân. Ảnh: QUỲNH TRANG

Bước sang quý II/2025, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo.

Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% của năm 2025 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. Các ngành, các cấp tăng cường cập nhật, dự báo tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 cần thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ.

Trước hết, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế; liên tục cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế; có các giải pháp điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế. 

Cùng với đó, bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.

Triển khai thực hiện mạnh mẽ các quy hoạch tỉnh, vùng, ngành tạo động lực, năng lực mới cho phát triển kinh tế.

Xác định các dự án có khả năng hấp thụ vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có tác động lan tỏa; phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài. Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước một số lĩnh vực công nghệ cao, mới nổi như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số.

Mặt khác, cần đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước.

Thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử; thúc đẩy kết nối giữa nhà sản xuất trong nước và các kênh phân phối hiện đại để mở rộng tiêu thụ sản phẩm nội địa trên cả nước; có các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất... để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến nhiều hơn.

Tiếp theo nữa, cần tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu.

Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết.

Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ kiện chống bán phá giá; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu.

Cuối cùng, nhấn mạnh đến việc thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, mô hình kinh doanh mới.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ; thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, ưu tiên tập trung vào một số ngành như bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, logistics.

Có các chính sách đột phá thu hút các chuyên gia, nhất là các chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài làm việc và phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.

 Phóng viên: Trân trọng cám ơn ý kiến của Bà!

Chỉ đạo: KIM PHƯƠNG BÌNH
Ngày sản xuất: 7/4/2025
Thực hiện và trình bày:
KHÁNH BÁCH-QUỲNH TRANG-GIAI THANH-NHỊ HÀ
Ảnh: THÀNH ĐẠT