Năm 2022, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; trở thành điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn hơn khi kinh tế toàn cầu suy giảm.
Chuyên đề "Dự báo năm 2023" gồm chuỗi bài phỏng vấn lãnh đạo bộ, ngành, địa phương và chuyên gia các lĩnh vực, nhằm nhận diện thách thức, cơ hội, đồng thời gợi mở các giải pháp để Việt Nam tiếp tục vượt khó, bứt phá.

Năm 2023, quy mô vốn đầu tư công tiếp tục được bố trí tăng cao so năm trước cả về tỷ lệ và giá trị tuyệt đối, trong khi nhiều điểm nghẽn vẫn chưa được tháo gỡ, tạo điều kiện đẩy nhanh công tác giải ngân. Thực tế này đòi hỏi các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phải có tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao và trách nhiệm hơn nữa của mới có thể thực hiện thành công kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Phóng viên Báo Nhân Dân điện tử đã trao đổi với ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Vướng 1m đất cũng phải
rà soát lại cả dự án

Phóng viên: Là đầu mối quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá thế nào về kết quả thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Mặc dù còn một số vấn đề hạn chế nhưng nhìn chung, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư ngân sách năm 2022 đã đạt được kết quả khá tích cực.

Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đến ngày 31/12/2022 đạt 75,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 77,3%).

Nếu không tính 38.155,353 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội mới được Thủ tướng Chính phủ giao vào tháng 10/2022 thì ước tỷ lệ giải ngân đến hết 30/11/2022 đạt 80,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (541.891,481 tỷ đồng).

Xin lưu ý rằng đây là kết quả thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và một số năm gần đây nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất từ trước đến nay vì tổng vốn đầu tư kế hoạch giao năm 2022 tăng mạnh so những năm trước.

Phối cảnh Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Phối cảnh Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Nguồn vốn đầu tư công tiếp tục tập trung, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông quan trọng quốc gia và hạ tầng đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng nhằm hỗ trợ các vùng phát triển, tạo ra các khu vực và cực tăng trưởng mới.

Nhờ đó, một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng đã được đưa vào sử dụng như: đường cao tốc Bắc-Nam đoạn Cao Bồ-Mai Sơn, đoạn La Sơn-Túy Loan, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, Trung Lương-Mỹ Thuận, cầu Thủ Thiêm 2. Nhiều dự án lớn khác cũng đang phấn đấu cơ bản hoàn thành trong như: dự án 361km đường cao tốc Bắc-Nam (Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây) hoặc khởi công xây dựng như: dự án sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, sân bay Phan Thiết...

Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn có tổng chiều dài 15,2km nối từ Nam Định-Ninh Bình.

Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn có tổng chiều dài 15,2km nối từ Nam Định-Ninh Bình.

Tuyến đường cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn.

Tuyến đường cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành đoạn cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành đoạn cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn.

Item 1 of 3

Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn có tổng chiều dài 15,2km nối từ Nam Định-Ninh Bình.

Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn có tổng chiều dài 15,2km nối từ Nam Định-Ninh Bình.

Tuyến đường cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn.

Tuyến đường cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành đoạn cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành đoạn cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn.

Phóng viên: Mặc dù có những kết quả khả tích cực nhưng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Theo ông, đâu là nguyên nhân cơ bản nhất?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Kế hoạch đầu tư công năm 2022 thực hiện trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhiều thay đổi nhanh, mạnh cùng những yếu tố mới xuất hiện, nằm ngoài dự báo. Đây cũng là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nên cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Bên cạnh đó, tổng số vốn cần giải ngân của năm 2022 khá lớn, tăng 26% (120 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2021 và cũng là năm chịu tác động của nhiều yếu tố từ bên ngoài dẫn tới giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế... tăng cao.

Về nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó có những nguyên nhân tồn tại trong nhiều năm, có nguyên nhân mang tính đặc thù của từng năm kế hoạch. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo, tổng hợp ba nhóm nguyên nhân chủ yếu. Đó là nhóm nguyên nhân từ thể chế, chính sách pháp luật; nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện; và nhóm khó khăn liên quan đến những đặc thù của năm 2022.

Có thể thấy hoạt động đầu tư công không chỉ gặp vướng mắc ở luật chuyên ngành nữa mà hiện nay còn vướng mắc ở nhiều chính sách pháp luật liên quan với 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các Nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 7 lĩnh vực gồm: đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công.

Thí dụ như liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhiều dự án hạ tầng đang chậm tiến độ vì pháp luật chưa quy định rõ thẩm quyền bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đi qua hai địa phương, trong khi nhu cầu triển khai các dự án liên vùng để liên thương giữa các địa phương là rất lớn.

Hay trong lĩnh vực môi trường, việc yêu cầu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với tất cả các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa dù là 1m2 cũng cần rà soát lại, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ nhiều dự án.

Với nhiều tiêu chí, quy định chặt chẽ, việc lựa chọn nhà thầu cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 sẽ bảo đảm năng lực thi công để dự án về đích đúng tiến độ.

Với nhiều tiêu chí, quy định chặt chẽ, việc lựa chọn nhà thầu cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 sẽ bảo đảm năng lực thi công để dự án về đích đúng tiến độ.

Nhà thầu thi công một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông.

Nhà thầu thi công một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông.

Nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông.

Nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông.

Nhiều dự án cao tốc Bắc-Nam đã được các đơn vị thi công đăng ký rút ngắn thời gian hoàn thành.

Nhiều dự án cao tốc Bắc-Nam đã được các đơn vị thi công đăng ký rút ngắn thời gian hoàn thành.

Phóng viên: Gần đây nổi lên tình trạng nhiều địa phương xin trả lại vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA vì không thể giải ngân được, trong khi có rất ít địa phương xin bổ sung vốn. Điều này ảnh hưởng thế nào đến hoạt động đầu tư công trong cả nước, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Đúng là từ năm 2020 đến nay đã xuất hiện tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương có văn bản đề nghị “trả lại” kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương, nhất là vốn ODA do không giải ngân được và xu hướng này ngày càng gia tăng, lê đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo quy định, không có khái niệm “trả lại” kế hoạch vốn mà thực chất đây là quy trình điều chỉnh kế hoạch vốn hằng năm theo quy định của Luật Đầu tư công. Để thực hiện được việc điều chỉnh kế hoạch vốn thì phải có nơi đề xuất tăng thêm, có nơi đề xuất giảm để không làm thay đổi tổng mức vốn kế hoạch hằng năm đã được Quốc hội thông qua. 

Nhưng trong thực tế thường chỉ có xin giảm vốn, rất ít nơi đề xuất tăng vốn. Thực trạng này cho thấy còn có những điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư công chưa được giải quyết hiệu quả và sẽ tác động không chỉ tới công tác lập kế hoạch mà còn tác động tới khả năng hoàn thành dự án, kéo dài thời gian, chậm tiến độ, không phát huy hiệu quả đầu tư, lãng phí cơ hội và nguồn lực....

Việc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất ‘trả lại’ kế hoạch là không thực hiện nghiêm chỉ tiêu pháp lệnh của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng như có thể làm ảnh hưởng đến mục tiêu của Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm được Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét đề xuất giải pháp cho vấn đề này.

Cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Cần xác định là nhiệm vụ
ưu tiên hàng đầu

Phóng viên: Với những vướng mắc như vậy thì liệu chúng ta có khả năng “tiêu” hết nguồn vốn rất lớn được Quốc hội, Chính phủ giao trong năm 2023?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ có thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các bộ, ngành, địa phương, góp phần phát triển nhanh và bền vững.

Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng. Đây là tổng mức đầu tư rất lớn, tăng khoảng 140 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 25%) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021.

Đây cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Như vậy có thể thấy khối lượng công việc rất lớn trong khi hoạt động đầu tư công vẫn còn nhiều hạn chế đã tồn tại từ lâu, chưa xử lý được trong thời gian ngắn như công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực Ban Quản lý dự án, nhà thầu…

Phóng viên: Nguyên nhân thì có nhiều nhưng theo ông, đâu là vấn đề căn cơ nhất để có thể đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng như kỳ vọng?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Như tôi đã phân tích, đây là năm thách thức với hoạt động đầu tư công vì nhiệm vụ phải giải ngân rất lớn, lại đặt trong bối cảnh độ trễ của lạm phát thế giới sẽ phản ánh vào tình hình kinh tế trong nước với những biến động khó lường về giá cả năng lượng, nguyên, vật liệu thiết yếu của ngành xây dựng.

Với khó khăn và bối cảnh đó, để đạt mục tiêu thúc đẩy giải ngân cần đặt trọng tâm một số điểm để có giải pháp tổng thể chứ khó có thể chọn được một điểm đột phá. Yêu cầu đầu tiên là phải xác định đầu tư công là ưu tiên hàng đầu để nhất quán trong công tác điều hành.

Kinh nghiệm cho thấy, cùng một hệ thống thể chế, chính sách pháp luật ở đâu có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của những người đứng đầu và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành liên quan thì ở đó tiến độ giải ngân sẽ đạt cao.

Yếu tố quan trọng khác là giữ bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng để đẩy mạnh các hoạt động của nền kinh tế, trong đó có đầu tư công. Có như vậy doanh nghiệp, nhà thầu mới có niềm tin thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, trong đó có những dự án quan trọng của đất nước. Giải pháp mang tính chất căn cơ cần thực hiện là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công.

Trước hết là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022 như đã nêu ở trên nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, có nhiều yếu tố tác động đến đầu vào của hoạt động đầu tư công.

Về phía các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công.

Đây là khối lượng công việc rất lớn, cần có sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngày xuất bản: 6/1/2023
Chỉ đạo: Ngọc Thanh - Việt Anh
Thực hiện: Tô Hà - Khánh Giang
Trình bày: Ngô Hương